"Hậu con người" và Đạo Phật

hau

“HẬU CON NGƯỜI” VÀ ĐẠO PHẬT

24.12.2015

Đặng Công Hanh

…Ta là ai mà trần gian thế

Ta là ai mà yêu quá cõi đời này

(Trịnh Công Sơn)

  • Nhân bản vô tính

Do hoạt động đầy tính khinh xuất, con người đã làm biến đổi trầm trọng môi trường con người. Đó là tầng ozon, nằm ở độ cao khoảng 50km trên bề mặt Trái đất, ở tầng bình lưu của khí quyển, đã bị “xé rách”. Năm 1986. giới khoa học gọi tên là “lỗ thủng tầng ozon” và họ phát hiện ra nguyên nhân của sự xé rách này chính lại là hoạt động của con người. Nghị định thư Montréal đã được ký kết năm 1987, theo đó con người cam kết giảm dần việc sử dụng chất chlorofluorocarbon và các sản phẩm khác có tác dụng phá hủy tầng ozon.

Từ năm 1995, giới khoa học quan sát thấy có một sự giảm sụt các chất độc hại nói trên nhưng theo quan sát của tàu thăm dò Earth Probe chụp ảnh ngày 24/9/2002 thì mất vài thập kỷ nữa thì lỗ thủng tầng ozon mới có thể lấp đầy. Đến nay, năm 2015 đã có hội nghị toàn cầu tại Pháp, gần hai trăm nước đã có một sự cam kết lịch sử đầy quyết tâm về vấn đề biến đổi khí hậu.

Thế nhưng, một vấn đề mang nhiều tiềm ẩn, đặc biệt nguy hiểm hơn với hành tinh của chúng ta, đó là con người đang phát triển các công nghệ sẽ làm thay đổi không chỉ thay đổi mối quan hệ giữa con người với phần còn lại của tự nhiên, mà còn làm thay đổi chính ý nghĩa của khái niệm “con người”.

Ngành công nghệ sinh học trong thế kỷ 21 đã lên ngôi, đang đứng trước một quá trình phát triển kỳ diệu. Con người có khả năng làm thay đổi cả quá trình tiến hóa của sự sống. Công nghệ gen cho phép con người tạo ra các sinh vật theo ý muốn bằng cách ghép các gen theo những tổ hợp đa dạng nhất. Ban đầu họ thực hiện trên các vi khuẩn, cây cối và động vật, thì nay đang quá trình là trên chính đồng loại của mình. Như vậy sắp tạo ra một “hậu con người” trong tương lai.

Con người hiện nay đang có khả năng đầy tham vọng là nhân bản vô tính động vật, có nghĩa là tạo ra các phiên bản sống gần giống như hoàn toàn về gen. “Nhân bản vô tính là thay thế nhân của trứng chưa được thụ tinh của một con vật bằng nhân tế bào lấy từ một bộ phận nào đó của cơ thể của một con vật khác mà người ta muốn nhân bản vô tính. Trứng được tạo ra như vậy chứa hai bộ nhiễm sắc thể khác nhau, như một trứng được thụ tinh bình thường. Nhưng có một sự khác biệt căn bản là các nhiễm sắc thể này không đến từ các tế bào bố – mẹ. Mỗi con cung cấp một bộ riêng, mà đều bắt nguồn từ tế bào của con vật cần nhân bản vô tính mà nhân tế bào của nó được sử dụng”. [1].

Như thế, con vật được sinh ra từ sự phát triển của trứng này trong bụng mẹ mang thai hộ sẽ là một bản sao gen của con vật đã cung cấp cho nó tế bào được cấy ghép.

Con vật được nhân bản đầu tiên thành công là con cừu cái Dolly được sáng tạo do nhà sinh học người Ireland là Wilmut làm việc tại Viện Edimbonrg. Cừu Dolly sinh ngày 5/7/1996 sau 277 lần thực nghiệm, nó chết ngày 14/1/2003 vì bệnh phổi không thể chữa trị được.

Giới khoa học cho rằng con người chưa chủ động được hoàn toàn kỹ thuật nhân bản vô tính. Tỷ lệ, thành công dao động từ 0,01 đến 0,1 nghĩa là với xác xuất khá bé hay sự thành công của nhân bản vô tính chỉ còn là ngoại lệ hơn là quy tắc.

Tuy vậy, sau khi việc giải mã đầy đủ bộ gen người (genom) được hoàn thành vào năm 2001. Lúc đó người ta nghĩ rằng đã tìm tất cả các chữ cái để đọc được cuốn sách về sự sống và vội vã cho rằng Genom là nguồn gốc của sự sống! Thế nên, một công ty tại Mỹ âm thầm nghiên cứu làm việc chủ yếu bên ngoài của tổ chức khoa học, họ thông báo đã thành công việc tạo phôi người nhân bản đầu tiên (human cloning). Với sự thành công này sẽ đưa đến một tương lai không xa niềm hy vọng tạo nên các tế bào gốc của con người. Nhưng Công ty đó, họ chưa bao giờ đưa ra những bằng chứng thuyết phục có thể được kiểm chứng độc lập bởi các nhà nghiên cứu khác.

Dù ở cấp độ thành công còn hiếm hoi, các cuộc tranh luận về nhân bản vô tính con người, xoay quanh các chủ điểm về lý do luân lý vào đạo đức hơn là lý do khoa học hay kỹ thuật. Vấn đề họ đặt ra là nhân bản vô tính với mục đích nào?

– Nếu đó là mục đích tái sinh, cho phép các cá nhân duy trì bản thân mình hoặc thay thế một người khác đã chết. Xét cho cùng mong muốn con người là trung tâm. Thật hãi hùng nếu thấy “bản sao” hình ảnh Hitler bằng xương bằng thịt hoặc chỉ hình dung về một con người bình thường thứ hai giống như “bản chính” như hai giọt nước.

– Nếu sử dụng phôi thai như nguồn các tế bào gốc (trước khi nó được phát triển thành một sinh vật nhân bản hoàn toàn) để có thể nuôi trong phòng thí nghiệm để được biệt hóa trong việc chữa bệnh như các tế bào da, gan hoặc não… Mỗi cá nhân khi cần sẽ được cung cấp nhờ nguồn dự trữ các tế bào tương thích và được cấp phép trong tương lai. Giải pháp này vẫn phải gặp phản ứng quyết liệt từ những quan niệm xem phôi người đã là “một con người đầy đủ”, rằng nó không phải là một ngân hàng các bộ phận rời và rằng sẽ là thất đức nếu sử dụng nó… [2].

Một số nhà tư tưởng còn dự đoán rằng không xa lắm, khoảng 2050, với sự kỳ diệu của ngành sinh học, con người có khả năng thay đổi theo ý thích mã gen của mình, thậm chí thay đổi cả bản chất “con người” mình để trở thành “hậu con người” , chẳng hạn, hậu con người sẽ cao hơn, đẹp hơn, mạnh mẽ và thông minh hơn… Có rất nhiều lý do để chống lại một tầm nhìn về tương lai như thế, ở đó con ngời hành xử tác động vào gen, chế tác nên một cơ thể hoàn thiện hơn, kéo dài tuổi thọ mãi mãi… Và bằng vào sự hoài nghi: làm thế nào xác định loại gen nào cho năng khiếu toán học, cho năng khiếu âm nhạc, năng khiếu nào cho vật lý… Hơn thế nữa, mỗi con người được tạo ra từ bẩm sinh (các gen di truyền của cha mẹ) và từ kinh nghiệm sống, từ môi trường văn hóa, xã hội, từ hoàn cảnh gia tộc… như quan niệm dân gian: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Liệu tham vọng muốn trường sinh bất tử, thì sự tồn tại như thế còn có ý nghĩa gì không? Tính người có mất đi chăng? Liệu “hậu con người” đó còn khả năng rung động, chia xẻ được những nỗi đau của trần thế…?

“… Trần gian hỡi? tôi đã về đây sống

Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than

Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng

Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thâm đen”.

(Bùi Giáng)

  • Đạo Phật nói gì?

“Này A Nan, ta đã nói, có Thức mới có Danh sắc. Nói như thế tức là: Nếu Thức không lọt vào lòng mẹ, thì trong bụng người mẹ đó có Danh sắc sinh ra không?”.

– Bạch Thế Tôn, không. [Trường Bộ Kinh]

Mặt khác, Khế kinh có dạy: “Danh sắc lấy thức làm duyên, Thức lấy danh sắc làm duyên, hai pháp này đắp đổi hỗ tương cho nhau, ví như bó rau hoạt động trong một sát – na”. [3].

Vậy trong đoạn kinh trên, ta thử phân tích để hiểu hai Thức. Thức nào duyên danh sắc và Danh sắc lại duyên Thức nào? Bởi vì trong danh sắc gồm có 5 uẩn: Sắc là sắc uẩn và danh là 4 uẩn còn lại gồm thọ, tưởng, hành và thức. Danh sách hiểu theo cơ bản là khối vật chất. Khối vật chất này của cha mẹ hình thành khi đang hòa hợp, đến lúc cực điểm thì thống xuất ra một bên chất đỏ và một bên chất trắng. Và lúc hai bên kết hợp lại thì Thức xuất hiện liền, Thức này được gọi “nghiệp thức“.

Trong chập thời gian ngắn ngủi đầu tiên hay sát-na đầu tiên xảy ra có sự hòa hợp giữa 2 cái gen; gen sinh học vật chất của cha – mẹ và gen di truyền tâm lý hay còn gọi là tâm thức di truyền mang tập khí của quá khứ tức là nghiệp của quá khứ đi đầu thai. Trong sát này gọi là sát na sinh hữu, và 5 thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) chưa có vào lúc này. Nơi đây khả năng suy luận con người bị chặn đứng ngay: Thức tái sinh gia nhập vào quá trình thai nhi là gì? Nghiệp lực của Thức tái sinh sẽ “lựa chọn” cha – mẹ và hoàn cảnh sống như thế nào để tham gai vào một cơ sở vật chất tức tinh cha huyết mẹ, trong trường hợp thông thường hoặc gen người được cấy vào trứng trường hợp nhân bản. Chỉ có những “bậc Thánh” qua thiên nhãn của mình mới thấy rõ ngọn nguồn như thế!.

Qua chập thời gian kế tiếp (sát-na kế tiếp), bắt đầu hình thành sự sống. Như vậy, khi 2 tế bào của nam và nữ kết hợp lại và có yếu tố nghiệp thứ ba chen vào nữa thì khối vật chất trở thành dị thục. Dị thục là kết quả của nghiệp, kết quả của nghiệp có 2 cái và nó bám vào vật chất mới trở thành dị thục, trong đó, nó có điều kiện để trở thành tai, mắt, mũi, lưỡi để thành con người… Đây là hình ảnh đầu tiên của dị thục mới và dị thục trước đã chìm xuống. [4].

Dị thục mới, mang 2 yếu tố là chấp trì và chấp thọ. Chấp trì để cho khối vật chất không bị rã. Chấp thọ để có cái khối vật chất trở thành sự sống. Không có cái dị thục, không cái chấp trì tức cái nghiệp thấy được chấp trì đó thì cái khối không thể thành chấp thọ. Lúc đó thai không đậu và sau đó nó sẽ thối ngay và phải trục ra nếu không sẽ chết trong thai nhi.

Ngược lại, thức phải có chỗ tựa, không chỗ tựa sẽ không có thức. Vì vậy thức phải tựa vào danh sắc hình thành, tức là lúc thai nhi tách ra thành một con người với đầy đủ cái căn, rồi căn tiếp xúc với cảnh bên ngoài thì thức bắt đầu hoạt động với đủ cả vui buồn, thiện ác, xuất hiện. Thức này gọi là thức duyên danh sắc và danh sức duyên thức. Từ giai đoạn này cho đến chết thì thức và danh sắc tồn tại đồng thời và tựa vào nhau không thể thiếu nhau. [5].

  • Thế thì thai nhi là ai?

Qua các khảo cứu đã nêu trên, đại thể có thể hiểu sơ sài: Nghiệp thức (thức tái sinh) là nguồn năng lực có tính cá thể và có đủ “nhân duyên” với cha mẹ, đợi thời điểm “thích hợp” mà tham gia vào thai nhi. Thức này, tức là năng lực sống mang tính cá thể, vốn tràn đầy trong đại thiên thế giới, nên ở đâu cũng có sự sống xuất hiện, nơi nào có đời sống là có sinh vật. Đạo Phật quan niệm rằng ở mỗi cấp bậc của sự sống đều có mang một thức tương ứng. Từ mỗi sinh vật, động vật, thực vật đến con người, thậm chí đến các loài mà mắt thường không thấy được đều có thức. Vì thế mà sinh vật có thiên hình vạn trạng đều sinh ra trong bốn dạng: loài sinh con, loài sinh trứng, loài sinh nơi ẩm ướt và loài hóa sinh. [6].

Đã vậy, thì cũng có những sinh vật được sinh ra từ phương pháp nhân bản, có thể đó là thú vật hay những tế bào có tác dụng chữa một loại căn bệnh hiểm nghèo nào đó. Đây là vấn đề còn bỏ ngõ (!).

Và rồi, một ngày nào đó, như giới khoa học dự đoán năm 2050, sẽ có thể có cả con người hoàn thiện qua nhân bản vô tính. Đó là con người bản sao, mà tinh cha – huyết mẹ được thay thế bằng bộ gen của người bản chính. Con người bản sao sẽ giống hệt với con người bản chính vì cùng có một bộ gen. Thế nhưng, con người bản sao mang theo nghiệp thức đi vào lòng mẹ và thức duyên danh sắc lúc hình thành thai nhi. Vậy người trả lời được thai nhi là ai? Thì họ mới nói được con người nhân bản (bản sao) là ai? Nhưng rõ ràng phải có một mối liên hệ về nghiệp với nhau? Vấn đề thuộc phạm trù “bất khả tư nghị” và ta cũng phải nhớ rằng với con cừu Dolly chỉ xuất hiện sau 277 lần làm thí nghiệm nhân bản với cùng một kỹ thuật rất tinh vi nghiêm ngặt.

 *

  *     *

Nhà văn Aldous Huxley năm 1932 viết cuốn “Thế giới tốt nhất trong các thế giới” (Le Meilleur des mondes) bằng năng lực tiên tri của mình, ông xây dựng nhân vật John de Sauvage nổi loạn chống lại ảo tưởng về một thế giới hoàn hảo gồm những con người “hoàn hảo”. Nhân vật nói: Tôi không muốn tiện nghi. Tôi muốn Chúa. Tôi muốn thơ ca. Tôi muốn nguy hiểm thật sự, muốn tự do, tôi muốn cái tốt, tôi muốn tội lỗi. Tôi đòi quyền được đau khổ” [7].

Làm một con người bình thường, tại sao không đồng cảm với nhân vật này trong tiểu thuyết của Aldous Huxley. Hơn nữa, trong kinh Phật nói rằng, chúng sinh là những kẻ thừa tự những gì mình đã làm. Tức là thừa kế cha, thừa kế mẹ, thừa kế những hành vi của chính mình trong quá khứ, đó là dị thục. Vì lẽ đó, trong quan điểm của đạo Phật việc sinh hạ người con là một điều kỳ diệu của nghiệp lực, không hề là một tình cờ. Thai nhi không hẳn do cha mẹ sinh ra mà phải nói là thông qua cơ sở vật chất là cha mẹ để đến với cõi ta bà này.

Cũng tình cảm như thế, ta ngả mũ kính chào tấm lòng chân thật đầy nhân hậu của cố tiên sinh Bùi Giáng, khi ông viết trong “Phụng Hiến”.

“Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại

Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu

Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi

Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu?

……………………………………………………….

Trần gian ơi! cánh bướm cánh chuồn chuồn

Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại

Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.

 *

  *     *

Tài liệu tham khảo

[1], [2], [3]: Trịnh Xuân Thuận: Nguồn gốc.

Nxb Trẻ, 2012

[3], [4], [5]: Tuệ Sỹ: Văn tuyển (tập I).

Nxb Hồng Đức, 2014

[6]: Kimura TaiKen: Tiểu Thừa – A Tỳ Đạt Ma

Hòa Thượng Quảng Độ dịch.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle