Phật giáo và đời sống tâm linh
phat giao
PHẬT GIÁO
VÀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH
Đặng Công Hanh
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
(Trịnh Công Sơn)
· Cuộc hành trình Giác ngộ
Vào lúc 7 tuổi,
tình cờ khi tham dự một buổi lễ Hạ điền, Thái tử Tất Đạt Đa chợt thấy con giun
bị con chim bới đất lên và nuốt sống. Bị ám ảnh bởi cảnh tượng này, Ngài liền
suy ngẫm đến mọi sự thật của cuộc đời - đến một thực tế không tránh khỏi là sự
tàn sát lẫn nhau vì sinh tồn trong chúng sinh, hẳn đây chính là cội nguồn của
khổ đau.
Trong một lần
khác, nhìn thấy một người già, một người bệnh và một xác chết, Ngài không khỏi
ray rứt bởi các cảnh tượng đó và đặt câu hỏi tại sao như vậy. Rõ ràng chính
Ngài cũng không tránh khỏi những hoàn cảnh như thế và quyết định bỏ cuộc đời trần
tục, phát triển ý thức xa lìa dục lạc phù phiếm của cuộc đời và thúc đẩy Ngài
theo đuổi một cuộc sống khổ hạnh để tìm chân lý tối hậu, dù cho Ngài đang sống
cuộc đời vương giả của thời đại lúc bấy giờ.
Ngài đã nhận thức
cái đau khổ gắn liền với cuộc sống của chúng hữu tình và biết rằng dù có thỏa
thích với các hương vị của ngũ dục đến đâu đi nữa, sau cùng, rồi cũng phải đối
mặt với một thực tế của lão, bệnh, tử. Hiểu được điều này và được khích lệ bởi
hình ảnh thong dong từ tốn của nhà tu sĩ thoáng cho Ngài hé thấy con đường giải
thoát, con đường an vui hạnh phúc. Bốn cảnh tượng nói trên đã thúc giục Ngài sớm
thoát ly thế tục bằng con đường xuất gia. Thái tử nhất định rời bỏ cung điện đền
đài để đi tìm chân lý, một cái gì thật sự An tịnh và Trường cửu.
Một câu chuyện kể
rằng Thái tử và người anh em họ Đề Bà Đạt Đa đang dạo chơi trong vườn ngự uyển
của hoàng cung, bất chợt Đề Bà Đạt Đa dương cung bắn rơi một con thiên nga,
Thái tử vội nhanh chân đến ôm con thiên nga bị thương trong tay, vuốt ve làm
cho con chim bớt đau đớn. Đây là thí dụ điển hình về sự bộc lộ lòng từ bi, một
quan niệm mà mục tiêu cao cả là quý trọng hạnh phúc và làm dịu đi nỗi đau
thương người khác.
Sau khi xuất
gia để đi tìm chân lý tối thượng, Ngài phát triển trước tiên về phẩm hạnh giới
luật, thiền định dưới sự hướng dẫn của hai vị đạo sư nổi tiếng là Alara Kalama
và Uddaka Ramaputta trong sáu năm. Ngài phát hiện ra rằng chỉ với thiền định
thuần túy thôi không thể chấm dứt vĩnh viễn được khổ đau và chính Ngài đã đưa
vào một chiều hướng mới là thiền định có mục đích trí tuệ. Với sự khám phá này,
Ngài đã đạt đến nhất tâm, hướng tâm vào sự hiểu biết bản chất của sự vật và thấu
hiểu chân lý. Sự giác ngộ của Ngài chính là kết quả của sự phối hợp thiền định
và trí tuệ.
Thời đại lúc bấy
giờ, theo truyền thống tư duy của Bà-la-môn giáo, thì các nhà tu khổ hạnh đã tu
tập phương pháp luyện tâm là những người không lập gia đình, thường lang thang,
ăn mặc quần áo rất sơ sài, không ở một nơi nào nhất định. Họ thực hành các pháp
tu khổ hạnh ép xác hết sức ghê gớm nhằm chống lại những ham muốn của mình. Đối
với Ngài, khía cạnh trí tuệ điển hình thường thể hiện trong đời sống. Một trong
những số đó là quan điểm Trung đạo, tránh cả hai cực đoan là sự tham đắm những
dục lạc giác quan và sự hành hạ thân xác quá đáng.
Giờ phút Thành Đạo
Trong buổi
sáng, trước ngày Thành Đạo, Ngài nhận bát sữa gạo do bà Sujãtã dâng lên. Sau
khi thọ xong bữa ăn, Ngài bắt đầu thực hành thiền quán dưới gốc cây Bồ Đề. Vừa
lúc bình minh, ngày thứ 49, Ngài chứng đắc Quả Vô Thượng Chánh Giác, và trở
thành vị Phật lúc ba mươi lăm tuổi bằng những nỗ lực phi thường. Ngài đọc lên một
bài kệ, hoan hỷ mô tả sự chiến thắng tinh thần vô cùng vẻ vang rực rỡ:
"... Này hỡi người thợ làm nhà,
Như Lai đã tìm được ngươi
Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa
Tất cả sườn nhà đều gãy
Cây đòn đông của người dựng lên cũng bị phá
tan
Như Lai đã chứng nghiệm Quả Vô Sanh Bất Diệt
Và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục."
Bài kệ mang nhiều
ẩn dụ: Như Lai chính là Đức Phật, người thợ làm nhà là ái dục, sự tự tạo ẩn sâu
kín bên trong Ngài, một thành phần luôn luôn hiện hữu bên trong mọi người. Cái
gì được tạo ra thì có thể bị tận diệt. Cái sườn nhà tự tạo chính là các ô nhiễm
như tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến, phóng dật, hành vi bất thiện...
Cây đòn đông chống đỡ cho sườn nhà là vô minh, căn nguyên của mọi dục vọng. Sự
phá vỡ cây đòn đông vô minh làm bằng chất liệu trí tuệ.
Khi toàn bộ vật
liệu xây dựng không cần thiết, người làm thợ trở nên vô dụng, lúc đó mọi sự thể
đều bị loại bỏ và chỉ còn lại cái tâm đã đạt đến trạng thái vô vi, vô sanh, bất
diệt, Niết-bàn.
Với ý chí sắt
đá, với trí tuệ siêu đẳng, lòng bi mẫn trời bể, đức vị tha vô lượng, sự truy
tìm chân lý tối hậu của Ngài đã đưa đến sự ra đời của Phật giáo. Cũng chính vì
thế ta nhận thức được rằng Phật giáo có nghĩa là "Giáo huấn của bậc Giác
ngộ." Mỗi vị Phật là một con người Giác ngộ, một con người đã nhìn thấy sự
vật "như nó là." Phật giáo
xuất hiện trên nền tảng quán sát thực tại và thấu hiểu thực tại như vậy nên là
một tôn giáo trí tuệ, có mục đích giúp cho thế nhân loại trừ khổ đau và các
nguyên nhân tạo nên khổ đau trong một chiều kích thật sâu rộng.
Vậy nhìn từ góc
độ của đạo Phật nguyên chất, mọi hình thức tôn thờ hướng vào các vật thể thiêng
liêng bằng lễ lạc, nghi thức cúng bái hay cầu khẩn đều không phải là tính cách
Phật giáo. Có lần đức Phật nói: "Nếu
một người nào đó có thể loại được khổ đau của mình bằng cách cúng dường, bằng sự
tôn kính và cầu nguyện, thì sẽ chẳng còn ai trong thế gian này phải chịu gánh
khổ đau cả, bởi vì có ai mà lại chẳng biết bày tỏ sự tôn kính và cầu nguyện. Dù
cho họ có thật ngoan ngoãn, biết tôn kính và thực thi nghi lễ đều đặn, thế
nhưng trên thực tế thì họ vẫn cứ phải chịu khổ đau. Vì thế nên hết sức hiển
nhiên, những thứ ấy nhất định không phải là giải pháp hữu hiện giúp họ tìm thấy
sự giải thoát khỏi những khổ đau của chính họ." (Giáo sư
Buddhadasa, Đại học Queenland - Hoang Phong dịch)
Nhìn trên đại
thể mà nói, trong kho tàng giáo lý đồ sộ, ngoài những giáo lý có tính cách của
nền đạo đức thực tiễn, được lý giải bằng ngôn ngữ có tính thời đại phổ biến, vẫn
còn đó cả phần lớn giáo lý thuộc thế giới bàng bạc cái không khí "huyền
chi hựu huyền," như thể một kính vạn hoa phản chiếu muôn vàn ảnh tượng như
thực như hư, như có như không, mà con người với trí năng thông thường, giới hạn
của mình không thể thành đạt sự kiến giải.
Chính vì thế, với
tính cách uyên áo thăm thẳm mà giáo lý của Ngài tác động gợi nhiều cảm hứng cho
các tầng lớp đại chúng lẫn hàng ngũ tri thức. Chẳng hạn thử trích lược một số
quan kiến của các học giả tiếng tăm đương đại trên thế giới và họ đã nói gì:
"... Ngài
là người đã dựng nên một hệ thống tôn giáo vô cùng cao thâm huyền diệu. Ngài
thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới. Ngài là kết tinh của người thiện trí. Bởi
vì, đứng về phương diện trí thức, chắc chắn Ngài là một trong những vĩ nhân cao
thượng nhất của lịch sử..." (Tiến sỹ
Sri Radha krishman - Phạm Kim Khánh, dịch)
"... Nơi đức
Phật ta thấy rõ ràng là một con người giản dị có tâm đạo nhiệt thành, một mình
tự lực phát huy ánh sáng tươi đẹp, một nhân vật sống, một con người như mọi người
chứ không phải là một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyền thuyết
hoang đường... Bao nhiêu quan niệm các thế hệ tân thời đều tương hợp với giáo
lý ấy. Đức Phật dạy rằng tất cả những gian lao sầu khổ và bất hạnh trong đời đều
do lòng ích kỷ sinh ra. Trước khi có thể trở nên vắng lặng, con người cần phải
ngừng sống cho giác quan mình. Rồi từ đó, vượt lên trên tất cả mọi người, Ngài
sống cuộc đời siêu nhiên... Đứng với tầm quan trọng của con người trong sự phục
vụ, Ngài tỏ ra sáng suốt hơn, và đối với vấn đề trường tồn bất hoại của kiếp
nhân sinh, Ngài ít lúng túng hơn trong biện thuyết mập mờ..."(Giáo sư H.G.Wells: Three Greatest Men in History - Phạm
Kim Khánh, dịch)
"Lần đầu
tiên trong lịch sử thế giới, đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có
thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống trên thế giới mà không cần đến
sự giúp đỡ của Thượng đế hay thần thánh nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng
tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại.
Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của kiến thức, vì không có trí tuệ thì
siêu linh nội tâm không thể xâm nhập vào đời sống của Ngài được.” (Giáo sư Eliot - Pháp Hiền dịch)
Tính Cách Vĩ Đại
Từ lúc Thành đạo,
năm ấy Ngài đúng ba lăm tuổi, đến khi Đại Niết-bàn lúc tám mươi tuổi. Trong suốt
thời gian bốn mươi lăm năm đức Phật không ngừng phục vụ nhân loại bằng giáo
pháp và bằng tấm gương chính đời sống Ngài, khi đến nơi này, lúc đến nơi kia để
truyền bá giáo pháp và dẫn dắt nhiều người thoát vòng cương tỏa luân hồi.
Trong những mùa
mưa lũ, nước dâng cao, đường sá ngập lụt, thông thường đức Phật và các đệ tử được
cung thỉnh về an cư kiết hạ ở các tu viện hay những khu vườn ẩn dật hoặc rút
vào rừng sâu. Những lúc như vậy dân chúng tại địa phương đó theo chân Ngài để
nghe giảng pháp.
Giáo pháp của Ngài là những lời dạy có nội
dung bắt nguồn từ Chứng pháp mà Chứng pháp là sự nội chứng sâu thẳm, thấu suốt đến tận
rốt ráo của vạn pháp (hiện tượng - sự vật), vượt quá so đo, tính toán của thế
trí. Giáo pháp chỉ dạy những sự thật của cuộc sống an lạc hạnh phúc, sự thật của
phẩm giá cao thượng nơi con người, sự thật đó có sức mạnh chuyển hóa sự ham mê
đời sống vật chất, tình tiền, nhục dục...
Vì Chứng pháp
quá sâu thẳm, quá lớn rộng nên khi diễn đạt Đức Phật thường dùng các pháp dụ, tức
là các ví dụ phù hợp với hoàn cảnh, với thời đại. Ngài là bậc Vô thượng giác,
là trí tuệ siêu việt trần thế nên sự giảng dạy đạt đến mức toàn hảo, có công
năng làm sống dậy bản chất cao thượng của tâm hồn, là phương thuốc trị bệnh tâm
linh cho con người, một căn bệnh trầm kha do tâm lý khao khát ái dục, đã ăn sâu
qua vô số đời sống, tạo nên một hấp lực mang nặng chiều hướng bản năng nguyên
thủy.
Ngài đi từ những
kinh thành lộng lẫy đến những làng mạc xa xôi, ròng rã suốt 45 năm không mệt mỏi.
Với hành trang gồm một bình bát, khất thực, với ba tấm y để che thân, đôi chân
trần, đầu không nón suốt bốn mùa mưa nắng. Ngài thuyết pháp bằng đủ mọi phương
tiện, đều không ngoài mục đích cứu độ chúng sinh với lòng từ bi vô hạn.
Đức Phật Nhập
Diệt năm 543 trước Tây Lịch vào ngày trăng tròn tháng Vesak, với lời di huấn tối
hậu, "Hãy nghe đây, này các đệ tử,
Như Lai khuyên các con. Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực liên
tục chuyên cần." Đến bây giờ đã gần 26 thế kỷ trôi đi, Đạo pháp của
Ngài vẫn cứ rực rỡ chiếu soi như đôi vầng nhật nguyệt.
Xác tín và xác thực
Sau khi Đức Phật
Đại Niết Bàn, các luận sư Phật học lỗi lạc như ngài Vô Trước, ngài Mã Minh, ngài
Long Thọ... đã phân định Pháp giới để giảng giải theo hai cảnh giới:
+ Chân thật giới hay thế giới tuyệt đối
gồm các pháp "vô vi" mang tính cách siêu hình không thể nhận biết qua
giác quan bằng khả năng tư duy, biện giải mà chỉ qua nhận thức trực giác do
công phu thiền định cấp độ cao, tạm gọi là trí vô phân biệt, không thể nghĩ
bàn, và chỉ còn là sự im lặng.
Trung Quán Tông
cho rằng thế giới tuyệt đối là Tánh Không. Khái niệm về Tánh Không có hai phạm
vi khác nhau; một là mang tính triết học và khoa học nói lên bản chất tối hậu của
hiện thực; hai là tính thực dụng xem như một phương tiện hiện hữu đến hóa giải
mọi sự bám víu, dính mắc mang lại những rối loạn và khổ đau.
Đức Phật nêu
lên Tánh Không như một thể dạng tối thượng của tâm thức và chính Ngài đã xác nhận
mình luôn luôn thường trú trong Tánh Không.
Song song với sự
hình thành Phật giáo Đại Thừa và nhất là xuất hiện Trung Quán Luận của Ngài
Long Thọ, một luận sư lỗi lạc, Tánh Không được mở rộng liên quan đến mọi hiện
tượng của vũ trụ. Như là một khái niệm siêu hình mang tính triết học với biện
chứng trừu tượng và được đặt vào vị trí trung tâm của Đạo pháp. Tánh Không trở
thành cốt lõi của Đạo Phật và việc tu tập phải hướng vào Tánh Không như một
phương tiện hữu hiệu nhất.
Trên phương diện
tu tập, người học Phật đã không ngừng kinh ngạc trước các khái niệm mà Đức Phật
đã khám phá ra cách đây ngót 26 thế kỷ, nên đã đặt sự xác tín nơi những gì mà
người đi trước đã trải nghiệm truyền đạt lại, trong đó chủ yếu là lời dạy của
chư Phật, chư Bồ Tát.
Đức Phật có lần
dạy: "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ
báng ta." Vì thế cho nên từ lúc bước chân vào học đạo, chúng ta phải vận
dụng lý trí để hiểu rõ lời Phật dạy, tiếp đó suy nghiệm xem lời dạy có phải là
chân lý (sự thật) không. Và sau rốt lại, khi sự xác tín đã vững vàng, chúng ta
nỗ lực hành trì để một ngày nào đó chính ta chứng thực được niềm xác tín đó.
Đây quả một sự thách đố cho chính bản thân với những ai có tấm lòng tu học trên
mỗi chặng đường tu chứng.
Rõ ràng, niềm
xác tín của những thế hệ học Phật, tu Phật, xưa nay ở những gì mà Đức Phật giảng
dạy đã đem đến một sự thành tựu lớn lao hơn nhiều so với những gì mà ta chấp là
xác thực đem lại cho đời sống hiện thực.
Một ví dụ rất gần
gũi: Tin nơi Luật Nhân - Quả:
- Ở cấp độ thô
thiển: bây giờ ăn mặn nhiều thì lát sau sẽ thấy khát nước.
- Ở dạng sâu sắc
siêu hình hơn, luật Nhân - Quả được thể hiện trong mối quan hệ giữa ba thời quá
khứ - hiện tại - vị lai; giữa thế hệ trước và thế hệ sau: rau nào thì sâu nấy; con
nhà tông, không giống lông cũng giống cánh. Có thể khái quát nói rằng cái gì
"đang là" thế nầy thì phải tiến tới nó "sẽ là" thế ấy, nếu
không có sự tác động nội tại hay ngoại tại. Một tiến trình như thế sẽ hé lộ cho
ta thấy: cái "sẽ là" ở trong cái "đang là", và cái
"đang là" lại có từ cái "đã là". Mối quan hệ biểu trưng
hình ảnh của Nghiệp và Chuyển Nghiệp trong nhà Phật.
+ Hiện tượng giới hay tục đế bao hàm sự
vật hiện tạng hữu hình hay vô hình mà giác quan con người cảm nhận được như
tinh thần, ý chí, tình cảm... có thể khảo sát được qua phương pháp duy nghiêm.
Đạo Phật gọi là pháp "hữu vị" biểu thị hiện tượng hình thành do nhân
duyên và cũng là đối tượng của khoa học, trung tâm của ngành vật lý. Vì thế nên
khoa học có cái cám dỗ mãnh liệt, cái cám dỗ của chân lý khách quan mà lý trí
con người có thể vươn tới được. Thực tế cho thấy, khoa học đã đạt nhiều thành
quả to lớn trong hơn thế kỷ nay với sự trợ giúp của công nghệ. Đồng thời bộ mặt
của nhân loại cũng thay đổi một cách nhanh chóng trong sự thụ hưởng những tiện
ích thông qua các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng được xã hội văn minh.
Tuy vậy, con
người cần bình tĩnh lại để thấy rằng còn biết bao nhiêu câu hỏi cuộc sống mà vẫn
chưa có lời giải đáp: Ngẫu nhiên, hỗn độn là cái gì? Làm thế nào mà trật tự lại
có thể xảy ra trong một vũ trụ tuôn theo luật entropy tăng? Vấn đề "đa thế giới" của “Lý thuyết Dây" hay "siêu màng"? Đâu là thực tại nhiều
chiều (ít nhất là 10 chiều, có một phần của nó biểu hiện ra 4 chiều không-thời
gian)?... Và các chân lý khách quan đó còn nhắc nhở con người giảm bớt lòng tự
hào và loại trừ đi những ảo tưởng về khả năng tính của lý trí mà từ lâu đã nặng
nợ với tất định luận, với những pháp suy luận duy lý và qui giản hay nói theo
Phật học là còn bị ràng buộc trong tính chất chiêu cảm của Nghiệp lực.
· Sự đẳng cấu giữa tương đối và tuyệt đối.
Đức Phật nói:
"Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành."Sắc bất dị Không”;
Tương đối - Tuyệt đối; Ngộ - Mê, đều thể hiện tính cách sự "đẳng cấu"
trong Toán học.
Một hình mẫu rất
gần với sự hòa hợp giữa cái tương đối và cái tuyệt đối của nhà vật lý lượng tử
đã quá cố David Bohm với ý tưởng thể hiện về cái "trật tự ẩn" và
"trật tự hiện" theo thuật ngữ của ông (implicate order &
explicate order). Ông là nhà vật lý nổi tiếng làm việc với S. Hawking, R -
Penrose nhưng lại có cái nhìn gần với Đạo học Phương Đông.
Ông xây dựng
thí nghiệm thế này: Có 2 ống hình trụ đáy kín, cùng trục quay. Ống ngoài cố định,
ống trong nhỏ hơn quay được. Đổ đầy glycerin vào phần giữa 2 ống. Nhỏ 1 giọt mực
vào glycerin, rồi quay ống hình trụ trong. Giọt mực vẽ nên một đường cong mờ dần
rồi mất hẳn. Lúc bấy giờ, mỗi điểm trong dung dịch trông thấy đồng nhất. Ông gọi
đó là trật tự ẩn. Sau đó, quay ống bên trong theo chiều ngược với một tốc độ
thích hợp, giọt mực bất ngờ xuất hiện lại từ hư không, ông gọi đó là trật tự hiện.
Tiếp theo, cho
thêm một giọt thứ 2 ở gần giọt mực thứ nhất, rồi quay; giọt thứ 2 và giọt thứ
nhất quấn vào nhau và cứ như thế cho đến giọt thứ n. Bây giờ, quay ngược lại với
tốc độ hợp lý, giọt thứ 1 tái xuất hiện và lần lượt tiếp thu bởi giọt thứ 2, 3,...,
thứ n. Tất cả chúng đều ở đó.
Ông nói rằng mọi
sự kiện quá khứ, hiện tại, vị lai là ở ngay đây, ngay lúc này, nhưng chúng hiện
ra tùy vào điều kiện theo cách nào đó. Một số sự kiện trở thành hiện thực, hoặc
xảy đến, một số thì không. Nhưng về cơ bản chúng đều ở đó dù chúng ta không thực
sự thấy chúng. Đó cũng có nghĩa là sự hòa hợp giữa thế giới tương đối và thế giới
tuyệt đối. Và các biểu hiện trong thế giới hàng ngày có vẻ bề ngoài tách bạch
chỉ là biểu hiện có điều kiện thích hợp của thế giới tuyệt đối. Chân không mà Diệu
hữu. Không tức thị Sắc, Sắc tức thị Không (Bát Nhã Tâm Kinh). Hai thế giới này
không phải là hai, nhưng chẳng phải là một.
Thật xúc động với
thí nghiệm này (theo cảm nghĩ người viết). Một mẫu hình đối chiếu, ở đó Đạo Phật
đã không còn xuất hiện như những "tín lý" mà đã xuất hiện dưới những
yếu tố xác thực như khoa học đồng thời mở ra nhiều triển vọng để có thể mò mẫm
bước vào những chiều kích sâu thẳm tâm linh, vượt qua những khái niệm thông tục
về vật chất, về không thời gian và về tương quan một chiều, đã trói buộc chúng
ta vào vòng khổ đau không đáng có.
Vọng tâm
Trong thế giới
con người, chúng ta sống tràn ngập trong vọng tưởng và điên đảo. Vọng tưởng là
do mê lầm. Do đó vọng tưởng là bị dính mắc vào sự vật, dính mắc vào sự phân
chia và cái biết. Chúng ta không thể ở mãi trong cảnh giới tuyệt đối, hai cái
Nhất thể, cái Phật tính, mà cũng không thể cứ dính mắc vào thế giới hiện tượng.
Chúng ta phải thấy cho được đồng thời cả hai cái tương đối và tuyệt đối và hoạt
dụng tự do trong đồng thời cả hai thế giới đó. Đây là sự giải thoát.
Một câu chuyện
Thiền: Trước Thiền, đầu tiên thấy núi là núi, sông là sông. Nghĩa là những gì
ta nhận thức được là thế giới hiện tượng, mọi thứ được đặc trưng bởi sự khác biệt.
Trong lúc đang hành trì Thiền sâu và nắm bắt được sự hòa hợp trong cuộc sống
thì đột nhiên núi không còn là núi mà sông cũng chẳng còn riêng sông, chỉ có nhất
thể, chỉ có tính duy nhất và lúc này mọi khái niệm phân biệt đều rơi rụng. Khi
đã thành tựu Thiền, ta lại thấy núi lại là núi, sông lại là sông như lúc ban đầu,
nhưng không còn theo nghĩa tương đối trước khi thực chứng. Điều này nói lên rằng
không phải nhận thức là vấn đề, mà sự bám chấp vào nhận thức đó là vấn đề.
Duy Tâm tạo
Trong các kinh điển đều nói lên khái niệm: Tất cả những gì mà chúng ta
quán nhận được, hình dung được đều là tâm thức. Điều này có thể diễn dịch, mỗi
khi nhận biết một sự vật hiện tượng nào đó thì ngay lúc đó tâm đã gán cho sự vật
hiện tượng một nhãn hiệu. Chẳng hạn về 1 lọ cắm hoa hồng. Nhiều người khi đối
diện với lọ hoa đã nhào nặn và biến đổi trong tâm thức của từng người, rốt cuộc
nó đã trở thành một sản phẩm của chính tâm thức của mỗi người và do đó có thể
nói rằng đối tượng lọ hoa không thực sự hiện hữu như chính nó là.
Thông thường
khi cảm nhận được các sự vật hiện tượng ở bối cảnh bên ngoài thì sự thu hút của
nó sẽ khiến cho tâm thức bám chặt vào hình tướng nó và ta có cảm giác là sự cảm
nhận của mình là xác thực. Trạng thái này có hàm một ý nghĩa là tâm thức đã
tương tác và hòa nhập với bối cảnh đó, đây chính là lúc tâm thức bị lừa dối và
nó sẽ dẫn đến sự duy trì bản chất sai lầm. Sự sai lầm này của tâm thức, một phần
do ta đặt sự quan trọng quá mức vào thế giới bên ngoài; phần khác là sự chi phối
thường xuyên bởi tư duy nuối tiếc quá khứ hay sự chiêu cảm của Nghiệp lực.
Thế cho nên hãy
tập trung thường trú trong thể dạng tự nhiên là hội nhập với hiện tại. Phương
cách này tỏ ra hiệu quả để thực hiện những kinh nghiệm nuôi dưỡng được trạng
thái trong sáng của Tâm. Tỉ như hình ảnh mặt nước, lúc bị khuấy động sẽ tạo ra
sóng và bọt thì không thấy được sự trong suốt của nó. Vậy hãy hòa mình sống với
tâm hồn nhiên, chỉ nghĩ đến thời khắc hiện tại và hòa nhập với thể dạng
"phi khái niệm."
"... Trên sóng lúa, nét chiều thấp
thoáng
Một nét cong xao động tâm hồn
Trời khoáng đãng ngây thơ con diều giấy
Ta thấy mình chưa dễ đã lớn khôn!..."
(Hồng Thế)
Khái quát rằng
các đối tượng thật sự hiện hữu, thế nhưng chúng không hiện hữu đúng với phong
cách mà ta tưởng tượng, cảm nhận về chúng. Nói cách khác, các đối tượng không hề
mang thực thể nội tại, hay Tánh Không của chính sự hiện hữu là bản thể tối hậu
của nó.
Hiểu biết Tánh
Không về mặt trí thức chỉ thực sự có ích khi nhìn thấy thế giới này và cả chính
mình đều thay đổi khác đi. Thay đổi để gỡ bỏ mọi bám víu vào sự vật hiện tượng
dưới dạng hình tướng, để chúng tan biến đi, trả lại cho ta một bầu không gian
trống không, trong sáng và thanh thoát, mở ra bước chân trên con đường dài thực
hiện sự Giác Ngộ. Mong ước đạt được sự Giác Ngộ là nền tảng của tỉnh thức, nên
việc khởi động nền tảng đó để đạt được mục tiêu mong cầu, chính là Bồ đề tâm.
Sự hiểu toàn vẹn
về Tánh Không sẽ có đủ khả năng loại bỏ được vô minh cơ bản (chấp cái tôi và
cái của tôi), giải thoát dần những khổ đau, thấy được sự méo mó của tâm thức do
hư vọng, do ích kỷ hẹp hòi. Từ đó Bồ đề tâm được phát động và giữ vai trò hết sức
quan trọng đối với người học Phật bước vào con đường tâm linh một cách quả quyết.
*
* *
Kinh Pháp Cú có
viết rằng:
"Tâm thức dẫn đầu các hiện tượng, tâm
là chủ, tâm tạo tác."
Rõ ràng, lời dạy
của Đức Phật và lời giảng giải của Kinh luận cho thấy bên trong mọi sự vật hiện
tượng và phía sau sự dẫn đầu của tâm thức và sự tự tạo dựng ra chính nó phải
chăng là một không gian trống rỗng "ở
thể dạng hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng không có gì vượt hơn cả"
mà chính Đức Phật đã thường trú trong đó.
Chúng ta cảm nhận
được phương tiện thiện xảo của sự cụ thể hóa Tánh Không qua dung nhan sắc màu
danh ngôn: Phật tính, Chân Như, Niết Bàn, Pháp Thân, Trí Tuệ Như Lai, Bản Thể,
Ánh sáng trong suốt trong Cận Tử Nghiệp... Tất cả đều thể hiện như sự tương phản
giữa dạng tâm thức giải thoát nhờ an trú trong Tánh Không và tâm thức vô minh ô
nhiễm trần tục. Con đường tu tập chính là nỗ lực kiên trì chuyển hóa của tâm thức
trong chính chúng ta mà thôi.
*********
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đạt-lai Lạt-ma: Tu Tuệ - Hoang Phong
biên dịch
NXB. Hồng Đức, 2013.
2.
Bernie Glassman: Vòng tròn bất tận.
Nguyễn Quyết Thắng dịch
NXB. Hồng Đức,
2014.
3.
David Bohm: Tư duy như một hệ thống
Tiết Hưng Thái dịch
NXB. Tri Thức,
2011.