· David Bohm và Giáo lý Trung ấm

david

DAVID BOHM

và GIÁO LÝ TRUNG ẤM

 

Đặng Công Hanh

 

· David Bohm với cách nhìn của đạo Phật

David Bohm là nhà khoa học hàng đầu trong nghiên cứu vật lý lượng tử. Ông là giáo sư vật lý lý thuyết tại nhiều trường đại học nổi tiếng của Anh, Mỹ, BrazilIsrael.

Trong những năm 1970-1980, ông thường gặp các nhà tư tưởng Krishnamurti và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các cuộc gặp gỡ trao đổi này đã mở ra trong cách nhìn của Bohm về vũ trụ tự nhiên và tâm linh. Theo quan kiến của ông thì phải xoay chiều tiến trình nghiên cứu vật lý, nghĩa là thay vì bắt đầu những bộ phận riêng rẽ và đi tìm mối tương quan giữa chúng, vật lý học phải khởi đầu từ cái toàn thể tức là cái trạng thái chân thật của vạn hữu trong vũ trụ mà Bohm đặt tên là Chân như (that - which - is). Mọi sự vật hiện tượng, kể cả không - thời gian đều trừu xuất từ cái Chân như ấy. Quan kiến này được sự ủng hộ từ nhà bác học vĩ đại Albert Einstein, người luôn luôn tin tưởng Bohm với "vai trò một nhà khoa học và một con người".

Bohm cho rằng không phải mọi thứ đều thay đổi, mà tất cả là một dòng chảy. "Thực tại như vốn có" là một quá trình trở thành chính nó. Mọi sự vật hiện tượng, mọi sự thể, mọi cấu trúc... là những hình thức có thể xuất sinh từ quá trình này.

Hình ảnh sinh động nhất để hình dung quá trình này được ông mô tả như là một dòng chảy. Trong dòng chảy đó, các mẫu hình liên tục thay đổi thể dạng như những cái xoáy, những gợn lăn tăn, những làn sóng, những tiếng sóng vỗ, chúng không hề có sự tồn tại độc lập. Tất cả chúng được tách ra từ vận động của dòng chảy, xuất hiện và biến mất trong quá trình toàn thể của dòng chảy. Sự tồn tại phù du của những thể dạng xuất sinh gợi lên một tính độc lập tương đối chứ không phải là những thực thể tồn tại độc lập hay tách rời hẳn.

David Bohm còn cho rằng, không chỉ thực tại là một quá trình mà cả toàn bộ tri thức như là có cơ sở trong vận động trôi chảy. Theo đó, tri thức được tạo ra, được trình bày, được truyền đạt được biến đổi và được hàm ý trong tư duy. Tư duy là sự đáp ứng tích cực của ký ức trong mọi phương diện cuộc sống, bao gồm những đáp ứng có trí tuệ, xúc cảm, nhục cảm, sinh lý của ký ức. Tất cả hòa làm một với sự đáp ứng toàn thể và từ đó trôi chảy ra. Đến lượt những đáp ứng lại mang đến những đóng góp thêm cho ký ức và làm điều kiện cho tư duy tiếp theo.

Trong quá trình phức tạp này, tư duy tràn ngập những sự phân biệt khác nhau, tạo nên thói quen như thế, nên đưa đến chỗ chúng ta nhìn sự phân chia như thể là có thực và thế giới được nhìn thấy như được phân mảnh, vỡ vụn. Chẳng hạn, ký ức về một niềm vui, nỗi đau buồn liên hệ với hình ảnh thị giác, thính giác... có thể do một đối tượng hoặc một hoàn cảnh nào đó gợi cảm. Rõ ràng, tư duy theo cung cách này được xem là đáp ứng của ký ức, về cơ bản là có tính máy móc trong hoạt động của nó.

Tuy vậy, hoàn toàn không có lý do nào để những ý nghĩ xảy ra lại phải thích hợp hay ăn khớp với hoàn cảnh thực tế nảy sinh ra chúng (đâu có thể nào hễ bần cùng là sinh đạo tặc?). Việc nhận thức như thế đòi hỏi một năng lực khác gọi là trí thông minh. Trí thông minh có khả năng nhận thức một trật tự mới hay một cấu trúc mới, một hành xử nhận thức thông qua trí tuệ hơn là một quá trình tư duy. Nó xuất sinh từ những cái không phải là sự sửa đổi, chỉnh lý những gì đã biết đang hiện hữu trong ký ức. Như vậy, trí thông minh, theo Bohm, phải có cơ sở nằm trong dòng chảy không xác định và không thể biết, dòng chảy này cũng là cơ sở của tất cả các hình thức có thể xác định của vật chất.

Vậy, như ông đã chỉ ra, tư duy là một quá trình vật chất mà nội dung là toàn bộ sự đáp ứng của ký ức. Theo nghĩa này thì tất cả đặc điểm nhân tạo về môi trường của con người đều là sự mở rộng của quá trình tư duy - hoặc một cách tự nhiên thông qua hoạt động của con người mà nội dung là sự vận động của nó, qua tri giác làm nảy sinh những ấn tượng cảm giác, để lại dấu vết trong ký ức, góp phần tạo thành cái cơ sở của tư duy sau này.

Thế cho nên, David Bohm cho rằng tư duy chẳng qua là một bức ảnh chụp nhanh trừu tượng và giản lược hóa của thực tại. Vì vậy, khi trầm tư về bản chất của sự vận động, cả trong tư duy lẫn đối tượng của tư duy, người ta không khỏi đi đến vấn đề đặt ra là hiện hữu một "tính vận động toàn thể".

Với quan kiến này, ông đã mở ra một cách nhìn mới về thế giới, trong đó ý thức và thực tại không bị chia lìa khỏi nhau, và cái nhìn tổng quát này tự bản thân nó là một vận động toàn thể của tư duy. Với cách hành xử này của con người mới thể hiện được sự hài hòa cả bản thân với toàn thể mọi tồn tại. Từ đó mới có thể tạo nên một xã hội trật tự và ổn định.

Chân thực hơn, cái toàn thể là cái có thực, còn sự phân mảnh là sự phản ứng của cái toàn thể đối với hành động của con người bị sai sử từ tri giác sai lầm. Cái tri giác được hình thành bởi thói quen nhìn nhận lại và tác động vào nó như thể nó bao gồm những mảnh vụn rời rạc. David Bohm đã cố gắng trực quan hóa các khái niệm trong lý thuyết của mình, để giúp nhìn thấy dễ dàng hơn về ý nghĩa, nên ông đề xuất các khái niệm mới về trật tự.

Nói gọn theo ông, phương pháp rất chung để nhận thức trật tự là chú ý vào cái giống nhau trong cái khác nhau và cái khác nhau trong cái giống nhau. Từ đó ông đề xuất khái niệm "trật tự ẩn" (implicate order) rất thích hợp để hiểu một toàn thể nguyên vẹn trong dòng chảy vận động, những gì quan trọng hàng đầu là tồn tại độc lập và phổ quát. Còn "trật tự hiện" (explicate order) bắt nguồn từ một qui luật của trật tự ẩn, do đó nó là thứ yếu, phát sinh và chỉ thích hợp trong bối cảnh nhất định. Về thực chất, cái gì có thể hiện ra là cái có thể nắm bắt được qua các giác quan, nó phải là trật tự hiện.

Chẳng hạn khi nghe âm nhạc, người ta trực tiếp một trật tự ẩn. Rõ ràng trật tự này nó liên tục tuôn chảy thành cảm xúc, sinh lý và các đáp ứng khác. Hoặc ý thức bao gồm tư duy, tình cảm, ước muốn... cùng với thực tại như một toàn thể nên được xem là trật tự ẩn. Tương tự như vậy, sự tăng trưởng của một cái cây, bắt đầu từ hạt mầm, và các chất tạo điều kiện góp phần cho nó lớn lên như đất, nước, không khí, ánh sáng... Sau cùng, cái cây này lại tạo ra những hạt giống mới cho phép quá trình này lại tiếp tục sau khi nó đã chết, cũng là một dạng một trật tự ẩn. Theo cái nhìn của ngành Sinh học hiện đại thì hạt giống chứa thông tin dưới dạng DNA và thông tin này kích hoạt môi trường để hình thành cái cây mới. Ta có thể nói rằng bản thân sự sống của cây xem như thuộc về một tổng thể gồm cây và môi trường.

David Bohm thấy được mối tương quan giữa hai trật tự này như là một tiến trình liên tục. Cái gì đã hé lộ qua trật tự hiện thì khép lại trong trật tự ẩn và nguồn gốc tổ chức nên tiến trình như thế sẽ tạo ra những cơ cấu khác nhau thì ông đề nghị bằng tên là vận động toàn thể (holomovement). Cái toàn thể không phân chia mang trật tự ẩn, gọi là vận động toàn thể, nó là các tổng thể không bị phá vỡ và không bị phân chia. Chẳng hạn trong tiến trình tăng trưởng của một cái cây, nó là tổng thể vận động hợp nhất của hạt mầm, đất, nước, ánh sáng... không bị chi phối bởi một quy luật nào hoặc bị gắn kết sự đo lường nào.

Theo quan điểm của Bohm, mặc dù tập hợp đầy đủ các quy luật chi phối vận động toàn thể này còn chưa biết hay không thể biết, nhưng tất yếu nó trừu xuất ra những tổng thể con của vận động. Những tổng thể con hình như rời rạc vận động có tính độc lập một cách tương đối, và không thể hiện được cái hiệu lực cuối cùng và tuyệt đối. Cái tổng thể con làm cơ sở cho khả năng mà trật tự hiện bao hàm. Còn cái trật tự ẩn một hình thức và cấu trúc cuộn vào trong mọi sự vật, lại có nền tảng trong cái vận động toàn thể là cái gì rộng lớn, phong phú, và những quy luật chỉ được biết sơ sài hay không thể.

Theo ông, toàn thể khái niệm về trật tự ẩn là một cách thế để bàn về nguồn gốc của hình sắc xuất phát từ vô sắc thông qua tiến trình mở ra. Trên góc độ đó, ông đã khai triển lối nhận thức rằng vật chất được khởi lên từ lượng tử - để hiểu chính tâm thức và ông nói: "Tâm thức có cơ cấu giống như vũ trụ, và trong sự vận động nền tảng mà ta gọi là chân không, thực sự lại có năng lực vô song. Những hình ảnh xuất hiện lên trong tâm tựa như những phân tử và khi đạt đến nền tảng của tâm thì có thể được cảm thấy như ánh sáng".

Phải chăng Bohm đã triển khai một triết lý về tính toàn thể của tất cả các hiện hữu ở dạng hình thái của lý thuyết Pháp giới. Trong giáo lý Đại thừa, Pháp giới đề cập đến nền tảng ý thức hoặc nguyên lý - nguồn gốc của các hiện tượng. Trong hình thái giáo lý này, khi toàn thể vũ trụ hiển bày như là thế giới hiện tượng thì các hiện tượng ấy được xem là biểu hiện của Chân như.

· Giáo lý Trung Ấm

Trung ấm, Trung hữu, Bardo cùng có một nội dung là “trạng thái tồn tại ở khoảng giữa”. Theo các luận sư Phật giáo, giai đoạn Trung ấm diễn ra hàng ngày trong cuộc sống con người, nó liên hệ chặt chẽ với “Ba thân Phật”.

Khe hở giữa hai trạng thái khác nhau là Trung ấm nên tất cả mọi hoạt động, cử động của thân, khẩu, ý đều là trạng thái trung gian. Bởi vậy từng giây từng phút trong cuộc sống của con người đều là trạng thái trung gian. Để tạo dựng nên lối sống trên nền tảng thực hành tâm linh, chúng ta phải khơi nguồn cảm hứng về sự tỉnh thức trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, để chuyển hóa thân tâm thành tâm giác ngộ. Phương pháp linh nghiệm là miên mật quy y vào tinh túy của Ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân với mục đích định hình một linh kiến trong tâm thức về một vũ trụ viên mãn được tạo dựng dựa trên mô hình từ Ba thân, chuyển hóa. Sự chuyển hóa được thiết lập trên nền tảng môi trường thế gian đầy biến động, khổ đau của vọng tưởng thành thế giới tâm thức thanh tịnh và an lạc. Cái Tôi bản ngã trở thành cái Tôi vô ngã (le moi – non moi).

Trong cách nhìn về ba trật tự của David Bohm, phải chăng có sự tương đồng với giáo lý Trung Ấm về khái niệm ba thân Phật.

Ba thân chỉ về ba thân của một vị Phật. Theo quan điểm Đại thừa, xuất phát từ tư tưởng cho rằng Phật là biểu hiện của sự tuyệt  đối, của Chân như, và Phật có khi hiện thân thành nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Quan niệm ba thân Phật được nêu ra nhằm nói lên quan điểm đó. Tuy vậy, ba thân không phải là ba trạng thái độc lập mà là biểu hiện của một đơn vị duy nhất.

Ba thân gồm:

1/ Pháp thân: Là tinh túy, thể tính chân thật của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có.

2/ Báo thân: Chỉ thân Phật xuất hiện trong các cõi Tịnh độ. Có khi gọi là Thọ dụng thân, là thân hưởng thụ được qua những thiện nghiệp đã tạo. Các trường phái Tịnh độ tin rằng Báo thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ.

3/ Ứng thân hay ứng hóa thân Phật xuất hiện trên trái đất (cõi luân hồi), với nhân trạng, với mục đích cứu độ chúng sinh.

Ba thân Phật đầu tiên được trình bày qua đại luận sư Vô Trước, sau này được Đại thừa tiếp nhận và đặc biệt chú ý nhất là quan điểm Pháp thân, nhấn mạnh đến thể tính tuyệt đối của một vị Phật, trong ý nghĩa là thể tính thanh tịnh của toàn vũ trụ, thường hằng.

- Đối với Thiền tông thì ba thân Phật là ba cấp của Chân như, liên hệ trong một thể thống nhất. Pháp thân là tâm thức của vũ trụ, là thể tính nằm ngoài suy luận, nơi phát sinh tất cả mọi loài từ vô tình, hữu tình, tất cả những hoạt động thuộc tâm thức. Pháp thân đó hiện thân thành Phật Đại Nhật Như Lai (Vairo cana) tượng trưng cho khía cạnh tịnh hóa sắc uẩn (thân thô lậu) và thức uẩn (trạng thái tâm nhận thức) của chúng ta.

Báo thân là tâm thức hỉ lạc khi đạt Giác ngộ, Báo thân là hiện thân thành Phật A Di Đà tượng trưng cho khía cạnh tịnh hóa tưởng uẩn (sự tư tưởng, tư duy) của chúng ta. Ứng thân là thân Phật hóa thành thân người, là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Có thể hình dung khái quát ba thân Phật theo mô-tuýp: nếu xem Pháp thân là toàn bộ kiến thức y học thì Báo thân là chương trình học tập thấu suốt của y sĩ và Ứng thân là y sĩ áp dụng vào điều trị bệnh.

- Trong Kim Cương thừa, khái niệm Ba thân là ba cấp độ kinh nghiệm giác ngộ, tức là ba góc độ Căn Đạo Quả như sau: Pháp thân căn bản, Báo thân căn bản, Ứng thân căn bản, có nghĩa là Pháp thân trên con đường tu tập, tri kiến được tự tính sâu xa của vạn hữu tức là Tính Không, trống rỗng của thế giới và toàn bộ vũ trụ. Còn Báo thân và Ứng thân là thân của sắc giới, gắn liền với hoạt động của tâm thức, gắn liền với những khái niệm, những quan kiến cố hữu, là phương tiện tạm thời giúp hành giả chứng ngộ Tính Không.

- Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta xem thân, khẩu, ý của một vị Đại sư đồng nghĩa với Ba thân. Hóa thân liên quan nhiều đến thân thể vật lý chúng ta. Báo thân liên quan nhiều đến khẩu và Pháp thân liên quan đến ý. Khi chứng ngộ được Ba thân, Ba thân sẽ tương ứng với thân, khẩu ý. Khi ấy tâm sẽ ổn định và trí tuệ chân thật sẽ được khai mở.

Chúng ta là phàm nhân chưa giác ngộ, nên chúng ta chỉ biết những gì chúng ta nhìn thấy, nhưng không biết những gì đang diễn ra sau bức tường vô minh đã che lấp tầm nhìn. Hiểu biết của chúng ta chưa đầy đủ, lại còn phụ thuộc rất nhiều vào thế giới tương đối.

Điểm quan trọng nhất để có thể chứng đạt được Ba thân Phật, chính là Bồ đề tâm, mà thực chất xuất phát từ tâm nguyện vị tha và lòng từ vô lượng. Chư Phật và chư Bồ Tát thị hiện qua nhiều sắc tướng trong hình thức Báo thân hay Ứng thân khác nhau nhưng không rời tự tính trí tuệ Pháp thân. Ngày nào chúng sinh còn trầm luân, các Ngài không ngừng còn thị hiện qua Ứng hóa thân để tận độ giải thoát, đánh thức tiềm năng tâm linh vốn sẵn trong mỗi hữu tình.

*

*  *

Trong đạo Phật, con đường phát triển tâm linh không phải là một hành trình trừu tượng, mà chính thái độ tự nguyện hướng đến giác ngộ nơi tự tâm, chuyển hóa những xúc tình tiêu cực đang vây hãm chúng ta về mặt tâm linh. Về mặt tâm linh, xúc tình tiêu cực nguy hiểm đều phát sinh từ sức mạnh của sự bám víu hướng vào giác cảm như là một điều kiện tiên khởi vì đó là những kích thích mang lại thích thú cho mắt, tai, mũi, lưỡi và thân xác. Đức Phật xem sự ham muốn các thích thú giác cảm là thể dạng bám víu đứng vào hàng đầu. Loại bỏ được sự bám víu bản năng chính là chìa khóa giúp cho mình tránh được mọi khổ đau, nhờ đó ta có thể hành động, sống an bình giữa thế giới này, tránh được mọi ô nhiễm cho tâm thức, tiến dần vào trạng thái giải thoát.

Từ ngàn xưa tôn giáo chủ yếu được đặc tính hóa bằng niềm tin, cơ bản là những giáo thuyết nhưng trong đạo Phật, nhất là Phật giáo Đại thừa, khi tiếp cận, thái độ chúng ta không khỏi có những hoài nghi. Thậm chí, chính Đức Phật đã dạy rằng, sự hoài nghi là một thái độ tốt nhất, vì thái độ này sẽ tự nhiên bật thành những câu hỏi dẫn đến các câu trả lời hoặc cách lý giải. Vì vậy, tư tưởng Phật giáo Đại thừa dựa trên lý giải nhiều hơn thay vì trên niềm tin. Thái độ này rất hữu ích đối với những phát kiến của các nhà khoa học, David Bohm là một trong những trường hợp như vậy.

Đối với Phật giáo, vô minh (hiểu sai lệch) được xem là chính nhân của khổ đau vì những tà kiến về Ngã và Pháp. Đó là Pháp chấp tức thổi phồng cái gì có thật, gán cho sự vật một tự tính nào đó mà bản thân nó là vô tính và đoạn ngôn về cái gì thật có tức là Pháp không, Ngã hữu.

Vì sao như thế?

Con người đã sinh ra thì cần phải sống, phải tồn tại. Trong bối cảnh như vậy, họ phải hoạt động, phải xây dựng, phải giao tiếp... có nghĩa là giúp cho mỗi cá nhân con người cảm thấy đang hiện hữu. Sự hiện hữu này phải dựa trên những quy ước về lịch sử, về địa lý, về xã hội, về ngôn ngữ... Lúc đó sự hiện hữu phải dựa vào sự cảm nhận từ giác quan về không gian, thời gian, về sự vật hiện tượng, về các biến cố xảy ra chung quanh môi trường sống. Các điều này đã đưa đẩy con người vào một cách hiểu sai lệch về bản thể đích thực của hiện thực, mà sự thật là phải quán thấy tính cách vô thường, biến dịch và bản chất không thật của mọi sự vật hiện tượng vì chúng bắt buộc phải hình thành từ quy luật tương liên và tương tạo để hiện hữu. Phật giáo gọi đó là quán nhận tánh không của chúng, và quán nhận được tánh không của mọi hiện tượng gọi là giác ngộ. Nói cách khác, giác ngộ chính là cách nhìn trực tiếp được bản chất đích thực của vạn vật.

Như vậy, cách nhìn sai lầm về thực thể của vạn hữu, xem chúng là những thực thể vững bền để bám víu, để chấp thủ chính là nguồn gốc của đau khổ và là nguyên nhân đưa đến sự vướng mắc trong thế giới luân hồi. Và chính trí tuệ là liều thuốc để hóa giải vô minh tức để loại bỏ khổ đau.

Do đó, diệt khổ là chân lý đầu tiên mà Phật giáo nhắm đến nên Phật giáo được xem là "một khoa học về tâm thức" hay là "khoa học về tâm linh". Các ngành khoa học cũng đi tìm sự thật trong thế giới của mình, không chỉ là cứu cánh trong tự thân mà còn khiến cho bệnh chứng và khổ đau được giảm trừ qua ứng dụng kỹ thuật đạo đức. Do vì những phát triển mới trong ngành vật lý, nên những thành tựu vĩ đại của nền khoa học Tây phương vẫn chưa được minh định. Việc quán chiếu sâu sắc giáo pháp của Phật giáo, hy vọng sẽ làm tỏa ra một chút ánh sáng nào đó trong các vấn để rối rắm của vật lý hiện đại mà trong một chừng mực nó có thể đã lẫn tránh qua sự hiểu biết của chính mình.

Trong chiều hướng đó, hiện nay có một số nhà khoa học rất quan tâm hay thích thú nghiên cứu nhiều về những lý giải Phật giáo (luận tạng) theo lãnh vực riêng của họ. Cả hai, Phật giáo và Khoa học hiện đại đều gánh vác một trách nhiệm cơ bản trên cùng một phương hướng: tìm thấy sự thật.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ David Bohm: Cái toàn thể và trật tự ẩn

    Triết Hùng Thái dịch, NXB Tri thức, 2011

2/ Gyalwang Drukpa: Bardo

    Bí mật nghệ thuật sinh tử, NXB Tôn giáo, 2012

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác