Bốn trường hợp của hiệu lực cầu nguyện
bon truong hop
Thích Nhuận Châu
Góp phần bàn luận về ý nghĩa cầu siêu trong Phật giáo, nay xin dẫn Tương ưng bộ kinh (Saṃyutta Nikāya), phẩm
Tương ưng thôn trưởng để phân tích về vấn
đề này.
Nguyên văn:
Một thời Thế Tôn trú ở Nālandā,
tại rừng Pāvārikamba.
Rồi thôn trưởng
Asibandhakaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một
bên. Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, các vị
Bà-la-môn trú đất phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ (sevāla),
nhờ nước được thanh tịnh. Những người thờ lửa, khi một người đã chết, đã mệnh
chung, họ nhắc bổng và mang vị ấy ra ngoài (uyyāpenti), kêu tên vị ấy lên, và dẫn
vị ấy vào Thiên giới. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác, Thế Tôn có thể làm như thế nào cho toàn thể thế giới, sau khi thân hoại mạng
chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?
Đức Phật nói: Này thôn trưởng, ông
nghĩ thế nào? Ở đây, một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh
trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham
lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu
khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau
khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời
này!" Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của đại
quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau
khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời
này?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn nói:
- Ví như, này thôn trưởng, có
người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo,
tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng:
"Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này
tảng đá lớn!" Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu
khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng
khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này thôn trưởng,
người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói
láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà
kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp
tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng
chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!" Nhưng người ấy,
sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Thế Tôn nói:
- Ông nghĩ thế nào, này thôn
trưởng? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà
hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ
bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một
quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng
khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh
vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng,
người ấy do nhân cầu khẩn của quần chúng đông đảo ấy, hay do nhân tán dương,
hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh
vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn nói:
- Ví như, này thôn trưởng, có người nhận chìm một ghè sữa đông (sappi)
hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở
thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu
thời nổi lên trên. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn,
tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: "Hãy chìm xuống, này sữa đông và
dầu! Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa
đông và dầu!". Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, sữa đông ấy, dầu ấy, có
do nhân cầu khẩn của đám quần chúng đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chấp
tay đi cùng khắp của quần chúng đông đảo ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống,
hay đi xuống tận đáy không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Thế tôn nói:
- Cũng vậy, này Thôn trưởng, có
người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục,
từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm,
không có tham, không có sân, theo chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo,
tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói:
"Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác
thú, đọa xứ, địa ngục!" Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ
sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Khi nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta
bạch Thế Tôn:
- Thật là vi diệu, bạch Thế
Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những
gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng,
đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy,
Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch
Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm
đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(Bản dịch Ht. Thích Minh Châu)
Từ bài kinh nêu trên, có thể rút ra 4 trường
hợp sau:
1.
NGƯỜI CÓ GIỚI ĐỨC THANH
TỊNH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CÓ TÂM THỨC THANH TỊNH
Đây là nguyên lý cộng
hưởng những năng lượng vi diệu.
- Một bên là công
năng chuyển hoá toàn diện của các bậc tu hành, đầy đủ giới-định-huệ, chuyển hoá
sạch tập khí, lậu hoặc, v.v... Bản tâm sáng rõ như trời quang mây tạnh, nên đủ
sức chiếu soi các nơi tăm tối.
- Một bên là tâm thức
thiết tha hướng về cõi sáng, đó là nguyện lực của các bậc thiện tri thức,
Bồ-tát, chư Phật trong mười phương. Do thành tâm quy nguyện nhiệt thành như vậy
nên các tập khí, tam độc không bị dính mắc vào. Nhờ vậy, nên tạo được năng lực
tương tác, cộng hưởng, giao thoa giữa thức thanh tịnh. Nên tác dụng của việc
cầu siêu chắc chắn được thành tựu. Đây cũng là nguyên lý của việc cầu siêu độ
trong đạo Phật.
Ví dụ: - Ngài Xá Lợi
Phất cầu nguyện cho Trưởng giả Cấp Cô Độc.
- Đức Phật cầu nguyện cho vua cha Tịnh Phạn.
2. NGƯỜI CÓ GIỚI ĐỨC
THANH TỊNH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CÓ TÂM THỨC KHÔNG THANH TỊNH
- Đó là những chúng
sinh đã bị tập khí phiền não sai sử trong suốt thời gian khi còn sống. Khi lâm
chung bị rơi vào các cảnh giới tối tăm để trả nghiệp.
Ví dụ như trường hợp
của ngài Mục Kiền Liên cầu nguyện cho mẹ là Thanh Đề.
Trong trường hợp này,
phải cần đến năng lực thanh tịnh của những người có giới đức rất lớn, mới đủ
sức tương tác, chuyển hoá phần tâm thức nhiễm ô do tập khí nhiều đời của người
đã tạo nghiệp. Nên Đức Phật dạy Mục Kiền Liên phải nhờ đến công phu tu tập
giới-định-huệ của chư Tăng trong mười phương mới cứu được người thân.
3.
NGƯỜI CÓ GIỚI ĐỨC KHÔNG
THANH TỊNH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CÓ TÂM THỨC THANH TỊNH
Ví dụ
trường hợp của Đề Bà Đạt Đa, vì muốn lấy lòng A Xà Thế, nên khi vua Tần Bà Sa La băng
hà, Đề Bà Đạt Đa đến thăm và cầu nguyện, nhưng chỉ là
hình thức chứ không có kết quả gì. Vì lúc đó Đề Bà Đạt Đa thì đầy tham vọng nên
tâm hoàn toàn bị nhiễm ô, còn vua Tần Bà Sa La sau khi thấy được ác
tâm của con mình là A Xà Thế nên đã có sự chuyển tâm, nhân đó Đức Phật
mới chỉ cho nghiệp báo từ nhiều đời trước. Vua
Tần Bà Sa La từ đó càng chuyên tâm hướng về Tam bảo. Nên sự cầu nguyện
lúc này của Đề Bà Đạt Đa chỉ là hình thức để tranh thủ A
Xà Thế, còn kết quả tốt đẹp chính là do sự chuyển hoá tâm thức mạnh mẽ
lúc cận tử của vua Tần Bà Sa La.
4.
NGƯỜI CÓ GIỚI ĐỨC KHÔNG THANH
TỊNH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CÓ TÂM THỨC
KHÔNG THANH TỊNH
Đây là trường hợp như trong trong câu chuyện “Bơ và những viên
đá cuội” được rút ra từ Tương ưng bộ kinh
(Saṃyutta Nikāya), phẩm Tương ưng thôn trưởng, có tên Người đất phương Tây hay người đã chết (S.iv,311)
Trong kinh, người đứng ra cầu nguyện là các vị tư tế Bà-la-môn,
“...trú đất phương Tây, mang theo bình
nước, đeo vòng hoa huệ (sevāla), nhờ nước được thanh tịnh...”; hoặc là “Những người thờ lửa”. Như vậy chúng ta
biết những vị này có pháp tu là nhờ nước hoặc nhờ lửa mà được thanh tịnh, chứ
không phải là sự chuyển hóa tâm khỏi các độc tham-sân si. Và đoạn kinh sau cho
thấy rõ phương thức cầu nguyện của những người này: “...Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương,
chắp tay đi cùng khắp và nói…”.
Người đứng ra cầu nguyện chưa có đủ giới đức thanh tịnh, và
phương thức cầu nguyện cũng chưa đạt đến mức thành tâm của số đông. Còn đối
tượng được cầu nguyện, theo trong kinh thì: “...Ở đây, một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong
các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam,
sân hận, theo tà kiến”.
Trong trường hợp này (4), cả người đứng ra cầu nguyện đều có tâm
thức nặng nề chưa được chuyển hóa thanh tịnh, và đối tượng được nhắm đến cũng
đầy những nghiệp quá nặng, thì làm sao sự cầu nguyện có hiệu lực được. Nên Đức
Phật trả lời vị thôn trưởng bằng đưa ra ví dụ về tảng đá: “Có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần
chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp
và nói rằng: ‘Hãy đứng lên, tảng đá
lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!’ Ông nghĩ thế
nào, này thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy,
hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay
nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?”
Tảng đá được ví như nghiệp dữ mà người kia đã tạo. Nghiệp ác thì
phải trả quả báo tương ưng, như viên đá nặng thì phải chìm xuống. Nhưng nghiệp
của con người thì có thể chuyển hóa được một khi thức tỉnh. Do một yếu tố nhân
duyên nào đó, khi tâm thức con người được tác động vào, có được nhận thức, liền
có sự thay đổi, thì được gọi là chuyển nghiệp. Yếu tố tác động này chính là
giới đức thanh tịnh của người đứng ra cầu nguyện. Nếu thiếu yếu tố này, như những
vị Bà-la-môn nêu trên, và thế nên chính đương sự cũng chẳng có sự tác động nào
để được chuyển hóa, thì kết quả chẳng tốt đẹp gì, như trong kinh:
“- Cũng vậy, này thôn trưởng, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống
theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù
phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ
họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp và nói rằng: ‘Mong người
này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời
này!’. Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác
thú, đọa xứ, địa ngục.”
Đoạn sau Đức Phật đưa ra ví dụ về sữa
đông (sappi) hay dầu:
“...Này thôn trưởng, có
người nhận chìm một ghè sữa đông (sappi) hay một ghè dầu
vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng
vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên
trên. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp
tay đi cùng khắp và nói: ‘Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! Hãy chìm sâu
xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!’..."
Ví dụ về sữa đông (sappi) hay dầu trong đoạn kinh này là chỉ cho đối tượng được cầu nguyện có tâm
thức thanh tịnh, và người đứng ra cầu nguyện vẫn là hàng Bà-la-môn, “...trú đất phương Tây, mang theo bình nước, đeo
vòng hoa huệ (sevāla), nhờ nước được thanh tịnh...”; hoặc là “Những người thờ lửa”. Đó là “Người có giới đức không thanh tịnh cầu
nguyện cho người có tâm thức thanh tịnh”, thuộc trường hợp thứ 3 đã nêu
trên, nên kết quả hiệu lực cầu nguyện sẽ không đạt được. Đức Phật dạy
tiếp:
“- Ông
nghĩ thế nào, này thôn trưởng, sữa đông ấy, dầu ấy, có do nhân cầu khẩn của đám
quần chúng đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chắp tay đi cùng khắp của
quần chúng đông đảo ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận
đáy không?
- Thưa
không, bạch Thế Tôn.
Thế tôn
nói:
- Cũng
vậy, này thôn trưởng, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ
sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời
độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân, theo chánh tri
kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp
tay đi cùng khắp và nói: ‘Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ
sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!’. Nhưng người ấy sau khi thân hoại
mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này”.
Qua đây, chúng ta thấy, sữa và dầu không chìm xuống đáy hồ được
là do nguyên tắc vật lý. Còn người thiện lành, không thể do cầu nguyện của các
tư tế Bà-la-môn mà phải bị rơi vào đọa xứ được. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy
nghiệp, hay sự chuyển hóa tâm thức để thanh tịnh nghiệp, quyết định cho sanh xứ
của những người này.
Rồi Đức Phật kết luận: “-
Cũng vậy, này thôn trưởng, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ
bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời
độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân, theo chánh tri
kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương,
chấp tay đi cùng khắp và nói: ‘Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng
chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!’. Nhưng
người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi
đời này.”
Đối tượng được cầu nguyện đã chuyển hóa tâm thức thành những hành
nghiệp thanh tịnh rồi, thì “…Người ấy sau
khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này”. Huống
gì người đứng ra cầu nguyện lại là những vị có đầy đủ giới đức, đã chuyển hóa
phiền não, nhiễm ô được thanh tịnh, cùng với tâm nguyện từ bi thương xót chúng
sinh đang chịu khổ (trường hợp 1). Với nguyện lực vi diệu từ bồ-đề tâm, và sự
thức tỉnh của đối tượng được nhắm đến, hai nguyện lực tác động tương ưng, thì
việc cầu nguyện chắc chắn có hiệu quả.
Nhân đây chúng ta hãy xem xét thêm một đoạn trong kinh Mi Tiên vấn đáp nói về Tương quan phước và tội (số 71, bản dịch
HT. Giới Nghiêm):
Đức vua hỏi:
- Trong hàng ngũ Sa-môn của Đại đức, có người thuyết rằng, có kẻ
trọn đời làm ác nhưng đến khi lâm tử, họ tưởng nghĩ đến Phật, ân đức hoặc tướng
hảo quang minh sáng chói của Ngài thì có thể sanh lên cõi trời. Điều ấy thật
khó tin! Lại nữa, các vị ấy còn thuyết rằng, người nào đã lỡ tạo nghiệp sát
sanh, không cần phải nhiều lần, dù chỉ một lần, người ấy phải bị đọa địa ngục
chẳng sai. Điều ấy lại càng không thể tin được!
- Tâu Đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, nếu có người ném một
viên đá nhỏ độ bằng hột bắp hay hột tiêu xuống mặt nước, viên đá ấy sẽ nổi hay
chìm?
- Chắc chắn phải chìm.
- Nếu có một người chất vài trăm viên đá lớn vào một chiếc ghe
rất to, có sức chở rất lớn - thì vài trăm viên đá ấy có chìm không, Đại vương?
- Thưa không.
- Cũng vậy là tội và phước cùng sự tương quan giữa phước và tội,
tâu Đại vương! Một viên đá dù bé như hạt tiêu nó vẫn bị chìm xuống nước. Tương
tự vậy, có người làm việc ác, dù chỉ một lần, như giết sanh mạng loài hữu tình;
thì ác nghiệp ấy có sức nặng đưa chúng sanh đầu thai vào các cảnh giới đau khổ
như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la. Vài trăm viên đá lớn mà không chìm là
nhờ có ghe lớn chở. Cũng giống thế, một người làm việc ác trọn đời nhưng nhờ
tưởng nghĩ đến ân đức của Phật, tâm người ấy trú vững chắc và hoan hỉ ở trong
ân đức ấy; nhờ vậy, chính nhờ thiện tâm nâng đỡ–như chiếc ghe lớn–người ấy được
sanh thiên cũng là điều hiển nhiên thôi.
- Trẫm đã hiểu.
- Lại nữa, ác nghiệp nặng thường đưa chúng sanh đi xuống, thiện
nghiệp nhẹ thường đưa chúng sanh đi lên. Tuy nhiên, nếu đã lỡ tạo ác nghiệp rồi
thì phải siêng năng, tinh tấn làm việc lành; chính nhờ việc lành, nhờ thiện
nghiệp, nó có khả năng nâng đỡ cho tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, Đức Thế Tôn
còn dạy rằng: "Ghe, thuyền hằng chuyên chở đồ đạc qua sông lớn, qua biển
lớn; nhưng nếu ghe, thuyền ấy chở quá mức độ cho phép, ghe thuyền ấy sẽ bị
chìm. Cũng vậy, thiện nghiệp nâng đỡ ác nghiệp, nhưng nếu ác nghiệp quá nặng,
thiện nghiệp cũng sẽ bị chìm theo! Lại nữa, ghe thuyền ấy phải được vững chắc,
kiên cố không bị rò rỉ; nếu bị rò rỉ, thấm nước thì phải tát cạn, phải bịt chặt
các lỗ rò rỉ đi. Cũng vậy, đừng để ác nghiệp xen vào, nếu ác nghiệp đã rò rỉ
vào tâm thì phải bịt chặt lại, tát cạn lần hồi ác nghiệp ấy đi. Nhờ vậy ghe,
thuyền thiện pháp kia sẽ đến được bến bờ an vui nhất định.
Kinh Mi Tiên vấn đáp (Milindapañhā), là một bộ kinh rất có giá trị trong Phật
học, phản ảnh đầy đủ tinh yếu giáo lý Nguyên thủy. Đặc sắc của kinh chính là ở
những ví dụ rất khế lý và khế cơ mà Na Tiên Tỳ-kheo đã khéo sử dụng để làm sáng
tỏ các chủ điểm giáo lý căn bản của Phật giáo Nguyên thủy. Bản kinh hiện đang lưu hành được kết tập vào
khoảng thế kỷ I hoặc II TL, giai đoạn thịnh hành của Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin).
Bản tiếng Hán có nhan đề Na Tiên Tỳ-kheo
kinh, xuất hiện vào khoảng đời Đông Tấn (317-420). Milindapañhā được gọi là kinh, vì được kết tập trong tạng Pāli vào Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikāya). Nhưng
xét theo văn từ, quyển này vốn là một bộ luận. Các luận sư Nhất thiết hữu bộ có
khuynh hướng trình bày tư tưởng chuyển tiếp giữa Tiểu thừa và Đại thừa, và kinh
Na Tiên Tỳ-kheo mặc dù tuyệt đối
trung thành với giáo pháp Nguyên thủy, nhưng có nhiều khía cạnh đã manh nha
những điểm tế nhị ảo diệu của tư tưởng Đại thừa. Đoạn kinh về Tương quan phước và tội trên chính là một
sự điều chỉnh và giải thích hệ tư tưởng Nikāya trên quan điểm học thuật bộ phái
của mình.
Nên khi xét đến vấn đề hiệu lực
của cầu nguyện, chúng ta phải xét đầy đủ trên các mối tương quan này.
Tịnh thất Từ Nghiêm, 12/2015