Mộng trong mộng

mong trong mong

Đặng Công Hanh

 

"Trùng trùng mộng trung mộng

  Minh nguyệt nhất chi mai"

Hai câu thơ này của một phật tử thuận thành, sinh hoạt tại Thiền viện Bồ Đề. Anh Quảng Mỹ, đã cảm xúc cái thiền ý trong bài kệ thơ của thiền sư Mẫn Giác, sáng tác cách đây cả ngàn năm vào lúc "cáo bệnh, dạy học trò". Hai câu thơ được Hoà thượng Thích Minh Tuấn, viện chủ Thiền viện Bồ Đề hạ bút thư pháp thật điêu luyện trong một bức tranh mà anh đã phối trí với một chủ ý làm tăng giá trị văn học và mỹ học cho câu thơ thiền ngữ xá xưa bằng hình tượng nghệ thuật hiện đại, in đậm tính vĩnh cửu của mùa xuân là miền đất hứa cho những người con Phật và cả cho chúng sinh đang xuôi ngược khổ ải trần gian. Rất đơn giản: một vầng trăng đầy đặn toả ánh sáng lung linh vào một khoảng không mênh mông, cô tịch và huyễn ảo; một cành mai nở rộ đang khoe sắc cùng làn mây trắng lững lờ xuôi về nơi chốn vô tận.

Hình như Quảng Mỹ đang nhẹ bước dọ dẫm đi đến cánh cửa huyền mật, mở ra một không gian, thời gian khác và khác lạ đối với không - thời gian ước lệ, mà bậc đạt ngộ Thiền sư Mãn Giác ngắm nhìn sự dịch chuyển, tan hợp của vạn hữu trong cách nhìn tỉnh táo an định:

"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

  Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"

(Chớ bảo xuân tàn hoa rạng hết

Đêm qua sân trước một cành mai)

Trong một thoáng chốc trực quán, anh đột khởi quét đi mọi rác rưởi của cõi tục luỵ, làm tan biến đi mọt dấu vết của bụi bặm phàm trần còn vươn vãi rơi rụng, hiện khởi nơi thế giới "tịnh tâm duyên khởi", một thế giới bản nguyên vốn như vậy và đã là như vậy.

"Trùng trùng một trung mộng

 Minh nguyệt nhất chi mai"

¨ Cái nhìn của Phật học

Các luận sư Phật học đã hình dung Đạo Phật như con chim Phượng - Hoàng sải đôi cánh rộng của nó là Đại Trí và Đại Bi. Đại Trí là thanh gươm chặt đứt mọi phiền não, vốn là thành trì của mê vọng, phá vỡ mọi giới hạn khu biệt của thế giới sai khác, mở rộng cánh cửa đi vào chỗ tuyệt cùng của Tâm thức, một chân trời ánh sáng vô hạn của Tâm, thường làm người ta quán mắt đến nỗi khó mà chịu được bởi thứ ánh sáng lấp lánh giao thoa của rào dậu bằng pha lê, ngọc ngà châu báu.

Chính vì thế mà con người khó dùng trí năng để suy lường nghĩ tưởng, không thể lấy ngôn ngữ giới hạn để mô tả hết ý nghĩa. Phật học gọi đó là cảnh giới Bất Khả Tư nghì. Kinh luận gọi đó là Chân tâm, Giác tánh, Pháp giới tánh, Không tánh, Chân Như, Bát - Nhã... Tên gọi nào đi nữa thì cũng chỉ là phương tiện giả lập thiết yếu nhằm khai ngộ cho phàm nhân còn tâm trí mê mờ mộng mị trong huyền cảnh trùng trùng này. Các bậc Tổ - Sư đã xây dựng các pháp môn khác nhau cũng nhằm vạch nên các con đường đi khác nhau nhằm tương ứng phù hợp với căn cơ sai biệt, nhưng vẫn cùng hội tụ về nơi chân trời ánh sáng vô tận của Tâm, cái cảnh giới sở chứng Bất khả Tư nghì vô sai biệt của Chư Phật, chư Bồ Tát.

Vì vậy con đường của Đại Trí là từ con đường sai biệt hội tụ đến vô sai biệt, từ cái Nhiều đến cái Một, từ cái phức tạp đa thù đến cái đơn Nhất tột cùng của Tâm thức.

Nhưng với Đại Bi, chính lại là năng lực chuyển tải nguồn ánh sáng vô tận của Tâm đem chiếu rọi vào vô lượng, pháp giới để hoạt dụng. Biểu hiện của Đại Bi chính là Đại nguyện cứu độ chúng sinh, là phương tiện độ sanh của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát. Nói theo ngôn ngữ triết lý Hoa Nghiêm thì Trí và Bi đồng thời tương tức tương nhập, tương dụng, tương ứng. Cả hai đều là biểu hiện tuyệt đỉnh của Tâm.

Bi cũng là Tâm mà Trí cũng là Tâm. Trí càng chứng nhập sâu vào thể Tánh - Không Tịch của Tâm thì Bi khởi chiếu Diệu Dụng, châu biến vô tận của Tâm. Thế cho nên trong các kinh luận Phật học đều dạy một thiết chế "Tam giới duy tâm" tức là tất cả ba cõi, tất cả thế giới sự vật hiện tượng, từ nguyên tử cho đến sơn hà đại địa, nhật nguyệt xa xăm đều do tâm tạo tác, tâm duyên sinh, sinh khởi.

Đối với Phật học, một tôn giáo thực nghiệm, những diễn giải như thế nào đi nữa cũng chỉ dừng lại trên bình diện khái niệm. Diện mục của chân lý vẫn luôn luôn đòi hỏi phải dấn thân và thể nhập, vả lại chân lý không thể sinh khởi từ kinh nghiệm tri giác vì các kinh nghiệm như vậy tất yếu chịu sự tác động của vô minh. Con đường thành tựu chân lý như thế phải vượt ra ngoài truy nhận của tri giác thường nghiệm và bằng nỗ lực của Thiền quán nhất thiết, phải chỉ đi trên con đường Thiền quán truyền thống của Phật giáo.

Trong toàn bộ giáo lý Phật học, ngoài những giáo lý mang tính cách của nền đạo đức thực tiễn, được lý giải bằng ngôn ngữ phổ thông. Vẫn còn đó và còn cả một thế giới mênh mông sâu thẳm, uyên áo bàng bạc cái không khí huyền mật, một lăng kính vạn hoa phản chiếu vô vàng cảnh tượng như thực như hư, như có như không mà con người với tri giác thường nghiệm nghèo nàn, còn hạn chế, khó lòng thành đạt trong nỗ lực kiến giải của mình.

Nhân loại đang đứng trước những thành tựu rực rỡ của nền khoa học nói chung và vật lý nói riêng. Nền vật lý hiện đại với sự khám phá của lý thuyết tương đối, lý thuyết lượng tử, lý thuyết siêu dây sau này, đã vượt qua và đe doạ phá huỷ các định đề đã một thời ngự trị như những chân lý của Newton, của Descartes, thì cũng có thể trong một tương lai nào đó đến lượt nó cũng bị vượt qua.

Vật lý hiện đại hôm nay đã có một số khám phá tương hợp với Đạo Phật trên một số bình diện như quan niệm về vật chất, quan niệm về mạng lưới kết nối những tương quan trong vũ trụ, và về tính đa vũ trụ, về chủ thể và khách thể. Một cách nhìn đối chiếu, Đạo Phật không còn xuất hiện như những tín lý mà đã xuất hiện dưới những yếu tố xác thực như của khoa học và như vậy có thể nói đạo Phật đã mở đường cho khoa học tìm đến.

Cuộc sống vẫn đầy dẫy và càng ngày càng đầy dẫy những biến động, con người thường xuyên đối mặt với những điều bí ẩn sâu thẳm. Nhưng khát vọng chân lý vẫn là khát vọng muôn thuở. Khoa học tự thân sẽ bất lực và mãi mãi bất lực trước sự cật vấn của những vấn đề có chiều kích sâu thẳm của tâm linh và vũ trụ cũng vì những gì ta gọi là xác thực đem đến cho con người. Suy nghiệm cho cùng xác thực vẫn là xác thực trong tương ứng với nghiệp cảm nghĩa là còn chịu sự điều động bởi vô minh.

Con người và thế giới quan của con người là Dục giới, tức là thế giới của các sinh linh có khát vọng trần tục. Vì vậy, muốn biết được sự hiện hữu của Sắc giới, Vô sắc giới hay Siêu thế giới, tất yếu phải đi vào Thiền quán hay là Minh sát tuệ (Vipassana).

Vì rằng, những cảnh giới siêu hành đó vốn thoát hiện ra ngoài tri giác thường nghiệm, ngoài suy luận phán đoán của con người và như vậy phải nỗ lực vượt qua ý thức phân biệt và cấu nhiễm trần tục.

Từ ngàn xưa cũng như tự bao giờ, những trang kinh kệ vẫn mời gọi con người hãy thâm nhập, thâm nhập để tỉnh thức, để dịu bớt cơn mê, bừng lên đôi mắt trước màn lưới vô minh dày đặc và để hứng cảm một sự mầu nhiệm của Tâm Đại Bi giữa những biến loạn quay cuồng điên đảo trần gian.

Cũng như các tôn giáo khác, Đạo Phật là con đường mở ra thênh thang cho tâm trí con người đã và đang bị chi phối bởi những kiến giải khoa học hay còn dong ruỗi trên những ngã đường đang lâm vào nẻo cụt.

¨ Pháp giới như huyễn

Pháp giới là toàn bộ vũ trụ trong đó có cả cảnh giới siêu việt mà chúng ta không cảm nhận được bằng giác quan hay nghĩ bàn được, nói theo danh từ nhà Phật là "bất khả tư nghì, bất khả thuyết". Nói gọi lại, Pháp giới tức là các pháp, các hiện tượng hữu hình hay vô hình, các cảnh giới...

Vậy thể tính của Pháp giới là gì? Phật dạy trong kinh Kim Cương: "Các pháp vốn không Thật, không Hư". Nó chỉ như Huyển, như Hoá vì nó là Duy tâm sở hiện, do Tâm biến hiện, là phóng ảnh biến hiện của Tâm chúng sinh. Chân lý: "Duy tâm sở hiện" bàng bạc hầu hết trong các kinh Đại Thừa như kinh Lăng Già, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lăng nghiêm...

"Các cảnh giới, các cõi vô số vô lượng nổi lên trong hư không và hư không nổi lên trong Chân tâm diệu minh, tương tự như một áng mây trắng nổi lên trên nền trời xanh mà thôi"

(Kinh Thủ Lăng Nghiêm)

Phẩm Thập Địa trong Hoa Nghiêm viết

"Tâm như công hoạ sư

Hoạ chủng chủng ngũ ấm

Nhất thiết thế gới trung

Vô bất tạo thị pháp".

(Dịch là: Tâm như người hoạ sĩ, vẽ các loại ngũ ấm (tức chúng sinh), hết thảy pháp thế giới, đều do tâm mà ra)

¨ Vậy thì Tâm có mật nghĩa ra sao?

Các nhà luận sư Phật học đều ca ngợi Bồ Tát Mã Minh đã thâu tóm nhiều kinh điển về một ý nghĩa hàm dung một tâm pháp - tâm chúng sinh trong hai lộ phần Chân Như và Sanh Diệt.

Tâm Chân như hay, Nhất chân pháp giới là thể của các pháp môn đại tổng tướng nên còn gọi là Biển Chân tâm có tính không sinh, không diệt, không hình tướng, bao trùm khắp, không thể dùng hình tướng hay ngôn từ để diễn đạt. Sở dĩ nó có tất cả các pháp là do vọng niệm mà thấy sai biệt.

Điều này có nghĩa là lúc khởi lên tư tưởng sai lầm nhận tâm cảnh giả dối làm chân thật, còn gọi là vọng tưởng. Khi lìa vọng niệm thì không có tướng tất cả các cảnh hay nói đơn giản hơn, ta nhìn thấy muôn hình vạn cảnh sai biệt đều do vọng niệm, nếu lìa vọng niệm thì tướng cảnh giới không còn. Còn vọng thì còn động, nhưng động trong cái sai - biệt, tức dao động tương đối và rơi rụng vào vòng kiềm toả trong không - thời gian.

Chẳng hạn, hình dung một buổi sáng có đầy nắng, ngồi nơi bờ ruộng đưa mắt nhìn vào hư không lòng thật bình yên, không chăm chú, không trụ tâm, không mong cầu thì hư không trong sáng bình thường. Sau ta thay đổi tư thế, mắt đăm đăm nhìn một cảnh tượng nào đó thì lần hồi sẽ thấy hoa nắng nhảy múa loạn xạ. Nhưng khi dụi mắt, không nhìn hay chăm chú nữa, thì hoa đốm sẽ mất dạng.

Kinh luận dạy rằng sự chăm chú chính là dụng tâm, vọng niệm truy cầu đã làm cho mắt bị mệt mỏi tức là sức Hành của Nghiệp làm loé lên hoa đốm nắng mà cứ tưởng là vật thật có.

Cũng tương tự câu chuyện con Rắn trong thần thoại, có cái thân rất dài, bỗng một lúc quay đầu lại thấy cái đuôi cọ quậy liên hồi, bỗng quên rằng đó là cái đuôi của chính mình, nên cứ loay quay đuổi theo để cắn. Sự xoay vòng liên hồi của con rắn có thể xem như sự bập bềnh triền miên của vọng tưởng con người... Nếu y cứ vào lý Duy tâm sở hiện mà nói thì uyên nguyên của Pháp giới diễn trình vận hành là như vậy. Vô minh là màng mỏng của Biển Diệu tâm, tuy bất khả tư nghì nhưng luôn luôn hiện khỏi bất đoạn tuyệt. Kinh luận Đại Thừa khởi tín giảng giải: Vì có vô minh làm nhân của pháp nhiễm nên huân tập lại Chân như, ví như biển vốn lặng lẽ, bát ngát mênh mông. Bất chợt gió thổi, sóng nổi lên và liên tiếp sóng lớp sau nối tiếp sóng lớp trước. Đó là những lớp vọng trùng vọng, chồng chất mịt mùng. Con người đã lạc lối trong mê lộ từ mỗi lời nói, mỗi suy tư, mỗi tình cảm, mỗi tâm niệm... xa dần Biển Chân tâm của mình để phiêu bạt theo phóng ảnh huyễn ảo của nó. Ta thử lắng nghe các tâm sự:

- Bùi Giáng, một nhà thơ đã thể hiện nhiều suy ngẫm về thân phận làm người trong dòng thơ của mình, ông viết:

"Tư cứ ngỡ trần gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ".

Cũng có khi ông thao thức đến mức tuyệt vọng, vơ không tìm đâu được lối ra trong cái mịt mùng của kiếp nhân sinh

"Trần gian hỡi? Tôi đã về đây sống

Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than

Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng

Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen".

- Nhà thơ Huy Cận đã cảm xúc bi kịch hơn, thấy mộng đơm trái lơ lửng trước mắt con người tưởng như dễ nắm bắt, nhưng than ôi!

"Kia treo trái mộng trĩu cây đời

Ngang với tầm tay với của người

Nhưng múa vu tay đã mỏi

Ê chề đời thoáng vị cơm ôi!

 (Bình yên)

- Hoặc giả như danh sĩ Ôn Như Hầu, sống cách đây hơn cả trăm năm, ngậm ngùi với tâm thức còn lạc bước trong cõi trùng mộng mịt mờ mà ông hình tượng như người đi trong đêm tối.

"Cái quay búng sẵn lên trời

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm"

(Cung oán ngâm khúc)

Theo quan điểm Phật học, từ vô lượng kiếp, chúng ta đã tích luỹ các tập khí, các chủng tử trong Tàng thức tương đối là giống nhau trong tâm thức làm kiếp con người và đến hôm nay có nhân duyên chín mùi đủ hiện khởi thành ảnh tượng thân người và ảnh tượng về quốc độ giống nhau. Những chủng tử dẫn nghiệp như thế gọi là cộng nghiệp chung cả gần 10 tỷ người trên hành tinh chúng ta. Vì tính cộng nghiệp này nên con người trên hành tinh ai ai cũng thấy con chim, dãy núi, dòng sông, đại dương, mặt trăng, mặt trời... không cho là khác được.

Tương tự như vậy, hễ không thấy được ma đói, quỉ thần, núi Tu Di ... nên cho rằng không có. Nói chung, mọi người đều có một tri giác chung về thế giới mà cho rằng nó khách quan, tồn tại độc lập với ngã thể của mình.

Đây là một điểm khá bí ẩn của cảnh giới mệnh danh là Khách quan, đã ám ảnh sâu sắc đến các triết gia từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim và sau này đối với các nhà vật lý lượng tử.

¨ Trong đôi mắt nhà khoa học họ thấy gì?

Nhà điều khiển học Heinz Von Foerster xác tín: Tinh thần con người không tri giác được cái gì "đang ở đó" mà là cái gì "tưởng rằng đang ở đó". Năng lực nhìn thấy của con người phụ thuộc và võng mạc hấp thụ ánh áng bên ngoài, rồi chuyển các tín hiệu vào bộ não. Thế nhưng võng mạc không làm công việc tri giác được màu sắc, bởi vì trong thực tế không có ánh sáng "màu sắc tự nó mà chỉ có các sóng điện từ".

Cũng vậy, chẳng có âm thanh lẫn sóng âm thanh: chỉ có những biến động tức thời của áp suất không khí đối với màng nhỉ của con người. Không có nóng lạnh: chỉ có những chuyển động với động năng nhiều hơn hoặc ít hơn mà thôi.

Von Foerster kết luận: Con người sinh ra để trở thành bộ phận của một cái gì được dựng nên ở bên trong thế giới. Điều này phải chăng con người sống trong một "trường ý thức" nào đó giao thoa với một hiện thực khác chưa biết.

Thế còn thế giới vật chất? Để trả lời câu hỏi này con người phải từ bỏ tất cả mọi chỗ dựa, mọi vật chuẩn của những cảm giác và lý trí. Trên hết, chúng ta phải từ bỏ niềm tin ảo ảnh vào một cái gì đó rắn chắc làm nền tảng.

Trong vật lý cổ điển, vật chất hiện ra ở các hạt và các lực thì được mô tả bằng các trường. Trái lại, trong vật lý mới, lý thuyết lượng tử nhìn thấy ở hiện thực gồm những tương tác, những tương tác này được chuyển tải bằng những thực thể trung gian gọi là "beson", các "beson" chuyển tải các lực và bảo đảm những liên hệ giữa các hạt vật chất gọi là "fermion", đến lượt các "fermion" tạo nên các "trường vật chất". Như vậy, vật lý mới đã xoá bỏ sự phân biệt giữa vật chất và cái nằm bên kia nó tức là cái gì phi vật chất.

Bên kia đó là cái gì, phải chăng chúng ta đến gần với quan niệm "Tâm linh về vật chất".

Các nhà vật lý lượng tử cho rằng: hiện thực nằm bên kia đó là tập hợp các trường có thể có, đặc trưng cho các hiện tượng có thể quan sát được qua sự môi giới của các hạt cơ bản. Rõ ràng cái đáy của vật chất đã không tìm thấy được, ít ra dưới hình thức một vật một mẩu cuối cùng của hiện thực.

Nhận thức lượng tử của chúng ta về vật chất dẫn chúng ta đến xác quyết: chẳng có gì bền vững cả, tất cả nằm trong vận động vĩnh hằng, tất cả đều thay đổi không ngừng. Cái mà ta tưởng là bất động, là ù lì lại là ngàn trùng vận động. Vật thể bao quanh ta, rốt cuộc là chân không, là sự cuồng nhiệt của nguyên tử.

Trước mặt ta là một đoá hồng sặc sỡ, nồng thắm, giản dị, hoá ra đó là cái gì quá phức tạp trong điệu luân vũ của hàng tỉ tỉ nguyên tử đang dao động trong nó. Xét đến cùng, không có cái gì ta cảm nhận được gọi là "hiện thực" theo nghĩa thông thường. Chúng ta đã lao sâu vào bên trong một ảo ảnh, ảo ảnh bao quanh chúng ta, những làn sương mù, những sự lừa phỉnh mà chúng ta đồng nhất với hiện thực. Một hiện thực quá lạ lùng không phải kết cấu bằng vật chất mà bằng ý thức, bằng tinh thần.

Chúng ta trở thành kẻ dệt mộng trong giấc mộng dài của kiếp người, ngành vật lý mới đã mời chúng ta hay tự chiếu rọi lên đêm tối mịt mùng của những giấc mơ ấy bằng đốm lửa vừa loé lên!

Đức Phật dạy trong kinh Kim Cương:

"Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ diệc như điện

Ủng tác như thị quán".

Hữu vi pháp là các pháp (sự vật hiện tượng) sinh khởi, tồn tại và tiêu tan trong luật duyên khởi. Huyễn là có đó mà không thật như trò ảo thuật. Ngài muốn nói đến những sự vật ta đang thấy nhưng đó không phải tự thân của sự vật, ta chỉ nắm bắt được những hình bóng huyễn ảo của thực tại chứ không phải chính bản thân thực tại.

Như cõi mộng, trong mộng ta thấy có ta, có người, cười cười nói nói, cảm nhận đủ cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Nhưng khi tỉnh dậy, thấy chúng tan biến mất vì nó không thật, chỉ giả có. Cái tâm lăng xăng, bươn bả, lòng vòng, ngược xuôi chẳng qua chỉ là mộng huyễn. Người Nam bộ họ nói mộc mạc hơn "thấy dậy nhưng không phải dậy" để mô tả sự thật đó.

*

*          *

Trong đời sống thường nhật, con người ở mọi vị trí ngóc ngách của xã hội, hoạt động trên mọi lĩnh vực khác nhau, tâm thức luôn luôn giữ một vai trò chủ động. Tâm thức được mô tả như một thực tại vô hình, thông qua đó mọi hiện trạng hữu hình được tạo tác, được thành lập. Từ các thiết bị có độ chính xác cao phục vụ trong công nghệ vũ trụ, đến xe cộ, máy móc chuyên dùng, tiền tài, danh vọng, khổ đau, hạnh phúc... đều là sản phẩm của tâm thức. Có thể nói bóng dáng của thực tại vô hình đã bao trùm hầu khắp vũ trụ.

Dù rằng, tâm thức như một kho tàng thụ động dung nạp mọi thức tốt lẫn xấu, thiện lẫn bất thiện. Mọi hạt giống đó, khi có điều kiện trợ duyên sẽ biểu hiện ra bên ngoài mà ta gọi là thế giới khách quan theo công ước. Thế giới đó xuất hiện giữa muôn ngàn sai biệt mà dù muốn hay không muốn thế giới đó, nơi con người đang sinh sống, vẫn luôn luôn là đối tượng của nhận thức.

Đời sống con người được sinh khởi và hiện khởi trong dòng vận hành của nhiều nhân duyên tan - hợp, nên thế giới con người cả vật lý lẫn tâm lý là vô thường, vô ngã. Đó là sự thật nếu không chấp nhận sự thật này thì con người không thoát khỏi sự trói buộc của ý thức bám víu vào các "tôi", cái "tự ngã của tôi" như một nhân tố thường xuyên nuôi dưỡng và tưới tẩm các khí chất cay đắng sầu muộn trong đời sống nội tâm đầy huyễn ảo mộng mị của con người. Vì vậy chúng ta luôn luôn tâm niệm lời dạy Đức Từ Phụ:

"Nơi nào có hình tướng là nơi đó còn có sự lường gạt"

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đại Thừa Khởi tín luận: Bồ Tát Mã Minh. Bản chú dịch: Thích Thanh Trì - NXB Tôn giáo 2003.

2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Dịch chú Tâm Minh - NXB Tôn giáo 2009

3. Triết học Phật giáo (Vấn đề cơ bản): Thích Tâm Thiện - NXB Ban Văn hoá Trung ương GHPG Việt Nam - 2000.

4. Nghiên cứu Kinh lăng già: Daisetz Taitaro Suzuki. Bản dịch Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn 2005.

5. Bản thiết kế vĩ đại: Stephan Hawking. Dịch Phạm Văn Thiều - Tô Bá Hạ - NXB Trẻ 2012.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle