Tu Viện Tabo: Ajanta của Hy Mã Lạp Sơn

tu vien taboo

Tu Viện Tabo: Ajanta của Hy Mã Lạp Sơn

Nguyễn Đăng



Nằm ở độ cao 3.050 mét so với mức nước biển, tu viện Tabo tọa lạc tại ngôi làng Tago ở thung lũng Spiti xa xôi, thuộc tiểu bang Himachal Pradesh, Ấn Độ. Địa danh này rất gần với biên giới Tây Tạng và từng là một phần của vương quốc Guge Tây Tạng cổ đại.

Đại sư và cũng là dịch giả Rinchen Zangpo đã thành lập tu viện này vào năm 996; và hiện nay nó là quần thể tu viện Phật giáo lớn nhất ở vùng Spiti. Tu viện Tabo cũng còn được gọi là “Tabo Chos Khor”, mà nó có nghĩa là “Pháp luân Tabo”. Trong thực tế, Tabo như một ngôi làng nhỏ, với khoảng 350 người cư trú. Khởi nguyên, Tabo được thành lập như là một trung tâm học thuật nâng cao.

Kiến trúc của tu viện thật sự độc đáo với chín ngôi chùa riêng biệt. Ngôi chùa chính lưu giữ nhiều thông tin và tài liệu quý giá, cũng như những tranh, tượng, bản khắc chữ khác nhau. Ngôi chùa lớn thứ hai là Dromton, hay còn được gọi là “Brom-ston Lha-khang”. Ngôi chùa này thuộc nhóm những ngôi chùa được xây dựng trể hơn, bao gồm chùa Trắng và chùa Mahakala Vajra, nơi phụng thờ vị thần của phái Gelukpa. Chùa Dromton do một người đệ tử của Atisha là Dromton thành lập vào đầu thế kỷ XI. Ở ngôi chùa này cũng có nhiều bức bích họa cùng những bức tranh bằng gỗ.

Tòa nhà nổi bật khác ở đây là Ser-khang (chùa Vàng). Chùa Vàng thuộc nhóm những ngôi chùa cổ hơn. Vào thế kỷ XVI, với sự ủng hộ của người cai trị Ladakh là Senge Nagyal, ngôi chùa này đã được dát vàng, nhưng qua những lần trùng tu lớp vàng đã không còn nữa, và hiện nó được trang trí bằng những bức bích họa. Ở đây cũng có một tòa nhà được gọi là Kyil-khor-khang (chùa Mandala huyền bí), nơi dành cho việc truyền giới. Chùa Bồ-tát Di Lặc (Maitreya) hay còn gọi là “Byams-Pa Chen-po Lha-khang” là nơi lưu giữ nhiều bức đại tượng Bồ-tát Di Lặc.

Ngoài ra nơi đây còn có 23 ngôi tháp và những nơi ở dành cho chư Tăng. Chuỗi hang động được khắc đục ở trên vách đá tu viện được cho từng là nơi chư Tăng cư ngụ, và ở đó cũng có một hội đường. Chính vì quần thể hang động được khắc đục này mà tu viện Tabo được gọi là Ajanta của Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Ở đó, ta có thể vẫn nhìn thấy những vết tích của những bức tranh từng được họa lên mặt đá. Bên cạnh đó ở tu viện Tabo còn có bức tượng Phật uy nghiêm bốn mặt, bức tượng Phật A Di Đà ngồi; và hội đường lớn Chiatya là một trong những trường hợp tuyệt vời nhất của điêu khắc và kiến trúc Phật giáo.

Tu viện lưu giữ một số những bức tranh cổ xưa nhất, đặc biệt là những bức bích họa mà nó có niên đại vào thế kỷ XI, và những bức tranh này thực sự hấp dẫn đối với cả những nhà khảo cổ và giới tu sĩ. Mặc dù bị phá hoại bởi những người ngoại đạo bất tín và sự bào mòn của thời gian, những bức tranh này vẫn còn lưu giữ được vẻ đẹp của chúng, và khó có thể tin rằng nó đã được họa vẻ cách đây đã mười thế kỷ.

Tabo tọa lạc trên một con đường giao thông thuận tiện đi ngang qua Manali và Shimla, và nó trở thành một địa điểm hành hương quan trọng. Tu viện cũng quan trọng vì là một địa điểm lý thú cho việc nghiên cứu sự phát triển và thịnh hành của nghệ thuật Tây Tạng trong những thế kỷ từ XI-XX.

Tu viện Tabo trải qua nhiều thăng trầm. Trong suốt thế kỷ XVII đến XIX, có nhiều vụ tấn công vào tu viện do những bất ổn chính trị xảy ra ở hai bên sông Spiti. Năm 1837, hội đường của tu viện Tabo đã bị tấn công và bằng chứng vẫn có thể nhìn thầy ở một vài nơi trên tường. Từ năm 1846 kéo dài đến thập niên 50 thế kỷ trước, vùng đất này đã hưởng được sự yên bình; nhưng trong suốt thời kỳ tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ về biên giới, tu viện lại trở thành nạn nhân khi đứng ở giữa hai làn đạn. Bên cạnh, những thảm họa thiên nhiên cũng đóng một vai trò lớn trong việc gây nên những thiệt hại đối với tu viện bao gồm trận động đất kinh hoàng xảy ra vào năm 1975, nhưng may mắn là tu viện được tu sửa ngay sau đó.

Hiện có một dự án xây dựng một Viện Nghiên cứu Phật học Quốc Tế ở tu viện Tabo. Kinh phí cho dự án này ước tính khoảng 7,5 triệu đô-la, và hiện 30 ha đất ở Mohal Dhaang Chummi đã được khai quang để chuẩn bị cho dự án. Mục đích xây dựng viện này là để giúp các học giả và những nhà nghiên cứu tìm hiểu về văn học Phật giáo. Và như vậy, với việc thành lập viện này, Tabo không chỉ là nơi tu học của những Tăng sĩ thuộc khu vực Lahaul-Spiti và Kinnaur, mà nó cũng đón nhận những nhà nghiên cứu và sinh viên ở những nơi khác.

Tu viện Tabo hiện được Hội Khảo cổ học Ấn Độ bảo quản, và nó trở thành một trong những tu viện ở Ấn Độ có lượng khách tham quan đông nhất. Tuy nhiên, vì là một vùng đất mưa tuyết kéo dài nhiều tháng trong năm nên thung lũng Spiti luôn cách ly với thế giới bên ngoài khi ta không thể đến đây bằng đường bộ vào mùa mưa tuyết. Giao thông thường được nối lại khi tuyết bắt đầu tan sau giữa tháng Tư. Như vậy, đối với những du khách ở xa, việc chiêm bái tu viện Tobo chỉ có thể thực hiện vào những tháng mùa hè, khi trời trở nên ấm hơn.


Chia sẻ: facebooktwittergoogle