Dõi theo dòng gió bụi
doi theo
Những ngọn gió cuối mùa (hay đầu mùa?) đi ngang vườn cây vừa đơm lá mới.
Những cánh hoa rơi còn vương vãi nơi này nơi kia, dưới những gốc cây lớn, nhỏ.
Thỉnh thoảng, bụi và rác tung mù mịt theo gió. Gió qua rồi, rác nằm im, mà bụi hãy còn lơ lửng trong không.
Bầu trời cuồn cuộn mây xám như thể chuẩn bị cho một cơn mưa lớn. Nhưng
không. Chỉ có những hạt nước, nhỏ như bụi, lất phất rơi xuống thềm rêu
xanh.
Đừng nói sáo ngữ rằng ta là cát bụi sẽ trở về với cát bụi, khi chúng ta
tiếp tục tham lam, theo đuổi không ngừng ý muốn chiếm hữu, tranh đoạt
cho phần mình.
Đừng nghĩ suông rằng cuộc sống mong manh vô thường, khi chúng ta chưa
thực sự mở lòng thương yêu, cảm thông, đón nhận quan điểm và lẽ sống
của người khác.
Khi tham lam, thù hận, cuồng si, chúng ta quên mất sự hiện hữu của kẻ
khác, mà cũng quên hẳn đi tính chất nhỏ nhoi và huyễn mộng của cát bụi.
Khi chỉ biết có mình, chúng ta sẽ không bao giờ cảm nhận được nỗi đau
khổ của kẻ khác—thường khi là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp từ lòng
tham, sân hận và sự cố chấp của chính chúng ta.
Lòng tham lam vị kỷ biến những hạt bụi thành những vân thạch, vẫn
thạch, hay thiên thạch, chuyển động, cháy, va chạm nhau, hoặc xé toang
bầu khí quyển, rơi thẳng xuống tạo những vết thương loang lổ trên bề
mặt bình yên của các thiên thể, thậm chí còn hủy hoại môi sinh của cả
một vùng rộng lớn. Thiên thạch nhỏ, va chạm nhỏ; thiên thạch lớn, va
chạm lớn.
Một tình thương to lớn thì có thể làm mát rượi cả rừng xanh và bầu
trời; trong khi một cái ngã to lớn thì chỉ có ngăn trở, đụng chạm, phá
hoại.
Tại sao chúng ta cứ mãi gây khổ cho nhau chỉ vì ý muốn riêng của mình
(hay ý muốn của một đảng phái, một cá nhân lãnh đạo, một đấng thiêng
liêng vô hình nào đó)? Tại sao chúng ta cứ đẩy người khác vào khổ đau
(và cái chết) chỉ vì họ không cùng niềm tin và lý tưởng với chúng ta?
Có chăng một niềm tin chắc thật, tuyệt đối, mang lại hạnh phúc phổ cập
cho tất cả mọi người? Ngay khi khởi lên ý niệm về một cái gì tuyệt đối,
chúng ta đã bắt đầu đi vào thiên kiến, cực đoan, cắt đứt cơ hội cho
việc truy tìm sự thực.
Chúng ta có là cát bụi không? Không. Chỉ có thân xác—hợp thành từ đất
(cát bụi), nước, gió, lửa—sẽ trở về với lòng đất và hư không; nhưng
tinh anh một đời (hay nhiều đời) của chúng ta thì còn ở lại, thay đổi,
động chuyển và tái hiện nơi một môi trường thích ứng với tác hưởng của
nó. Nếu không tin điều ấy thì hãy cứ tin, hoặc ví von đơn giản rằng,
chúng ta là cát bụi, mong manh, nhỏ bé; và đừng quên chiêm nghiệm về tự
thân cát bụi trước khi trở về với đất… Cát bụi chúng ta đã đến và đi
như thế nào trong cõi đời mênh mông và không gian vô hạn nầy? Hữu tình
hay vô tình?
Trên thực tế, chúng ta không giống cát bụi, vì chúng ta không phải vô
tình, vô cảm. Trong ta đã sẵn có tình thương yêu. Vì có sẵn, chúng ta
đã biết yêu thương cha mẹ và những người thân từ lúc sơ sinh, ấu thời.
Rồi càng trưởng thành, từ môi trường sống, từ gia đình và xã hội, mà hệ
trọng nhất là từ nơi lòng vị kỷ của mỗi người, chúng ta đã vong thân,
hóa thân thành những gì thật vô tình, vô cảm, như cát bụi. Và rồi chúng
ta làm khổ mình, khổ người, hủy hoại niềm thương yêu mà đáng ra, chúng
ta phải trân trọng, tha thiết trao tặng nhau không giới hạn trong cuộc
tồn sinh nầy.
Lòng vị kỷ không mang lại hạnh phúc cho ai cả, ngay cả chính bản thân
người vị kỷ. Niềm vui đến từ vị kỷ, không phải là hạnh phúc, mà chỉ là
ảo giác nhất thời của sự thỏa mãn; là phóng ảnh của nỗi bất lực trong
sự truy tìm hạnh phúc. Vị kỷ dẫn đến vô cảm; vô cảm dẫn đến cô đơn, ly
cách.
Vì vậy, xin đừng nói nghĩ suông chúng ta là cát bụi, hay là những thiên thạch lạnh lùng rơi xuống đất nầy.
Ngoài kia, khi mặt trời lên, sương tan thành mây, bụi tung theo gió; và
chúng ta, những người biết rung động trước cái đẹp, biết ưu tư về lẽ
sống, có thể giao cảm hòa điệu với nhau trong tình thương yêu vô cùng.
California, ngày 21.03.2016
Vĩnh Hảo