Tu viên Thikse

tu vien

Nguyễn Đăng

Ladakh là một vùng đất đồi núi nằm về phía Tây bắc tiểu bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ. Ladakh cũng được gọi là vùng đất xuyên Himalaya, tức là vùng đất nằm vượt qua Himalaya. Người dân ở đây phần lớn theo hai tôn giáo chính là Phật giáo và Hồi giáo, với tỷ lệ tương đương nhau. Tín đồ Phật giáo phần lớn sinh sống ở khu vực phía Đông gần biên giới với Trung Quốc, và một số ít sống ở những vùng khác; trong khi tín đồ Hồi giáo phần lớn tập trung ở những khu vực phía Bắc và phía Tây. Tín đồ Phật giáo ở Ladakh hầu hết theo Phật giáo Kim Cương thừa và ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo Tây Tạng. Hay nói khác hơn, Phật giáo ở Ladakh là một dạng Phật giáo Tây Tạng, và người dân ở đây xem Đức Dalai Lama như là người thầy tâm linh tối cao của họ. Và không chỉ ảnh hưởng về tôn giáo, kiến trúc, văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực… của Ladakh cũng ảnh hưởng rất lớn từ Tây Tạng.

Thikse (Thikse gompa) là một trong những tu viện lớn và nổi tiếng nhất ở Trung Ladakh, cách quận Leh khoảng 19 km và nằm trên đường Leh-Manali. Tu viện này được xây dựng ở bên triền đồi, và nó nổi tiếng nhờ bởi kiến trúc và địa điểm tọa lạc của nó. Quần thể này bao gồm nhiều điện thờ, tháp, hội đường cũng như nơi lưu trú cho Tăng, Ni. Bên cạnh đó, ở đây cũng có một bức tượng Phật Di Lặc lớn, được xây dựng vào năm 1970 để kỷ niệm ngày đức Dalai Lama thứ 14 đến thăm nơi này. Tu viện Thikse được xem như là một phiên bản thu nhỏ của cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng.

Tu viên Thikse thuộc bộ phái Gelugpa, một phái Mũ Vàng của Phật giáo Tây Tạng. Nó được Palden Sangpo xây vào giữa thế kỷ XV. Vào thế kỷ XV, Tsongkhapa, người sáng lập phái Gelugpa cách tân (phái Mũ Vàng), đã phái sáu đệ tử của mình đến những vùng xa xôi ở Tây Tạng để truyền bá triết thuyết của trường phái mới. Tsongkhapa trao cho một trong những vị đệ tử của mình là Sherab Sangpo một bức tượng Phật Di Đà nhỏ. Tsongkhapa chỉ dạy người đệ tử đến gặp vua của Ladakh để trao tặng bức tượng này và trình bày mong muốn được nhà vua ủng hộ cho việc truyền bá Phật giáo ở vùng đất mới. Nhà vua vô cùng thích thú món quà này từ nhà sư. Sau buổi hội kiến, nhà vua ra lệnh cho vị đại thần của mình giúp Sherab Sangpo thiết lập một tu viện Phật giáo ở Ladakh và quảng bá triết thuyết của phái Gelugpa ở đấy. Kết quả, vào năm 1433, Sangpo thành lập một tu viện được gọi là Lhakhang Serpo (có nghĩa là chùa Vàng) ở làng Stagmo, phía Bắc sông Indus. Tuy nhiên, dù Sherab Sangpo rất cố gắng trong việc xiển dương tông phái của mình nhưng thời kỳ đầu không có nhiều Lama theo phái Gelugpa.

Vào thế kỷ XV, Palden Sangpo tiếp tục công việc của thầy mình là Sherab Sangpo, và ông quyết định xây một tu viện lớn hơn ở đó. Chuyện kể rằng, Tsongkhapa đã tiên đoán rằng học thuyết của ông sẽ thành công ở mạn phải của sông Indus; và tiên đoán này đã trở thành hiện thực khi tu viện Thishe được thiết lập lần đầu tiên ở đó. Và theo sau đó là những tu viện khác như Spituk và Likir, mà chúng cũng tọa lạc ở mạn phải của sông Indus.

Có một câu chuyện kỳ thú khác liên quan đến tên gọi Thikse và địa điểm nó tọa lạc. Một ngày, Jangsem Sherab  Zangpo và đệ tử của mình là Palden Sherab thực hiện nghi lễ dâng cúng bánh (tiếng địa phương là torma) tại một địa điểm cách nơi ngày nay tu viện Thikse tọa lạc khoảng 3 km. Khi họ thực hiện nghi lễ và chuẩn bị ném bánh xuống thung lũng thì có hai con quạ bay đến mang cái bánh bay đi[1]. Khi hai thầy trò đi tìm kiếm chiếc bánh, họ đã đi đến Thikse, và ở đó họ thấy con quạ đã đặt chiếc bánh cúng trên một tảng đá một cách ngay ngắn. Họ nghĩ rằng đây là một điềm lành nên quyết định xây dựng một tu viện tại nơi này. Tên gọi Thikse có nghĩa là “trật tự hoàn hảo”, ý muốn nói rằng chiếc bánh cúng đã được đặt trên tảng đá theo một cách thức ngay ngắn, hay được đặt theo một cách thức hoàn hảo giống như khi nó được đặt trong lễ cúng.

Tu viện Thikse đã được phát triển theo thời gian và ngày nay nó trở thành địa điểm hành hương quan trọng của người Phật tử Ladakh, cũng như trở thành điểm tham quan dành cho du khách khi đến vùng đất này.

Có một lễ hội được tổ chức hằng năm ở Thikse mà nó được gọi là Gustor. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 19  tháng 9 của lịch Tây Tạng (rơi vào khoảng tháng 10 và tháng 11). Vào lễ hội này, chúng ta sẽ có dịp chứng kiến những nghi lễ đặc biệt, cũng như những điệu múa cổ truyền gắn liền với nghi lễ và tín ngưỡng. Đây cũng là dịp những dân làng ở Ladakh trao đổi và bày bán những mặt hàng truyền thống của địa phương họ

Thời gian lý tưởng để viếng thăm Thikse và Ladakh là vào giữa tháng Năm và tháng Chín, vì bắt đầu sau tháng 10, tuyết sẽ rơi nặng phủ kín đường đi nên có thể gây khó khăn cho việc đi lại. Về nơi ở, ta có thể lưu trú tại tu viện vì ở đây có chỗ ở cho người muốn trú lại, và tu viện phục vụ thức ăn chay. Bên cạnh, quanh tu viện này cũng có một số khách sạn và nhà hàng dành cho du khách. Ở đây phục vụ cả thức ăn của Ấn Độ và Tây Tạng. Thời gian mở cửa từ 7g sáng đến 7g chiều. Phí vào cổng là 20 rupee.



[1] Ở Tây Tạng, quạ được xem là một linh vật.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle