Tu viện Paro Taktsang

tu vien

Tu viện  Paro Taktsang

Nguyễn Đăng


Bhutan là một đất nước theo Phật giáo Mật tông, và là xứ sở có nhiều thánh địa và tu viện Phật giáo nổi tiếng. Một trong những tu viện được coi là linh thiêng của đất nước này là Paro Taktsang, hay còn gọi là Taktsang Palphug. Tu viện này có những điểm nổi bật, đó là vị trí tọa lạc của nó, cũng như con đường dẫn đến tu viện và cái hang cọp. Bên cạnh đó là những huyền thoại gắn liền với tu viện, cũng như ý nghĩa tâm linh và vẻ đẹp thiên nhiên của nó.

Tu viện này còn có tên gọi khác là tu viện Ổ Cọp (Tak có nghĩa là cọp, Tsang có nghĩa là tổ hay ổ). Tu viện do Gyalse Tenzin Rabgye xây vào năm 1629 ở trên triền núi đá granite của thung lũng Paro, ở độ cao 2.950 mét so với mức nước biển. Truyền thuyết nói rằng khi tu viện lần đầu tiên được xây dựng nó được giữ chặt bên vách đá bằng những sợi tóc của những tiên nữ được gọi là khandroma. Tu viện được xây quanh hang động nơi Guru Padmasambhava (Đại sư Liên Hoa Sinh), cũng được gọi là Guru Rinchoche, thiền định vào thế kỷ thứ tám. Tu viện này dần trở thành một biểu tượng văn hóa của Bhutan và được xem là thánh địa thiêng liêng của quốc gia này. Như vậy, điểm đặc biệt của ngôi tu viện này không chỉ là vị trí cheo leo của nó treo bên vách núi, mà còn do bởi những liên quan của nó với vị đạo sư nỗi tiếng Guru Rinpoche.

Theo huyền thoại, Guru Padmasambhava đã cởi một con cọp và bay đến Paro Taktsang vào năm 747. Ngài thiền định ở đó ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày và ba giờ. Sau khi hoàn tất thiền định, Guru Padmasambhava đã hóa độ người dân Bhutan theo Phật giáo. Và hang động nơi Guru Rinpoche và nhiều vị thánh khác thiền tọa được gọi là brubkhang (phòng thiền) hay pelphug (thánh động).

Guru Rinpoche được cho là đã viếng Bhutan ba lần. Lần đâu tiên, từ Ấn Độ, ngài được mới đến Bumthang vào năm 746 để chữa bệnh cho vua Sindhu Raja, người trị vì Bumthang. Nhà vua được chữa lành bệnh và sau đó quy y theo Phật giáo và hứa sẽ truyền bá Phật pháp sâu rộng ở Bhutan. Một năm sau đó, Guru được vua Thringsong Deutsen mời đến Tây Tạng để kiến tạo tu viện Samye. Đến Tây Tạng, bằng thần lực của mình, ngài đã khai trừ những năng lực xấu đang cản trở sự kiến thiết tu viện và nhờ vậy tu viện được xây dựng thành công. Trong lần đến Tây Tạng này, ngài quyết định viếng thăm lại Bhutan với người vợ tâm linh Tây Tạng của mình là Khandro Yeshi Tshogyel. Ngài đi khắp đất nước Bhutan và ban phúc cho dân chúng.

Trong khi ở Singye Dzong, Guru được cho là đã cưỡi trên một con cọp và bay đến Paro Taktsang trong hình thức Guru Dorji Drolo, hóa thân thứ tám và cuối cùng của ngài. Trước khi ngài đến, toàn thể quốc gia được cho là bị những ác quỷ hung ác chi phối. Khi ngài đến, ngài đã hàng phục sáu bộ ác quỷ và khiến chúng phát nguyện trở thành những kẻ hộ pháp.

Bởi vì những huyền thoại này, Guru Padmasambhava trở nên đặc biệt đối với Phật giáo Bhutan; và Paro Taktsang trở thành một địa danh vô cùng thiêng liêng. Người ta cho rằng hành thiền một phút ở Taksang thì hiệu quả còn hơn hành thiền nhiều tháng ở những nơi khác. Và điểm được xem là thiêng liêng nhất ở đây là Drubkhang (Pelphug), một hang động mà Guru Rinpoche và nhiều vị thánh khác đã thiền định, và nơi đây cũng được cho là nhục thân của Langchen Pelgyi Singye, một để tử thâm tín của Guru Rinpoche, được đặt sâu trong những tảng đá ở dưới khu vực Kudung Chorten. Hang động Drubkhang được mở cửa một lần một năm trong suốt mùa lễ hội, được chư Tăng thực hiện vào 21 ngày vào tháng 5 Bhutan.

Tu viện này hiện có bốn ngôi điện chính và những phòng ở. Kiến trúc của tu viện mang nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo Bhutan. Những ngôi điện được sơn màu trắng với mái màu vàng. Bên cạnh đó cũng có tám hang động và 4 trong số này là phần nào dễ đến được. Hang động chính thờ 12 vị Bồ-tát. Những ngôi điện được nối kết bằng những cầu thang đá được đục vào trong vách núi và với một vài chiếc cầu bằng gỗ. Ngày nay kiến trúc tu viện đã được xây lại và sửa chữa nhiều lần. Sau một lần bị hỏa hoạn tàn phá hoàn toàn vào năm 1998, tu viện được tái thiết lại vào năm 2005. Nhưng cho dù tu viện có bị hỏa hoạn thiêu cháy và kiến trúc có bị thay đổi, người Bhutan vẫn đặt trọn niềm tôn kính vào thánh địa này, và vào những triết thuyết và tín niệm liên quan đến tu viện, mà họ nghĩ là không thể bị hủy hoại.

Paro Taktsang là điểm đến không thể bỏ qua đối với những du khách khi đến Bhutan, đặc biệt là những Phật tử. Nằm ở độ cao khoảng 3.000 mét trên thung lũng Paro, việc leo bộ lên ngôi chùa này đòi hỏi có sự kiên nhẫn. Ta có thể lên đó bằng hai cách: đi bộ trực tiếp đến đó hoặc cỡi ngựa đến một vài địa điểm và sau đó đi bộ. Ta phải trèo qua hơn ngàn bậc cấp, nhưng bù lại ta được tận hưởng bầu không khí trong lành mát mẻ của núi non và phong cảnh thiên nhiên ấn tượng. Trên hành trình đến Paro Taktsang, du khách có thể gặp các nhà sư trên đường và chư vị sẽ cho du khách nước uống và đôi khi cả thức ăn.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle