Cảm thức về cuộc đời trong thơ văn của Ngô Thì Nhậm

cam thuc

Phan Thạnh

 

Ngô Thì Nhậm là một trong những danh nhân lịch sử văn hóa và văn học Việt Nam cuối thời trung đại. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho dân tộc Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, triết học, văn học, giáo dục, quân sự, chính trị, ngoại giao... Chỉ xét riêng về văn học, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với nhiều thể loại khác nhau.

Thế kỷ XVIII được xem là thế kỷ rối ren của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngô Thì Nhậm sống trong khoảng thời gian mà đất nước có nhiều biến động, chế độ phong kiến lâm vào cảnh trì trệ, vừa có chúa lại có vua, trật tự xã hội đảo lộn. Trong khoảng 15 năm xã hội chứng kiến biết bao đổi thay. Nhà Lê bù nhìn, Trịnh - Nguyễn phân tranh quyền lực để rồi cuối cùng phải chờ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thống nhất non sông, thu phục các tập đoàn phong kiến về một mối. Quyền hành chính sự thay đổi, những trí thức đương thời rơi vào cảnh thăng giáng chức quyền. Không những thế, họ lại bế tắc trong tư tưởng, mất niềm tin ở ý thức hệ Tam cương Ngũ thường của Nho giáo. Lâm vào trong bế tắc tư tưởng, có kẻ mai danh ẩn tích để giữ thanh tiết, có người cúi luồn để được vinh thân. Nhưng chung quy lại, họ cảm thấy cuộc đời là một chuỗi những thay đổi, biến chuyển. Ngô Thì Nhậm cũng như những trí thức cùng thời đã nhìn nhận cuộc đời bằng một cảm quan bãi biển nương dâu. Tuy nhiên, với Ngô Thì Nhậm ta thấy ở ông không phải là cảm quan bi lụy về cuộc đời, ông đã bước tiếp những bước quan trọng về tư tưởng khi ông theo gót của Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, học hỏi đạo từ bi của Phật giáo. Ngô Thì Nhậm được xem là vị tổ thứ tư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái nhất tông mang tinh thần nhập thế tích cực - khi ông cố gắng xiển dương tông chỉ Thiền phái để xây dựng kiến trúc thượng tầng lúc bấy giờ dưới nhãn quan Phật giáo. Ông được các bạn đồng tu và đệ tử gọi là Hải Lượng Thiền sư.

Tuy là kẻ sĩ bước ra từ cửa Khổng sân Trình nhưng Ngô Thì Nhậm đã nhìn nhận cuộc đời với cảm thức của đệ tử Phật gia.

 

1.Sự biến chuyển vô thường

Theo Phật giáo, tất cả sự vật, hiện tượng tồn tại đều nằm trong một chuỗi nhân duyên và chịu sự chi phối của vô thường. Theo Từ điển Phật học Hán Việt thì “tất cả các pháp thế gian, sinh diệt, trôi chảy, một sát-na không ngừng nghỉ, gọi là Vô thường” [11, tr.1539]. Vạn vật không đứng yên một chổ mà luôn luôn biến đổi hình dạng, đi từ trạng thái hình thành sang trạng thái biến hoại rồi tan rã theo định luật Thành - Trụ - Hoại - Không. “Không vật nào là không biến chuyển ngay trong một sát-na. Nếu mọi vật đều hiện hữu tùy thuộc vào tràng nhân duyên thì cái hiện hữu tùy thuộc điều kiện mà thôi, không có một vật nào trong vũ trụ này có thể trường tồn hay biệt lập. Do đó, Đức Phật dạy rằng vô ngã là yếu tính của vạn vật và từ đó tất yếu dẫn đến một lý thuyết nữa là vạn vật đều vô thường”. [10, tr.33].

Tư tưởng này ảnh hưởng rất lớn trong văn học. Để chỉ những thay đổi lớn trong cuộc đời, trong xã hội, các tác giả thường ví với "bãi bể nương dâu”. Hình ảnh này ta bắt gặp rất nhiều trong văn học. Chẳng hạn như Nguyễn Du, khi mở đầu Truyện Kiều, ông viết:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu 

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Còn Lê Ngọc Hân sáng tác bài Ai tư vãn cảm thương cái chết của chồng là Quang Trung đã viết:

“Phút giây bãi bể nương dâu

Cuộc đời là thế biết hầu nài sao”.

Với cái nhìn về sự biến chuyển đổi thay, các nhà thơ, nhà văn đã bị chi phối rất nhiều trong sáng tác. Ngô Thì Nhậm nằm chung trong dòng cảm quan ấy. Hoàn cảnh xã hội và cuộc đời của chính ông là một minh chứng rõ ràng cho sự biến chuyển đổi thay.

Nửa sau thế kỷ XVIII, tình hình chính trị nước ta lâm vào cuộc rối ren khi mà Trịnh - Nguyễn phân tranh trong nhiều năm cuối cùng Nguyễn Huệ khởi nghĩa thống nhất đất nước. “Những biến cố trọng đại đó diễn ra liên tiếp trong khoảng 15 năm không chỉ làm đảo lộn toàn bộ tình hình đất nước, mà còn làm đảo lộn cuộc sống của từng gia đình, của mỗi số phận con người, trong đó có nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng của nước ta thời kỳ này”[4, tr.39]. Hơn ai hết, Ngô Thì Nhậm là một người chứng kiến bao biến đổi thịnh suy ấy để rồi ông nhận ra rằng mọi thứ đều biến chuyển, thay đổi, không có gì tồn tại thịnh mà không suy.

Từ thực trạng của xã hội với sự thịnh suy của các triều đại, Ngô Thì Nhậm càng thấm hơn cái triết lý vô thường của đạo Phật. Trong bài Cảo Thành, ông đã nói rằng:

“Xích phục trình phù sự dĩ phi

Cổ thành lao lạc thảo uy di

Thú lâu ngõa lịch kim thiên tải

Giáp đệ ca chung bỉ nhất kỳ

Bắc Thượng trần đồ thành cổ kính

Đông Quang đài triện ủy tàn bi

Đại đô thịnh vãn đương nhiên sự,

Khước tiễn Đồng Giang bách xích ti.”

(Xích phục phù xưa kia nay còn đâu,

Chỉ còn tòa thành tiêu điều đầu cỏ rậm

Chòi canh gói vụn đã hàng ngàn năm nay

Lầu gác đàn ca, chỉ một thời thuở ấy

Đường bụi trần vùng Bắc Thượng giờ thành lối tắt

Rêu phủ chữ triện Đông Quang còn lại bia tàn

Tóm lại thịnh suy là điều đương nhiên

Đáng khen sợi tơ trăm thước ở Đồng Giang). [7, tr.518]

Ngô Thì Nhậm khẳng định thịnh suy là lẽ đương nhiên khi ông đã trải qua và chứng kiến những biến đổi ngay trong đất nước mình. Đồng thời với những lần đi sứ, qua nhiều nơi, ông thường quan sát các di tích mà một thời là nơi hưng thịnh. Khi ngang qua sông Chương ở Trung Quốc, đến vùng đất từng là nơi xưng bá của Tào Tháo, ông viết:

“Nghiệp quận đến khâu đài điện tận”.

 (Khu vực đế vương ở Nghiệp Quận lâu đài cung điện đã tan hết). [7, tr.516]

Ngô Thì Nhậm đến đất nhà Ân, cung điện rực rỡ một thời của Vương chúa nay chỉ còn:

“Biểu thạch huy hoàng yết Hữu Ân,

Huyền vương cung điện trục hành vân”

(Chữ khắc trên bia đá còn nêu rực rỡ tên nhà Ân

Cung điện của Huyền vương bay theo mây rồi). [7, tr.513]

Rồi khi đi qua đất Hà Nam, ông thấy:

“Vi Tử di khư bất khả tầm

Mãn sơn ma mạch khái Thương âm”.

(Di tích về đất phong của Vi Tử không còn tìm thấy

Đầy núi chỉ thấy lúa ma lúa mạch cảm thương dư âm đời Thương!). [7, tr.490]

Chuyện cũ trôi qua, tất cả đều biến đổi, chỉ còn lại âm thanh của tiếng chim buồn bã đâu đó giữa trời:

“Vãng sự dĩ tùy vân vật biến

Thê thê cổ điệp điểu thanh thâu”

(Chuyện cũ đã biến đổi cùng cảnh vật

Trên bức tường cua buồn bã chỉ còn tiến chim kêu). [7, tr.491]

Cảm nhận của Ngô Thì Nhậm về sự biến đổi thịnh suy của các triều đại được thể hiện rõ trong những tập thơ ông đi sứ. Khi qua chốn đao binh, địa giới hưng phế của các triều đại Trung Quốc Ngô Thì Nhậm nhận chân ra sự thay đổi chỉ trong chớp mắt. Bao nhiêu thành quách vững chắc nay chỉ còn móng đổ rêu phủ mà thôi.

Nhìn lại thế sự nước nhà, Ngô Thì Nhậm không thể quên chuyện thay ngôi đổi vị giữa nhà Lê và nhà Trịnh. Và rồi nhà Trịnh còn gì khi khởi quân Tây Sơn thống nhất sơn hà. Sự thịnh suy chẳng khác gì sương đầu ngọn cỏ mà Vạn Hạnh thiền sư đời Lý đã từng dạy đệ tử. Sự hưng thịnh của nhà Trịnh rốt cuộc cung Vương, Ngòi ngự như nước trôi liễu rủ. Trong bài Ngũ vân lầu vãn điểu, ông viết:

“Phật tự y vi lung ngạn tuyết

Vương cung lạc mạc ẩn sơn vân

Ngự câu lưu thủy thùy dương sấu

Cố lũy u sào túc điểu phân”

(Chùa Phật xa mờ, lồng trong bờ tuyết

Cung Vương lặng lẽ ấn dưới núi mây

Ngòi ngự nước trôi liễu rũ gầy guộc

Lũy xưa hang tổ chim ngủ lao xao). [7, tr.194]

Chính quyền phong kiến thế kỷ XVIII rỗng mục, vua chúa ăn chơi sa đọa, nhân dân chịu cảnh sưu cao thuế nặng, cuộc sống lầm than, cực khổ. Chính vì vậy nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra nhằm đòi hỏi những lợi ích cho quần chúng nhân dân. Các cuộc khởi nghĩa ít nhiều có tầm ảnh hưởng và được nhân dân ủng hộ, song cuối cùng đều bị thất bại. Những cuộc khởi nghĩa thất bại, công sức gây thành dựng lũy cuối cùng chỉ còn trơ trụi trước thời gian:

“Cục tàn Thiết Giáp dư thanh miếu”

(Tan cuộc Thiết Giáp, miếu vắng còn trơ). [7, tr.197]

Trong bài Quá Nhị Mỗ Hương hoài cổ, Ngô Thì Nhậm viết rằng:

“Doanh thâu sự cục túy vân vật”

(Cuộc thế hơn thua đổi thay theo cảnh vật). [7, tr.318]

Và nhận ra rằng, cuộc thế vô cùng tận này cũng chỉ như bèo nổi mây trôi, chuyển biến chỉ trong cái chớp mắt. Thịnh suy, được mất chẳng khác gì bãi biển hóa thành nương dâu:

“Biến cải như thương tang

Cư chư chuyển thuấn tức”.

(Đời biến đổi như biển xanh thành ruộng dâu

Tháng ngày trôi nhanh trong chớp mắt). [7, tr.473]

Vạn pháp chịu sự chi phối của quy luật thành - trụ - hoại - không. Sự thế biến đổi, không gì là tồn tại vĩnh viễn. Thành quách, sự nghiệp bá vương tưởng như bền vững nhưng rồi cũng tàn rụi theo lẽ vô thường. Tất cả đều biến chuyển, thay đổi như mây trên đỉnh núi, như gió ở ngọn cây tùng. Ngô Thì Nhậm ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, đồng thời, cuộc đời lại chứng kiến cảnh đổi thay của các triều đại nên ông cảm nhận một cách sâu sắc lẽ có - không, thành - hoại…

Quan sát sự thịnh suy đổi thay của xã hội, của cuộc đời, không chỉ riêng mình Ngô Thì Nhậm mà rất nhiều nhà văn nhà thơ đã có những cái nhìn tương tự. Chẳng hạn như được mất chỉ trong một đêm của Nguyễn Trãi, lời than vãn cùng kiếp người khổ đau hàng ngàn năm của Nguyễn Du… đều nằm trong cảm quan của sự thế đổi thay. Cùng thời với Ngô Thì Nhậm, thế hệ chứng kiến đổi thay “sớm chúa chiều vua”, “ba bè bảy mối” tranh giành quyền lực diễn ra trước mắt, họ đã nhìn thấy nhưng lại với một tâm trạng vô cùng bi quan. Nguyễn Gia Thiều với con mắt đầy cảm thương về số phận con người, đầy bi đát về thế sự.

“Khóc vì nỗi đau sự thế

Ai bày trò bãi bể nương dâu”.

Tiếng khóc của sự thế đổi thay trở thành nỗi ám ảnh cho biết bao thế hệ trí thức. Nó tạo dựng một nhân sinh quan để quan niệm vào Nho ra Phật - Lão trong mọi thời đại trở thành con đường chung.

2.      Kiếp nhân sinh huyễn mộng

Trong kinh Bát đại nhân giác đức Phật dạy rằng:

“Thế gian vô thường

Quốc độ nguy thúy

Tứ đại khổ không

Ngũ ấm vô ngã

Sinh diệt biến dị

Hư ngụy vô chủ”.

(Cuộc đời là vô thường, vũ trụ mong manh tạm bợ, bốn đại rỗng không và đau khổ, tập hợp năm ấm là vô ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, không thực và không chủ thể).

Chi phối bởi định luật Vô thường nên không chỉ vũ trụ biến đổi, vạn vật xoay chuyển đổi thay mà con người cũng biến đổi. Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy rằng:

“Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện”

(Tất cả các pháp hữu vi

Như giấc mộng, như ảo ảnh, như bọt nước như bóng

Như sương, như ánh chớp).

Các pháp không nằm ngoài quy luật biến chuyển thành - trụ - hoại - không nên các pháp đều có sinh và có diệt. Trong Kinh Niết Bàn (quyển 4) Phật nói về Vô thường như sau:

“Chư hành vô thường

Thị sinh diệt pháp”.

(Các hành vô thường

Là pháp sinh diệt).

Thiền Sư Vạn Hạnh đời nhà Lý (1010 - 1225) trước giờ thị tịch đã nhắc nhở chúng đệ tử về sự vận hành của vô thường qua bài kệ:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”.

(Thân như ánh chớp có rồi không

Cỏ cây xuân tốt thu qua lụi tàn).

Vũ trụ nằm trong vòng thành - trụ - hoại - không còn con người nằm trong vòng sinh - già - bệnh - chết. Vô thường biến chuyển nên kiếp nhân sinh chỉ là bọt nước tan hợp trong sát-na. Dưới cái nhìn của người học Phật, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm nhận chân ra sự giả hợp của cuộc đời, tất cả là huyễn mộng.

Trong bài Xuân nhật, Ngô Thì Nhậm đã nói cái vô thường khiến tuổi trẻ qua đi, con người sẽ già, dù muốn trẻ lại cũng không dùng gì để mua được:

“Lão chí hữu tiền nan mãi thiếu”

(Già đến có tiền khó mua lại tuổi trẻ) [7, tr.287]

Thời gian trôi qua, khiến cho tuổi già bộc lộ trên mái tóc lốm đốm bạc:

“Tự lai tam kỷ cách từ nhan

Du tử như kim phát dĩ ban”.

(Từ ấy lại đây đã ba kỷ xa cách từ nhan

Kẻ du tử đến nay tóc đã lốm đốm). [7, tr.361]

Nói về kiếp nhân sinh mong mỏi được lâu dài nhưng dù có sống trăm năm đi nữa thì thời gian ấy cũng chỉ như tên bay mà thôi.

“Nhân sinh tại thế, tam vạn lục thiên nhật

Thiều quan tự tiễn, đẳng nhàn bạch liễu thiếu niên đầu”.

(Người ta sống ở đời ba vạn sáu nghìn ngày

        Bóng thiều quang như tên bay, thấm thoắt bạc hết mái đầu xanh). [7, tr.150]

Hay trong bài Đạo ý, thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm cũng lại nói:

“Niên tiễn xâm tầm thành bạch tẩu”

(Năm như tên bay, lần lữa thành lão bạc đầu). [7, tr.144]

Vì thời gian như tên bay, mọi thứ chuyển xoay một cách nhanh chóng nên kiếp sống con người cũng chỉ là như giấc mộng. Ngô Thì Nhậm nhiều lần nói đến giấc mộng Nam Kha không ngoài mục đích nói đến cuộc đời của con người. Trong các bài Vãn thu tham Thiền, Ngụ dinh cầu muộn thuật, Hàm đan ký du, Đăng Bàn A sơn cảm hứng… ông đã lặp đi lặp lại các từ “Hòe mộng”, “mộng tàn”, “giấc mộng hạc đen”, “Hoàng lương mộng”… Giấc mộng Nam Kha hay giấc mộng Hòe là sự nhanh chóng của cuộc đời, là sự giả tạo của công danh lợi lộc. Kiếp nhân sinh không hiểu rõ tính phù hư, huyễn hoặc của cuộc đời nên cứ chìm đắm mãi trong cuộc thế. Dưới cái nhìn tuệ nhãn, người học Phật nói chung và Hải Lượng Ngô Thì Nhậm nói riêng đã nhìn nhận cuộc đời này là trò huyễn ảo, con người chìm đắm trong cuộc thế đầy vui buồn lẫn lộn:

“Phù thế đại đô bi hỉ cục”

(Cõi phù thế hầu hết là cuộc buồn vui). [7, tr.303]

Trong bài Đăng Hổ Sơn hữu cảm, Ngô Thì Nhậm đã nói danh lợi chỉ là giấc mơ, cuộc phù thế là dạo cảnh sống chết vô thường:

“Thiên thai dạ dạ mộng y quan

Du tử kim phiên bái Hỗ San

Vạn cổ tinh thần dư thúy cái

Lục thu phong nguyệt lão thương can

Từ bi lạc quốc Phật thiên thượng

Ly hợp phù âu nhân thế gian”

(Bên trời đêm đêm nằm mơ áo mũ

Kẻ du tử phen này được bái núi Hỗ

Tinh thần muôn thuở, tán thông biếc tốt tươi

Trăng gió sáu thu, thân trúc xanh già giặn

Phật trên trời, từ bi nơi cực lạc

Người cõi thế, tan hợp bọt nổi trôi). [7, tr.182]

Vào thế kỷ thứ 4, Ngài Vô Trước (Asanga), một vị luận sư nổi tiếng của Phật giáo sáng lập phái Du Già (Yogàcàra) đã viết trong Trung Quán Luận rằng: Vạn pháp đều tạo thành bởi sự kết hợp giữa nhân và duyên, nên không có tự tánh, khi sự kết hợp đã bị phân hóa thì chắc chắn phải có sự hủy diệt. Thân của chúng sanh gồm Tứ đại (đất, nước, gió, lửa), và khi tứ đại dung giải thành nguyên tố thì sự chết sẽ tiếp theo". Người sống trong cõi thế tưởng chừng bền vững nhưng chung cục chỉ là sự giả tạm như bọt nổi hợp tan, huống hồ được mất hơn thua giữa chốn danh lợi chỉ là phù hoa. Sự giả hợp tứ đại tạo nên thân người không thật tồn tại nên giống như chim đàn lạc nhau khi tiếng súng vô thường vang nổ. Ngô Thì Nhậm nhìn nhận:

“Thế cục thăng trầm dã điểu phi”

(Cuộc thế thăng trầm, chim nội bay liệng). [7, tr.187]

Thân người được chăm chuốt kỹ càng nhưng cũng không vĩnh hằng mà luôn thay đổi theo từng sát - na, hơi thở huống gì công danh phú quý thăng trầm theo thời cuộc thịnh suy…. Cuộc đời dài ngắn rút cuộc vẫn là sự tan rã theo lẽ tự nhiên, chỉ là trò huyễn, là giấc mộng không thật. Nhận ra giá trị giữa chân và thật, Ngô Thì Nhậm trong bài Hữu sở tiếu đã quán triệt được hai lẽ chân và giả của triết lý Phật giáo:

“Hám giao khắc thạch chân hoàn huyễn

Ky hạc yêu tiền thực dã vu”.

(Cúi nhìn thuồng luồng khắc hình vào đá chân cũng là giả

Cười kẻ cưỡi hạc đeo tiền đầy lưng, thực cũng viễn vông). [7, tr.170]

Như vậy, Ngô Thì Nhậm đã hiểu rõ một cách sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan của đạo Phật. Với cái nhìn của một người học Phật, ông đã nhận chân được bản chất của cuộc sống, bản chất của vạn vật là sự biến đổi theo định luật vô thường. Vô thường biến chuyển khiến đại địa sơn hà thay đổi, kiếp sống nhân sinh cũng chỉ như bọt nước, như ánh điện chớp… Tất cả chỉ tồn tại trong một phạm trù không gian thời gian tương đối chứ không tồn tại vĩnh hằng. Nhìn ra được tính chất vô thường và duyên sinh tan hợp, Ngô Thì Nhậm tiến xa hơn trong vấn đề nhận thức về vũ trụ và nhân sinh.

Những thế hệ trí thức cùng thời Ngô Thì Nhậm như Nguyễn Thiếp, Ngô Thế Lân, Ninh Tốn, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích, Nguyễn Đề… đều có chung cái nhìn về kiếp người, về cuộc hưng phế của xã hội. Thế sự phù hư thay đổi lại thêm mất niềm tin ở chế độ Phong kiến, bế tắc tư tưởng ở ngôi nhà Nho học, họ đã nhìn đời bằng con mắt bi quan, chán chường. Đa số mất niềm tin ở cuộc sống, họ tìm về ẩn dật, xa lánh cuộc đời. Riêng Ngô Thì Nhậm, nhìn thấy bản chất thực của cuộc sống nhưng không hề bi quan, chán chường mà tìm cách để xây dựng cuộc sống ý nghĩa. Ông đã theo lời Đức Phật dạy Khổ đế trong Tứ diệu đế, nhìn thấy khổ không phải để bi quan mà để thấy rõ bản chất cuộc sống. Từ đó bình thản tự tại trước sự đổi thay. Ngô Thì Nhậm đi xa hơn trong tư tưởng so với những nhà trí thức cùng thời lúc bấy giờ.

 

Tài liệu tham khảo chính:

1.      Trần Ngọc Ánh (2007), “Nhận thức luận của Ngô Thì Nhậm - bước tiến tư tưởng triết học Việt Nam thế kỷ XVIII”, Tạp chí Triết học, số 5 (192).

2.      Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1988), Thơ văn Lý Trần tập 1-2-3, NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội.

3.      Doãn Chính (2012), Lịch sử triết học phương đông, NXB.Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4.      Lê Thị Lan (2003), “Những biến động trong đời sống chính trị văn hóa tinh thần ở nước ta cuối thế kỷ XVIII và ảnh hưởng của chúng đối với các nhà tư tưởng thời kỳ này”, Tạp chí Triết học, số 4(143).

5.      Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, NXB.Văn học.

6.      Mai Quốc Liên chủ biên (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, NXB.Văn học.

7.      Mai Quốc Liên chủ biên (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 2, NXB.Văn học.

8.      Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- hết thế kỷ XIX, NXB.Giáo dục, Hà Nội.

9.      Nguyễn Hữu Sơn (2005), Văn học Trung đại Việt Nam - quan niệm con người và tiến trình phát triển, NXB.Khoa học xã hội.

10.  Takakusu (2008), Tinh hoa triết học Phật giáo, Tuệ Sỹ dịch, NXB.Phương Đông.

11.  Phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, NXB.Khoa học xã hội.

 

Địa chỉ: Thích Chấn Đạo (Phan Thạnh) chùa Tra Am, phương An Tây, thành phố Huế. SĐT:0988012018.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác