Chùa Taung Kalat
chua tau
Nguyễn Đăng
Taung Kalat là một ngôi chùa Phật giáo tọa lạc trên đỉnh ngọn
núi Popa - vốn là một ngọn núi lửa có độ cao 1.510 mét so với mức nước biển - nằm
trên dãy Pegu thuộc miền Trung Miến Điện. Ngôi chùa này cách thành phố cổ Bagan
vào khoảng 50 km về hướng Đông nam. Chính vì nằm trên đỉnh núi Popa nên ngôi
chùa này cũng được gọi là chùa Núi Popa. Cái tên Popa có gốc từ tiếng Pali là
‘Puppa’ mà nó có nghĩa là “bông hoa”, trong khi tên gọi ‘Taung Kalat’ có nghĩa
là “Đồi Bệ Cột”. Người dân địa phương cũng gọi ngọn đồi này là Taung Ma-gyi, mà
nó có nghĩa là “Đồi Mẹ”. Taung Kalat là một trong
những địa điểm hành hương nổi tiểng của đất nước này, nơi đón hàng vạn người về
chiêm bái và tham quan mỗi năm.
Mặc dù đây là một địa danh Phật giáo, nhưng những đối tượng được
thờ phụng cũng như những tín niệm và truyền thuyết ở đây lại gắn liền với tín
ngưỡng bản địa. Ở đây không chỉ có những chùa tháp Phật giáo với các bức tượng
Phật được phụng thờ, mà còn có cả những ngôi đền thờ những vị thần địa phương mà
người Miến Điện gọi là Nat.
Theo truyền thuyết, ngọn đồi này xuất hiện sau một trận động đất
lớn vào năm 443 trước Tây lịch. Sự có mặt của những ngôi đền thờ những vị thần (Nat)
địa phương cho thấy sự hiện diện của một tôn giáo vật linh mà nó sau đó sáp nhập
vào trong Phật giáo ở Miến Điện. Theo niềm tin của những Phật tử Miến Điện, những
vị Nat là một nhóm những thần linh khác nhau từ những vị thần bảo hộ mang hình
hài con người cho đến những vị thần rừng. Việc thờ phụng những vị Nat có trước
khi Phật giáo truyền bá vào Miến Điện, mặc dù nó được kết hợp với giáo lý Phật
giáo khi Phật giáo từ Ấn Độ được truyền vào đây vào thế kỷ III trước TL. Những
vị Đại Nat là một nhóm đặc biệt gồm 37 vị Nat mà tầm quan trọng của họ ảnh hưởng
khắp cả đất nước. Hầu hết tất cả những vị Nat này là những người đã có một cái
chết bất đắc kỳ tử. Câu chuyện về những vị Nat này có lẽ là huyền thoại, mặc dầu
có thể rằng con người phía sau những huyền thoại là có thật. Mặc dù có tất cả
37 vị Đại Nat được thờ phụng ở Taung Ma-gyi, chỉ bốn trong số họ có nơi ở trên
chính ngọn đồi này. Đó là Maung Tint Dai, Saw Me Yar, Byatta và Mai Wunna. Mỗi
trong những vị này có một câu chuyện về cách họ trở thành những vị Nat.
Theo huyền thoại, Maung Tint Dai là một người thợ rèn sống ở vương
quốc Tagaung trong suốt thế kỷ VI trước Tây lịch. Ông có sức mạnh rất lớn đến nỗi
nhà vua cũng sợ ông. Do đó nhà vua đã tìm cách để loại trừ ông. Nhà vua loan
báo rằng ông sẽ lập một trong những người chị gái của Maung Tint Dai là Saw Me
Yar làm một vị hoàng hậu, và mời người thợ rèn này đến hoàng thành. Khi người
thợ rèn đến để chúc mừng người chị của mình, ông bị bắt giữ, bị trói vào một
cây champa vàng và bị thiêu đến chết. Khi người chị gái của ông chứng kiến điều
này, bà đã lao vào trong ngọn lửa đó và chết cùng em. Hai chị em này trở thành
hai vị Nat và họ sống ở cái cây bị thiêu cháy một nửa. Vì những người nào đi dưới
cây này thì gặp tai họa, nhà vua ra lệnh cho đào nó lên và ném xuống sông
Irrawaddy. Cái cây trôi theo dòng sông và đã trôi đến Bagan vào triều vua
Thlgyang. Nhà vua cho vớt cây lên, khắc nó thành tượng của Maung Tint Dai và chị
của ông, và thờ họ ở Taung Ma-gyi.
Theo huyền thoại khác, thuộc về thời kỳ sau, vào thế kỷ XI TL,
dưới triều vua Anwrahta. Truyền thuyết này kể về câu chuyện giữa Byatta và Mai
Wunna. Byatta được cho là một người chạy rất nhanh và là một người hái hoa cho
vua Anwrahta. Ông ta được cho có thể chạy từ Bagan đến Taung Ma-gyi (một khoảng
cách 50 km) mười lần trong một ngày để dâng lên vua những bông hoa tươi. Trong
một lần đến Taung Ma-gyi, Byatta đem lòng yêu Mai Wunna, một nữ quỷ ăn hoa sống
trên núi, và họ có hai người con. Khi nhà vua biết điều này, ông ra lệnh hành
quyết Byatta. Khi hay được cái chết của Byatta, Mai Wunna gào khóc và vỡ tim mà
chết. Hai vị này cuối cùng trở thành những vị Nat sống ở Taung Ma-gyi cạnh với
Maung Tint Dai và chị của ông.
Như đã nói, ngôi chùa này nằm trên một ngọn đồi cao, và để lên
đó du khách phải leo 777 bậc cấp. Mặc dù việc leo lên đến ngôi chùa này là thật
sự khó khăn, bù lại du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng phong cảnh ngoạn mục xung
quanh, đó là toàn cảnh ngọn núi Popa và thành phố Bagan ở bên dưới trải dài đến
50 km. Ngoài ra, đến đây ta cũng có dịp tìm hiểu tập tục thờ các thần linh
(Nat) địa phương và sự dung nạp những tín ngưỡng bản địa vào trong Phật giáo. Đặc
biệt vào mùa lễ hội, ta có thể chứng kiện màu sắc văn hóa đa dạng của đất nước
này.
Có hai lễ hội quan trọng nhất được tổ chức trong suốt ngày trăng
tròn tháng Nayon (vào tháng Năm hoặc Sáu), và vào ngày trăng tròn tháng Nadaw (khoảng
tháng 11 hay 12). Những lễ hội này mang màu sắc tín ngưỡng địa phương hơn là Phật
giáo. Vào ngày này, người dân địa phương đi bộ thành từng nhóm từ Kyaukpadaung,
dưới chân núi Popa để lên núi. Vào thời xưa, dưới triều các vị vua Bagan, trong
suốt những mùa lễ hội như thế này, hàng ngàn muông thú bị sát hại.
Một vài lễ hội còn cần đến một người nhập đồng, và người này phải
là một người chuyển giới. Một vị Nat sẽ nhập vào người này và thông qua vị đồng
cốt, con người có thể giao tiếp với các thần linh. Đây là loại lễ hội gây hấp dẫn
cho nhiều du khách, đặc biệt là người phương Tây. Và mỗi năm, hàng ngàn du
khách từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây để chứng kiến những lễ hội này của
người Miến Điện.