Giải pháp cho vấn nạn bạo lực: Gieo lại hạt từ tâm
giai phap
Tại
sao tội ác?
Chúng
tôi trong một số bài viết trước đây đã từng đề cập đến tình trạng tội ác trong
xã hội nhưng chưa bao giờ tình trạng ấy lại diễn ra dồn dập, ngày nào cũng có,
giết hàng loạt, giết cả gia đình, và giết vì những lý do hết sức không ngờ:
không được yêu: giết; cãi nhau vì va quẹt xe: giết; đi nhầm phòng karaoke: giết;
nhìn thấy ghét: giết (?)… Trong gia đình, chồng xin tiền vợ đi nhậu không được:
giết; con bực vì mẹ la mắng: giết; anh em dành nhau mảnh đất: giết… Và nguy hiểm
hơn, tội phạm ngày một trẻ hơn, phần lớn từ 16 tuổi đến 25 (!).
Gần
đây cả nước bàng hoàng về hai vụ án: vụ thảm sát 4 người ở Nghệ An do nghi phạm
từng yêu đơn phương nạn nhân và vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước cũng do một kẻ
tuyệt vọng khác khi không được chọn làm con rể vì hành vi bất hảo. Chọn bất kỳ
ngày nào cũng thấy thông tin về án mạng:
·
Như
Dân trí đã thông tin, 22h15' tối ngày 1/8/2015 tại quán Lion Graden Beer Club nằm
trên đường Trần Hưng Đạo, (thị trấn Dương
Đông, huyện Phú Quốc) đã xảy ra một vụ án mạng kinh hoàng làm 2 người chết tại
chỗ, trong đó có một nam sinh vừa thi xong kỳ thi THPT Quốc gia.
·
Khách
chê ly nước mía đắt rồi nảy sinh mâu thuẫn. Chủ quán cay cú gọi bạn đuổi đánh.
Trong khi xô xát, vị khách bị đánh đập đầu
xuống đất tử vong. Đó là vụ án ở Thanh Khê (Đà Nẵng) do Nguyễn Thành Trường (32 tuổi) chủ quán nước
mía, và bạn là Phan Minh Tuấn (25 tuổi), Ngô Hà Công (22 tuổi), gây ra cho Phan
Thành Luân, do sau khi uống nước mía, không đồng ý với giá 8.000 đồng một ly
nên giữa nhóm bạn của Luân và Nguyễn Thành Trường xảy ra mâu thuẫn và xô xát
làm Luân ngã xuống đường, tử vong tại chỗ.
·
Vụ ông Trần Minh Đố (65 tuổi, ngụ Hải Dương) bị một nhóm đối tượng khoảng 50
người dùng dao, mã tấu, súng vào nhà truy sát. Tin tức trên VNexpress cho hay,
cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã xác định được nhiều người liên quan vụ
án nổ súng. Trong đó, có một tên giang hồ trú tại Hải Phòng và chủ mưu là Nguyễn
Thị Bảng (29 tuổi) - con dâu của ông (!).
Những
giải thích chưa trọn vẹn
Đã
có nhiều lý giải về nguồn cơn bạo lực. Chúng tôi cũng đã từng tranh luận và cũng
đồng ý một phần với những nhận định của
các nhà giáo dục, các nhà tâm lý xã hội học, những người đang mong muốn “giải
mã” con đường dẫn đến tội ác. Trong nhiều vụ án xảy ra gần đây, lời khai về động
cơ giết người của hung thủ thường làm người khác không khỏi giật mình vì tính
ngớ ngẩn của nó. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự đưa đẩy một con người lương thiện
trước đó trở thành kẻ sát nhân máu lạnh? Có người cho rằng “sự thiếu kiềm chế có
thể dẫn đến những hậu quả khôn lường” ( Đào Lê Hòa An – Hội Tâm lý học xã hội).
Ông suy luận rằng hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố: sinh lí, môi
trường sống, sự giáo dục và những hoạt động giao tiếp hàng ngày. Trong đó, hoạt
động giao tiếp đóng vai trò cốt lõi, như vụ thảm sát 6 người vừa qua tại Bình
Phước, nghi phạm không thiếu giáo dục nhưng vẫn có thể ra tay nhẫn tâm như thế.
Do đó, việc chúng ta tiếp xúc với ai, giao tiếp trong môi trường nào quyết định
rất lớn đến nhân cách và suy nghĩ của chúng ta. Ông Hòa An còn cho rằng sự phát
triển không ngừng của công nghệ truyền thông cũng góp phần tạo nên những phản ứng
bột phát của giới trẻ. “Ngày xưa, chúng ta dùng sách, báo in để đọc hay “giết
thời gian” nên con người có suy nghĩ, hành động chậm rãi và điềm tĩnh hơn.
Song, giới trẻ ngày nay lại bị cuốn đi rất nhanh bởi trò chơi trực tuyến và
internet, điều đó vô tình tạo cho họ thói quen làm gì cũng nhanh, nghĩ là hành
động liền(?)”. Hay có người cho rằng vì áp lực cuộc sống ngày càng lớn, nên con
người không giải tỏa được căng thẳng, mất cân bằng cảm xúc dẫn đến hành động
sai trái khi giận dữ. Như vậy họ đã chỉ ra đúng một nguyên nhân gần, rất gần,
là sự sân hận. Nghĩa là, nếu mỗi người biết cách kiềm chế cảm xúc, suy nghĩ kỹ
lưỡng trước khi quyết định, hành động thì sẽ không còn những sự việc đáng tiếc,
gây đau lòng xảy ra thêm nữa.
Chúng
tôi nhận thấy các nhà tâm lý xã hội đã chỉ ra một phần nhưng không trọn vẹn
nguyên nhân của tội ác. Nếu nói rằng do trò chơi trực tuyến và internet, hay thậm
chí là phim ảnh bạo lực thì tại sao những nước công nghiệp phát triển, nơi tuổi
trẻ tiếp xúc internet rất sớm như Mỹ hoặcTây Âu, tình trạng bạo lực lại thấp, rất
thấp so với nước ta? Vậy thì do đâu? Môi trường chăng? Theo Nhà văn Mai Sơn: “Sẽ
có người nói ở các xã hội Tây phương cũng có những vụ án dã man giết người hằng
loạt. Nhưng xin nhớ đó chỉ là ngoại lệ hiếm hoi, mà ngoại lệ chỉ củng cố cho
quy luật mà theo tôi, đó là những xã hội văn minh, nơi con người thương yêu và
luôn tôn trọng lẫn nhau. Còn trong xã hội ta, cái ác đang ngự trị… Các sát thủ
Việt Nam có máu lạnh à? Thì hầu hết chúng ta cũng đeo những khuôn mặt lạnh lùng
vô cảm đó thôi. Tìm đâu ra nhưng khuôn mặt thư thái, từ hòa đây? Theo tôi thần
thái an nhiên vui sống đã mất trên khuôn mặt người Việt từ lâu rồi. Cả xã hội
như trong một vạc dầu sôi của tham lam và tham vọng. Ai cũng căng thẳng, ai
cũng “nhấn mạnh chân ga”, chỉ cần một trở ngại là có vấn đề, có thù hằn, có án
mạng”. ( Tội ác và hình phạt, Thể thao văn
hóa cuối tuần 17/7/2015).
Thế
đấy, trong một xã hội mà các giá trị vật chất được suy tôn, kẻ giàu bất kể nguồn
gốc của tài sản từ đâu đều được trọng vọng, ngưỡng mộ(!). Nói một cách khác khi
mà “…sự dối trá được đời sống bảo hộ thì
văn hóa giáo dục không có cơ hội để thể hiện sức mạnh kiểm soát của mình đối với
động cơ hay hành động của cá nhân con người đang trong khủng hoảng tiêu cực. Ý
thức bạo lực lúc đó dễ dàng cấu thành tội ác, chưa kể “Bầu không khí xã hội bị
những câu chuyện dã man phủ kín. Quá nhiều đòn roi quát mắng trong gia đình,
quá nhiều thời lượng truyền thông dành cho tin tức tiêu cực …” ( TS Nguyễn Lệ Hằng- báo đã dẫn).
Ở
đây chúng ta thấy toát lên nguyên lý nhân-quả như một chân lý. Chúng ta đang gặt
hái những gì mình gieo trồng trong những năm qua. Một xã hội và một nền giáo dục
thiếu vắng lòng từ bi. Học sinh đến trường chỉ biết làm “gà nhồi chữ” đóng tiền,
trả công cho thầy cô và xem mọi quan hệ ở mức độ cho-nhận lạnh lùng. Thầy cô và
kể cả cha mẹ cũng xem nhẹ giáo dục đạo đức, chỉ mong con mình đạt điểm cao, vào trường chuyên lớp chọn mà không hề hướng
đến một con người có đức hạnh. Bản thân người lớn không đủ mẫu mực làm gương
cho giới trẻ. Nhìn quanh, thần tượng các em là những kẻ lắm tiền, những ông tỷ
phú, những cô hay những anh ca sĩ ít tài nhiều tật, thậm chí cả những quan chức
tha hóa, tất cả đều rao giảng đạo đức một
cách long trọng trong các lễ hội, sự kiện nhưng con người thực của họ còn xa mới
đạt mức tối thiểu. Muốn có những con người mang tính “NGƯỜI” thực sự thì chúng
ta phải gieo hạt lại thôi!
Đi
tìm hạt từ tâm
Khi
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác Ru tình,
ông đã viết:
Ru em gót sen hồng
Ru bay tà áo rộng…
Ru em là cánh nhạn
Miệng ngậm hạt từ tâm.
Ông
muốn tuổi trẻ vào đời với lời nói thiện ý xuất phát từ thiện tâm. Vì giáo dục đạo
đức là dạy nguời ta biết suy nghĩ dựa trên đạo đức về hành vi mà mình muốn làm,
truớc khi làm việc gì đó. Giáo dục đạo đức trong trường học hiện nay là học thuộc
những bài học đạo đức, chứ không phải dạy học sinh biết suy nghĩ và hành động
theo thiện nguyện. Những clips về bạo lực học đường còn đầy trên mạng là những
bằng cớ cho việc hành xử bạo lực từ trong học đường ra ngoài xã hội chẳng cách
xa nhau là mấy.
Phật
dạy: “Một hành động khi làm với lòng thù hận, sinh ra từ lòng thù hận, gây ra bởi
lòng thù hận, phát sinh ra từ lòng thù hận, sẽ chín muồi bất cứ nơi nào người này
tái sinh; và bất cứ khi nào hành động chín muồi, người này nhận lấy kết quả của
hành động, ở trong đời này, hoặc là trong đời sau, hoặc là trong những đời kế
tiếp sau đó.
…
Này các Tỳ-kheo, giống như những hạt giống không bị hư hại, không bị hư thối,
không bị hư hỏng bởi gió và mặt trời, hạt có khả năng nẩy mầm, khi chúng được
gieo trồng đúng đắn vào trong một thửa ruộng tốt, cắm hạt sâu vào một mảnh đất
màu mỡ; và nếu chúng được tưới tẩm đầy đủ bởi mưa gió, những hạt giống này sẽ
tăng trưởng, cao vụt lên, và phát triển dồi dào.
Này các Tỳ-kheo, đấy là ba nguyên nhân bắt nguồn
của hành động.
…
Này các Tỳ-kheo, có ba nguyên nhân khác bắt nguồn của hành động. Ba nguyên nhân
này là ba nguyên nhân gì? Đó là: lòng không tham lam, lòng không thù hận, và sự
không si mê (không tham, không sân, không si).…
Này
các Tỳ-kheo, cũng như thế, những hành động khi làm với lòng không tham lam, với
lòng không thù hận, và với sự không si mê. Một khi lòng tham, sân, si biến mất
thì những hành động lúc đó không còn nữa, đã bị cắt bỏ tận gốc rễ, giống như gốc
cây cọ trơ trụi không còn ra hoa trái nữa, bởi vì lòng tham, sân, si đã hoàn
toàn bị xóa sạch, nên chúng không thể nào phát sinh ra trong tương lai. (Kinh Tăng chi bộ - Chuyển ngữ: Nguyễn Văn Tiến)
Chúng
ta phải giải quyết tận nguồn những ác nghiệp sinh ra từ ý , khẩu và thân . Muốn
dập tắt cái ác từ ý hay tâm thức, phải xây dựng lại nền móng chương trình và
phương pháp giáo dục từ gia đình đến học
đường. Không phải tự nhiên mà có vị Thiền sư tổ chức những buổi học giáo pháp với
tôn chỉ: “Lắng nghe để hiểu - Nhìn lại để thương”. Qua đó, thông điệp yêu
thương được gửi đi nhằm lan tỏa trong cộng đồng. Một xã hội dù đầy đủ vật chất
nhưng không hạnh phúc khi những con người không có kỹ năng sống cùng, sống với
và sống cho nhau. Phải dập tắt nghiệp ác là vậy. Hành động khởi đi từ suy nghĩ
có tác ý; do đó nghiệp là tư tưởng, lời nói, sau đó mới là hành động, nếu không
có ý muốn sẽ không có nghiệp. Cái mà ta nhận lại là “báo”. Ân trả ân, oán báo oán.
Nghĩa là gieo lại “hạt từ tâm” là gieo lại nhân. Từ đó ta gặt hái qủa như cây,
lá, hoa, trái. Cuộc đời ta vui sướng buồn khổ là do những gì mình gieo trồng từ
quá khứ và hiện tại. Một nghiệp tốt mang lại kết quả tốt, có thể ở kiếp hiện tại
hay ở tương lai. Cũng vậy, một nghiệp xấu mang lại kết quả xấu, ở ngay kiếp này
chưa nói đến kiếp sau.
Theo
giáo pháp nhà Phật, muốn từ bỏ nghiệp xấu phải đoạn trừ ái dục. Hay nói cách
khác tham, sân, si vi tế là ái dục ngủ ngầm khó thấy. Hết tham, sân, si vi tế
là hết ái dục, hết ái dục là hết vô minh.
Mọi người phải chịu trách nhiệm về những hành
động từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm của mình; muốn sướng hay khổ hoàn toàn do
mình tự tạo chứ không do một ai khác có quyền định đoạt sướng khổ cho mình. Vì
vậy, muốn không bị tham, sân, si, tà kiến thúc đẩy tạo nghiệp, chúng ta phải biết
làm chủ lấy mình, không để những đam mê danh vọng, giàu sang, quyền lực… lung lạc
ý chí của chúng ta. Một nền giáo dục chân chính phải tạo nền cho sự phát triển
những con người như thế. Kẻ làm ác dùng đao kiếm, súng ống tạo nghiệp, kể cả những
kẻ dùng ngòi bút làm băng hoại xã hội, khích động hận thù, truyền bá cái xấu gây hại cho cả thế hệ hay dân tộc
cũng tạo nghiệp ác.
Phật
dạy: “Chính do nghiệp chuyển mà chúng sanh luân chuyển tồn tại không ngừng
trong sáu cõi… Ta phải đặt tất cả lòng tin nơi ta, tạo an vui cho ta và cho tất
cả. Tin tưởng sự tinh tấn nơi ta, không đặt lòng tin nơi nào khác, vì chỉ có ta
mới mang lại hạnh phúc cho ta mà thôi. Chính ta là người xây dựng hay phá đổ
tương lai của ta, chính ta tạo thiên đường cho ta, và cũng chính ta tạo địa ngục
cho ta, hoàn toàn tùy thuộc nơi ta; chính những ý nghĩ, lời nói, việc làm của
ta đưa đến nghiệp quả tốt xấu cho tương lai của ta.”
Làm
thế nào thay đổi biệt nghiệp từng cá nhân để có một cộng nghiệp tốt cho những kẻ
thiện tâm, xây dựng một xã hội hướng thiện như có lần chúng tôi đã phân tích.
Loại trừ sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ… ra khỏi xã hội chúng ta hôm nay
là một việc cực khó vì như đã nói ở trên khi cái ác đang ngự trị trong lòng xã
hội, trong từng con người, suốt ngày nghe, đọc, thấy những chuyện như thế.
Không phải tự nhiên mà Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia đứng đầu Đông Nam Á? Nên
nhớ rượu cũng là một tác nhân làm mất tự
chủ và chánh niệm.
Cần
bao nhiêu nhà tù cho đủ, bao nhiêu cảnh sát để giữ gìn an ninh trật tự khi lòng
người ngập tràn sân hận, sẵn sàng ăn thua, vùi dập lẫn nhau? Thế hệ trẻ đang
khát nguồn nước đạo đức chân chính từ cha anh, thầy cô và những người lãnh đạo quần
chúng chứ không phải những giọt nước nhỏ từ môn đạo đức trong nhà trường vốn chẳng
giải quyết được gì ngoài việc hô to những khẩu hiệu.
Làm
sao để thần thái người Việt Nam trở lại an nhiên nhu hòa như xưa - thời ta còn
nghèo nhưng chứa chan tình người trong cuộc sống? Chỉ khi nào cả xã hội hiểu được
tại sao cần phải thực hành thiện nghiệp, và biết sợ hậu quả tai hại của việc
làm ác, chừng đó từng người sẽ làm điều lành một cách tự nguyện tự giác. Cộng đồng
nơi ta sống lúc đó sẽ ngập tràn an lạc. Cần gieo hạt từ tâm ngay hôm nay. Đã muộn lắm rồi!
Nguyên Cẩn