Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM trong bối cảnh đất nước độc lập, thống nhất? (Bài 8, tôn giáo ở khu đô thị mới)

dien mao

Minh Thạnh

TPHCM đã có một khu đô thị mới hầu như không quy hoạch cơ sở tôn giáo. Đó là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Đây là vùng trước đây hoang hóa, không có đường giao thông, dân cư hết sức thưa thớt. Vì vậy, có lẽ trong quá trình xây dựng, không vướng mắc lớn về khâu giải tỏa.

Cũng có lẽ vì ở đây dường như không có cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ), cho nên khi xây dựng, không đặt ra vấn đề phải xây dựng các cơ sở tôn giáo. Đi vào khu Phú Mỹ Hưng bây giờ, dường như không có cơ sở tôn giáo.

Không có chùa, không có nhà thờ… xem ra các tôn giáo bình đẳng với nhau trong trạng thái không có gì hết đó.

Nhưng thực ra không phải vậy. Phật giáo trước tiên phía thiệt thòi, vì nếu như thế khả năng xây dựng chùa ở Phú Mỹ Hưng là bằng không và cứ giữ nguyên tình trạng đó.

Thế nhưng, hiện trạng không có cơ sở tôn giáo nào hết như thế lại là có lợi cho một tôn giáo, đúng ra là một nhóm giáo phái. Đó là các giáo phái Tin Lành tư gia.

Theo bài “Vài nét về tình hình các tổ chức hệ phái và các nhóm Tin Lành ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Kim Bảng, đăng trên trang web “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (www.mattran.org.vn) thì tại Việt Nam có 30 hệ phái Tin Lành và nhiều “nhóm Tin Lành khác được lập ra từ sau những năm 1990”. Nếu đếm các tổ chức được liệt kê sau câu văn trên thì có đến khoảng 40 tổ chức.

Về mặt quan hệ, thì bài báo nói trên cho biết: “Hiện nay, có khoảng 40 tổ chức Tin Lành đang có quan hệ dưới hình thức tổ chức phi chính phủ với nước ta”.

Sau khi liệt kê con số 40 kể trên, bài báo còn bổ sung: “Ở miền Nam, những hệ phái Tin Lành mới được truyền vào trong thời kỳ chiến tranh có lực lượng nhỏ bé, sau giải phóng miền Nam năm 1975, số này tan rã, nhưng nay cũng xin đăng ký hoạt động trở lại như: Nhân chứng Giê-hô-va, Moocmong, Mennonette, Giedeon…

Một số trong các giáo phái này không cần lập nhà thờ, mà tổ chức hoạt động tôn giáo ngay tại nhà mục sư, hay nhà tín đồ. Chỉ cần một căn phòng, trưng bày thánh giá, vài cái ghế, vài người nhóm lại, là có một cơ sở tôn giáo Tin Lành tư gia. Những điểm thờ phượng Tin Lành tư gia như thế có thể công khai, có thể không công khai.

Thánh giá thì gắn trên tường. Mục sư mặc âu phục, đeo cà vạt với vài tín đồ, là thành buổi lễ. Vì vậy, họ vừa “bí mật” nhưng vẫn công khai, công khai nhưng vẫn là như không có. Nhất là ở nơi nhiều kiều dân nước ngoài cư trú và kín cổng cao tường như Phú Mỹ Hưng.

Có lần tôi nghe một đám thanh niên rủ nhau đi nhóm nhà thờ ở Phú Mỹ Hưng. Tôi lấy làm lạ vì trong khu Phú Mỹ Hưng làm gì có nhà thờ? Hỏi ra, mới biết họ đi nhóm Tin Lành tư gia.

Trường hợp khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng chắc chắn sẽ là trường hợp khu đô thị mới Thủ Thiêm tương lai. Khi không quy hoạch một cơ sở tôn giáo nào cả, thì thực ra, đã dành đất hoạt động cho đạo Tin Lành. VÌ CÓ KHU DÂN CƯ THÌ ĐƯƠNG NHIÊN CÓ TIN LÀNH TƯ GIA!

Phật giáo Việt Nam có truyền thống tuân thủ, chấp hành luật pháp, nên rất hiếm chùa “chui”. Chùa thì dù chùa tư, cũng phải có một căn hộ riêng tư. Tăng ni phải sống tách biệt, mặc pháp phục, không lẫn vào đâu được.

Còn cơ sở Tin Lành, thì như đã nói, chỉ cần một căn phòng, vài cái ghế là đủ. Căn phòng đó sau buổi lễ tôn giáo thì có thể dùng để tiếp khách, làm phòng ăn, thậm chí, trải nệm để ngủ!

Vì vậy, trong thực tế, không quy hoạch cơ sở tôn giáo, thì vẫn có sở tôn giáo, nhưng ở đó trước hết chỉ không có cơ sở Phật giáo mà thôi.

Ca tô La Mã không có hẳn điểm nhóm tư gia như Tin Lành, nhưng họ có khái niệm “giáo điểm”, vẫn có chuyện dùng nhà tín đồ làm giáo điểm, chưa cần linh mục chánh xứ. Từ giáo điểm có thể căn cứ theo luật pháp hiện hành mà thành lập giáo xứ.

Chúng tôi mong rằng phía có trách nhiệm quy hoạch nên tham khảo những ý kiến từ các chuyên gia về tôn giáo của nhà nước trong quá trình quy hoạch đô thị, nhất là các chuyên gia về Tin Lành. Như thế để tránh trường hợp không quy hoạch cơ sở tôn giáo, nhưng vô tình lại tạo môi trường để Tin Lành tư gia độc quyền hoạt động.

Chúng tôi cũng kính đề xuất Ban Trị sự GHPGVN TPHCM quan tâm tìm hiểu hoạt động Phật giáo nói riêng, hoạt động các tôn giáo nói chung trong các khu đô thị mới, để kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng những ý kiến thích hợp.

Đi đến khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, không thấy một ngôi chùa hay nhà thờ nào hết, thì đừng vội nghĩ rằng ở đó không có cơ sở tôn giáo. Bây giờ, ở Phú Mỹ Hưng có vài chục hay hàng trăm cơ sở tín ngưỡng Tin Lành tư gia, thì có lẽ chỉ những người Tin Lành biết nhau mà thôi. Có lẽ, họ cũng không cần biết, mà chỉ tập trung cho điểm thờ phượng của mình. Và cứ thế thì hằng trăm cơ sở tôn giáo mọc lên ở vùng không có quy hoạch tôn giáo cũng sẽ không là chuyện lạ.

Trước tình hình như vậy, đề xuất quy hoạch một ngôi chùa lớn ở khu đô thị mới Thủ

Thiêm, thiết tưởng, được nêu ra từ Ban Trị sự GHPGVN TPHCM là một đề xuất hợp lý, thể hiện tinh thần hài hòa tôn giáo, bình đẳng tôn giáo, phù hợp với hoạt động tôn giáo hiện nay.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle