Vô gia đình, vô ưu, vô trú
vo gia dinhVĩnh Hảo
Hãy nói về những kẻ không nhà, đứng nơi đầu đường, ngủ nơi góc phố.
Lo toan không? khổ đau không? – Khó ai biết; chỉ thấy khi ngửa tay
xin ăn thì gương mặt phải lộ ra vẻ thảm thương, tội nghiệp; và khi ngồi
co ro nơi ghế đá công viên, hay dưới gầm cầu, thì cả thân người, cả thân
phận, như bị gánh nặng của trời cao phủ xuống, nén xuống, tưởng chừng
không bao giờ có thể vươn mình lên được.
Những kẻ ấy không có gia đình, hoặc đã có một gia đình tan vỡ, chia ly, tan tác.
Từ những ưu phiền lo toan nặng nề của đời sống (áo cơm, danh, lợi…),
họ đã rơi xuống đáy vực, nơi không còn gì để phải vướng bận lo toan nữa.
Từ những căn nhà có vườn hoa nhỏ và sân cỏ xanh mát... họ đã, thoáng
chốc (hoặc từ từ) trở thành những kẻ lang thang, không nơi trú ẩn cố
định.
Chính họ, hoặc người khác, nghĩ đó là số phận, là định mệnh, là ý trời, là nghiệp quả (của một hay những nghiệp nhân gần, xa).
Hãy nói về những kẻ tự nguyện rời bỏ đời sống gia đình thế tục, sống đời vô ưu, thực hành con đường vô trú. (*)
Vì tự nguyện, cố nhiên họ hạnh phúc với chọn lựa của họ. Cơm ăn áo
mặc không bận lòng. Ba y thô sơ, đắp đổi ngày tháng. Một bình bát dạo
khắp muôn nhà. Môi rạng rỡ nụ cười thơ trẻ. Mắt trầm tư đạo lộ thâm sâu.
Không gia đình, không dây buộc trói. Không cửa nẻo, không mái che,
nhà ba gian mở toang tường vách rui mè. Kẻ cùng tử hào phóng, đêm ngủ
gốc cây, ngày rảo bước, ngang qua những quán trọ, không đâu là chỗ dừng
nghỉ cuối cùng. Thênh thang con đường không đích đến. Bước qua những
không gian và nơi chốn, bước qua những dĩ vãng, kỷ niệm, và thời gian…
Có vẻ gì tương đồng giữa những kẻ không nhà. Có, họ giống nhau ở vài
hình thức, nhưng khác rất nhiều nơi bản chất. Một bên là nghiệp, một bên
là nguyện.
Từ nghiệp chuyển thành nguyện, sẽ hạnh phúc.
Từ nguyện biến thành nghiệp, sẽ khổ đau – và hơn thế nữa: lụn bại, hư nát!
Từ nghiệp mà chuyển thành nguyện là cả một nghệ thuật, một thành quả rực rỡ của tư duy, giác ngộ.
Ngược lại, từ nguyện biến thành (nghề) nghiệp là một sự sa đọa khó tha thứ, khó chấp nhận!
Làm thế nào mà một kẻ tự nguyện sống đời vô gia đình, vô ưu, vô trú,
lại có thể ham thích nhà cao cửa rộng, áo quần loè loẹt sặc sỡ diêm dúa,
tiền tài của cải, cho đến phẩm hàm tước vị, quyền chức cao danh! Tất cả
những thứ phù phiếm, hư huyễn ấy, chẳng phải đã từng một lần phủi sạch
để chọn con đường cao đẹp vô danh vô tướng hay sao! Từ đâu mà ra nông
nỗi như thế! Có khi nào kẻ lên đường chịu ngồi lặng vài phút giây, tự
hỏi mình đi đâu, còn chăng con đường đã chọn, hay chính mình đã lạc
hướng từ đời thuở nào?
Hãy nhìn lại, nhìn lại xem. Phải chăng cái gì nhỏ bé sẽ bị giam nhốt,
chứa đựng trong những khuôn khổ nhỏ bé? Nếu tâm bao la như hư không thì
có thân xác, mũ áo, nhà cửa, đền đài, danh vọng hay lợi lộc nào trói
buộc được?!
Như vậy, tâm nhỏ hẹp, tủn mủn, chính là nguyên nhân của sự sa đọa,
thoái hóa. Nó làm chùn những bước chân, khiến kẻ không nhà không thể ra
khỏi khung cửa hẹp của những căn nhà, kẻ vô tư lự không thoát ra được
những điều lo nghĩ tân toan, kẻ vô trú không vượt qua nổi những gốc cây
hay những quán trọ bên đường…
Thoáng chốc quay về, có khó khăn chi! Chí nguyện ban đầu hãy còn
nguyên vẹn. Một tâm ấy thôi, sẽ chuyển động tất cả. Đơn sơ, đạm bạc. Môi
cười hồn nhiên như con trẻ. Mắt sâu thăm thẳm như thiền gia. Mỗi bước
chân cất lên, có thể vượt ngoài vạn dặm mây trắng.
________________
(*) Triển khai 3 ý nghĩa của chữ Xuất Gia: 1) xuất thế tục gia, 2)
xuất phiền não gia, 3) xuất tam giới gia (rời khỏi căn nhà thế tục, xa
lìa căn nhà phiền não, vượt ngoài căn nhà ba cõi [dục, sắc và vô sắc
giới]).