Khảo về Tám thức với Tâm lý học hiện đại – Thức thứ tám
khao ve
Chánh
Tấn Tuệ
Trong
phần thức thứ bảy ở số báo trước đã
nói sơ về thức thứ tám. Kỳ này nói chính
về thức thứ tám.
Thức thứ tám có nhiều công năng,
nhiều nghĩa sai khác, nên Duy thức học gọi nó bằng nhiều tên khác nhau. Có khi
gọi là tâm, vì thức này là chỗ chứa
nhóm chúng tử do các pháp huân tập vào. Thức này cũng là nơi mà các chủng tử
phát khởi hiện hành. Có khi gọi là thức A-lại-da, vì thức này là nơi tập hợp
các pháp tạp nhiễm, giữ gìn không để mất đi, vì là chỗ để thức thứ bảy chấp làm nội ngã. Gọi là A-đà-na, vì thức này có công
năng giữ gìn chủng tử và thân thể chúng sinh không để tan hoại. Có khi gọi là bản
thức, vì bảy thức trước phải y cứ vào đây mà khởi hiện hành. Nó là sở y của bảy
thức trước v.v…
Để
không làm phức tạp vấn đề, bài viết này chỉ lược nêu vài nghĩa của thức thứ tám.
Thức thứ tám có tên là tâm, vì nó
là nơi tập hợp và phát khởi chủng tử của các pháp. Chúng ta sẽ tìm hiểu về ý
nghĩa tập hợp và phát khởi chủng tử của các pháp.
Nghĩa tập hợp chủng tử
Trong
cuộc sống, mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với nhiều người, nhiều sự vật và nhiều sự
kiện khác nhau. Nói theo ngôn ngữ Duy thức học, mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với
nhiều pháp khác nhau. Các pháp này được tiền
ngũ thức và ý thức ghi nhận rồi
khởi lên các so đo, suy lường, toan tính, quyết định làm việc này hay việc kia,
thâu nhận các khổ lạc, phát sinh sự yêu, ghét… Tất cả các việc trên đều được đưa
vào thức thứ tám lưu trữ. Mặc dù tất
cả đều được lưu trữ, nhưng chỉ những sự kiện nào huân tập thành chủng tử mới
được lưu trữ lâu dài. Các sự kiện khác chỉ được lưu trữ trong một thời gian rồi
mất đi.
Thí
dụ: Có những người không có gì đặc biệt đối với ta. Ta chỉ gặp họ một đôi lần
rồi thôi. Sau đó một thời gian, ta sẽ quên họ. Và nếu có gặp lại cũng không
nhận ra. Có những người chúng ta thường gặp, có sự quan tâm, trao đổi nhiều vấn
đề với nhau. Sau đó dù không còn gặp lại, thỉnh thoảng hình ảnh của họ vẫn xuất
hiện trong ý thức của ta. Trải qua thời gian dài, thậm chí đến khi không còn nhớ
nghĩ về họ, nhưng nếu gặp lại, chúng ta vẫn có khả năng nhận biết họ. Ở đây, sự
gặp gỡ nhiều lần (tập), sự quan tâm tương tác với nhau chính là điều kiện huân
tập để hình ảnh người ấy biến thành chủng tử, lưu trữ lâu dài trong thức thứ tám.
Nói
một cách tổng quát, trong cuộc sống, việc tiếp xúc nhiều lần với một pháp nào chính
là điều kiện huân tập để pháp ấy và các sự kiện liên quan đến pháp ấy biến
thành chủng tử, lưu trữ lâu dài trong tâm. Trên mặt hành tác cũng vậy, công
việc nào được chúng ta thực hiện nhiều lần thì hành vi ấy cũng được đưa vào
thức thứ tám, lưu trữ dưới hình thức chủng tử. Tóm lại, thức thứ tám là nơi lưu trữ chủng tử của các pháp được huân tập.
Đây là nghĩa tập hợp chủng tử các pháp của tâm.
* Hỏi: Ý thức cũng có khả năng lưu trữ các sự kiện quá khứ, đâu cần viện
dẫn một thức thứ tám mơ hồ khó thấy
khó hiểu?
- Đáp: Đúng là ý thức cũng có khả năng lưu trữ các sự
kiện quá khứ nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Việc để cho pháp huân tập
thành chủng tử rồi lưu trữ một cách lâu dài nằm ngoài khả năng của ý thức. Có nhiều lý do để chỉ ra rằng ý thức không có khả năng lưu trữ lâu
dài. Ở đây lược nêu ba lý do:
1/
Nếu các sự kiện quá khứ được lưu trữ trong ý
thức thì chúng ta phải thường ý thức được chúng. Trong thực tế, có nhiều sự
kiện, đã lâu rồi chúng ta không còn nhớ nghĩ về chúng. Hôm nay đột nhiên lại
hiện về trong ý thức. Khi không nhớ
nghĩ về chúng, chúng ở đâu trong ý thức?
2/
Có những sự kiện do có nhu cầu buộc chúng ta phải nhớ lại, dù rất cố gắng vẫn
không sao nhớ được. Sau đó một thời gian, thậm chí khi không còn quan tâm, sự
kiện ấy lại xuất hiện trong ý thức.
Điều trên chỉ có thể lý giải rằng các sự kiện quá khứ phải được lưu trữ ở một
thức khác, do thức này có cơ chế vận hành khác với ý thức, nên ý thức không
có được sự chủ động trong vấn đề quên nhớ.
3/
Ý thức hoạt động có gián đoạn. Đó là
những lúc ta chết giấc hoặc ngủ say. Nếu có sự lưu trữ thì khi ý thức ngừng hoạt động, các sự kiện được
lưu trữ phải mất đi. Trên thực tế, chúng ta từng có lần chết giấc hoặc không ít
lần ngủ say, những lúc đó ý thức hoàn
toàn vắng mặt. Song khi về già, chúng ta vẫn có khả năng nhớ lại nhiều sự kiện
thuộc thời niên thiếu. Điều đó chứng tỏ thức có khả năng lưu trữ lâu dài các sự
kiện quá khứ phải hoạt động không ngừng nghỉ. Vậy phải là thức thứ tám không thể là ý
thức.
Nghĩa phát khởi hiện hành chủng tử
Thông
thường, các chủng tử ở trong trạng thái thùy miên, nghĩa là ngủ ngầm trong tâm.
Lúc này, các chủng tử đồng như không. Khi đủ duyên, chủng tử mới sinh khởi làm
nhân cho pháp xuất hiện trở lại nơi các thức. Đây là nghĩa phát khởi hiện hành
chủng tử các pháp của tâm.
Thí
dụ: Nhiều người khi về già, nhớ lại các sự kiện đã diễn ra vào lúc còn niên
thiếu. Các sự kiện này đã không được nhớ nghĩ đến trong nhiều năm tháng, hôm
nay đột nhiên tràn về. Rõ ràng trong bao năm tháng qua, các sự kiện này ngủ
ngầm trong tâm, nhưng không mất đi, để nay có thể tái hiện trong ý thức. Hoặc trong
cuộc sống, có nhiều sự kiện thuộc quá khứ, đã từ lâu chúng ta không hề nhớ nghĩ
về chúng. Đột nhiên một ngày đẹp trời lại xuất hiện trong ý thức. Quá khứ vẫn
ngủ yên trong tâm, chờ khi đủ duyên lại hiện hành nơi ý thức.
Nghĩa huân tập
Như
đã nói ở trên, chỉ những pháp nào có sự huân tập mới thành chủng tử. Vậy là
huân tập gì? Huân là xông ướp. Như
tấm vải sạch vốn không mùi, nếu ướp hương hoa lâu ngày, nó sẽ có mùi hương hoa.
Tập là lặp đi lặp lại. Sự lặp đi lặp
lại nhiều lần của nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành vi… của một người có tác
động huân tập thành chủng tử trong thức
thứ tám của người ấy. Sự lặp đi lặp lại, nếu đi kèm với các trạng thái tâm
lý thích hợp như sự ưa thích, sự tập trung v.v… sẽ mau thành chủng tử.
Học
bài là một sự huân tập. Khi học bài, chúng ta phải đọc tới đọc lui bài học
nhiều lần. Nếu ngồi học với tinh thần tự giác, có sự ham muốn tìm hiểu, có sự
tập trung v.v… chúng ta sẽ mau thuộc bài. Nếu ngồi học với tinh thần chán ngán,
vì bị ép buộc, học với thái độ lơ đểnh… chúng ta sẽ lâu thuộc bài. Ở trường hợp
đầu, sau khi thuộc bài sẽ nhớ lâu và dễ dàng hơn khi cần nhớ lại. Ở trường hợp
sau, dù đã thuộc bài nhưng dễ quên, vì trường hợp này chưa có được sự huân tập
tốt. Tương tự, nếu chúng ta làm một công việc gì với sự ưa thích, sự tập trung,
chúng ta sẽ mau thành thục công việc ấy. Trong trường hợp ngược lại, dù đã làm
lâu, cũng khó làm giỏi công việc ấy.
Mối quan hệ giữa pháp được huân tập và pháp hiện hành
Sự
huân tập của pháp làm xuất hiện chủng tử trong tâm. Ở đây pháp được huân tập là
nhân, chủng tử là quả. Do có sự phát khởi của chủng tử mà pháp hiện hành nơi
các thức. Ở đây chủng tử là nhân, pháp hiện hành là quả. Do nhân và quả luôn
đồng loại hoặc đồng tính, nên pháp được huân tập và pháp hiện hành luôn đồng
loại hoặc đồng tính. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta huân vào tâm thứ gì về sau
nó sẽ phát ra lại thứ đó.
Thí
dụ: Nếu thường học toán, chúng ta sẽ có kiến thức về toán. Hiểu được toán học,
giải được các bài toán. Các môn học khác cũng vậy. Nếu ngày nào cũng tập ngồi
thiền, về sau ta sẽ thành người giỏi tọa thiền. Nếu hay hút thuốc, sẽ trở thành
người ghiền thuốc. Nếu thường xuyên uống rượu sẽ trở thành bợm nhậu.
Nếu
hay nhìn về người về vật với tâm vị tha, chúng ta sẽ trở thành người sống vì
người khác. Nếu thường nhìn về người về vật với tâm vị kỷ, chúng ta sẽ trở
thành người chỉ biết vì mình.
Nếu
thường để tâm sân làm chủ, ta sẽ trở thành người hay sân. Nếu thường để tâm
kiêu mạn làm chủ, ta trở thành người kiêu mạn.
Nếu
hay nói nhiều, ta sẽ trở thành người nhiều chuyện…
Sự huân tập chủ động và huân tập bị động
Sự
huân tập do ta quyết định thực hiện để đạt một mục tiêu nào đó, gọi là huân tập chủ động.
Thí
dụ: Ta quyết định học đàn để trở thành người đàn giỏi, quyết định học toán để
trở thành nhà toán học.
Trong
cuộc sống, có nhiều sự kiện thường diễn ra trước mắt chúng ta, dù không có chủ
định, tâm chúng ta vẫn chịu sự huân tập của các sự kiện đó. Đây là sự huân tập bị động.
Thí
dụ: Bước ra đường là bảng quảng cáo thuốc đau đầu của công ty A đập vào mắt ta.
Việc này diễn ra mỗi ngày. Lâu dần huân thành chủng tử. Thông thường chủng tử
này ngủ yên trong tâm. Đến khi đủ duyên, như khi đau đầu, nó sẽ sinh khởi khiến
chúng ta nhớ lại loại thuốc của công ty A. Kèm với cảm tưởng rằng, sản phẩm ấy
là tốt nhất, là phù hợp với ta hơn cả. Điều này đóng vai trò rất lớn trong việc
quyết định chọn mua loại thuốc để trị bệnh. Ở đây các nhà quảng cáo đã vận dụng
tính dễ bị huân tập của tâm để hướng chúng ta đến với các sản phẩm của họ.
Trên
thực tế, có sự huân tập chủ động, có sự huân tập bị động, có sự huân tập vừa chủ
động vừa bị động, có sự huân tập tự nguyện hay huân tập do bị ép buộc. Điều đó đóng
vai trò rất lớn trong việc hình thành tính cách tâm lý của con người.
Tính cá nhân của sự huân tập
Sự huân tập chỉ có tác dụng đối với chủ thể
được huân tập, không có tác dụng với người khác.
Thí
dụ: Anh A tập hút thuốc, về sau trở thành người ghiền thuốc. Anh B không tập
hút thuốc thì không thành người ghiền thuốc. Cũng là bợm rượu như nhau, nhưng
nếu A tập không uống rượu nữa (cai rượu) lâu dần A hết ghiền rượu. Nếu B không
tập cai rượu và vẫn có đủ điều kiện để uống tiếp thì B không hết ghiền rượu.
Không
chỉ với sự huân tập chủ động, sự huân tập bị động cũng mang tính cá nhân. Vì kết
quả của sự huân tập không chỉ phụ thuộc vào số lần lặp đi lặp lại của pháp mà
còn phụ thuộc vào trạng thái tâm lý của mỗi cá nhân khi có tập.
Sự
huân tập bị động giải thích tại sao ở những vùng miền có những phong tục tập
quán đặc thù, tâm lý những người ở đó có những điểm giống nhau (đồng nghiệp).
Mặc dù vậy, do tính cá nhân của sự huân tập, nếu nhìn kỹ sẽ thấy tính cách tâm
lý của mỗi người vẫn có những điểm riêng khác với người khác (biệt nghiệp). Do
số lượng chủng tử trong thức thứ tám của
mỗi người là rất lớn, nên trong thực tế, không thể tìm thấy hai người có tính
cách tâm lý hoàn toàn giống nhau.
Huân sanh huân trưởng
Việc
huân tập để tạo ra chủng tử mới gọi là huân
sanh. Việc huân tập để chủng tử sẵn có phát khởi hiện hành, gọi là huân trưởng. Vì thế, đối với các thiện
nghiệp, luôn cần có sự huân tập để làm phát sinh chủng tử mới cũng như để giúp
cho chủng tử sẵn có phát triển lớn mạnh.
Thí
dụ: Để nhớ lại một điều nào đó, chúng ta cần tập trung nghĩ về điều ấy. Việc
nghĩ tới nghĩ lui về điều muốn nhớ là cách để chủng tử thuộc điều ấy phát khởi
hiện hành. Với chủng tử đang ở giai đoạn huân sanh sẽ khó phát khởi hiện hành
hơn chủng tử sẵn có. Vì chủng tử đang ở giai đoạn huân sanh chưa đủ mạnh như
chủng tử sẵn có.
Thí
dụ: Trước đây ta đã học Anh văn và có một trình độ nhất định. Do không có nhu
cầu sử dụng nên không học tiếp. Trải qua thời gian dài, vốn liếng Anh văn dường
như quên hết. Song do có nhu cầu trong hiện tại, ta học lại Anh văn. Việc học
bây giờ dễ dàng hơn nhiều so với lần học trước. Vì lúc này chủng tử Anh văn đã
sẵn có trong tâm. Chỉ cần huân trưởng là nó phát khởi hiện hành cho ta sử dụng.
Chủng tử mạnh, chủng tử yếu
Chủng
tử gọi là yếu vì nó khó phát khởi hiện hành. Đây là chủng tử chưa có được sự
huân tập đủ và thường xuyên.
Chủng
tử gọi là mạnh vì nó dễ phát khởi hiện hành. Đây là chủng tử có sự huân tập
thường xuyên trong thời gian dài. Chủng tử mạnh nếu để lâu không có sự huân tập
tiếp sẽ trở nên yếu và khó phát khởi hiện hành. Cần có nhiều thời gian huân
trưởng để nó phát khởi.
Thí
dụ: Trước đây ta đã từng chơi đàn giỏi, do bỏ lâu nên hiện tại việc đánh đàn
gặp nhiều khó khăn. Trước đây ta đã vận dụng Anh văn một cách thành thạo. Do không
sử dụng đã lâu, cũng không huân tập, nên hiện tại ta gặp khó khăn khi sử dụng Anh
văn trong việc giao tiếp hay dịch thuật.
Quay
trở lại vấn đế quên và nhớ của ý thức.
Ý thức chỉ có sự chủ động trong vấn
đề huân trưởng, nghĩa là chủ động quyết định nhớ lại một sự kiện nào đó và thực
hiện việc nghĩ về sự kiện ấy để tạo ra sự huân trưởng cho chủng tử. Việc có nhớ
được hay không, dễ nhớ hay khó nhớ còn phụ thuộc vào tình trạng mạnh yếu của
chủng tử. Điều này giải thích tại sao ý
thức không hoàn toàn có được sự chủ động trong vấn đề quên nhớ.
Chủng tử sẵn có, chủng tử mới sinh
Chủng
tử sẵn có là chủng tử có sẵn khi sinh ra.
Chủng
tử mới sinh là chủng tử mới được tập thành trong đời này.
Bất
kỳ một người nào cũng được sinh ra với thức
thứ tám chứa nhiều chủng tử sẵn có, nhờ những chủng tử này mà một đứa bé
lúc mới sanh đã biết khóc, biết đói, biết tìm sự che chở ở người mẹ.
Do
có sự sai khác về chủng loại của chủng tử, sự sai khác giữa chủng tử mạnh và chủng
tử yếu, nên vô thức lúc mới sinh đã mang tính cá nhân cá biệt. Chính điều này
đã làm cho những đứa trẻ dù được nuôi dạy trong môi trường giống nhau, chịu sự
huân tập như nhau vẫn phát triển thành những tính cách tâm lý khác nhau.
Sự
sai khác về chủng tử sẵn có sẽ giải thích tại sao con người lại có nhiều khuynh
hướng khác nhau, như người hướng nội, người hướng ngoại, người có năng khiếu về
toán, người có năng khiếu về văn, người thích làm giáo viên, người thích buôn
bán, người dễ dạy, người khó dạy, người có khuynh hướng chạy theo đời sống dục
lạc, người có khuynh hướng tu hành xa lìa các dục... Chủng tử sẵn có cũng giải
thích vì sao có các hiện tượng đặc biệt như thần đồng.
Chủng tử sẵn có với Phân tâm học
Ai
cũng sinh ra với thức thứ tám chứa
nhiều chủng tử sẵn có. Những chủng tử này tiềm chứa nhiều sai biệt giữa người
này với người khác. Lúc mới sinh ra, đứa bé chưa chịu nhiều sự huân tập đến từ
bên ngoài, nhu cầu còn đơn giản, chỉ là nhu cầu sinh tồn tối thiểu như ăn, ngủ,
bài tiết… nên chỉ có một ít chủng tử sẵn có phát khởi hiện hành. Ở giai đoạn
này sự sai khác tâm lý của đứa bé này với đưa bé kia chưa nhiều. Càng lớn lên,
con người càng chịu nhiều sự huân tập đến từ bên ngoài. Sự phát triển của thân
xác và sự phát triển của ý thức phân biệt làm phát sinh nhiều nhu cầu mới như
nhu cần thương yêu, che chở, nhu cầu thích ứng với môi trường và những người
chung quanh, nhu cầu được hưởng các thú vui vật chất và tinh thần, nhu cầu học
hỏi tìm hiểu, nhu cầu phô trương bản ngã v.v... Những điều vừa nói là điều kiện
(duyên) để nhiều chủng tử sẵn có phát khởi hiện hành, dẫn đến sự sai khác về
mặt tâm lý và hành vi giữa người này và người kia ngày càng nhiều, càng rõ nét.
Hiện nay, dù số lượng con người trên thế giới rất lớn, hơn 7 tỷ người, nhưng
chúng ta vẫn không thể tìm thấy hai người hoàn toàn giống nhau về mặt tâm lý.
Nhìn
lại Phân tâm học, khi mới xuất hiện ở đầu thế kỷ XX, Phân tâm học Freud đã tạo
ra một chấn động lớn. Nhiều người cho rằng đây là một cuộc cách mạng trong Tâm
lý học. Tuy vậy, trải qua hơn một thế kỷ phát triển, Phân tâm học vẫn chưa có
những khám phá mới đáng kể. Nhược điểm chủ yếu của Phân tâm học là các nhà Phân
tâm học chỉ mới thấy được một vô thức lúc mới sinh mang tính đại đồng. Những mô
hình vô thức này còn quá đơn giản, nên không thể thích ứng với sự đa dạng, phức
tạp, tinh vi của các hiện tượng tâm lý con người. Chính điều này đã làm cho Phân
tâm học chưa có được vị trí tương xứng trong Tâm lý học hiện đại.