Khảo về Tám thức với Tâm lý học hiện đại – Khảo về thức thứ bảy
khao ve
Chánh Tấn Tuệ
Ở bài viết trước
chúng ta đã đề cập về Tiền ngũ thức
và Ý thức. Phạm vi bài viết này khảo
về Thức thứ bảy là chính. Qua đó lược
sơ về Thức thứ tám.
Thức thứ bảy và Thức thứ tám, hai thức này hoạt động một
cách âm thầm sâu kín trong tâm hồn con người. Đây là chỗ khó hiểu khó biết của tâm.
Hai thức này là cội nguồn của sự nhận thức về ngã (ta), cội nguồn của sự nhận
thức về pháp (muôn sự, muôn vật). Tìm hiểu hai thức này giúp chúng ta thấy được
ngã và pháp đã hình thành và xuất hiện trở lại trong tâm thức của chúng ta theo
phương cách nào.
Đối chiếu với Phân
tâm học, hai thức này là phần vô thức mà Freud đã nhìn thấy. Freud, ông tổ của
Phân tâm học, đã chỉ ra rằng tâm hồn con người ngoài Ý thức ra, còn có một phần mà Ý
thức không biết hoặc biết rất ít về phần này. Freud gọi nó là vô thức.
Vì đây là chỗ tế nhị
của đề tài đang nghiên cứu nên trước tiên chúng ta cần giải quyết hai câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất nhấn
mạnh đến chỗ khiếm khuyết của Tâm lý học ngôi thứ nhất, nhằm hiển bày vô thức.
Câu hỏi thứ hai liên
quan đến Tâm lý học ngôi thứ ba. Tâm lý học ngôi thứ ba cho rằng các sự kiện
tâm lý chỉ là những yếu tố sinh lý bày hiện ra bên ngoài, Ý thức chỉ là phụ tượng. Quan điểm này được một số nhà Robot học
đẩy lên một cấp độ mới. Họ chấp nhận có vô thức, nhưng vẫn cho rằng “Ý thức con người chỉ là kết quả tích tụ qua
hàng tỷ năm tiến hóa của phản xạ vô thức, từ động vật sơ đẳng nhất đến loài
người tiền sử mà thành” (Redney Brooks).
Ở đây vô thức chỉ chứa đựng những phản xạ được tích tụ qua quá trình tiến hóa
của sinh vật. Việc giải quyết câu hỏi thứ hai nhằm chỉ ra rằng, vô thức không
đơn giản, nó năng động chứ không ù lì như các nhà Robot học vẫn nghĩ.
Hỏi (1): Theo tôi sự phân
tích của các Tâm lý gia phương Tây là đầy đủ và rất hợp lý. Con người được cấu
thành bởi hai phần. Một là phần tri giác thuộc về Ý thức. Một là phần thân xác vốn vô tri giác. Nếu chấp nhận sáu
thức, tức phải chấp nhận thân xác cũng có tính tri giác. Nếu thế, lúc chết giấc
hay lúc vừa mới chết, Ý thức không
xuất hiện, thân xác vẫn còn y nguyên, vì sao thân xác ấy không có biểu hiện tri
giác nào cả?
Đáp: Để trả lời câu hỏi trên,
chúng ta hãy xem kỹ trường hợp chết giấc và chết thật giống và khác nhau chỗ
nào? Chỗ giống nhau của hai trường hợp trên là không có sự xuất hiện của Ý thức, thân xác còn nguyên vẹn nhưng
như khúc gỗ, không có những phản ứng mang tính tri giác đối với các tác động từ
bên ngoài. Nói về chỗ khác nhau, có nhiều điểm khác nhau ở hai trường hợp trên,
nhưng chúng ta chỉ cần quan tâm đến một chỗ khác nhau, đó là nơi thân xác của
người đã chết không bao giờ có sự xuất hiện trở lại của Ý thức, còn nơi thân xác của người chết giấc có thể có sự xuất hiển
trở lại của Ý thức.
Ý thức này từ đâu mà xuất hiện?
Nếu cho rằng từ thân xác thì tại sao nơi thân xác của người đã chết không có sự
xuất hiện trở lại của Ý thức? Vả lại
thân xác vốn vô tri giác làm sao có thể là căn cứ cho sự xuất hiện của Ý thức? Câu trả lời hợp lý cho trường
hợp này là Ý thức xuất hiện từ một
phần có tính tri giác. Vì phần này có tính tri giác nên gọi là “biết”. “Biết”
là nghĩa của “thức”. Thức này không phải là Tiền
ngũ thức hay Ý thức. Nó không bày
hiện ra bên ngoài mà âm thầm hoạt động ở bên trong. Đây chính là phần vô thức
mà Freud đã nói đến. Chính phần vô thức này đã giúp cho thân xác của người chết
giấc hay người có đời sống thực vật không bị tan rã bốc mùi như người đã chết.
Như vậy sự khác nhau
giữa chết giấc và chết thật nằm ở chỗ, nơi thân xác của người chết giấc vẫn có
sự vận hành của vô thức. Nơi thân xác của người chết thật, không còn sự hiện
diện của vô thức. Duy thức học phân tích vô thức thành hai phần, là Thức thứ bảy và Thức thứ tám.
Các triết gia phương
Tây như Aristote cho rằng: Gọi là một sinh vật (sống), vì nó có sự sống (sinh
lực). Sự sống này còn được gọi là hồn. Hồn này làm cho thân xác hoạt động có tổ
chức. Theo Duy thức học, sự sống là một trong những công năng của Thức thứ bảy và Thức thứ tám. Mọi hình thái của ngã, mọi sự kiện tâm lý như thấy,
nghe, tư tưởng, tình cảm, sự tư duy v.v… mọi hoạt động của thân xác đều y cứ
nơi hai thức này mà xuất hiện. Thức thứ
bảy và Thức thứ tám là tiềm thể
của mọi hiển thể của cuộc sống.
Thức thứ tám còn có công năng
chấp thọ thân xác, nghĩa là giữ gìn không để thân xác bị tan hoại trong thời
gian sống của sinh vật. Vì thế một người dù bị hôn mê trong thời gian dài, thân
xác vẫn không bị tan hoại. Nếu người đó chết thật, sự chấp thọ của Thức thứ tám không còn, thân xác sẽ
nhanh chóng bị tan hoại.
Trở lại với câu hỏi
trên, do trước đây nhiều Tâm lý gia phương Tây chưa biết đến vô thức, nên họ quy
mọi khả năng tri giác cho Ý thức. Do Ý thức hoạt động không liên tục, khi Ý thức tạm ngưng nghỉ, không tìm thấy
khả năng tri giác nơi thân xác. Điều này củng cố quan điểm cho rằng thân xác và
tinh thần là hai thực thể độc lập. Thực tế tâm hồn con người không chỉ có Ý thức mà còn có phần vô thức, nên cách
phân tích trên là chưa đầy đủ. Và sự hợp lý của Tâm lý học trong trường hợp này
là sự hợp lý của luận lý học hình thức, chưa phải là sự hợp lý của luận lý học
thực tế.
Do vô thức hoạt động
không ngừng nghỉ để duy trì sự sống nơi thân xác nên không thể tách lìa thân
xác ra khỏi vô thức. Vô thức là tiềm thể cho sự hiển thể của Tiền ngũ thức (và Ý thức). Nên đây là căn cứ để nói rằng, nơi thân xác người còn sống
cũng có tính tri giác. Việc thành lập Tiền
ngũ thức là có căn cứ và phù hợp với thực tế.
Hỏi (2): Đâu là sự khác biệt
giữa một con người và một sự vật vật lý?
Đáp: Con người và sự vật vật
lý đều có điểm chung, là cả hai đều có phần vật chất. Điểm khác biệt, là con
người có khả năng biết, còn sự vật vật lý thì không. Như con mắt có khả năng
ghi nhận hình ảnh và có cái biết về hình ảnh ấy. Máy ảnh cũng có khả năng ghi
nhận hình ảnh nhưng không thể biết về hình ảnh mà nó ghi nhận được.
Hiện nay, con người
đã chế tạo được những robot có khả năng có được một số tương tác với con người,
với các sự vật chung quanh. Nhưng những robot ấy hoàn toàn không biết về các
tương tác mà nó đã thực hiện. Con người thì khác, do có khả năng biết mà mỗi người
đều có nhận thức về cái ta (ngã) khác với tha nhân, khác với các sự vật trong
thế giới. Cái ta này đang tồn tại trong sự tương quan tương tác với tha nhân về
thế giới. Do khác với tha nhân về thế giới nên có sự giao tiếp giữa ta với tha
nhân và thế giới. Do có sự giao tiếp mà có nhận thức về sự nghịch thuận với tâm
ta và thân xác ta. Do có nghịch thuận mà phát sinh ra sự khổ đau hay khoái lạc.
Do có khổ lạc mà có yêu ghét, tham, sân, mong cầu, ước mơ, hy vọng v.v… Đây là
những điều mà không robot nào có được. Dù khoa học công nghệ tiến bộ tới đâu,
không bao giờ chúng ta chế tạo được một robot có khả năng biết, một robot hữu
ngã, một robot biết đau khổ hay khoái lạc, một robot biết mong cầu hy vọng… Vì
xét cho cùng, robot cũng chỉ là một sự vật vật lý.
Do đâu mà có sự xuất
hiện của cái biết và cái ngã?
Tìm hiểu về đề tài
này tức là bước đầu tìm hiểu về Thức thứ
bảy và Thức thứ tám.
Ngã và ngã sở
Bất kỳ một người bình
thường nào cũng có ý thức về cái ta, là chủ thể (ngã) của thân tâm của chính
mình. Do thân tâm của mỗi người luôn thay đổi, nên thấy xuất hiện các sự kiện
như ta đau, ta buồn, ta vui, ta nghe, ta thấy, ta suy tư v.v… Dù ta luôn xuất
hiện cùng với các hiện tượng đa dạng của thân tâm nơi mỗi người, cái ta ấy
dường như vẫn là một.
Lại nữa, một người
lớn tuổi khi hồi tưởng về quá khứ, nhớ lại ta khi còn bé, ta lúc thanh niên, ta
lúc trung niên, ta ở hiện giờ thì vẫn là ta không thay đổi.
Lại nữa, lúc tỉnh táo
thì có ý thức về ta, lúc ngủ say hay chết giấc thì ý thức không hiện hành cũng
không thấy ta xuất hiện, khi tỉnh dậy lại có ý thức về ta, và cái ta ấy không
khác với ta trước khi ngủ hay chết giấc.
Lại nữa, có người bị
tai nạn, quên mất mình là ai, trải qua nhiều năm trí nhớ phục hồi, biết mình là
ai, lúc này người ấy thấy ta hiện giờ và ta trước khi mất trí nhớ vẫn không
khác.
Như vậy, nơi mỗi
người, tồn tại một cái ta không thay đổi theo thời gian, dù trẻ hay già, thức
hay ngủ, dù quên hay nhớ, dù có ý thức hay không có ý thức. Cái gì có khả năng
nhận biết và duy trì cái ngã không thay đổi đó? Để trả lời câu hỏi này, trước
hết chúng ta viết lại câu hỏi đó theo đúng tinh thần của Duy thức học. “Biết”
tức là “thức” nên câu hỏi đó có thể viết thành “Thức nào có khả năng duy trì
cái ngã không thay đổi đó?”.
Để tiện, chúng ta gọi
thức đó là “Thức chấp ngã”. Chấp ngã, là nắm lấy một cái gì và cho đó là ngã. Một
trong những tính chất mà “Thức chấp ngã” cần phải có, là thức này phải hoạt
động liên tục. Vì nếu thức này có lúc ngưng nghỉ, cái ngã được chấp sẽ biến
mất, sau đó dù thức này có hoạt động trở lại, không có gì đảm bảo rằng cái ngã
trước và sau khi thức này ngưng nghỉ, vẫn không khác. Với tính chất này, thức
chấp ngã không phải là Tiền ngũ thức
hay Ý thức, vì các thức này hoạt động
có gián đoạn. Vì không thuộc sáu thức trước, nên thức này được đặt một tên mới
là Thức thứ bảy.
Thức thứ bảy nhận biết về một cái
ngã không đổi khác. Cái ngã này không thể do Thức thứ bảy tự tạo ra. Nó phải đến từ “một cái” khác với Thức thứ bảy. Do cái ngã mà chúng ta ý
thức được là chủ thể của nhận thức, nên ngã phải có tính tri giác, vì thế cái
mà ngã thuộc về cũng phải có tính tri giác. Như vậy “cái khác với Thức thứ bảy”, “cái mà ngã thuộc về”
cũng có tính tri giác. Vì có tính tri giác nên cái này cũng là thức. Thức này không
thuộc về bảy thức trước, nên Duy thức học gọi nó là Thức thứ tám.
Thức thứ tám hoạt động không gián
đoạn để cung cấp cái ngã không gián đoạn cho Thức thứ bảy. Cũng như các thức khác, Thức thứ tám có hai phần, là kiến phần hay biết và tướng phần bị biết.
Thức thứ bảy lấy kiến phần hay biết
của Thức thứ tám làm ngã. Thức thứ tám còn được gọi là căn bản
thức. Nó là căn bản của các cái biết thuộc về bảy thức trước, nên việc lấy kiến
phần Thức thứ tám làm ngã đã tạo ra
cảm tưởng về một cái ngã là chủ thể của sự nhận thức nơi mỗi người.
Lại nữa, Thức thứ tám vốn vô ký, không thiện
không ác, là một loại tương tục không gián đoạn, vì thế việc Thức thứ bảy lấy kiến phần Thức thứ tám làm ngã, đã tạo ra cảm
tưởng về một cái ngã không thay đổi. Đó là lý do giải thích vì sao mọi người
đều thấy mình có bản ngã. Nó hoạt động một cách sâu kín trong tâm hồn con
người, là cơ sở của mọi hình thức chấp ngã xuất hiện trong Ý thức.
Hai loại chấp ngã
Một cách chi tiết,
Duy thức học lược phân chấp ngã thành hai loại: Một là câu sinh. Hai là phân
biệt.
1. Câu sinh ngã chấp: Là loại ngã chấp sinh ra cùng với thân, có thân là có nó. Loại
này được phân thành hai:
a. Thường tương tục: Thức thứ bảy duyên kiến phần Thức thứ tám rồi lấy đó làm ngã. Nhờ có
loại ngã chấp này mà khi có ý thức hay không có ý thức, thân xác của mỗi người
vẫn hoạt động như một chỉnh thể.
b/ Có gián đoạn: Loại
ngã chấp này thuộc về Ý thức. Thức thứ sáu chấp lấy tướng riêng hoặc
tướng chung của thân tâm (ngũ uẩn) cho là ngã.
Hai loại Câu sinh ngã chấp này khiến cho một đứa
bé vừa ra đời là đã có ngã. Do có ngã nên có nhu cầu bảo tồn cái ngã, biểu hiện
qua việc bảo tồn sinh mệnh, thỏa mãn các nhu cầu sinh lý. Vì lý do này, một đứa
bé vừa mới sinh ra đã có khuynh hướng tìm sự che chở nơi người mẹ, khi đói biết
khóc để được bú v.v… Các điều vừa nói đó được Tâm lý học gọi là “Bản năng sinh
tồn”. Ở đây, bản năng sinh tồn là hệ quả của sự chấp ngã.
2. Phân biệt ngã chấp: Là loại ngã chấp thuộc về Ý
thức. Nó mới xuất hiện trong hiện đời. Nó hình thành qua quá trình sinh
trưởng của mỗi người, từ kinh nghiệm sống, từ sự giáo dục, sự tự học, sự so đo
sai khác giữa ta với người v.v… Như ta là Nguyễn văn X, là giáo đồ thuần thành
tôn giáo A, là bác sĩ, là người cha người chồng gương mẫu, là người được cộng
đồng yêu mến... Do Phân biệt ngã chấp lấy Câu sinh
ngã chấp thuộc Ý thức làm cơ sở
nên có ta thấy, ta nghe... Do lấy Câu sinh
ngã chấp thuộc Thức thứ bảy làm
bản ngã, nên Phân biệt ngã chấp dù đa
dạng thay đổi thế nào, mỗi người vẫn có cảm nhận về cái một cái ta không đổi
khác, chỉ là một.
Do chấp ngã mà thấy
ta khác với người. Do ngã xuất hiện ngay lúc mới sinh, nên vô thức (Thức thứ bảy và Thức thứ tám) lúc mới sinh đã mang tính cá nhân, tức đã có sự sai
khác trong vô thức lúc mới sinh giữa người này với người khác. Điều này chỉ ra
chỗ khiếm khuyết của Tâm phân học hiện đại. Muốn thấy được khiếm khuyết này,
chúng ta hãy nhìn lại quan điểm của Freud và Jung, hai khuôn mặt xuất sắc nhất
của Tâm phân học.
Theo Freud, vô thức
lúc mới sinh, là bản năng Ca, nó như nhau ở mọi người. Theo Jung, vô thức lúc
mới sinh không chỉ mang tính vị kỷ của bản năng Ca, nó còn có tính vị tha, tính
tập thể. Vì thế, Jung đã bổ sung phần “vô thức tập thể” vào vô thức lúc mới
sinh. Mặc dù thế, vô thức lúc mới sinh vẫn mang tính đại đồng, nó như nhau ở
mọi người. Điều này dẫn đến hệ quả sau: Sự sai khác trong tính cách tâm lý của
người này với người kia đến từ sự sai khác của môi trường sống và môi trường
giáo dục.
Trên thực tế, có
nhiều trường hợp dù sự sai khác giữa môi trường sống và môi trường giáo dục
không nhiều, vẫn xuất hiện nhiều tính cách tâm lý khác biệt thậm chí trái ngược
nhau. Có những cặp sinh đôi gắn liền nhau, họ phải sống cả đời bên cạnh nhau,
trong trường hợp này, không có sự sai khác về môi trường sống hay môi trường
giáo dục nhưng mỗi người lại phát triển thành những tính cách trái ngược nhau.
Người này thích hướng nội. Người kia thích hướng ngoại. Người này thích sống
tĩnh lặng, ít giao tiếp. Người kia thích sống một cách sôi nổi với nhiều người
vây quanh…
Tâm phân học không lý giải được các hiện tượng này, vì đã loại bỏ sự sai khác
bẩm sinh giữa người này với người khác.
Qua những gì đã phân
tích, chúng ta đã thấy vai trò tạo thành bản ngã nơi tâm hồn mỗi người của Thức thứ bảy. Thức thứ bảy còn có các vai trò khác như tạo ra các ý niệm cho Ý thức, là cơ sở hoạt động tư duy của Ý thức…
Theo Duy thức học, Ý thức không duyên trực tiếp với năm
trần bên ngoài mà chỉ biết về năm trần thông qua Tiền ngũ thức. Cũng vậy, Ý
thức không duyên trực tiếp với Thức
thứ tám mà thông qua Thức thứ bảy.
Vì vậy, Thức thứ bảy dù thuộc vô
thức, Ý thức vẫn biết được một phần Thức thứ bảy. Thức thứ bảy có tác động rất lớn lên Ý thức.
Giả như bạn có một
công việc cần giải quyết. Để thực hiện công việc này, bạn cần có sự tập trung
cao. Muốn vậy, bạn không quan tâm đến sự vật chung quanh, chỉ chú tâm vào công
việc. Nhưng làm việc được một lát, đột nhiên trong đầu nhớ lại câu chuyện hồi
sáng, Ý thức của bạn theo đó mà quên
mất việc đang làm. Chợt nhớ, bạn gạt bỏ hồi tưởng đó và quay trở lại công việc
đang làm. Nhưng chỉ được một lát, một ý tưởng khác lại khởi lên lôi kéo sự chú
ý của Ý thức về nó, làm xao lãng công
việc đang làm. Những ý tưởng đột khởi nói trên, nó không do Ý thức tạo ra, vì lúc này chủ thể Ý thức không muốn có nó để tập trung cho
công việc. Như vậy những ý tưởng này đến từ một thức khác, đó chính là Thức thứ bảy. Vậy nguồn gốc của những ý
tưởng đột khởi này nằm ở đâu? Vì sao khi nó xuất hiện, nó có khả năng lôi kéo Ý thức vận hành theo nó? Muốn hiểu được
vấn đề này, chúng ta cần hiểu về Thức thứ
tám.