“Cụ bảo thôi thì… thôi”: Ai? Có dạy điều phạm giới?

cu bao

“Cụ bảo thôi thì… thôi”: Ai? Có dạy điều phạm giới?

Minh Thạnh

1. Một bài báo hay

Bài báo chính trên Báo Giác Ngộ số kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (số 800) là một bài báo hay: ““Thông tin nhạy cảm” & cách ứng xử với truyền thông báo chí”, tác giả H. Diệu, phóng viên Báo Giác Ngộ.

 Bài viết đã phản ánh một cách chân thực mà khéo léo, tế nhị một phần thực trạng truyền thông đại chúng Phật giáo Việt Nam, cũng như nói lên một cách kín đáo những khó khăn, sự chịu đựng và có thể là tâm tư không phục thầm lặng.

Đoạn hay nhất của bài báo là đoạn có tiêu đề “Cụ bảo thôi thì… thôi”, xin được trích dẫn lại dưới đây trước khi đi vào bình luận (trang 8 báo Giác Ngộ số 800):

Cụ bảo thôi thì… thôi!”

Liên quan đến “thông tin nhạy cảm” thì né tránh, không trả lời, yêu cầu không đưa tin… đó là thực tế thường gặp của phóng viên báo Phật giáo.

Trong thế giới ngày nay, việc sử dụng điện thoại thông minh, iPad, máy tính kết nối mạng xã hội - Facebook, Twitter bùng nổ, len vào cửa thiền môn. Đặc biệt, giới Tăng Ni, Phật tử trẻ nhu cầu kết nối internet, mạng xã hội toàn cầu như là cơm ăn, nước uống. Chính vì thế, không thể ém nhẹm thông tin, không né tránh… trước sau cũng sẽ bị rò rỉ trên truyền thông đại chúng, lúc thông tin bị đưa ra truyền thông lại càng mất thế chủ động. 

Do đó, cách ứng phó tốt nhất của cơ quan báo chí Phật giáo là không nên né tránh từ chối đưa tin mà nên chọn cách tiếp cận, cách đưa tin cho phù hợp, người phát ngôn của Giáo hội cần lựa chọn cách ứng xử thay vì từ chối, né tránh trả lời truyền thông, báo chí.

Còn nhớ một vị Thượng tọa đã nói với người viết câu này: “Cụ bảo thôi thì… thôi, tôi cũng đành bó tay! chị không thể thay đổi tư duy các cụ”... câu nói từ chối phát ngôn, từ chối phỏng vấn của phóng viên báo Phật giáo chính thống, tưởng như đùa ở cửa miệng nhưng tôi cũng vài lần được nghe từ những người có trách nhiệm trả lời với truyền thông, báo chí. 

Đó là lối tư duy xưa cũ, cách ứng xử thụ động mà chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội thường dùng để thoái thác trước truyền thông, báo chí. Nếu trước đây… vài chục năm, một sự kiện có tính chất nhạy cảm liên quan đến Phật giáo được “bảo vệ”, cái sự “thôi thì sẽ… được thôi”, nó có thể sẽ nằm im lìm ở đó mãi. 

Còn ngày nay, thông tin như vũ bão, càng ém nhẹm, thông tin bất lợi cho Phật giáo một khi đã được khai thác thì sẽ bị khai thác triệt để, thông tin bất lợi bị thừa cơ thổi phồng... Khi đó, chính Phật giáo đã tự đánh mất thế chủ động phát ngôn ở “diễn đàn” chính thức mà báo chí trao cho quyền phản biện và đánh mất thế làm chủ tạo ra dư luận xã hội theo hướng có lợi.

Liên quan đến “thông tin nhạy cảm”, phóng viên Báo Giác Ngộ cũng thường xuyên bị nhắc nhở “cái này nhạy cảm, không đưa tin” trong các cuộc họp của Giáo hội các cấp. Có khi, phóng viên bị thẳng thừng mời… ra ngoài. Có khi lại được yêu cầu “chỉ được note” (chỉ được ghi chú) mà không được đưa tin.

Câu chuyện “Cụ bảo thôi… thì thôi!” có vẻ thật buồn cười với một phóng viên báo chí xã hội bên ngoài nhưng nó là câu chuyện buồn của những người làm báo Phật giáo gặp phải trong tác nghiệp. Một khi “Cụ bảo thôi” thì không có cách nào làm khác…

2. Ai?

Đọc đoạn trên trong bài viết, trong người đọc cũng đều nảy lên câu hỏi “cụ” là ai vậy?

Câu hỏi cũng dễ có lời đáp. “Cụ” phải là thủ trưởng, là người lãnh đạo cao nhất cơ quan báo chí mà tác giả bài báo làm việc. Trình bày như thế, thì dù không nói ra, người đọc cũng biết “cụ” là ai rồi! Chỉ có “cụ” mới ra lệnh được như thế.

Tiêu đề của đoạn trích “Cụ bảo thôi thì… thôi” thể hiện sự chịu đựng xen lẫn bất lực của người viết. Từ thôi lặp lại 2 lần trong một tiêu đề có 5 chữ cho thấy tâm sự nặng nề của tác giả bài báo. Điều nặng nề hơn thể hiện qua dấu ba chấm và từ nối “thì” trước đó. Nó cho thấy một sự miễn cưỡng, cam chịu, vâng phục, không thể làm gì hơn được.

Dấu ba chấm như tâm sự phải đè nén, phải dấu đi, không thể nói ra của tác giả. Trọng tâm của tiêu đề đoạn trích nằm ở dấu ba chấm đó, nơi người viết gửi gắm điều muốn ẩn khuất. Dấu ba chấm gửi gắm nỗi niềm nặng trĩu của người làm báo trước một bi kịch nghề nghiệp.

Ở đây, bi kịch là mâu thuẫn giữa quan điểm mới, phù hợp với thời đại, mạnh dạn đối mặt với hiện thực truyền thông. với quan điểm cũ, lạc hậu, che dấu, lẫn tránh, phi thực tế. Trong mâu thuẫn đó ở cơ quan báo chí, người chịu đựng, phục tùng trong sự bất mãn đương nhiên là cấp dưới, cấp thừa hành, vâng lệnh. Cái bi kịch gói ghém chỉ trong dấu ba chấm, chấm lửng với những điều không thể nói, không nói được!

Nhưng cho dù cụ là ai, thì ở đây nổi rõ lên sự lạc hậu, bảo thủ, cũ kỹ, độc đoán, tiêu cực, chuyên chế, gia chủ, phần nào quê mùa, thấp thỏi của truyền thông Phật giáo Việt Nam đương đại.

Cái kiểu “Cụ bảo thôi thì… thôi” đó bây giờ có lẽ chỉ còn ở báo chí Phật giáo.

Trong quan hệ làm báo tiến bộ, văn minh, thời đại, không còn chỗ cho kiểu “Cụ bảo thôi thì… thôi”. Bây giờ, người tổng biên tập, biên tập ra lệnh cho cấp dưới không thể chỉ bằng một từ đanh gọn, mà phải có sự thuyết phục, có cơ sở, có lý do, đều qua bàn bạc, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, dân chủ, văn minh.

Cái cách áp đặt, bảo một tiếng, trên “cụ bảo” thì dưới y một đường ngay lập tức “thì… thôi” đâu phải là cách làm báo văn minh, mà là chủ nhân ông với tôi tớ, “gọi dạ bảo vâng”.

Nghĩ mà thương cho nhà báo trong hoàn cảnh gia trưởng khắc nghiệt và đáng xấu hổ như thế! Nghĩ mà tủi cho báo chí Phật giáo Việt Nam hủ lậu, lạc hậu đến cùng cực như thế!

Quan hệ  “Cụ bảo thôi thì… thôi” đâu phải là quan hệ báo chí hiện đại, nơi ý tưởng sáng tạo của mỗi nhà báo đều được tôn trọng. Làm báo, mà chỉ một tiếng là vâng phục, thì đó là quan hệ lãnh chúa/nô tì trung cổ. Giới làm báo bây giờ mà biết được, thì cười cho, bên cạnh sự thương cảm, ái ngại, xót xa cho một kiểu hành xử không văn minh trong báo giới. Phóng viên có ý tưởng gì cũng mặc, chỉ một tiếng thôi của “cụ” là dẹp hết! Thật mỉa mai, cay đắng và đau xót cho báo chí Phật giáo, ốc đảo không văn minh giữa làng báo hiện đại!

Bao giờ, báo chí Phật giáo Việt Nam không còn bị chỉ đạo bởi những câu ra lệnh cụt ngủn là xong, là vâng chịu, mà biết cách họp bàn, trao đổi ý kiến một cách có căn cứ, có thuyết phục, có sự tôn trọng, văn minh, điều mà hầu như đã có ở các cơ quan báo chí hiện đại?

3. Có dạy điều phạm giới?

Đây cũng là câu hỏi nảy sinh khi đọc đoạn trích bài báo. Trung thực không phải chỉ là đạo đức của nhà báo, mà hơn nữa là đạo đức của tu sĩ tín đồ Phật giáo. Trong đạo Phật, không nói dối là một trong 5 giới cấm căn bản.

Nhà Phật nghiêm cấm việc “chuyện không nói có, chuyện có nói không”. Nếu “cụ” bảo chuyện có nói không thì rõ ràng dạy điều phạm giới.

Nhưng ở đây “cụ bảo thôi” là chuyện có nhưng không nói (chứ không phải nói không) thì sao)? Không nói về một chuyện có, với báo chí, là làm như chuyện đó không có. Báo chí là cơ quan nói, nhưng có chuyện mà bảo thôi, không nói, là nghĩa làm sao? Ở đây liệu có sự giả dối, che đậy cố ý làm ẩn khuất, làm như không có. Làm như vậy, rõ ràng là không trung thực, thế thì có trái với đạo đức báo chí, nhất là đạo đức Phật giáo, có phạm giới?

Trong bài báo, tác giả kể ra hàng loạt ví dụ “bảo thôi”, không được nói chuyện thực có đang xảy ra, chuyện có làm như không có, thường xảy ra trong báo chí Phật giáo, cụ thể là với tác giả bài báo. Phật giáo là đạo sự thật, đạo trung thực, lại có chuyện làm báo như thế sao? Người lãnh đạo cơ quan báo chí Phật giáo, là bậc tôn túc trưởng thượng, cứ chủ quan theo ý mình, bất kể sự thật, “Cụ bảo thôi thì… thôi”.

Không có gì để thối lui, trốn tránh nếu Phật giáo đứng ở thế lẽ phải, nói đúng. Nhưng ở đây “Cụ bảo thôi thì… thôi”. Tại sao thôi, không cần giải thích, đó là ý riêng của cụ, phải vâng lời. Sự chơn/ngụy, thật/giả, sai/đúng mù mờ ẩn hiện ở chỗ này. Phải chăng, chính sự mù mờ, che giấu, lẫn tránh này đã là biểu hiện không trung thực? Chưa chắc! Nhưng đối với “chuyện có không nói” thì ít nhiều gì cũng có sự bẻ cong, dù chưa tới mức “chuyện có nói không”. “Chuyện có không nói” thì chuyện có hóa ra không chăng? Bài viết đưa cho ta nhiều ví dụ và chắc chắn là vẫn không thay đổi được thực tế. Nhưng đó lại là cách nhìn hiện thực, cách làm báo của “cụ”, phong kiến, gia trưởng và không trung thực.

Quả là sự chẳng lành đối với báo chí Phật giáo Việt Nam!

MT

Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle