Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM: Việt Nam Quốc Tự

Minh Thạnh

Cuối năm 2013, chúng tôi đã được nghe tin vui Phật giáo TPHCM đề xuất xin cấp thêm quỹ đất xây dựng tại khu Việt Nam Quốc Tự. Tuy nhiên, vì chưa có thông tin chính thức trên báo chí, nên chúng tôi chưa tiện đề cập đến.

Tuy nhiên, trên báo Giác Ngộ số 727, ngày 10/1/2014 đã đưa thông tin chính thức, dù rất ngắn gọn. Trong bài “Hội nghị kỳ II khóa VII Trung ương GHPGVN”, người đọc được biết “Đặc biệt, Hội nghị đã dành thời gian nghe trình bày đề án xây dựng Tháp tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự (Quận 10, TPHCM) với thống nhất đề xuất xin cấp thêm quỹ đất xây dựng chánh điện và Tháp tưởng niệm Ngài tại Việt Nam Quốc Tự”.

Với tôi, người đã viết 15 bài về diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM, hướng đến mục tiêu một ngôi chùa lớn, tại trung tâm thành phố, thì đây là một việc đại hoan hỷ.

Bản tin đăng trên báo Giác Ngộ nói đến việc xây chánh điện. Chắc chắn là với thuận lợi quỹ đất, việc xây một chính điện “quốc tự” rộng lớn đã là điều trong tầm tay. Quốc tự là ngôi chùa của quốc gia, đương nhiên cần có một ngôi chính điện bề thế, quy mô, có sức chứa nhiều ngàn người, phù hợp cho những buổi lễ tôn giáo cấp quốc gia.

Tuy nhiên, điều đáng nói là khu trung tâm. Việt Nam Quốc Tự nằm trên mặt tiền của một con đường lớn xuyên thành phố, liền kề với nhiều công trình kiến trúc lớn, như Học viện Hành chính Quốc gia, khách sạn quốc tế Kỳ Hòa. Tháp Việt Nam Quốc tự là điểm nhấn cuối đường Lê Hồng Phong, một con đường có chiều ngang rộng lớn,  xuyên qua vòng xoay trung tâm Ngã Bảy, tạo một không gian uy nghi cho ngôi tháp giữa một khu đông dân cư mà thoáng đãng. Tháp Việt Nam Quốc Tự hiện nay có thể nhìn thấy từ tầm xa hàng km là một biểu tượng nhiều ý nghĩa đối với vị thế Phật giáo tại TPHCM.

Việt Nam Quốc Tự, với thuận lợi về quỹ đất, sẽ tạo nên một quảng trường cho Phật giáo Việt Nam cử hành các cuộc lễ lộ thiên với nhiều người tham dự. Thuận lợi về quỹ đất cũng tạo điều kiện để xây dựng các cơ sở văn hóa, học thuật, phục vụ tu tập.

Với vị trí như thế, cộng với thuận lợi về quỹ đất, khi được xây dựng quy mô, Việt Nam Quốc Tự sẽ góp phần quan trọng vào việc biến đổi diện mạo kiến trúc tôn giáo thành phố. Phật giáo Việt Nam sẽ có một ngôi chùa bề thế trên đại lộ có mật độ xe cộ lưu thông bậc nhất ở thành phố, đóng góp cho mỹ thuật cảnh quan thành phố, là nơi đủ điều kiện để Phật giáo quy tụ tu sĩ tín đồ tổ chức các ngày lễ trọng đại, tạo nên bộ mặt của thành phố mà Phật giáo là một tôn giáo chính.

Trong series bài viết “Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM”, ở những bài đầu, chúng tôi có nhắc nhiều đến vai trò Việt Nam Quốc Tự. Thì giờ đây, việc xin cấp quỹ đất xây dựng tại Việt Nam Quốc Tự xuất hiện như một điều “cầu được ước thấy”, hoan hỷ và hạnh phúc.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy một số vấn đề có liên hệ như sau:

-         Việt Nam Quốc Tự tuy tọa lạc ở mặt tiền một đại lộ chính của thành phố, có chiều dài mặt tiền đường, bề rộng diện tích khuôn viên, nhưng vẫn nằm ngoài khu trung tâm lõi, trung tâm hành chính thành phố. Vì vậy, vẫn còn những hạn chế nhất định trong vai trò biểu tượng tôn giáo. Nếu so sánh với một kiến trúc tôn giáo ở khu trung tâm hành chính như nhà thờ Đức Bà chẳng hạn, thì vị trí Việt Nam Quốc Tự vẫn còn có những hạn chế về giá trị biểu tượng. Vị trí của Việt Nam Quốc Tự là vị trí mặt tiền đường lớn, chưa phải là vị trí trung tâm về kiến trúc, quy hoạch, hành chính, đẳng cấp xã hội.

-         Việt Nam Quốc Tự là một cố gắng điều chỉnh hình thái kiến trúc xóm đạo TPHCM đã từ năm mươi năm trước. Bây giờ, Phật giáo Việt Nam nói đến việc xúc tiến xây dựng Việt Nam Quốc Tự tức chỉ mới lùi về vạch xuất phát của nửa thế kỷ trước. Khi đó thành phố Sài Gòn Gia Định có dân số chỉ khoảng 1/3 TPHCM hiện nay và nếu so về diện tích thì còn nhỏ hơn rất nhiều. TPHCM hiện nay không những đông dân hơn, mà còn có nhiều khu dân cư mới, trong đó có khu đô thị mới Thủ Thiêm, là khu trung tâm mở rộng, đóng vai trò mặt tiền không phải chỉ ở một đại lộ, mà là mặt tiền của cả thành phố.

-         Việt Nam Quốc Tự  phản ánh xu thế lớn của công cuộc chấn hưng Phật giáo phía Nam, đó là xu thế mở rộng quy mô khuôn viên, kiến trúc chùa, đưa chùa trên vào khu trung tâm. Với Việt Nam Quốc Tự, mục tiêu mở rộng quy mô khuôn viên và kiến trúc coi như đã đạt được. Tuy nhiên, mục tiêu đưa chùa vào khu trung tâm thành phố thì không qua được kết quả của chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Quảng Đức. Cần chú ý đến các mức kết quả như thế trong việc kiến thiết tự viện hiện đại.

-         Quỹ đất ở Việt Nam Quốc Tự có thể xét cấp, nguyên thủy là đất nhà chùa, nên đóng góp của Phật giáo TPHCM đương nhiên chỉ giới hạn ở mức khôi phục. Để nâng tầm đóng góp của Phật giáo TPHCM lên mức mở rộng, phát triển thì cũng không nên bỏ qua mục tiêu xây chùa, dựng tượng ở khu trung tâm mở rộng, tạo vị thế kiến trúc Phật giáo là bộ mặt của cả thành phố.

-         Việc xin cấp đất ở Việt Nam Quốc Tự để xây dựng khu trung tâm Phật giáo TPHCM là một bước tiến mới trong tư duy đưa sinh hoạt Phật giáo vào khu đông đảo dân cư, trung tâm giao thông, thay cho tư duy chọn trung tâm sinh hoạt Phật giáo là chùa Phổ Quang, một ngôi chùa xa trung tâm, nơi đường cùn, ngõ cụt. Nên xem Việt Nam Quốc Tự Việt Nam Quốc Tự là một bước tạo đà để Phật giáo TPHCM đạt được nhiều thành quả lớn hơn trong mục tiêu kiến thiết tự viện.

-         Qua tin vui Việt Nam Quốc Tự, cần thấy rõ bước phát triển của thời thế, nhân duyên. Mới đây chùa Phổ Quang còn là mục tiêu xây dựng trung tâm Phật giáo TPHCM, mà nay đã là Việt Nam Quốc Tự. Vì vậy, cần có một tư duy nhìn xa trông rộng, tiến kịp với xã hội, với thời đại, có những tính toán vượt bậc, đột phá, thực tiễn, tinh tấn.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle