Giận dữ là kho tàng vĩ đại…
gian
Giận dữ là kho tàng vĩ đại…
Chân Hiền Tâm
Con bé
đã rất tức giận, chỉ vì nghe thấy những câu không vừa ý, vì chỉ nghe được một
phần của câu chuyện… Nếu có thể nghe được toàn bộ câu chuyện, hiểu được ý của
người đang nói, có lẻ nó không tức đến nỗi như thế.
Khi nó
tức lên, ai nói gì cũng không nghe nữa. Cứ ào ào như một con hổ đói.
Tôi
nhìn thấy ở đó cái bóng của mình cách đây vài chục năm.
Sân
hận không biết đã vào người tôi từ lúc nào. Tôi không thể định hình rõ về điều
đó. Ngày nhỏ không có sự giận dữ, chỉ là vài cơn khóc tức tưởi vì ý mình không
được thỏa mãn. Nhưng lớn dần thì những cơn tức giận bắt đầu len lỏi và bộc phát
rất mạnh. Nó làm đảo lộn tâm thức của tôi và cả cuộc sống quanh tôi.
Thế
gian này vốn đơn giản, nhưng do tập nghiệp của chúng sinh mà mọi thứ trở thành
phức tạp. Tập nghiệp của người này đụng với tập nghiệp của người kia mà thành
náo loạn cả thế gian.
Ngày
đó…
Thay
vì trình bày những gì mình đang muốn, tôi không nói. Không phải tôi muốn như thế
mà không biết vì sao không thể nói được. Cứ dồn nén những cái không muốn, rồi
chuyển hóa thành những cơn tức giận ngấm ngầm trong mình, cho đến khi chịu không
nổi thì bộc phát thành những lời hét dữ dằn.
Có lẽ
là do từ quá khứ, những ý muốn của tôi không được quan tâm đúng mức. Thay vì có
một lời giải thích để làm nguội đi những gì tôi đang muốn, tôi đã bị từ chối một
cách thẳng thừng chỉ vì một lý do rất đơn giản: Con nít, không cần quan tâm. Nói
ra cũng không ai quan tâm, có lẽ vì thế mà tôi không nói nữa. Nó đã trở thành
thói quen. Một loại tập nghiệp trong tôi. Nó trở thành tác nhân chỉ đạo mọi hành
vi của tôi. Tôi trở thành con người câm nín với những bất như ý của mình. Và đẩy
mọi thứ vào những cơn sân giận.
Sân
giận là một trạng thái của ngạ qủy. Nó thiêu đốt tâm can mình. Đó không phải là
trạng thái của hạnh phúc. Không phải sân giận chỉ làm mình khổ nhọc lúc đó mà nó
còn tàng trữ lại trong tâm mình những khoảng nóng kinh hồn. Nó cũng là tác nhân
che mờ mọi cái thấy chính xác của mình. Bát cơm của Thánh Kiền Liên trở thành
lửa đỏ qua tâm thức của bà Thanh Đề. Thế giới thương yêu quanh tôi trở thành xám
xịt vì những cơn sân giận của tôi. Tôi thù ghét và tức giận tất cả mọi người. Đã
có những lúc tôi muốn hủy hoại cả bản thân. Phải nói lúc đó mọi người rất sợ
tôi. Không phải vì tôi tài đức hơn người mà vì sợ con ma sân của tôi. Họ né tôi
như né một quà bom nổ chậm, bởi không biết nó sẽ nổ lúc nào và khi nào họ sẽ
banh xác vì nó.
Những
khoảng sân giận đó là tác nhân khiến cuộc sống của tôi trở thành gập ghềnh, sỏi
đá.
Thông cảm và lắng nghe
Chỉ có
một thứ có thể làm nguôi đi cơn giận đang hiện diện trong tôi.
Cần
một sự cảm thông dù tôi là người đang có lỗi.
Cần
một sự im lặng chia sẽ hơn là những lời nói giáo điều dù nó rất đúng lý. Bởi
tình trạng nóng giận cũng tạo nên trạng thái căng thẳng mệt mỏi. Tôi cần một sự
nghỉ ngơi hơn là phải đối diện với những thói xấu mà tôi chưa thể vượt qua.
Cần
những lời an ủi hơn là dạy bảo. Nhưng thường thì ít ai hiểu và làm được việc đó.
Người ta thường nổi giận chửi lại hoặc dùng những lời đay nghiến để trả đủa
những gì mình vừa phải chịu đựng.
Vì bất
mãn mà tôi sân giận. Nhưng khi sân giận, tôi lại có được những khoảng như ý như
thế để ổn định mình. Đó là nhờ cô em áp út. Khi tôi giận, nó có thể ngồi hàng
giờ để nghe tôi nói, để nghe tôi than thở về những việc mà sau này, khi đến với
Phật pháp rồi, mới biết là mình vô lý. Nhưng ngày đó, tôi đã nói rất nhiều. Phụ
nữ khi điên cũng văng tục như những kẻ vũ phu. Nó đã ngồi cạnh tôi, đưa khăn cho
tôi lau mắt, nhìn tôi thương cảm, và luôn miệng nói câu: “Tui hiểu. Tui hiểu”.
Nó không hề bảo tôi im đi mà chỉ ngồi đó và lắng nghe. Đôi lúc cũng giải thích
một vài điều mà nó nghĩ có thể giúp tôi giải tỏa bớt những căng thẳng. Nhưng nếu
thấy tôi không chấp nhận thì nó không nói nữa. Khi tôi đã giải tỏa tất cả mọi
bực dọc bằng lời nói, tôi thấy bình yên rồi, cần yên nghỉ sau khi đã mất quá
nhiều sức lực cho một cơn giận thì con bé rút lui.
Đang
trong cơn sân giận mà được một người như thế bên cạnh, phải nói là may mắn vô
cùng. Nhưng việc đó chỉ giải quyết được cho mình khoảng bình an hiện tại, không
giải quyết được gì thêm khi sân giận đã thành ma trong người mình. Nguôi giận
rồi, lần sau đủ duyên lại nổi tiếp. Đau khổ. Bám víu. Nóng bức. Mệt mỏi. Cái
đáng nói, là càng ngày tập sân càng được huân sâu vào tạng thức mà mình không
biết, giúp lực sân ngày một mạnh hơn và khi muốn bỏ, càng khó bỏ hơn.
Ý
thức về sân hận
Tôi
chỉ thực sự ý thức về sân hận, về tai hại của sân hận và điều chỉnh sân hận khi
đến với Phật pháp. Khi đọc cuốn Bạch Ẩn thiền định ca, do Ni sư Thuần
Bạch và Hạnh Huệ dịch, tôi bắt đầu ý thức hơn về sân hận. “Kinh điển cảnh
tỉnh chúng ta rằng một ngọn lửa sân cháy cả rừng công đức”. Kinh điển đã nói
thì nhất định không sai. Nhưng từ việc ý thức sân hận, đến việc dùng ý thức đó
dừng đi những cơn sân giận, là hai việc khác nhau rất xa. Khi đã lỡ để cơn giận
bùng phát thì có cháy mười rừng công đức cũng mặc kệ. Lúc đó chỉ biết làm sao
cho đã cơn giận là được. Chẳng còn nghĩ đến công đức phước đức gì nữa. Không có
lý lẽ gì có thể biện minh để dừng sân hận khi nó đã nhập cuộc. Thiền sư Amakuki
Sessan nói rất hay: “Sân hận là một điều kinh khủng nhất trên thế gian. Bạch
Ẩn có viết một bài ngắn về sân. Trong đó ông nói: Người được thắp sáng bởi chân
lý thì không sân. Khi chân lý tối tăm, sân hận nổi lên. Phần nhiều sân hận nổi
lên khi ta bị cản trở. Và hết sân khi tham vọng được thỏa mãn…”. Đúng, sân
hận là một điều đáng sợ nhất thế gian. Ngoài việc để lại bệnh tật cho thân thể,
nó còn là tác nhân gây ra bao phiền toái và để lại oán hận rất nhiều. Xưa, thiên
hạ sợ cái sân của tôi vì sợ bị văng miểng. Nay, tôi sợ cái sân của thiên hạ, vì
kinh nghiệm từ bản thân cho thấy, khi sân giận bộc phát, người ta có thể làm bất
cứ việc gì dù hủy hoại bản thân mình, cho đến khi sân giận được thỏa mãn. Cái
lúc hồi tâm ấy có khi mọi thứ đã muộn màng. Cái đáng sợ là ở đó.
Nguyên nhân đưa đến sân giận thì phong phú vô cùng nhưng chung quy cũng do “bị
cản trở”. Bị cản trở và không vừa lòng là anh em với nhau. Thế là nổi sân. Thế
giới Sa-bà này là thế giới dành cho những ai có sự nghịch ý nhiều hơn là vừa
lòng. Vì thế, chúng ta rất dễ sân với mọi việc quanh mình. Người tu đạo, tham có
thể thanh lọc dễ dàng mà sân có khi vẫn còn cả khối trong đó.
Từ tâm
và sân hận
Phu nhân Xá Ma, là chánh hậu của vua Ưu Đà Diên.
Bà là đệ tử thuần thành của Đức Phật và hàng Thánh chúng. Bà thường hay thân cận
cúng dường Đức Phật và ca ngợi công đức của ngài hết mực. Chính vì việc này mà
đệ nhị phu nhân, do lòng ganh ghét, đã bẩm với vua Ưu Đà Diên rằng, Đức Phật và
hàng Thánh chúng có chỗ không chân chánh với phu nhân Xá Ma.
Vua Ưu Đà Diên nổi giận, lấy cung tên bắn phu nhân Xá Ma. Vì thương xót vua, bà
nhập từ tam muội, nên mũi tên bắn ra quay trở lại dừng trước trán vua. Mũi tên
ấy cháy đỏ như một khối lửa trông rất đáng sợ. Vua bắn ra ba phát, đều như thế.
Nhà vua thấy vậy sợ hãi hỏi bà, bà là Thiên nữ hay là Long nữ, là Dạ-xoa hay
La-sát v.v…?
Bà đã trả lời: “Thiếp không phải là Thiên nữ cũng không phải là La-sát nữ. Thiếp
chỉ nghe Đức Phật thuyết pháp, thọ trì năm giới làm cư sĩ. Vì thương đại vương,
thiếp nhập từ tam muội. Đại vương sinh lòng không tốt với thiếp mà thiếp không
bị tổn hại là nhờ vào bi nguyện. Nay đại vương đã hiểu thì nên đối trước Như
Lai, quy mạng đảnh lễ, nhất định sẽ được an ổn”.
Câu chuyện cho thấy, chỉ có từ tâm mới có khả năng hóa giải sân hận và hậu quả
của sân giận. Từ tâm là loại tình thương không đòi hỏi đáp trả, không vụ lợi,
chỉ muốn người được vui. Từ tâm hóa giải sân giận trong chính ta và cho cả người
hữu duyên với ta. Đó là lý do vì sao Đại sư Bạch Ẩn nói: “Người được thấp
sáng bởi chân lý thì không sân”. Chân lý là cái lý chân thật. Chân lý thì
không có hai hay ba, nhưng đứng ở mặt duyên khởi mà nói, vẫn có thể phân thành
hai loại: Chân lý tối cùng mang tính trùm khắp và chân lý chỉ ở thế gian này.
Khi bạn sống được với tánh Phật của mình, vô minh bị đẩy lùi, từ tâm lan tỏa,
sân giận không còn chỗ ló đầu.
Khi bạn được thắp sáng bởi loại chân lý ở thế gian này, bạn nắm được lý duyên
khởi, thấu được nhân quả, sân giận cũng sẽ bị đẩy lùi.
Sân hận bị đẩy lùi, chỉ nhờ vào tham vọng được thỏa mãn thì sự đẩy lùi đó không
có giá trị tiêu diệt sân hận. Chỉ khi bạn sống được với tánh Phật của mình,
nghĩa là khi từ tâm của bạn hiển phát, sân hận mới chấm dứt. Phật tánh, không
bao giờ thiếu vắng trong mỗi người, vì nó là sở y của tất cả pháp. Nhưng do vô
minh mà ta đã không biết gì về nó, chỉ quan tâm đến những bóng giả do vô minh
tạo ra. Ngoài thì chạy theo ngũ trần. Trong thì để những niệm tưởng sai sử. Rồi
theo đó mà tạo tội gây nghiệp. Cứ vậy mà luẩn quẩn mãi trong lục đạo luân hồi.
Tuy Phật tánh vẫn đầy đủ đó, nhưng sống được với nó thì còn tùy vào tập nghiệp
của chúng sinh, nên từ tâm thành có phần có đoạn. Khi nào sống được với từ tâm
của mình, khi đó không có sân giận. Khi nào không sống được với từ tâm của mình,
sân giận sẽ xuất hiện. Từ tâm đối trị sân hận, vì thể thấu được chân lý tối
cùng, từ tâm lan tỏa thì sân hận biến mất. Thấu được phần chân lý ở thế gian,
tức trí tuệ chúng ta hiển phát thì từ tâm cũng lan tỏa. Bi và trí là một cặp
duyên khởi. “Cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không”. Đó là
lý do vì sao Đại sư Bạch Ẩn nói: “Người được thắp sáng bởi chân lý thì không
sân”.
Đối
trị sân giận
Từ việc ý thức được tác hại của sân giận cho đến việc dừng được sân giận là cả
một quá trình không đơn giản. Ngay cả khi đầu óc mình đã được trang bị bằng một
mớ kiến thức Phật học rồi, việc dừng hẳn sân hận cũng không phải là việc dễ
dàng. Vì mọi hành tác, một khi đã được huân tập sâu trong tạng thức, đã trở
thành thói quen mạnh, nó sẽ tạo ra một lực, mà khi đủ duyên, lực này sẽ khiến
chúng ta khó làm chủ lấy hành vi của mình, dù không hề muốn như vậy. Vì thế,
muốn làm chủ sân giận, trước chúng ta cần phải làm giảm đi cái lực của sân giận.
Lực này do lặp đi lặp lại mà thành, giờ muốn lực này giảm thì chúng ta phải dừng
cho được quá trình lặp đi lặp lại đó. Đứng trên mặt hiện tượng mà nói, khi sân
giận bùng phát, việc đơn giản để làm giảm lực đó, là ta phải dừng liền cơn sân
giận bằng bất cứ giá nào. Có thể dừng bằng câu niệm Phật, bằng việc tránh duyên,
bằng cách dùng trí tuệ quán xét nhân duyên, nhân quả… Nếu có thể dùng trí tuệ để
dừng sân giận thì đó là cách tốt nhất trong việc dứt trừ cái lực của sân giận.
Bởi nó có thể giải quyết luôn cái gốc của sân giận.
Dừng sân giận là một việc không phải dễ, nhưng có khi không tu, chúng ta vẫn làm
chủ được sân giận không khó. Đó là do hoàn cảnh không cho phép chúng ta sân giận
nên chúng ta phải tự hạn chế sân giận. Như sân giận có thể làm mất việc làm, mất
những mối lợi của bản thân v.v… nên chúng ta phải tự hạn chế sân giận. Hoặc do
một mục đích đã đề ra cho hiện tại và tương lai mà chúng ta phải tự dừng đi sân
giận. Dù chỉ là một dạng của đè nén nhưng nó cũng góp phần làm giảm lực của sân.
Nếu chúng ta thực hiện được việc đó lâu dài, nó có tác dụng làm giảm lực của sân
rất hiệu quả.
Tuy mệt mỏi và thấy người mình trở thành thấp kém vì sân giận, nhưng điều kiện
của tôi lúc bấy giờ không thể giúp tôi tự hạn chế sân giận. Tôi có đủ điều kiện
để sân giận thả dàn. Tôi chỉ thực sự có ý thức đối với việc dừng sân giận khi
đến với Phật pháp. Phát Bồ-đề tâm rồi, mới nghỉ đến việc dừng sân giận. Khi đã
có mục đích, tôi mới phát tâm dừng sân giận dù bất cứ giá nào. Việc dù thế nào,
một khi đã khởi sân giận thì đó là lỗi của tôi, cần phải từ bỏ. Lỗi, là chúng ta
đã để cho tâm dấy khởi.
Do ảnh hưởng của việc phát tâm Bồ-đề, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, nhưng nói dứt
hẳn thì không thể. Vì sân giận là thói quen quá mạnh của tôi. Lâu lâu nó lại
hiện khởi một cách dữ dội. Gặp duyên gì làm nhọc đến bản thân quá, nó cũng hiện
khởi. Mỗi lần như thế, tâm lại thấy hối lỗi, ăn năn. Ăn năn hối lỗi cũng là một
trong các duyên giúp sân được tiêu dần.
Người đời dừng được sân hận, nhưng có khi cái sân ấy trở thành những mối hận thù
ẩn sâu trong tàng thức. Đó không phải là cách giải quyết của Phật giáo. Vì thế,
trong Phật giáo, việc giải quyết sân giận không chỉ nằm ở mặt dừng sân giận (nhà
thiền gọi là Chỉ) mà còn phải dùng trí tuệ để giải tỏa nó (nhà thiền nói là
Quán). Có nhiều cách để giải quyết việc tồn đọng này, kinh dạy quán từ bi, quán
huyễn, quán nhân duyên, nhân quả v.v... Tôi, thì thường dựa vào nhân quả để giải
quyết vấn đề sân giận của mình. Tôi tin rằng mọi bất như ý của mình đều có nhân
duyên của quá khứ mà tôi là chủ nhân gây ra những bất như ý đó. Khi tôi nổi sân
về một điều gì đó, tôi liền quán trở lại coi xem, mình đã từng làm cho ai như
thế trong cuộc đời này. Và thường thì tôi tìm thấy những việc tương tự như thế ở
bản thân mình. Việc đó giúp tôi giải quyết sự sân giận của mình khá nhiều. Cũng
giúp sửa sai những gì mình đã khiến người khác phải sân, để giờ tự mình phải
nhận cái quả ấy.
Bây giờ thì mức độ sân giận giảm thiểu rất nhiều. Những bất như ý trong hiện
tại, không còn dùng nhân quả để quán chiếu như xưa mà nhìn nó như những việc
hiển nhiên mà mình phải trải qua để thanh lọc cho sạch phần tập khí của sân
giận. Tôi có thể “hài lòng với quá khứ và biết ơn hiện tại”
để giải tỏa những cơn sân giận của mình. Khi chúng ta thấy biết ơn đối với những
nghịch duyên thì sân giận giảm thiểu rất nhiều. Tôi cũng đọc được một câu trong
kinh Bồ-tát thiện giới mà HT. Thường Chiếu đã cho khi tôi mới tới thiền
viện: “Tâm giận dỗi bỏ rơi chúng sinh, tâm tham ái có thể che chở chúng sinh.
Nếu yêu mến chúng sinh chẳng gọi là phiền não. Giận dỗi bỏ rơi chúng sinh, gọi
là phiền não sâu nặng… Bồ-tát si mê không có phương tiện hay khéo lo sợ phạm ái.
Bồ-tát có trí, khéo biết phương tiện, lo sợ phạm sân, chẳng sợ phạm ái”.
Sân, nếu không trừ cho tận gốc, sẽ phá hủy công hạnh của mình. Mình sẽ thấy ngại
đối với những việc khó làm.
Khi chúng ta có thể hiểu thật sâu về tâm thức của một ai đó, về những hành vi mà
ở đó không hề có chủ thể, chỉ có nghiệp là chủ động thì tình thương sẽ dàn trải.
Khi tình thương dàn trải thì sân giận không còn. Nhưng hiểu thật sâu về tâm thức
của một người… đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ, loại trí tuệ không dừng ở mặt
chữ nghĩa mà phải là “như thật biết thế nào là Khổ, như thật biết thế nào là
Tập, như thật biết thế nào là Diệt, và như thật biết thế nào là Đạo”.
Thiền sư Sengai có một bức tranh. Với sắc thái độc đáo và đường cọ rực rỡ, ông
vẽ một con người sang trọng với vai cao và cặp mắt trợn trừng. Một bức tranh
hiển đầy sự phẫn nộ. Và dưới là một bài thơ:
Giận dữ là kho tàng vĩ đại trong nhà
Hãy chôn giấu thật sâu và đừng đem ra một cách liều lĩnh
Giận dữ phải là châu báu, là kho tàng châu báu của chúng ta
Chắc chắn phải được khóa kỹ trong hầm sâu
Nếu
cần, mỗi năm có thể mở ra để nhìn một lần cho thoáng gió
Nhưng
đem kim cương vào nhà bếp để cắt rau
Là sử
dụng vật quý giá một cách sai lầm và tỏ ra thiếu hiểu biết
Sân
giận là kho tàng vĩ đại cần chôn giấu thật sâu, không nên đem ra dùng bừa bãi…