Về bài viết “Một vài ý kiến về việc khôi phục và phát huy Phật giáo vùng Tây Bắc” của Hòa thượng Thích Hải Ấn

ve bai viet

Minh Thạnh

Báo Giác Ngộ số 789 có đăng bài của Hòa thượng Thích Hải Ấn, nhan đề “Một vài ý kiến về việc khôi phục và phát huy Phật giáo vùng Tây Bắc”. Đây là một bài viết nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, nhiều tâm huyết.

Bài viết của HT Thích Hải Ấn nêu ra nhiều giải pháp cho việc khôi phục và phát huy Phật giáo ở vùng đất biên cương của Tổ quốc này, có nhiều ý kiến rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Bài viết của HT Thích Hải Ấn có thể xem là một bản phác thảo kế hoạch khôi phục và phát triển Phật giáo ở Tây Bắc. Đây là một bản kế hoạch chứa đựng những quan điểm cơ bản, những phác thảo giải pháp cơ bản với những định hướng bước đầu.

Bài viết cũng gián tiếp thể hiện quan điểm Phật giáo Việt Nam đang ở vào giai đoạn suy thoái ở một khu vực quan trọng của đất nước. Việc suy thoái thể hiện qua nhiều nhận xét xác đáng “nhìn tổng thể thì Phật giáo bị đứt đoạn quá lâu trên mảnh đất này”, “một Phật giáo đã ngủ yên và quên lãng trong nhiều thế kỷ”.

Vì vậy, bài viết có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhìn tổng thể, thì trong tình trạng Tây Bắc như thế, Phật giáo Việt Nam khó có thể được coi là trong tình trạng hưng thịnh đỉnh cao. Bài báo của HT Thích Hải Ấn ghi nhận một mảng tối lớn trên bức tranh Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

Tuy vậy, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần bàn luận thêm chung quanh bài báo có ý nghĩa mở đường này.

Theo suy nghĩ riêng, chủ quan của chúng tôi, bài báo nói trên đã có lỗ hổng lớn khi né tránh vấn đề cốt lõi. Bài báo viết: “Chúng tôi cũng xin không so sánh tình trạng Phật giáo với Công giáo và Tin Lành tại đây”. Và bài báo dừng vấn đề Công giáo và Tin Lành ở vùng Tây Bắc ở đó, không nói gì thêm nữa.

Trong khi đó, cũng trong tờ báo Giác Ngộ số 789, một bài viết có đề tài tương tự “Phật giáo trở lại vùng Tây Bắc”, tác giả Hoàng Độ đã ghi nhận: “Kể từ khi các nhà truyền giáo phương Tây đến, Tây Bắc đã có sự chuyển đổi trong đời sống tôn giáo một cách sâu sắc, có nơi gần như 100% đồng bào dân tộc theo các tôn giáo phương Tây, điển hình là đạo Tin Lành. Được biết, hiện nay, tôn giáo này đã hoàn thành các cuốn Thánh kinh song ngữ qua nhiều tiếng dân tộc và in ấn đến hàng chục ngàn quyển, phổ biến trong các dân tộc thiểu số”.

Như vậy, không đề cập đến tình trạng đạo Thiên Chúa và Tin Lành ở Tây Bắc khi tìm hiểu vấn đề khôi phục và phát triển đạo Phật ở vùng Tây Bắc sẽ là một thiếu sót lớn trong mọi trường hợp.

Phật giáo được coi là gián đoạn ở vùng Tây Bắc một thời gian dài, nhưng trong những thập niên gần đây, đó không phải là một vùng trắng tôn giáo, không phải chỉ có tín ngưỡng dân gian, mà là đã được những tôn giáo đến từ phương Tây thay thế, có nơi đến 100%.

Như vậy, thực chất vấn đề phục hồi và phát triển Phật giáo ở vùng Tây Bắc là TRUYỀN BÁ MỚI HOÀN TOÀN PHẬT GIÁO Ở MỘT VÙNG ĐẤT CÁC TÔN GIÁO PHƯƠNG TÂY ĐÃ CHIẾM ĐA SỐ, còn Phật giáo chỉ có mặt trong khảo cổ học, hoàn toàn biến mất khỏi ý thức người dân địa phương hiện nay.

Truyền bá hoàn toàn mới Phật giáo trên một vùng đất mà đông đảo người dân địa phương đã theo tôn giáo khác nhưng không tìm hiểu hiện trạng, thì làm sao xác định chân thực hiện trạng để đề ra kế sách. Bỏ qua hiện trạng các tôn giáo phương Tây đã chiếm lĩnh vùng Tây Bắc Việt Nam, là đã làm vấn đề sai lệch về bản chất.

Nói khôi phục Phật giáo ở Tây Bắc là rất đúng, vì Phật giáo Việt Nam đã có lịch sử lâu đời ở đây. Nhưng bây giờ khôi phục từ đâu? Người cũng không, cơ sở vật chất cũng không, truyền thống sinh hoạt cũng không, Phật giáo chỉ còn là di chỉ nằm dưới mặt đất. Nếu khảo sát kỹ, tìm hiểu vấn đề trên quan điểm toàn diện, vận động và lịch sử cụ thể, thì không còn là khôi phục, mà xin nói thẳng, nói khôi phục nhưng chính mục tiêu là cải đạo những người dân địa phương đã theo các tôn giáo phương Tây sang đạo Phật.

Mục tiêu đó hầu như chưa có trong Phật giáo Việt Nam. Nay đã có mục tiêu như vậy thì không dám nói ra rõ ràng, thì làm sao mà có thể tiến lên trên con đường thực hiện mục tiêu khôi phục và phát triển Phật giáo ở Tây Bắc (cũng như ở Tây Nguyên), là một hoạt động muộn màng, Phật giáo Việt Nam rơi vào thế bất lợi, khó gấp nhiều lần so với hoằng pháp ở vùng thành thị đồng bằng, mà lý do ghi nhận ở trên là lý do căn bản.

Chúng ta có bảng so sánh:

HOẰNG PHÁP Ở VÙNG TÂY BẮC

HOẰNG PHÁP Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG VÀ THÀNH THỊ

Dân địa phương số đông đã theo tôn giáo khác, có nơi 100%.

Người không tôn giáo nhưng cảm tình với đạo Phật còn nhiều.

Tăng ni có khác biệt văn hóa cơ bản với dân địa phương.

Môi trường văn hóa tương đồng thuận lợi.

Không có nhân sự và cơ sở vật chất.

Sẵn có nhân sự và cơ sở vật chất.

 

Nếu không nghiên cứu tình trạng sinh hoạt phát triển của các tôn giáo ở Tây Bắc hiện nay, thì Phật giáo Việt Nam hoằng pháp lên Tây Bắc như trong tình trạng “bịt mắt”, không thấy gì hết.

Qua bảng phân tích ở trên, người tu sĩ Phật giáo giữ nhiệm vụ hoằng pháp ở Tây Bắc sẽ khó khăn hơn nhiều so với các cha cố phương Tây ngày xưa. Vì lúc đó, người dân Tây Bắc chưa có tôn giáo có hệ thống, chưa chịu những tín điều, tín lý chặt chẽ, bài bản, mà chỉ có tín ngưỡng dân gian thờ cúng sơ khai. Còn bây giờ, ở họ đã là một thành trì tinh thần kiên cố, đề kháng mọi tôn giáo khác, thì nếu không đề cập đến chính vấn đề đó, thì phải làm sao nếu không muốn nói là không thấy gì. Hơn nữa, các tôn giáo phương Tây rất khác với đạo Phật về tinh thần giữ đạo. Đạo Phật thì tự do, lỏng lẻo, thoải mái, người Phật tử rất dễ cải đạo. Còn tín đồ các tôn giáo phương Tây thì giữ đạo triệt để, có sự kỳ thị và đề kháng cao đối với các tôn giáo khác. Muốn cải đạo các tín đồ tôn giáo phương Tây trở lại với đạo Phật là một vấn đề nan giải.

Vì như thế, nên chân thực và toàn diện khi nghiên cứu vấn đề, không nên né tránh, e ngại, nếu không, thì e rằng không đi đến đâu.

Trong cùng số báo Giác Ngộ, bài báo của tác giả Hoàng Độ có tính khẳng định cao: “Phật giáo trở lại vùng Tây Bắc”. Theo tôi, Phật giáo chưa “trở lại” theo ý nghĩa trọn vẹn của từ này, mà chỉ là trong bước đầu tiên. HT Thích Hải Ấn cũng đã viết trong bài đã dẫn “sự hiện diện của Phật giáo tại vùng đất này hiện nay vẫn chỉ như mới phôi thai”.

Phôi thai thì chưa thành hình, chỉ là một bước đi sơ khởi. “Phôi thai” thì không phải đã là một sự “trở lại”.

Bài viết của HT Thích Hải Ấn có nêu ra nhiều giải pháp. Nhưng chúng tôi thấy có giải pháp thực hiện ở miền xuôi còn khó, huống nữa là đưa lên Tây Bắc. Ví dụ như việc giảng dạy giáo lý. Ngay ở TPHCM, Phật giáo ngày càng sa đà vào một tôn giáo cúng bái, việc tổ chức dạy giáo ở Phật giáo còn yếu kém rất nhiều so với các tôn giáo đến từ phương Tây. Lớp giáo lý Phật giáo là chẳng vào đâu so với thành phố hàng chục triệu người. Vậy thì làm sao phát triển ở Tây Bắc hay Tây Nguyên, trong khi giảng dạy giáo lý đã là truyền thống sinh hoạt của các tôn giáo phương Tây đã có chân đứng, có tôn giáo đến trăm năm.

Mối quan hệ phát triển Phật giáo nói chung đối với việc hoằng hóa Phật giáo ở Tây Bắc (và cả Tây Nguyên) nên chú ý. Cần chận đứng xu thế cúng bái đang phát triển ở Phật giáo miền xuôi. Vì đưa Phật giáo cúng bái lên Tây Bắc (và cả Tây Nguyên) thì sẽ không đi đến đâu vì ngoài Tây Bắc (và cả Tây Nguyên) đã dần dần bỏ sau lưng mình tín ngưỡng cúng bái. Liệu họ có chấp nhận việc thay thế hình thức cúng bái đã bỏ đi bằng một hình thức cúng bái khác?

Trong sự cẩn trọng, chúng tôi xin đi sâu vào vấn đề ở một điểm nữa. Đó là khi né tránh không đề cập đến yếu tố các phương Tây, có lẽ hòa thượng viết bài báo mà chúng ta đang đề cập không muốn nói một yếu tố có thể gây ra bùng nổ xung đột. Có lẽ, vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ quá nên tránh nói. Khả năng Phật giáo hoằng pháp không thành công vào khu vực tôn giáo phương Tây đã hành đạo ổn định (như một làng toàn tòng miền xuôi) là có thể. Nhưng phía người theo các tôn giáo phương Tây ở Tây Bắc có thể có những phản ứng cực đoan hơn nữa. Đó là điều không thể loại trừ, khi các tôn giáo phương Tây đã hội nhập vào đời sống văn hóa của họ còn Phật giáo thì chưa. Khả năng Phật giáo một dị vật không thể chấp nhận, gây nên dị ứng văn hóa, tạo ra kháng thể là điều cần dự kiến. Vì vậy, không thể loại trừ yếu tố những tôn giáo phương Tây đã hoạt động ổn định ở Tây Bắc ra khỏi những nghiên cứu của chúng ta.

MT

Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle