GIÁO DỤC CON TRẺ QUA CÁI NHÌN PHẬT PHÁP

giao duc con tre

GIÁO DỤC CON TRẺ QUA CÁI NHÌN PHẬT PHÁP

Chân hiền tâm

 

Robert Anson Heinlein (1907–1988), một nhà văn khoa học viễn tưởng Mỹ, là một trong những tác giả nổi tiếng, từng gây ảnh hưởng cũng như nhiều tranh cải trong lãnh vực khoa học viễn tưởng, đã nói: “Đừng gây bất lợi cho con cái bạn bằng việc cho chúng cuộc sống dễ dàng”[1]. Ứng dụng vào thực tế, câu nói mang tính chính xác rất cao. Đúng là thật bất lợi cho con trẻ khi cho chúng một cuộc sống quá dễ dàng cả về tinh thần lẫn vật chất. Một trong các bất lợi dễ thấy nhất, là có thể khiến chúng trở nên yếu đuối và dễ nổi giận với những bất như ý của mình khi chúng từng được thỏa mãn với mọi thứ mà không phải tốn chút công sức nào. Việc đó khiến con trẻ không thể đối phó với những khó khăn cũng như bất trắc trong cuộc sống khi chúng trưởng thành. Cho nên, với những ai có tri thức và kinh nghiệm trong cuộc sống, việc quan tâm đến con trẻ từ “thuở lên ba” là việc tối cần thiết không thể bỏ qua.

Cách giáo dục con trẻ của một số người nổi tiếng xưa nay

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: Cũng như phu nhân Kennedy, bà dạy con tính độc lập và tự mình phải phục vụ mình chứ không phải là người giúp việc ngay cả với những việc nhỏ nhặt nhất. Một lần, Chelsea đưa bạn về nhà chơi, bọn trẻ đã làm rơi vãi bỏng ngô xuống sàn. Chúng liền được nhắc nhở phải thu dọn ngay. Bà cũng dạy con sớm biết về những chuyện phức tạp thay đổi của người lớn, nhưng “không cho con làm quen với những điệu đàng của tuổi mới lớn như trang điểm hay thử quần áo của mình” [2].

Khi Chelsea học cao học ở Đại học Oxford, cô đã làm một cuộc cách mạng, lột bỏ hình ảnh trước đây để dành nhiều thời gian cho thời trang và giao du với những người nổi tiếng. Cô có hẳn một thư ký báo chí, người chuyên lên lịch hẹn với những nhân vật thuộc giới thượng lưu. Việc này không làm ảnh hưởng đến cái nhìn của Bill Clinton. Ông hiểu con gái muốn tận hưởng cuộc sống mà cô mong muốn. Nhưng Hillary thì không. Bà không muốn con trở thành đích nhắm của những tờ báo lá cải. Điều mà Chelsea phải tiếp tục học là phong cách tự tin của mẹ và vẻ hòa nhã lịch thiệp của cha v.v... Đó mới là việc có thể giúp cô trở thành một trong những ái nữ tổng thống có tiếng tăm nhất thế giới.

Phu nhân tổng thống Putin: Bà ủng hộ quan điểm “Không sử dụng kiểu giáo dục cưỡng bức mà để chúng được tiếp nhận giáo dục từ nhiều phía. Trẻ con cần có tuổi thơ hạnh phúc, chúng có thể múa hát, vui chơi với các trò chơi dành cho trẻ con. Đặc biệt, với trẻ con thì không nên chửi mắng hay dày vò chúng. Chúng phải luôn được sống trong niềm vui, tinh thần thoải mái và khỏe mạnh”. Bà cũng dạy con tính độc lập không nương vào thân thế của cha mẹ. Ra trường, các cô đã tự đổi tên họ để tìm việc cho chính mình chứ không phải là sự dàn xếp của cha mẹ...

Tỷ phú Warren Buffett: Ổng là chủ tịch và là cổ đông lớn nhất của tập đoàn Berkshire Hathaway (Mỹ). Được tạp chí Forbes bình chọn là người đứng trong top 3 những người giàu nhất thế giới. Nhưng những gì ông dạy con không phải là tiền bạc và cách kiếm tiền mà là triết lý sống. Tiền không phải là tất cả mà phải làm sao hành động cho đúng. Warren Buffett cho phép con mình thất bại và thành công theo cách của riêng chúng. Với ông, “Khi bạn vấp ngã và tự đứng dậy, bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn”. Vì thế thay vì dạy con kế thừa cơ nghiệp của mình, ông đã cho phép cậu trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Một điều đặc biệt nữa trong cách giáo dục của Warren Buffett đối với con là ông luôn làm đúng những gì mình đã dạy con.

Warren Buffett cũng không để con trông chờ vào tài sản thừa kế. Năm 2006, ông cam kết đóng góp 37 tỷ USD cho Quỹ từ thiện của Bill Gates. Ông cũng từng tuyên bố dành phần lớn tài sản cho các tổ chức phi lợi nhuận chứ không phải là các con sau khi ông qua đời.

Bill Gate: Khi nào nói tới chuyện tài sản, vợ chồng Bill Gate đều dạy con phải có trách nhiệm trao tặng nó cho thế giới. Tuy bọn trẻ đã có tài khoản riêng, nhưng không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được, phải chờ đến những dịp như sinh nhật v.v… không thì phải đợi đến lúc chúng tự để dành đủ tiền. 

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Với ông, điều quan trọng nhất là phải dành thời gian cho con. Thứ hai, phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của con và động viên chúng. Tuy vậy, vị trí bố con vẫn được ấn định rõ ràng. Bố và con chứ không phải là hai người bạn. Với cái nhìn của ông, con cái cần một ông bố chứ không phải một người bạn. Làm bố, không đồng nghĩa với độc tài, mà là để có ý thức hơn trong việc giáo dục con trẻ, để giúp trẻ không vượt qua những giới hạn có thể gây nguy hại đến thể xác hay sự phát triển tâm linh của chúng. Và một khi đã làm bố thì mọi quyết định của ông cũng phải mang tính nhất quán, không thể tùy tiện khiến con trẻ mất niềm tin với mình.

Lúc đầu ông cũng khá tin vào các phương pháp giáo dục từ sách vở, nhưng sau ông nhận ra rằng chúng có thể mang lại kết quả cho đa số nhưng không phải là tất cả, nhất là với con của ông.

Với ông, sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ là nghĩ cái gì tốt cho mình thì nhất định tốt cho con. Ông cho rằng tiềm năng của trẻ không phải là của mình. Mỗi trẻ đều có tiềm năng của riêng nó. Vấn đề là làm sao phát huy cho được tiềm năng đó. Ông nói: “Làm bố mẹ là nhận ra đâu là tiềm năng của con để giúp tiềm năng ấy trở thành khả năng. Tuy vậy, vẫn có một số việc tốt cho mọi trường hợp, chẳng hạn như mỗi ngày đọc sách cho con”.

Với ông, có những việc không nên để trẻ quan tâm quá sớm, như tiền bạc chẳng hạn. Trẻ con nhà ông không được dạy phải đi làm để kiếm tiền. Chúng được dạy phải tiết kiệm. Vì “tiết kiệm là cách tốt nhất để chúng không bị lệ thuộc vào đồng tiền, có cũng được, không thì thôi”.  

Ông cũng ủng hộ việc trẻ tham gia các hoạt động tập thể (cắm trại, đi bộ, đạp xe việt dã v.v…), cũng như tham gia các hoạt động mang tính xã hội có tổ chức. Bởi đó là cách giáo dục tốt nhất về kỹ năng sống cho trẻ em.

Với ông, trẻ con lúc đầu cần phải được gò vào khuôn, sau đó mới có thể nổi loạn hoặc phá cách. Và học thứ gì cũng cần có phương pháp, không thể hỗn mang.

Mẫu thân của Đại sư Hám Sơn: Đại sư Hám Sơn là bậc Long tượng trong Thiền môn. Ngay từ nhỏ, Sư đã chịu sự giáo dục khá cứng rắn của mẹ. Một sự cứng rắn mà với cái nhìn của các nhà giáo dục hiện nay khó mà chấp nhận được. Nhưng đó lại là cái duyên giúp Sư trở thành Đại sư Hám Sơn sau này.

Hồi còn nhỏ, Sư bị một cơn bạo bệnh. Để cứu con bà đã nguyện với Quán Thế Âm, nếu Sư lành bệnh bà sẽ cho Sư vào chùa làm sư. Sau đó Sư hồi phục.

7 tuổi, Sư bắt đầu đi học. 8 tuổi,  Sư được gởi trọ ở một người bà con bên kia sông để tiện cho việc đi học. Một tháng chỉ được về nhà một lần. Nhưng một lần, về thăm nhà xong, Sư không chịu trở lại trường. Với lý do đơn giản là không thể rời mẹ. Bà đã đánh và đuổi Sư ra tận bờ sông. Không xong, bà nắm tóc Sư và quăng Sư xuống sông, rồi quay thẳng về nhà. Lúc đó nhờ có bà ngoại, Sư mới thoát chết. Về đến nhà, bà vẫn một mực không cho Sư ở nhà. Do thấy mẹ quá nghiêm khắc và tàn nhẫn, Sư quyết định không về nhà nữa. Sau này, Sư mới biết mẹ vẫn một mình đứng khóc ở bờ sông. Chỉ vì muốn mình vượt qua sự đa cảm thường tình và học hành nghiêm túc mới phải làm vậy.

Giáo dục con nghiêm khắc như thế nhưng với việc chọn lựa con đường tương lai của Sư, bà lại cho con được tùy ý. Bà đã ủng hộ cũng như tìm cách giúp đỡ để Sư đạt được chí nguyện.

Năm Sư 10 tuổi, nghe con muốn đi theo con đường Tăng sĩ, bà đã nói: “Ta e con không có tài cán để làm vậy. Vì trên thế gian này có rất nhiều trạng nguyên nhưng Phật và Tổ thì hiếm lắm. Nhưng nếu con có khả năng đó, ta sẽ cho con theo con đường của con”.

Năm Sư 12 tuổi, nghe có cao tăng Tây Lâm đến chùa Báo Ân, Sư muốn lập tức đến đó, nhưng cha không cho. Ông đang tìm lo hôn ước cho Sư. Mẹ là người đã can thiệp để Sư được theo chí nguyện của mình.   

Với cái nhìn Phật pháp

Với các cách giáo dục con trẻ như thế, chúng đều được coi là Phật pháp. Song đó không phải là tất cả mà chỉ mới là một phần. Vì sao nói “một phần” mà không phải là “tất cả”?

Vì Duyên khởi là thực lý chi phối thế giới này.

Vì với cái nhìn của Phật pháp, chừng đó là chưa đủ.

Duyên khởi là thực lý chi phối thế giới này

Vì Duyên khởi là thực lý chi phối thế gian này nên giá trị của pháp không thể đặt định ở mặt phổ quát mà chỉ mang tính tùy duyên. Phật pháp, trong cái duyên là trẻ con, trở thành như thế. Không phải cứ đến chùa, lễ Phật, ăn chay, tụng kinh, ngồi thiền v.v… mới gọi là Phật pháp. Trong kinh Tạp A-hàm I, bài kinh số 91, có ghi:

Khi Uất Xà Ca hỏi Phật:                                        

- Người tại gia chúng con nên thực hành những việc gì để cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại?

Đức Phật trả lời:

Có 4 việc khiến cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại:

1/ Có phương tiện nuôi thân như làm ruộng, buôn bán, làm quan, viết sách, kế toán, hội họa v.v… Với nghề nghiệp đã có thì siêng năng trau dồi.

2/ Tiền kiếm được (đúng pháp) rồi thì khéo gìn giữ không để mất mát.

3/ Tiền tài kiếm được, cần biết chi thu cân đối, không thể thu ít mà chi nhiều, cũng không nên thu nhiều mà chi quá ít. Nếu không có mà chi nhiều, tiêu dùng phung phí rộng rãi, là kẻ tham dục không biết nghĩ đến ngày mai. Nếu có tiền của đầy ắp mà không dám tiêu dùng v.v… trở thành kẻ bỏn xẻn thì không nên. Thu chi biết chừng mực điều hòa thì cuộc sống an hòa vui vẻ.

3/ Sống chừng mực, không buông lung, không giả dối, không hung hiểm v.v…

Người như vậy, với những buồn khổ chưa sinh, có thể ngăn ngừa khiến không sinh, buồn khổ nào đã sinh người ấy có thể tỉnh sáng, cởi bỏ. Những an vui nào chưa sinh, người ấy có thể làm cho nó chóng sinh. An vui nào đã sinh, người ấy có thể khiến không mất.

Người nào sống được như vậy cuộc sống hiện tại được an vui.

Phật pháp qua cái duyên của chàng trai là như vậy. Chàng trai không đặt việc tu giải thoát làm chính mà chỉ muốn có được một cuộc sống an vui hạnh phúc trong hiện đời, nên Phật dã dạy như thế. Đó là nhân chính tạo ra sự an vui hạnh phúc cho chàng trai. Thành trong bài kinh, không thấy nói đến việc phải vào chùa, niệm Phật hay tụng kinh. Các việc đó chỉ là duyên hỗ trợ thêm cho sự an vui hạnh phúc, không phải là nhân chính tạo ra sự an vui hạnh phúc. Nhân căn bản tạo nên sự an vui là những việc Phật đã dạy. Một cái nhân mà không phải chỉ có Phật tử mới làm được. Với tất cả mọi người, dù thuộc đạo giáo nào, cũng đều có thể thực hiện cái nhân ấy nếu muốn có cái quả an vui trong hiện tại.

Tương tự, Phật pháp ứng vào cái duyên là trẻ con, cần có những pháp tương hợp với thân tâm của chúng. Có vậy mới có thể mang lại lợi ích thiết thực cho trẻ trong hiện đời.

Pháp, tương hợp với thân tâm của trẻ con, chính là mặt khế cơ của Phật pháp. Khế cơ mà không được lìa thực lý chi phối thế giới này (khế lý). Đó là lý Tánh không&Duyên khởi. Trong cái duyên là con trẻ, lý ấy sẽ được triển khai thành lý nhân quả. Nghĩa là, pháp dạy cho trẻ con, tuy cần phù hợp với tâm sinh lý của chúng nhưng không được lìa lý nhân quả. Phải biết đúng nhân nào cho ra quả nào để còn dụng pháp. Muốn ra quả xoài phải gieo nhân cho ra quả xoài, không thể gieo nhân cỏ hay nhân hoa. Lầm nhân lộn duyên chính là đầu mối của mọi điều đáng tiếc xảy ra trong thế giới này. Vì thế, pháp muốn được lợi ích cho chúng sinh phải hội đủ hai điều kiện là khế lý và khế cơ.

Nhân tương hợp với quả 

Vì sao trẻ con cần được yêu thương và vui chơi lành mạnh? Để tránh cái quả mặc cảm cũng như sân hận, oán thù. Mặc cảm và sân hận không những gây bất lợi cho tự thân của trẻ mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến người chung quanh. Song thứ gì cũng cần ở thế trung đạo. Trung đạo, không phải là ở giữa hay cân bằng, dù trong một số trường hợp, nó mang ý nghĩa như thế. Trung đạo, là không rơi vào nhị biên phân biệt. Trong trường hợp này, nhị biên phân biệt là hai cực đoan bỏ mặc và yêu thương quá đáng. Trung đạo, là không bỏ mặc cũng không yêu thương quá đáng. Nếu yêu thương trẻ đến mức lo lắng hết mọi thứ cho chúng, không cho chúng động tay làm bất cứ việc gì, bảo vệ chúng chặt đến nỗi không ai được đụng đến, chúng muốn gì được nấy v.v… là chúng ta đang rơi vào sự yêu thương cực đoan. Thứ gì rơi vào cực đoan đều dẫn đến việc không hay.  

Vậy với cách cư xử của thân mẫu Đại sư Hám Sơn thì thế nào? Cũng không ra ngoài tình yêu thương của một người mẹ. Với cái nhìn Duyên khởi của nhà Phật, dù hai pháp đối nhau nhưng nếu chúng được sử dụng đúng duyên, nghĩa là pháp được sử dụng phù hợp với căn tánh của con trẻ, thì vẫn mang lại lợi ích cho chúng. Vẫn không ra ngoài Phật pháp. Đó là lý do vì sao nói quan điểm “Trẻ con cần có tuổi thơ hạnh phúc, đặc biệt là với trẻ con thì không nên chửi mắng hay dày vò…” của phu nhân Putin được coi là Phật pháp, mà cách giáo dục cứng rắn của thân mẫu Đại sư Hám Sơn vẫn được coi là Phật pháp. Vì pháp được sử dụng đúng với duyên của nó. Đúng duyên nên cái quả nhận được đều tốt đẹp.       

Vì sao cần tập cho trẻ tính tự phục vụ mình? Để tránh cái quả ỷ lại, làm biếng. Cũng là cái nhân tạo cho trẻ có trách nhiệm với chính bản thân mình. Phải có trách nhiệm với bản thân mới có thể nói đến trách nhiệm với tha nhân. Làm biếng và ỷ lại trong khi nhu cầu đòi hỏi của thân tâm vẫn cao, là nhân duyên dẫn trẻ vào con đường của những tệ nạn trong tương lai.

Vì sao cần tập cho con trẻ biết dần những việc thay đổi v.v… của người lớn? Vì nó giúp con trẻ bớt bỡ ngỡ với những gì xảy ra trong cuộc sống khi chúng vào đời. Nhiều trẻ trở nên hụt hẫng khi bước từ thế giới màu hồng của trẻ thơ sang thế giới phức tạp của người lớn. Cần tập cho chúng ý thức dần về sự vô thường đang chi phối thế giới này để chúng ít bỡ ngỡ hơn đối với những gì đang xảy ra và sẽ xảy ra quanh chúng. Giải thích đúng đắn những gì đang xảy ra, những gì chúng có cơ hội quan sát v.v… là một cách giáo dục con trẻ. Với cách giáo dục như thế, không thể chỉ nói đến vai trò của nhà trường mà vai trò của gia đình rất quan trọng.

Tuy vậy, vẫn có những việc cần hạn chế khi chúng chưa đủ trưởng thành để tiếp nhận. Như vấn đề tiền bạc mà giáo sư Bảo Châu đã nói, như vẫn để trang điểm v.v… mà phu nhân Bill Linton đã dạy con. Các vấn đề thuộc về ái dục cũng không nên cho trẻ biết quá sớm. Cần hướng trẻ vào các việc mang tính lợi ích tha nhân và xã hội hơn là những gì mang tính ái dục hay đua đòi thuộc tham - sân - si, là những thứ mà gần như trẻ nhỏ nào ra đời, cũng dễ có sẵn những thứ đó. Có những thói xấu không cần dạy mà vẫn được thực hành khá tốt vì chúng đã được tập quen qua nhiều đời. Khá nhiều trẻ con hiện nay nhìn mọi thứ quanh mình như của chính mình dù không hề được dạy như thế. Cháu gái tôi, 2 tuổi, tự động giữ gìn những gì nó cho là của nó. Đi khám bệnh, chưa xong nó đã nhắc bà lấy lui cuốn sổ khám bệnh. Đi mua thuốc, nó cũng nhắc “sổ của M.A”. Nó thường “no, no” và hết lên với các trẻ khác khi những trẻ đó lại gần món đồ chơi mà nó đang chơi trong khu vui chơi v.v... Đó là những việc mà người lớn không hề dạy, nhưng trẻ con làm rất tốt. Nhà Phật gọi những thứ đó là “câu sanh tập khí”. Câu sanh, là cùng sanh. Khi trẻ sanh ra, những thứ đó cùng có mặt, không cần phải dạy mới có.

Ái dục, chính là một loại câu sanh tập khí. Với loại tập khí đó, cần giúp trẻ hạn chế hơn là phát huy. Không phải để diệt hẳn mà chính là để giúp trẻ quân bình với những gì đã huân tập sẳn. Nói chung những gì mang tính vị ngã, cần được giải thích và ngăn chặn. Bởi đó là những thứ gây bất lợi cho trẻ hơn là có lợi. Tiếc là ngày nay, vấn đề ái dục thường được đề cao quá mức, việc tiếp xúc với các thông tin không lành mạnh lại quá dễ dàng, mọi thứ đều đầy đủ trong môt chiếc điện thoại di động hay một máy tính xách tay. Trong khi các bậc cha mẹ, do công việc, không có thì giờ quan tâm đến con trẻ nhiều. Một số cha mẹ lại có khuynh hướng dạy con tính vị ngã hơn là vị tha. Là những điều gây bất lợi cho trẻ trong tương lai, cũng khiến xã hội thêm bất ổn.

Đất nước Nhật phát triển mạnh là vì những thành viên trong đó nhận được sự giáo dục khá kỹ ngay từ khi còn rất nhỏ. Trẻ con Nhật được un đúc tính kỷ luật rất cao. Ngay cả những ngày lễ tết, chúng vẫn phải giữ đúng thói quen về giờ giấc ăn, ngủ, nghỉ và vui chơi. Không như đa phần trẻ Việt Nam, được thả dàn vào những dịp lễ tết và có khi là mọi lúc, mọi nơi. Không phải do hoàn cảnh hay công việc mà do quan điểm sống của cha mẹ. Chúng ta ít ý thức về việc tạo cho trẻ thói quen kỷ luật đối với bản thân. Không hiểu rằng sự thả dàn là cái nhân khiến chúng trở thành những kẻ vô kỹ luật trong tương lai, không thích nghi được với những công việc mang tính tổ chức, là những việc cần thiết cho đời sống của một tập thể và sự phát triển xã hội. Chẳng qua là vì đã để cho trẻ huân tập những thói quen đi ngược lại với tính kỹ luật quá nhiều.

Thói quen mang tính kỹ luật, ngoài việc giúp trẻ biết kiểm soát hành vi của mình, cũng là duyên giúp tâm sinh lý của trẻ phát triển tốt.

Trẻ con Nhật ngoài việc được dạy phải tự chăm sóc bản thân, chúng còn được dạy phải biết chăm sóc người khác dù không phải là người thân của mình[3].

Trong các gia đình Nhật Bản, ông bố là người giúp các mẹ trông coi con trẻ, rửa chén và làm các việc lặt vặt khác trong nhà, không phải mọi việc được giao hết cho vợ còn thời gian thì dành cho các bữa nhậu v.v… Đó cũng là cái duyên giúp trẻ con Nhật Bản huân tập nhân cách có trách nhiệm với gia đình và xã hội của mình.        

 Nghiệp tập chi phối đời sống con người 

Cách nhìn vấn đề của giáo sư Ngô Bảo Châu trong việc giáo dục con trẻ rất phù hợp với cái nhìn duyên khởi của nhà Phật khi ông cho rằng các phương pháp giáo dục từ sách vở chỉ có giá trị cho đa số chứ không phải tất cả, cũng như thứ gì tốt cho cha mẹ chưa hẳn là tốt cho con cái. Điều đó không phải lạ. Vì phần quyết định nhân cách của trẻ chính là nghiệp tập. Nghiệp tập là những gì trẻ đã tạo ra từ quá khứ và sẽ được tạo ra trong hiện tại thông qua ba thứ thân, khẩu và ý nghiệp của mình. Nghiệp tập, là những tạo tác đã thành thói quen mà mỗi người đã tạo ra, đang tạo ra và sẽ tạo ra.

Nghiệp tập quá khứ tạo ra thân tướng, hoàn cảnh, sở thích v.v… của đứa trẻ trong hiện tại. Trong điều kiện hiện tại đó, trên nền tảng của những tập nghiệp cũ, chúng sẽ tiếp tục kế thừa hoặc tạo ra những nghiệp tập mới tùy vào sự giáo dục mà chúng nhận được, để hình thành nên nhân cách của mình.

Do nghiệp tập của từng trẻ khác nhau, nghiệp tập của con trẻ cũng không phải là nghiệp tập của cha mẹ, nên phương pháp giáo dục thường chỉ mang tính tương đối và những gì tốt cho cha mẹ không hẳn đã tốt cho con cái. Do nghiệp tập mà cách giáo dục thế này có thể phù hợp với người phương Tây nhưng không hẳn đã phù hợp với người phương Đông, có thể phù hợp với trẻ đã có sẳn[4] khá nhiều tính tốt nhưng không phù hợp với đứa trẻ có quá nhiều tính xấu v.v… Chính vì thế trong vấn đề giáo dục, có thể có những cái chung mà không thể thiếu những cái riêng. Vấn đề là cần một phương pháp phù hợp với thể chất và tâm ý của trẻ, có thể giúp trẻ phát huy những tiềm năng tốt và hạn chế những tiềm năng xấu. Hai chữ “tiềm năng” được dùng trong bài viết này, là muốn nói đến những gì thuộc khả năng hay năng lực tiềm ẩn của trẻ, không phải chỉ là năng lực ở mặt hành động mà cả những gì thuộc tâm ý trẻ, ở cả hai mặt xấu và tốt.  

Tiềm năng, là một loại nghiệp tập.

Đại sư Hám Sơn ngày còn nhỏ, không thích chơi đùa như các trẻ khác. Sư có phong cách trầm ngâm của một triết gia hơn là sự náo động của trẻ thơ. Hình ảnh của các Tăng sĩ luôn tạo ấn tượng trong Sư. Khi cậu Sư mất, câu hỏi “sự sống bắt đầu từ đâu và chết sẽ đi về đâu” mãi lẩn vẩn trong đầu, dù lúc đó Sư chỉ mới 7 tuổi. Tiềm năng Tăng sĩ, thứ mà nhà Phật gọi là “chủng tử tu hành” đang hiện khởi khi đủ duyên. Cái nhân đó đã được củng cố nhờ vào cái duyên giúp đỡ của mẹ mà thành cái quả là Đại sư Hám Sơn sau này.  

Bác học Einstein, ngày còn bé thường lầm lì và ít nói. Đến 7 tuổi ông cũng chỉ nói được những câu rất ngắn. Không có triệu chứng gì của một người lỗi lạc. Cũng không theo được sự giáo dục trường lớp như các trẻ bình thường khác. Một hôm, cha ông mang từ xưởng về nhà một chiếc la bàn. Enstein chăm chú nhìn rồi quay đi quay lại dụng cụ ấy. Quay gì thì quay, vẫn thấy kim la bàn hướng về một phía nhất định. Enstein la lên: “Chung quanh kim la bàn phải có cái gì đó làm cho nó quay”. Tiềm năng vật lý, thứ mà nhà Phật gọi là “tập khí vật lý” được huân tập từ bao kiếp trước giờ đủ duyên liền hiện khởi. Do tiềm năng ấy mà mấy chục năm sau ta có nhà bác học vĩ đại Einstein.

Đó là những loại tiềm năng tốt, cần giúp trẻ phát huy trong hiện đời. Nói tốt, vì những tiềm năng đó có thể mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội của đứa trẻ.

Ngược lại, ở trẻ cũng có những tiềm năng xấu. Tính xấu hay gặp nhất ở trẻ là tính vị kỷ, cái gì cũng thích gom về mình. Những “tiềm năng” đó cần hạn chế hơn là phát huy. Người lớn thường thấy buồn cười vì những trò dễ thương của con trẻ. Khó mà tránh được trận cười thích thú khi thấy con trẻ có những hành động như thế… Song làm vậy là tạo điều kiện để con trẻ phát huy những tập nghiệp xấu của chúng. Cần giải thích, ngăn chặn để loại bỏ liền những ý nghĩ cũng như hành vi mang lại bất lợi cho trẻ và xã hội trong tương lai.

Mọi thứ chỉ do tập quen rồi được lưu giữ trong tạng thức. Không thứ gì có gốc. Vì thế muốn loại bỏ một tính xấu không khó. Chỉ cần không để trẻ suy nghĩ và thực hiện những tính xấu đó nữa thì chúng sẽ hết. Thay vào đó, tập cho trẻ suy nghĩ và thực hiện những hành vi tốt. Tính tốt sẽ được lưu giữ và phát huy thay chỗ cho tính xấu. Nếu chúng ta có thể giúp trẻ thực hành thiện nghiệp ngay từ khi còn rất nhỏ thì tính xấu của trẻ sẽ được loại bỏ. Dù tính xấu chưa hết, nó cũng chỉ hiện khởi thành những suy nghĩ trong đầu. Bởi thiện nghiệp một khi được huân tập mạnh, nó có khả năng giúp trẻ thấy ngại ngùng hay xấu hổ với những suy nghĩ cũng như hành vi không mấy tốt. Nếu thiện nghiệp được huân tập sâu, đã trở thành nhân cách của trẻ thì nó tạo ra một lực có thể giúp trẻ làm chủ các suy nghĩ và hành dộng không tốt của mình.

Tâm với tính lưu giữ

Với cái nhìn của Phật Tổ cũng như chư vị Thánh hiền, tâm của chúng sinh có tính huân tập và lưu giữ. Tất cả những gì mà con người đã thực hiện trong đời sống của mình đều được lưu giữ trong tạng thức (tiềm thức) của mỗi người. Một vài thực nghiệm của Phân tâm học đã cho thấy điều đó. Những gì được lưu giữ nhiều (tức lặp đi lặp lại nhiều), nó sẽ trở thành quan điểm và tư cách của đương nhân. Tiềm năng, là kết quả của việc tích tụ và lưu giữ. Nếu tập quen một việc nào đó quá nhiều trong quá khứ thì hiện tại việc đó sẽ thành “năng khiếu” của con trẻ. Đó là lý do vì sao vấn đề “dạy con từ thuở lên ba” đã được đặt ra. Với một số trẻ, 3 tuổi là hơi muộn. Có những trẻ chỉ mới 9 tháng đã biết bộc lộ những hành vi vị kỷ. Vì thế, việc dạy dỗ có khi cần sớm hơn. Đương nhiên phải là lúc mà trẻ ý thức được ít nhiều về các lời giải thích của người lớn. 

Để trẻ con tiếp xúc vô tội vạ với phim ảnh và tranh ảnh bạo lực v.v… như hiện nay, là đang giúp trẻ lưu giữ các thứ đó trong tiềm thức. Huân tập hoài, các thứ đó sẽ thành bình thường đối với trẻ con. Khi đủ duyên, chúng sẽ phát khởi thành hành động không mấy khó khăn. Hiện nay trẻ vị thành niên phạm pháp nhiều, là do chúng ta không ý thức được vấn đề “tâm có tính lưu giữ” này, đã để trẻ quá thoải mái với tư tưởng và hành vi của mình. Những hành vi xấu cũ được kế thừa và huân thêm những hành vi xấu mới.

Bị nghiệp tập đời trước chi phối

Con người không chỉ xuất hiện một đời này. Với một chúng sinh bình thường, dòng sống của họ không phải chỉ có hiện đời. Đã có vô lượng đời trước làm nhân và sẽ có vô lượng đời sau làm quả. Nhân quả nối tiếp nhau xoay vần như thế tạo nên dòng sống của một con người. Những hành vi nào được lặp đi lặp lại nhiều trong quá khứ sẽ tạo ra một lực chi phối mọi hành động của đương nhân trong hiện tại. Chính vì thế, có những đứa trẻ không cần đến sự giáo dục vẫn hình thành nên nhân cách khá tốt của mình. Ngược lại, có những trẻ việc giáo dục nhân cách trở thành khó khăn. Là do bị nghiệp tập thời quá khứ chi phối. Nếu những hành vi bất thiện được trẻ huân tập mạnh ở quá khứ thì hiện tại việc giúp trẻ phát huy thiện nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải là không làm được. Vấn đề là trẻ cần được quan tâm đúng mức, người lớn cần có thời gian cho chúng, thời gian sửa đổi cần dài hơn, và nhất là cần đền sự hiểu biết cũng như sự kiên nhẫn của người lớn.

Sự hiểu biết cần thiết trong việc giáo dục con trẻ

Hiểu biết, là hiểu rằng hành vi hiện nay của trẻ bị chi phối ít nhiều bởi những hành vi đã được huân tập ở thời quá khứ. Cũng biết hành vị hiện tại chính là cái nhân tạo ra nhân cách vững mạnh cho trẻ trong tương lai. Quá khứ, hiện tại và tương lai nói đây, có thể hiểu là ba thời trong đời sống hiện tại của một con người, cũng có thể hiểu là từ vô lượng kiếp quá khứ, hiện đời và những kiếp về sau. Sự hiểu biết này sẽ mất giá trị, nếu chúng ta không tin có đời trước, đời này và đời sau mà nghĩ chỉ có đời sống hiện tại.

Hiểu biết, là hiểu rằng không có thứ gì không thay đổi được. Vì tất cả chỉ là kết quả của việc huân tập (xông ướp). Trà có mùi sen là do ướp sen. Trà có mùi lài là do ướp lài. Trẻ trở thành tốt hay xấu là do chúng được tập quen (xông ướp) với thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp. Vấn đề là hành vi xấu nào được tập quen nhiều thì việc trừ bỏ sẽ khó khăn hơn. Không phải vì “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” mà chúng ta bỏ cuộc. Khó, là vì không có ý trừ bỏ hay trừ bỏ chưa đủ mức của nó, không phải không trừ bỏ được. Đó là lý do vì sao nói đến mấy từ “cần thời gian” và “sự nhẫn nại”. Từ bỏ một thói quen xấu giống như giúp một người cai nghiện. Cần nhiều thời gian và sự nhẫn nại của người lớn.

Mọi thứ đều bắt nguồn từ nghiệp tập, vì thế việc “trồng người” phải được nghĩ đến cho cả những đời sau. Dù trẻ chưa hoàn thiện được trong đời này thì việc giúp trẻ từ bỏ các nghiệp xấu cũng là cái nhân để trẻ được tốt hơn ở những kiếp sau.

Hiểu biết, là hiểu rằng mọi hành vi, do lặp đi lặp lại mà thành tính cách. Nếu không lặp đi lặp lại nữa thì cái gọi là “tính cách” đó sẽ mất. Vì thế muốn trừ bỏ một thói xấu của trẻ thì không nên tạo cơ hội để chúng lặp lại hành vi đó. Bất cứ khi nào thấy hành vi đó xuất hiện, hãy ngăn chặn và giải thích để chúng hiểu vì sao không nên hành động như vậy. Giáo dục trẻ, có cái khó mà cũng có cái dễ. Cái dễ chính là chúng “giấy trắng” hơn người lớn. Và chúng sẽ từ bỏ những gì mà chúng thấy người lớn không hoan nghênh.

Hiểu biết, là hiểu rằng những gì thuộc về tính cách (nghiệp tập) thì việc trừ bỏ không phải một lần mà có thể hết. Chúng sẽ dễ dàng hiện khởi lần hai, lần ba v.v… khi đủ duyên. Nhiều trẻ đã hứa với bố mẹ rằng chúng không làm như thế nữa, nhưng rồi vẫn tái phạm. Có thể, trẻ chỉ hứa suông cho qua chuyện. Cũng có trẻ thật sự muốn từ bỏ nhưng vẫn tái phạm. Đó là do lực của tập nghiệp. Không phải việc này chỉ xảy ra với trẻ nhỏ mà ngay cả với người lớn. Chúng ta hối hận và muốn từ bỏ nhưng rồi tái phạm. Đó là do lực của tập nghiệp. Lực của tập nghiệp khiến chúng ta hay quên và tái phạm. Trẻ con cũng vậy. Hành vi xấu nào chúng được tập quá quen trong quá khứ (một quá khứ mà với cái trí hiện nay của người lớn không thấu tới được) thì việc sửa đổi dễ gặp trở ngại. Hứa rồi phạm là việc thường tình. Người lớn, do không hiểu được quy luật huân tập của thân tâm, trở nên cáu gắt khi thấy trẻ tái phạm. Có khi bỏ mặc con trẻ với những thói xấu của chúng, chỉ vì một lý do đơn giản là “hết thuốc chữa”. Việc giáo dục thành thất bại. Là do chúng ta thiếu hiểu biết và thiếu lòng kiên nhẫn đối với trẻ.

Thiện nghiệp quyết định an vui và hạnh phúc của con người    

Đa phần người đời đều hài lòng khi thấy con mình sắc sảo, lanh lẹ, thủ đoạn hơn người. Không biết rằng những hành vi đó dễ khiến trẻ hình thành những nghiệp tập bất thiện. Nghiệp tập bất thiện là những thói quen mang tính vị kỷ. Thủ đoạn, là một hành vi bất thiện. Sắc sảo, lanh lẹ chưa hẳn là một hành vi bất thiện nhưng nó dễ dẫn đến hành vi bất thiện.

Phật tử tại gia khi quy y, phải thọ trì 5 giới. Đó là những thiện nghiệp không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Không sát sanh, để tránh cái quả nạn tai, chết yểu, bệnh tật và đọa vào ba đường dữ sau khi chết.[5]

Không trộm cắp, để tránh cái quả mất mát do thiên tai, do bị cướp bóc, là cái nhân dẫn đến nghèo khó và dễ đọa vào ba đường dữ sau khi chết.

Không tà dâm, để tránh cái quả vợ chồng không chung thủy, bị người khác xâm phạm và đọa vào ba đường dữ sau khi chết.

Không nói dối, để tránh cái quả bị lừa gạt, mất uy tín v.v… và đọa vào ba đường dữ sau khi chết.

Không uống rượu, để tránh cái quả mê mờ, tránh những tệ nạn do rượu gây ra và đọa vào ba đường dữ sau khi chết. Một trong các cái quả của uống rượu là rơi vào nhà tà kiến. Tà kiến, là có cái nhìn không đúng đối với những gì đang xảy ra trong thế giới này. Không tin lý nhân quả đang chi phối thế giới này là một loại tà kiến. Suy nghĩ lầm nhân lộn quả là một loại tà kiến. Sinh vào chỗ tà kiến khi bản thân chưa đủ chánh kiến là cái duyên khiến tà kiến huân tập càng sâu vào tạng thức, là cái nhân đưa đến quả khổ.   

Nêu tổng quát về nhân và quả của năm giới là như thế. Nhưng tùy duyên, tức tùy mức độ sai phạm mà có cái quả tương ưng. Không phải cứ phạm giới rồi là bị tất cả các quả báo đó.

Nếu giữ được năm giới thì tránh được quả khổ, nên năm giới chính là thiện nghiệp. 

Ngoài ra, kinh luận còn khuyên Phật tử nên bố thí cúng dường. Bởi bố thí cúng dường là cái nhân giúp gia đình sung túc, công việc làm ăn trôi chảy, các mối quan hệ trong đời sống trở nên tốt đẹp. Những người giàu có trên thế giới, đều là những người biết bố thí và bố thí rất nhiều. Họ đang kế thừa những tập nghiệp đã huân tập trong quá khứ, làm nó vững mạnh hơn trong hiện tại, và là nền tảng để nó phát triển mạnh trong tương lai.

Cúng dường cho Tam bảo, là để gieo duyên với Tam bảo, nhận được sự hộ trì của Tam bảo, để biết việc gì nên làm, việc gì không nên làm, tránh được các quả xấu trong tương lai. Nói chung, là giúp chúng ta ý thức hơn về những gì chúng ta đang làm.    

Nhân và quả nêu trên cho thấy, nếu quá khứ chúng ta biết bố thí và thọ trì năm giới khá tốt thì hiện đời cái quả đưa đến nhất định an vui hạnh phúc. Hiện đời nếu tiếp tục thọ trì thì hiện đời thêm an vui hạnh phúc, cũng là cái nhân an vui cho tương lai. Hiện đời không thấy tạo các nghiệp xấu mà vẫn bị quả báo thì biết đó là quả của những nhân quả khứ. Cần sám hối và giữ vững năm giới thì quả xấu sẽ hết.

Nêu lên nhân quả của năm giới như thế là để hiểu muốn trẻ có đời sống an vui trong hiện đời và tương lai, cần phải tập cho trẻ ý thức dần về những gì có liên quan đến năm giới. Đó cũng là lý do vì sao nói những gì các vị nổi tiếng đã làm cho con cái họ chưa phải là tất cả Phật pháp (dù chỉ ở mặt Phật pháp tùy duyên). Có thể, do những gì thuộc năm giới đã trở thành việc đương nhiên trong đời sống của họ, nên không thấy đặt ra trong kế hoạch giáo dục đối với con cái.

Như giới “không sát sanh”, đối với đa phần dân Tây phương, đã trở thành loại luật bình thường mà một công dân Mỹ hay Canada phải tuân thủ nghiêm túc. Họ có các hội bảo vệ động vật. Họ sẽ bị xử phạt khá nặng nếu việc giết hại xảy ra. Một người bạn ở Canada đã kể: Gần nhà anh có giống vật rất hôi, chúng thường lẻn vào vườn, có khi vào tận nhà và vãi đầy ra đó. Nhưng không ai dám đụng đến chúng vì chúng có sự bảo vệ của pháp luật. Chỉ còn cách phải tự bảo vệ khu vườn cũng như ngôi nhà của mình.

Việc giết thịt một con gà ăn cho ngon chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam hay Trung quốc… không xảy ra ở một đất nước mà nền công nghiệp đang phát triển mạnh, người dân không có thời gian giết mổ và nấu nướng như Mỹ hay Canada.

Rượu, có thể được dùng rộng rãi ở các nước Tây phương, nhưng đa phần phải trên 18 tuổi mới được dùng. Cháu tôi, không thể vào lớp chỉ vì chiếc áo nó mặc có hình một chai rượu. Mọi thứ liên quan đến rượu được nghiêm cấm chặt chẽ khi con trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành. Chính là để tránh sự huân tập.

Nhiều việc đã trở thành luật của một đất nước, có lẽ vì thế không cần phải nêu ra trong vấn đề giáo dục trẻ nhỏ. Không nêu, nhưng đó là những việc không thể thiếu trong vấn đề giáo dục con trẻ. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là cần ý thức nhân quả trong các việc đó, không phải chỉ dừng ở mặt kinh nghiệm hay pháp luật. Ý thức được nhân quả thì rượu, không phải chỉ trẻ con không nên dùng mà ngay cả với người lớn cũng cần hạn chế, không nên tập thành thói quen.      

Cha mẹ tôi chưa bao giờ dạy tôi những gì có liên quan đến vấn đề ái dục. Bởi cha mất quá sớm, còn mẹ thì không có thì giờ để dạy dỗ con cái khi phải gánh luôn cả trách nhiệm của cha. Nhưng tôi lại được huân tập thiện nghiệp theo một cách khác dù chỉ là vô tình. Những câu chuyện mà người lớn nói với nhau trước mặt con nít, lại trở thành những bài học giúp tôi tự bảo vệ mình khi đến tuổi trưởng thành. Chẳng hạn, “Chỉ vì quá thoải mái với đời sống tình dục trước hôn nhân mà con bé đã bị người yêu bỏ rơi khi mang thai”, “Chỉ vì tiêu xài xả láng mà chị ta đã không quán xuyến nổi gia đình của mình, rốt cuộc bị chồng bỏ v.v…”. Tôi đã ghi nhận những việc đó không thiếu một chữ dù chỉ vào khoảng bảy hay tám tuổi. Người lớn không ngờ con nít có thể ghi nhận mọi vấn đề dù chúng chưa ý thức được nhiều về các vấn đề đó. Tôi đã ghi nhận và lưu giữ mọi thứ cho đến khi biết ý thức ít nhiều về chúng. Mọi thứ trở thành như vầy: Để tốt cho mình, phải biết giữ mình trước khi có đám cưới. Muốn có một gia đình hạnh phúc thì phải biết hạn chế những ưa thích riêng tư và sử dụng đồng tiền đúng mức v.v… Những ghi nhận vô tình đã trở thành quan điểm sống của tôi khi tôi trưởng thành. Duyên tốt là những gì được nghe mang tính giáo dục cao.

Ngược lại, nếu chúng ta ca ngợi việc tự do tình dục hay ca ngợi bạo lực v.v… trước mặt con trẻ, những quan điểm sống bất lợi cho chúng sẽ hình thành.

Với cái nhìn Duyên khởi, việc trẻ tiếp thu ít hay nhiều hoặc không tiếp thu một vấn đề nào đó còn bị lệ thuộc vào những gì trẻ đã được huân tập trước đó. Nếu thiện nghiệp từng được huân nhiều, chúng sẽ lưu giữ dễ dàng những gì thuộc thiện nghiệp. Nếu bất thiện nghiệp được huân nhiều thì việc tiếp thu thiện nghiệp trở thành khó khăn, việc lưu giữ bất thiện nghiệp trở thành dễ dàng. Vì thế, vẫn có trường hợp là trẻ tự hình thành nhân cách của mình trong môi trường không mấy lành mạnh hoặc ngược lại. Nhưng không vì thế mà người lớn ỷ y với những suy nghĩ và hành động của mình đối với con trẻ, nhất là trong thời buổi mà thiện nghiệp bị bỏ quên khá nhiều, đa phần con trẻ dễ dàng tiếp thu cái xấu hơn là cái tốt.

Thiện nghiệp quyết định hạnh phúc an vui cho con trẻ ở đời, vì thế vấn đề đạo đức cần được quan tâm đúng mức. Nếu thấy kẻ không đạo đức mà vẫn có sự nghiệp và cuộc sống sung túc giàu sang, rồi dạy con theo cách đó là ta đang phá hoại dòng sống của chúng. Phải biết, chỉ là do thừa hưởng cái quả của thiện nghiệp được gieo ở quá khứ. Đời này, nếu thiện nghiệp không được kế thừa thì phước báu quá khứ sẽ mất và cái quả bất hạnh trong tương lai sẽ hình thành.

Ngăn chặn thói xấu bằng cách giải thích

Các bậc cha mẹ thường có khuynh hướng áp đặt con cái phải làm thế này hay thế kia mà ít khi giải thích lý do vì sao chúng phải làm như thế. Kiểu ngăn chặn như vậy cũng có tác dụng ít nhiều. Cũng cần thiết khi trẻ chưa đủ hiểu biết. Nhưng vẫn tốt hơn nếu chúng ta biết cách giải thích hay lý giải vấn đề khiến con trẻ chấp nhận hơn là cảm thấy bị ép uổng.   

Trong nhà thiền, khi muốn từ bỏ những tập nghiệp xấu, hành giả thường phải dùng đến một pháp gọi là Chỉ Quán.

Chỉ, là đình chỉ ngưng dứt các tư tưởng xấu hoặc hành động xấu.

Quán, một trong các ý nghĩa của nó là ý thức rõ ràng về những gì mình đang làm, hiểu nguyên nhân vì sao phải làm như thế.

Chỉ, giúp hành giả dừng đi một thói quen, nhưng phải nhờ đến Quán (sự hiểu biết rõ ràng) thì việc ngưng dứt mới có thể rốt ráo. Chỉ không thể thiếu Quán mà Quán cũng không thể thiếu Chỉ. Chỉ Quán song hành mới có thể từ bỏ hẳn một tập nghiệp.

Ngăn chặn một thói xấu bằng cách giải thích cũng là một dạng của Chỉ Quán.

Nó rất cần thiết trong việc giúp trẻ từ bỏ hẳn các thói xấu.  

Trẻ được đưa đi cai nghiện chỉ vì bị cha mẹ bắt đi cai nghiện, thường tái nghiện trở lại. Không như trẻ cai nghiện do ý thức việc đó nguy hại cho bản thân, cần phải từ bỏ. Vì thế việc trừ bỏ cần đi đôi với những lý lẽ thuyết phục. Trẻ sẽ tránh được sự vấp ngã trở lại khi đã được trang bị một sự hiểu biết rõ ràng và không bị thói quen làm chủ. Việc này đòi hỏi người lớn cũng phải nắm rõ nguyên nhân để mà giải thích.

Một sự hiểu biết rõ ràng về nhân quả sẽ giúp trẻ làm chủ được các thói xấu của mình. Vì thế cần cho trẻ ý thức hơn đối với vấn đề nhân quả trong cuộc sống khi chúng bắt đầu ý thức được những gì đang xảy ra quanh chúng. Nhân và quả hiển bày đầy đủ trong đời sống thường nhật. Nhìn đâu cũng thấy nhân quả. Bởi nó là quy luật chi phối thế giới này. Hạt xoài đủ duyên cho ra cây xoài, muốn thi đậu phải học hành chăm chỉ v.v... Đó là những việc rất thường tình trong cuộc sống, nhưng hiển bày đủ lý nhân quả đang chi phối thế giới này.

Ngày còn bé, chúng tôi được huân tập vấn đề nhân quả bằng các câu chuyện cổ tích, bằng những mẫu chuyện xảy ra quanh chúng tôi. Cha mẹ không nói với chúng tôi đó là nhân quả, nhưng trong mọi câu chuyện luôn có mấy chữ “bị quả báo”. Với những người làm ác mà hiện vẫn thấy họ sung sướng thì trong câu chuyện lại có câu “trước sau gì cũng bị quả báo”. Cách giáo dục như thế có vẻ khiến con trẻ hướng ra ngoài phê phán chuyện thiên hạ nhiều quá, nhưng mọi thứ đều do người lớn. Không phân tích vấn đề bằng giọng điệu cay cú, ghét bỏ mà trên tinh thần xây dựng và tình thương thì tác dụng giáo dục vẫn lớn. Vấn đề là bản thân người lớn có ý thức được lý nhân quả đang chi phối thế giới này chưa? Thật khó huân tập cho trẻ ý thức về nhân quả khi người lớn không tin vào nhân quả. Người lớn hiện nay ít tin vào nhân quả, vì ngay từ nhỏ đã không được huân tập cũng như ý thức về nhân quả. 

Thay lời kết

Với cái nhìn của Phật Tổ, thế giới này, gốc của nó chính là tâm vô sinh của mỗi người. Chỉ do mê mà có thân tâm và thế giới hiện này. Thiện nghiệp và bất thiện nghiệp trong mỗi người chính là cái nhân tạo ra thân tâm và hoàn cảnh của mỗi người. Thiện nghiệp tạo ra cảnh giới lành. Bất thiện nghiệp tạo ra hoàn cảnh xấu. Chúng ta nhìn những người nổi tiếng trên thế giới và nghĩ rằng tài năng là thứ khiến cuộc sống của họ giàu có vượt bực. Thật ra, thiện nghiệp (bố thí giúp đỡ người khác v.v…) mới là nhân chính tạo ra sự giàu sang. Tài năng chỉ là điều kiện giúp sự giàu sang hiển phát. Vậy mới có thể lý giải vì sao hiện nay những kẻ bất tài vẫn có những cơ hội rất tốt cho mình, những kẻ có tài lại phải chịu cảnh “sinh nhầm thời”. Là do thiếu phần phước nghiệp. Quá khứ, chúng ta chỉ biết tập trung lo cho vấn đề sự nghiệp mà bỏ qua mặt thiện nghiệp. Vì thế, muốn trẻ được sung túc, an vui, hạnh phúc, thân thể khỏe mạnh, không gặp nạn tai v.v… thì cần dạy trẻ những cái nhân có liên quan đến các quả đó. Dù hiện tại do bị báo nghiệp đời quá khứ chi phối, chúng chưa thể nhận liền cái quả của những thiện nghiệp được tạo ra trong hiện tại, thì đó cũng là cái nhân giúp trẻ có cuộc sống an vui hạnh phúc trong tương lai. Đời sau không phải gặp những việc bất như ý như trong hiện tại. 

 

   


 

[1] “Don't handicap your children by making their lives easy”.

http://www.tudiendanhngon.vn/tabid/88/itemid/9926/search/robert-a-heinlein/default.aspx

[2] http://nhatvietedu.vn/en/tu-van/cam-nang/560-bi-quyet-day-con-cua-nguoi-noi-tieng.html. Các tài liệu trích dẫn kế tiếp cũng thuộc bài viết này.

[3] Webnuoicon.com : Cách dạy con của người Nhật – ghi chép từ thực tế.

[4]Câu sanh tập khí: là những tính mà khi trẻ con sinh ra là đã thấy có, dù không ai chỉ dạy.

[5] Các bài kinh thuộc hệ A-hàm, kinh Thập Thiện và kinh Hoa nghiêm đều có nói đến nhân quả của việc giữ gìn ngũ giới.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle