Hằng năm, cứ vào
lệ thường đêm giao thừa, thầy trò chúng ta thường tụng kinh phúc chúc an
lành cho nhân loại, cho đất nước Việt Nam, cho chư thiên, thọ thần, cho
tất cả ân nhân, thí chủ, cho chư Phật tử gần xa và cho cả chúng ta một
năm mới tốt lành hơn, an vui hơn.
Sau đó là buổi
nói chuyện về năm cũ, năm mới. Những chuyện năm qua cái chúng ta làm
được, cái chúng ta làm chưa được. Sự tu học cũng vậy. Trước tiên là thầy,
thầy có những khiếm khuyết, những sai lầm nào đó về bản thân cũng như
trong cung cách xử sự đối với học chúng. Thầy đã có lời sám hối khi năm
đó thầy có vài ba lần nổi giận la mắng nặng lời một vài người đã sai lỗi
quá thô thiển về thân, về khẩu. Thầy cũng không được ỷ lại vào tuổi già
mà ngủ nhiều hoặc lười nhác không sít sao theo chương trình làm việc mỗi
ngày. Thầy cũng làm biếng đi trai tăng, cầu an, cầu siêu nơi này nơi
khác; và luôn cố ý đẩy
“bổn phận”
ấy lên chúng kinh sư. Thời gian gần đây, còn cái bậy nữa, là khi dạy học
thầy không được nhiệt tình cho lắm, nói rõ là thiếu lửa! Có lẽ phần lỗi
là do thầy chưa tu luyện
“giáo hoá thần thông”
tới nơi tới chốn hoặc đã bỏ quên
“nghệ thuật sư phạm”
gần 50 năm không ngó ngàng tới. Thế là bao nhiêu
“cái chưa được”
của thầy, thầy mang ra nói gần hết, có phải thế không?
Và bây giờ là đại
chúng. Đầu tiên, thầy cảm ơn chư sư và chúng điệu đã chăm lo công việc
tương đối chu đáo trong ngoài. Hai thời khoá công phu và tập thiền không
bỏ bê. Vườn cảnh rộng cả vài mẫu Tây mà quanh năm tương đối xanh, sạch,
đẹp. Đặc biệt thầy ghi nhận thành quả của
“lực lượng lao động chính quy”
trong những công việc nặng nề về vận chuyển đá, xây những bờ tường đá;
đào hố, chuyển cây và trồng cây, phát rừng và dọn dẹp sửa sang hồ, khe,
suối, các con đường... sau mùa mưa xói lỡ. Công đức tiếp theo thuộc về
các sư, các chú ở trong ban bếp núc, chợ búa, củi đuốc bao giờ cũng vất
vả lo ăn cho bốn, năm mươi người, lúc có nhiều thợ thầy thì còn đông hơn
thế. Lại còn cho ăn chu đáo mười mấy con chó và hai mươi mấy con mèo nữa
chứ! Không đơn giản đâu, nhất là khi chúng bị thương do cắn nhau, bị dòi
làm tổ, bị các loài “vắt”, bọ đeo kín lưng, bị nhiều thứ bệnh phải mang
xuống bác sĩ thú y. Kế nữa, thầy hoan hỷ ghi nhận công đức của
“ai đó”
luôn quan tâm các cụm nhà vệ sinh công cộng cho khỏi hổ thẹn với khách
vãng lai! Cuối cùng, thầy cảm ơn
“Ban Tri Sự”
bốn vị tỳ-khưu điều hành, quán xuyến công việc, tuy còn thiếu sót hoặc
khập khễnh ở đâu đó nhưng mong rằng, nhờ đạo tình huynh đệ,
lục
hoà, tứ nhiếp cùng với kinh nghiệm tự thân của mỗi người, rồi chúng sẽ
tự động điều chỉnh dần dần. Như vậy, rõ ràng ai cũng tất bật công việc
trong ngoài còn riêng thầy được đại chúng cho nghỉ ngơi, không làm gì cả;
thầy cũng nguyện làm sao
“sự nghỉ ngơi, không làm gì cả”
ấy cho xứng đáng
“đồng tiền bát gạo!”
Thầy cũng thẳng
thắn nói ra, ai đó với những tập khí phải cần được thấy rõ chứ đừng xác
định
“cái tôi”
quá nhiều trong công việc, trong giao tiếp, trong cư xử đệ huynh. Ai đó,
bao nhiêu bữa không tụng kinh, không hành thiền. Ai đó không chu toàn
bổn phận mà Ban Tri Sự đã giao phó, cắt đặt. Ai đó còn biếng lười trong
công việc. Ai đó không chịu khó học hỏi để nắm bắt cho kỳ được giáo pháp
căn bản, pháp hành căn bản. Ai đó có tật hay dạy người, giảng cho khách
điều này điều kia nhưng óc mình còn trống rỗng bên trong. Ai đó thích
sai bảo kiểu gia trưởng trong lúc việc ấy tự tay mình làm được. Ai đó
còn ham chơi, còn ham games, còn ham vớ vẩn, phù phiếm, hời hợt các
trang facebook, còn ham
“buôn dưa lê”,
còn ham xuất hiện nơi đám đông, ham bắt chuyện với thập phương... vân
vân và vân vân. Hằng chục cái vân vân như thế thầy trò chúng ta cũng đã
không ngần ngại đem ra bàn hết, nói hết. Chúng ta thường chào đón năm
mới như vậy đó.
Năm nay, thầy nói
về cái khác, đặc biệt là nói về cái mới. Năm mới thì cái gì cũng mới.
Cây cảnh mới, hoa lá mới; mới cạo đầu, mới ngày tháng, mới tiết xuân,
mới phố phường, mới trời đất, mới người cảnh; và mới cả không gian rừng
thiền có thơ mới, giấy mới, chất liệu mới, thư pháp mới của các sư, các
chú nữa... Cái gì cũng mới, còn
“con người”
chúng ta thì sao nhỉ?
Coi chừng nghe,
năm mới mà chúng ta không
“mới mẻ”
lại còn quá
“cũ kỹ”
đấy. Coi nào: Nghiệp cũ, tâm cũ
và mọi sinh hoạt lăng xăng bên ngoài cũng có từ tập khí cũ ngàn đời.
Khái quát, chúng ta hãy điểm mặt, chỉ tên những cái cũ gốc, những cái cũ
có sức mạnh chi phối cả đời sống của chúng ta, nghiệp mệnh của chúng ta.
Là người học Phật, tu Phật, chúng ta cần phải thấu rõ cái cũ, mới rốt
ráo này.
Đầu tiên là
nghiệp cũ. Tất cả chúng ta đến trái đất này, làm người do nghiệp dẫn
dắt, do nghiệp quyết định. Chúng ta có nhiều loại nghiệp. Nghiệp do có
sự chủ ý, quyết tâm mạnh mẽ, gọi là cực trọng nghiệp. Nghiệp do thói
quen lâu ngày thực hiện một công việc, ví như việc làm hằng ngày, gọi là
tập quán nghiệp hay thường nghiệp. Nghiệp do chứa nhóm, tích luỹ mỗi
ngày mỗi ít, gọi là tích luỹ nghiệp. Nghiệp do hành động trước khi lâm
tử gọi là cận tử nghiệp. Giây phút cuối cùng của đời người, trong tất cả
các nghiệp ấy, nghiệp nào có năng lực mạnh mẽ nó sẽ quyết định tâm thức
tái sanh. Ví như trong một chuồng bò. Thường thì con bò nào ở gần
chuồng, khi mở cửa, nó sẽ bước ra đầu tiên – đây là trường hợp của cận
tử nghiệp. Có trường hợp
“con bò cận tử nghiệp”,
dù ở gần cửa nhưng yếu quá, bị một con bò to lớn, mạnh mẽ xông tới, đạp
cửa, tông rào nhảy ra – đây là trường hợp những cực trọng nghiệp không
kể thiện hay ác. Có trường hợp khác nữa, nghiệp nào cũng yếu, chỉ có
những nghiệp làm hằng ngày mới có đủ sức mạnh tuôn rào – thì lúc ấy
“con bò thường nghiệp”
an nhiên xông ra cửa!
Khái quát như vậy
để chúng ta biết rằng, khi có mặt ở đời này, chính nghiệp tạo nên thân
thể, ngũ quan đẹp xấu, cá tính, trí ngu, cùng hoàn cảnh giàu nghèo sang
hèn liên hệ - được gọi là chánh báo và y báo. Chánh báo và y báo là căn
cước, là ADN của một người từ thuở mới sinh ra. Và toàn bộ cái mà chúng
ta thừa hưởng trên đời này chính là do nghiệp cũ, nghiệp từ kiếp trước
tái tạo.
Viết đến chỗ này
thầy muốn có một ví dụ cho dễ hiểu. Lần đó, thầy đi Ấn Độ, xe du lịch
dừng nghỉ tại một ngôi làng được xem như là nghèo nhất ở đây. Nhà cửa
của họ chỉ tợ như là chuồng bò, chuồng trâu mà thôi. Có nhà không có
giường, ghế, thấy họ nằm khoèo trên nền đất. Mái, tường lắp ghép tạm bợ
cây, gỗ, tranh, lá rách nát. Bên này mấy con bò, bên kia mấy con dê.
Phân, rác thải trong nhà, ngoài nhà. Thế mà có mấy người đàn ông ngồi
chồm hổm tỉnh bơ tán gẩu với nhau bên cửa cạnh đống phân rác ấy! Nhìn ra
xa, thấy một cánh đồng lúa vàng rộm, ngạc nhiên không có ai thâu hoạch.
Nhìn mỏi mắt chợt thấy một người đàn bà, bỏ gùi trên vai xuống rồi lấy
“liềm”
gặt một khoảnh ruộng nhỏ xíu chừng rộng hơn thước Tây. Xong, chừng ấy đủ
rồi, bỏ vào gùi mang về. Đủ ăn rồi! Tôi thắc mắc chuyện trước mắt thì có
một vị sư ở đây lâu năm giải thích:
“ Thủ phạm là do định mệnh thuyết của Bà-la-môn giáo đấy!
Bây giờ là đạo Hindu. Họ tin thuyết định mệnh, tin thuyết 4 giai cấp.
Giàu nghèo sang hèn gì cũng đã được quy định từ khi vừa mở mắt. Kiếp này
cu-li thì kiếp sau cũng cu-li. Kiếp này là thủ-đà-la, chiên-đà-la thì
kiếp sau cũng thủ-đà-la, chiên-đà-la thôi. Không thể thay đổi số kiếp mà
đấng Phạm Thể tối cao đã giáng nghiệp! Do vậy, ngay chính lúa đã chín mà
họ cũng không thèm cất kho, chỉ gặt vừa đủ ăn,
sống-an-nhiên-tự-nhiên-như-triết-gia-an-phận-thủ-thường vậy đó! Làm
chi nhiều cho mệt; mà cho dù nỗ lực trong nghề nghiệp cũng chẳng giàu có
được; chỉ nên bằng lòng biết đủ trong thân phận đói nghèo của mình!”
Chuyện kể trên
nhằm minh hoạ cho những ai cam chịu sống theo nghiệp cũ, trôi xuôi theo
nghiệp cũ, không chịu tạo tác nghiệp mới để có chánh báo, y báo mới tốt
đẹp hơn.
Từ khi nghiệp
quyết định tâm thức tái sanh thì nó mang theo tự thân thiện ác tốt xấu
cùng tỉ tỉ chúng tử nhiều đời kiếp. Nói dễ hiểu là nếu nghiệp tốt lành
thì chúng ta ít tham sân si, có nhiều đức tính, phẩm chất con người. Còn
nếu ngược lại, nghiệp xấu ác thì chúng ta nhiều tham sân si và nhiều tất
xấu, thói hư, nhiều bản năng thú vật, động vật.
Rộng hơn tí nữa.
Con người ngày nay, và ngay chính chúng ta, cũng còn rất nhiều người
sống theo nghiệp cũ không chịu tích cực chuyển nghiệp hoặc tái tạo
nghiệp mới. Họ sống theo nghiệp cũ nên tâm sân ác thì cứ tàn sát mọi
người. Nếu tâm tham vô độ thì cứ vơ vét, quơ quào của cải, tài sản. Nếu
tâm không có tính người thì hành động dã man như loài thú dữ. Nếu tâm
không có tàm quý thì không có hàng động xấu xa, trái với đạo đức, luân
lý nào nà nó không dám làm. Nếu tâm trơ lì cảm xúc, dù thấy cảnh hung
ác, bạo tàn nhưng họ vẫn dửng dưng, vô cảm.
Nói gần vấn đề
hơn. Khi chúng ta có tham, sân rồi hành động theo tham, sân ấy là chúng
ta sống theo nghiệp cũ, tâm cũ. Khi chúng ta làm việc gì đó tuân theo
thói quen, cá tính của mình rồi còn biện hộ:
“Cái tính tôi nó vậy”
là đã sống theo cái nghiệp cũ, cái tâm cũ. Gói gọn rốt ráo trong một
câu:
Khi nào hành động
qua thân, khẩu ý mà
“không có chánh niệm, tỉnh giác soi rọi”
là chúng ta đã
sống theo nghiệp cũ và tâm cũ rồi!
Chỗ này thầy giải mã rõ ràng hơn:
“Có người tánh sân nhiều do lưu cữu trong dòng bhavaṅga.
Hễ có chuyện gì trái ý nghịch lòng là nóng nảy, bực tức khởi lên (thuận
theo cái tánh cũ) rồi hành động qua thân khẩu ý do lực của tánh sân chi
phối.
Đấy là trường hợp sống theo nghiệp cũ, tâm cũ. Trái lại,
trong trường hợp trên, có người chánh niệm, tỉnh giác ghi nhận trạng
thái nóng nảy bực tức (cảm thọ - quán thọ) ấy, nên sân không chi phối
người ấy được. Và cho dẫu sân có khởi lên, nhờ chánh niệm, tỉnh giác
“tâm sân biết tâm sân (tâm – quán tâm) thì tâm sân cũng tự diêt. Đây là
trường hợp không sống theo tâm cũ, nghiệp cũ mà là đang bắt đầu chuyển
hoá để sống theo tâm mới, nghiệp mới”.
Đối với hành giả
tu tập minh sát - thiền tuệ - lâu năm thì chánh niệm, tỉnh giác quán cái
“hiện tiền đang là”
tuy rất khó khăn nhưng nếu thực tập kiên trì thì có thể thành công được
sáu, bảy phần mười. Còn người chưa từng quen với thiền tuệ như đã nói
thì quả thật là
“bất khả”.
Tuy nhiên, ta cũng có thể có cách khác. Sống giữa mọi giao tiếp khi biết
mình hành động như vậy, như vậy... là do thói quen, do tập khí thì mình
hãy dừng lại, dừng lại một lát rồi hãy hành động ngược lại với ý muốn
của mình. Dừng lại hoặc hành động ngược lại cũng là một cách để thoát ly
tâm cũ, nghiệp cũ không cho tập khí kéo lôi nữa. Vậy là mới. Vậy là mình
bắt đầu chuyển hoá để sống, để hành động theo tâm mới, nghiệp mới rồi.
Đến đây chắc có
người sẽ hỏi, nghiệp cũ, tâm cũ đâu phải là hoàn toàn xấu ác? Có người
khi mở mắt chào đời có chánh báo, y báo tốt, lại ngầm chứa nhiều chủng
tử thiện thì tuy họ hành động theo tâm cũ, nghiệp cũ nhưng chúng lại
tốt, lành thì sao? Đâu phải cái cũ nào cũng là xấu ác? Đúng vậy! Nếu tâm
cũ, nghiệp cũ tốt, lành - thì ta cũng có thể làm cho cái tốt, lành ấy
mới hơn, đẹp đẽ hơn, bằng cách dựa theo câu kinh Lời Vàng số 183:
“Vui thay! Điều ác không làm
Vui thay! Việc thiện lại chăm làm hoài
Tự tâm thanh lọc trong ngoài
Ấy là giáo huấn trọn đời Thế Tôn!”
(Sabbapāpassa
akaraṇaṃ
kusalassa
upasampadā,
Sacittapariyodapanaṃ
etaṃ buddhāna
sāsanaṃ).
Phải chăm làm!
Việc thiện thì phải chăm làm, làm mãi, làm hoài cho đến chỗ
“toàn thiện”.
Đức Đại Bồ-Tát của chúng ta cũng đã không thực hành trọn vẹn 30
ba-la-mật, trước khi chứng đạt đạo quả Bồ-Đề đó sao?
Cũng còn có một
hành động tối hậu tinh khôi, mới mẻ mà thoát ly khỏi nghiệp ấy là duy
tác; đây là hành động của chư vị thánh nhân A-la-hán, khi quý ngài đã mở
được 3 cánh cửa Không, Vô tướng, Vô tác (tam giải thoát môn) thì chúng
ta không bàn ở đây.
Nói tóm lại, khi
còn trong sinh tử luân hồi thì
“nghiệp”
sao,“tâm”
vậy.
“Nghiệp”
sao,
“tâm”
sao thì
“cảnh”
vậy. Thay mới
“nghiệp tâm”
thì
“cảnh”
sẽ mới. Đây chính là cái mới của người tu Phật cần phải nghiêm túc thấu
hiểu để chuyển hoá cuộc đời mình. Năm mới mà chúng ta không trang bị trí
tuệ để có cái mới này thì mọi cách tu tập, mọi tông hệ thiền, tịnh,
luật, mật gì gì đó cũng chỉ còn là danh từ, nhãn hiệu sáo rỗng mà thôi!
Thầy đóng chốt
năm cũ đây!
Chào nhau năm mới
thì chúng ta phải mới. Đừng sống quá cũ kỹ theo nghiệp cũ, tâm cũ -
những cái cũ xấu ác, bản năng - để chư thiên thọ thần hộ pháp họ cười
cho! Ngoài ra, năm nay, chúng ta nên học thêm hai cụm từ
“cảm ơn”
và
“xin lỗi”.
Phải biết nói lời
“cảm ơn”
khi ai đó giúp mình dù là một việc nhỏ xíu! Đấy là tác phong có văn hoá,
là mỹ học đấy các con ạ! Phải biết nói lời
“xin lỗi”
khi mình đụng chạm đến ai hoặc vô tình làm phiền người khác dù là chuyện
nhỏ nhít. Làm được điều ấy là dũng cảm lắm, là biểu hiện nhân cách của
một trí thức lớn đấy các con ạ!
Chúc các con năm
mới, mới như những nụ, những mầm, những chồi đang chuẩn bị bung lộc,
bung hoa... đón nắng ấm xuân dương cùng với những sát-na tâm mới mẻ hiện
tiền!
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH