Thầy tôi, Hòa thượng Thích Minh Kiến

thay toi

Hòa thượng Thích Minh Kiến viên tịch vào cuối năm 2014, hưởng thọ 77 tuổi.

Có lẽ, Phật tử hiện nay, nhất là những Phật tử trẻ, ít biết đến Hòa thượng. Bài viết này, ngoài mục tiêu tưởng niệm Hòa thượng từ một người đệ tử, còn có ý muốn cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về một vị chân tu có những đóng góp thầm lặng cho Phật giáo Việt Nam vào thời điểm khó khăn nhất trong thế kỷ trước.

Dù Hòa thượng chưa làm một cuộc lễ nào để nhận tôi làm đệ tử, cũng như tôi vẫn giữ pháp danh cũ Minh Thạnh, không sử dụng pháp danh mới mà Hòa thượng đặt cho tôi là Đức Thể, nhưng tôi vẫn luôn coi thầy là một vị y chỉ sư, khi vị bổn sư của tôi vắng mặt.

Còn Hòa thượng thì luôn xem tôi là một đệ tử thực sự của ngài, với tất cả tình thương mến, cũng như sự quan tâm dạy dỗ Thầy đã cho tôi nhiều quyển sách quý, mà giờ đây đã thành những kỷ vật vô giá.

VỊ TU SĨ CÓ NHIỀU SÁCH VÀ THƯỜNG ĐỌC SÁCH

Những năm cuối thập niên 1970, căn phòng nhỏ của thầy nằm đối diện với hành lang chính điện chùa Ấn Quang. Có lẽ, chỉ chưa tới 10m2, nhưng căn phòng có tới 2 tủ kiếng để sách lớn, mà sau này tôi được biết, tủ dùng làm bàn Phật là tủ kinh sách Phật giáo, còn tủ đối diện là tủ sách khoa học xã hội và nhân văn. Thầy quý sách, nhưng đặc biệt quý kinh sách Phật giáo, nên không để lẫn lộn sách ngoài đời vào tủ kinh. Cả 2 tủ sách của thầy thơm phức mỗi khi mở cửa và đặc biệt không có một hạt bụi.

Tôi là người rất thích sách, nên có ấn tượng về tủ sách của thầy, tủ sách cá nhân tu sĩ nhiều nhất ở chùa Ấn Quang lúc đó. Hòa thượng Thích Trí Quang cũng có một tủ sách lớn, nhưng đều là kinh Phật dày, chữ Hán, không thu hút người quý sách vì chủng loại. Còn những vị thầy khác trên kệ thường chỉ vài chục cuốn, không đến một phần nhỏ con số có thể là hàng ngàn quyển như thầy Minh Kiến.

Nhưng ấn tượng trên hết là việc thầy đọc sách. Tôi thường đi chùa Ấn Quang vào chiều tối. Từ khoảng 3 giờ, thầy đã kê ghế bố trước hành lang ngồi dựa đọc sách. Vì phòng thầy ở khoảng giữa, nên thầy rất ý tứ, đọc sách xong là xếp ngay ghế lại cất vào phòng, không để choán lối đi. Tối đến, thầy ngồi đọc sách trên bàn giấy, dưới một đèn chụp màu vàng rất ấm cúng và quý phái. Đi trên hành lang chính điện chùa Ấn Quang, đôi khi có thể thấy bóng tay thầy cầm sách dọi vào màn cửa.

Đến với thầy mấy mươi năm, tôi chưa hề thấy thầy nằm trên giường đọc sách bao giờ. Khi thầy đọc sách, cách thầy cầm quyển sách cũng cho thấy sự quý trọng đặc biệt đối với sách. Không bao giờ tôi thấy thầy gấp quyển sách lại mà cầm, úp sách lên bàn, hay gấp trang đánh dấu. Đang đọc, có việc cắt ngang, thì thầy dùng một tờ giấy cứng nhỏ chặn đánh dấu rồi gấp sách lại cất vào tủ. Tôi học thầy cách đọc sách đó, nhưng không sao đạt được. Thầy vẫn trong tôi qua việc quý sách, đọc sách, đọc dưới ánh sáng màu vàng của đèn có chụp, nhưng tôi không giữ sách sạch như thầy, mà nằm đọc, để sách lộn xộn, gập sách lại khi cầm cho gọn, để sách bừa bãi chứ không cất ngăn nắp dù đọc dang dở như thầy, xếp góc trang đánh dấu, điều mà thầy dạy tôi là không nên làm.

Tác phong trí thức của thầy đối với sách vở là điều tôi vẫn chưa đạt tới, dù ngưỡng mộ thầy từ tác phong đó.

Để đến với thầy, trong một lần đi hái sen cùng với đệ tử xuất gia của thầy Trí Quảng, ở ao sen là nơi ngày nay cất chùa Huê Nghiêm, tôi đem đến dâng thầy để cúng Phật. Thầy tu Tịnh độ, rất thích hoa sen. Tôi được gần thầy từ đó.

MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO PHẬT GIÁO ĐƯỢC CHUẨN BỊ ĐÀO TẠO CHU ĐÁO

Quê thầy ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, vốn là một làng trồng hoa kiểng. Thầy xuất gia ở quê, nhưng tôi chỉ thường được nghe thầy nói về vị bổn sư mà thầy hết lòng kính mến là Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Viện chủ Tổ đình Ấn Quang. Tình cảm và sự kính trọng mà Đại đức Thích Minh Kiến ngày đó dành cho Hòa thượng Thích Thiện Hòa là một hình mẫu về quan hệ thầy trò. Trên bàn giấy của thầy Minh Kiến, dưới tấm kính, là ảnh Hòa thượng Thích Thiện Hòa đang ngồi, với thầy đứng hầu phía sau.

Qua những câu chuyện kể, tôi được biết Hòa thượng Thích Thiện Hòa là người đã thấy được tài năng ở đại đức Thích Minh Kiến, tập trung đầu tư giáo dục cho đệ tử của mình. Thầy được đào tạo Phật học Viện Huệ Nghiêm, Đại học Văn Khoa (theo tiểu sử do chùa Phật Ân phổ biến). Đặc biệt Hòa thượng Thích Thiện Hòa là vị lãnh đạo Phật giáo rất quan tâm và thành công trong hoạt động kinh tế Phật giáo (như mở nhà in Sen Vàng, hãng nước tương Bồ Đề…), đã có kế hoạch thành lập một ngân hàng Phật giáo và đưa thầy Minh Kiến theo học khóa đào tạo dài hạn về nghiệp vụ giám đốc ngân hàng, nên về mặt hành chính, thầy rất vững. Đó là lý do thầy được cử vào chức vụ Phó Tổng thư ký Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 39 tuổi, là thành viên trẻ nhất trong Ban chỉ đạo Viện Hóa đạo, cùng với Hòa thượng Thích Trí Quảng.

Nhưng trường hợp tuyển cử của thầy vào hàng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam rất đặc biệt. Nguyên giáo hội không có chức vụ Phó Tổng thư ký, nhưng vì năm 1977, vị Tổng Thư ký bị vướng vòng lao lý. Vì vậy, hội đồng Viện Hóa đạo đã họp ròng rã, dường như là trong nhiều ngày, để tuyển chọn một vị Phó Tổng thư ký. Một trong hai ứng viên được chọn vào vòng chót bên cạnh thầy là một vị tu sĩ nhiều tài năng, đạt nhiều thành quả trong học thuật. Tuy nhiên, hội đồng viên đã chọn Đại đức Thích Minh Kiến. Thầy thường chỉ giải thích vì mình nhiều tuổi hơn.

Sau này, tôi được biết là ngoài lý do như trên, thầy đã có những đóng góp quan trọng cho Phật giáo Việt Nam trước đó. Trước năm 1975, Thầy đã nhiều năm làm hiệu trưởng một trường trung tiểu học Bồ Đề. Chức vụ này, nói vậy, là rất khó cho người tu sĩ trong việc đảm nhiệm, vì đó là công việc thế tục, cấp dưới là người trí thức ngoài đời, có thể không phải đạo Phật, rất khác với việc điều hành trong Phật giáo, chỉ đạo riêng tăng ni Phật tử mà thôi. Thầy thực hiện chức trách hiệu trưởng rất tốt, được tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh rất kính trọng. Vì vậy, nhiều người biết đến khả năng lãnh đạo, điều hành của thầy.

Sau năm 1975, thầy là vị lãnh đạo của Tổ đình Ấn Quang chịu trách nhiệm trong việc xin giữ lại đất đai ở cơ sở Đại Tòng Lâm, Bà Rịa, có đến hàng trăm mẫu, trong cao điểm cải tạo nông nghiệp lúc bấy giờ. Công việc này hết sức nặng nề, căng thẳng, phải gian khổ túc trực tại Đại Tòng Lâm trong nhiều tháng. Cơ sở Đại Tòng Lâm còn lại được như hôm nay, với đất đai được phân cho tăng ni, một phần có đóng góp của đại đức Thích Minh Kiến lúc đó. Nhưng thầy không nói gì về công lao của mình, tôi chỉ được biết sau này khi được thầy cho đọc một bức thư gởi Trị sự Tổ đình Ấn Quang.

Một điều tôi chắc chắn là thầy chỉ muốn gánh việc mà không muốn nhận chức. Thầy thường tâm sự với tôi điều này, rằng giáo hội, thầy tổ đã lo cho thầy ăn học tới nơi tới chốn, khi cần thì thầy đền đáp.

Hơn nữa, trong hoàn cảnh khó khăn của Phật giáo miền Nam vào năm 1977, nhận một chức vụ lãnh đạo có tính thường trực là lành ít dữ nhiều cho thầy, là đứng mũi chịu sào ở nơi đầu sóng ngọn gió. Vất vã, cực nhọc, lao tâm, tổn trí đã đành, mà nếu không khéo, trong tình hình phức tạp lúc bấy giờ có thể nguy hiểm. Trong khi đó, thầy chỉ muốn an nhàn, thong dong đọc sách, dạy dỗ đệ tử.

Cũng chính vì vậy nên phải đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký Viện Hóa đạo (thực sự là đảm nhiệm công việc tổng Thư ký khi vị tổng thư ký vắng mặt dài hạn), nhưng thầy không tìm kiếm chức vụ đối với Tổ đình Ấn Quang, mà chỉ giữ vai trò một vị tăng trong chúng bình thường, cho đến khi về Long Thành, Đồng Nai ẩn tu.

Hòa thượng Thích Minh Kiến đã có những đóng góp thầm lặng mà lớn lao, trong vai trò một nhà lãnh đạo Phật giáo từ năm 1977 đến 1981. Mọi công việc thường nhật của Văn phòng Viện Hóa đạo trong thời gian này là do một tay thầy. Mỗi sáng, thầy tự mình mở cửa Văn phòng Viện rồi ngồi làm việc đến trưa. Thầy cực lắm, vì các vị Hòa thượng lãnh đạo chỉ tin tưởng và trông cậy một mình thầy. Thầy phải tiếp nhận những sự việc cần giải quyết, mà thường là không thoải mái lúc bấy giờ, lập báo cáo, đề xuất cho Hòa thượng Viện trưởng là Thích Trí Thủ, soạn văn bản, chỉ đạo in ấn (dùng máy roneo quay tay). Việc giáo hội là Phật sự riêng, thầy luôn giữ ý không cho đệ tử biết. Thỉnh thoảng tôi mới được thấy lướt qua bản thảo chương trình nghị sự hay kế hoạch họp trên bàn thầy. Còn lại chỉ nhìn thấy qua sự ưu tư, mệt mỏi, lo lắng của thầy.

Chẳng những đảm nhiệm công việc Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo, thầy còn kiêm nhiệm chức vị Tổng Thư ký Tổng vụ Hoằng pháp, thực ra là điều hành công việc hoằng pháp của Giáo hội bấy giờ trong một thời gian dài khi vị Tổng Vụ trưởng vắng mặt, và sau đó thì vị tổng vụ trưởng cũng giao hết công việc cho thầy. Vì vậy, thầy Minh Kiến đúng là chỉ nhận việc, không nhận chức. Thầy tổ chức, lên lịch mời giảng sư cho buổi thuyết pháp chiều chủ nhật hàng tuần tại chùa Ấn Quang do Tổng vụ Hoằng pháp tổ chức. Ngoài ra thầy kiêm nhiệm luôn việc điều hành lớp giảng Phật học buổi sáng chủ nhật hàng tuần cho đối tượng là tăng ni.

Trong hoàn cảnh những năm cuối thập niên 1970, việc duy trì hoạt động thuyết pháp và giảng dạy giáo lý liên tục là một cố gắng rất lớn. Danh sách giảng sư rất phong phú, tôi còn nhớ các vị Hòa thượng, thượng tọa như Trí Thủ, Minh Châu, Trí Quảng, Nguyên Ngôn, Minh Thành… Ngoài ra, thầy còn có mời một vị nguyên là Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn, GS Nguyễn Đăng Thục. Thầy cũng phụ trách đề tài “Phật học tinh yếu” trong lịch trình thuyết pháp.

Có thể nói công việc điều hành Phật sự ở cấp Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ năm 1977 đến năm 1981 là đều do một tay thầy trực tiếp điều hành những việc cụ thể phụ trách trước hàng lãnh đạo cao cấp nhất cấp đề ra chủ trương. So với hiện nay, thì quy mô không thể so sánh được. Nhưng với hoàn cảnh đặc thù lúc đó, thì thật là một cố gắng lớn.

Nếu tôi ở cương vị thầy, suy tính thiệt hơn, thì chắc chắn tôi không nhận, mà lui vào lo cho đệ tử riêng, không bị áp lực công việc, nhất là trách nhiệm, đặc biệt là  đối với nhà nước. Khi đó, vị trí lãnh đạo Phật giáo hoàn toàn khác với bây giờ. Nếu có xảy ra một vấn đề, một sự cố nào đó, thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Nên tôi thấy ở thầy tôi một sự hy sinh không bờ bến cho Phật giáo.

(còn tiếp)

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle