ÁNG MÂY CHIỀU

ang may chieu

Đặng Công Hanh

 

Từ thuở nào, cuộc sống tự nó vẫn đầy rẫy những biến động, con người thường phải đối mặt với những điều bí ẩn và khát vọng chân lý vẫn cứ là khát vọng muôn đời.

Bởi lẽ, thực thể của vạn hữu và nhân sinh thường là cái gì đó quá lớn lao đối với tri thức, vượt qua khả năng tri nhận của con người. Do đó, việc giải minh về nguồn gốc của các bí ẩn như thế là một cuộc truy tìm vĩnh cửu, dẫu cho đến tận hôm nay, dấu tích của những truy tìm đó đều chỉ tập trung quanh giả thiết về nguyên nhân đầu tiên. Phương pháp là nương tựa vào con đường của logic (luận lý) và y cứ trên các hiện tượng tri giác để nhận thức. Thế nhưng tri giác và logic không phải là thước đo để định vị chân lý tuyệt đối. Vì vậy cách giải thích và biện giải không đem lại lợi ích gì cho con người trong việc tìm kiếm chân lý, kể cả hạnh phúc. Nên đó chỉ là cách tư duy huyền học viễn mơ.

Theo Đức Phật, không thể tìm hiểu ra được nguyên nhân đầu tiên của đời sống hay của bất kỳ một sự hữu nào. Trong vòng tương quan nhân quả, nguyên nhân đầu tiên là điều không thể hiểu được. Theo kinh nghiệm thông thường, nguyên nhân trở thành kết quả và kết quả trở thành nguyên nhân. Mọi hiện hữu đều dựa vào sự phụ thuộc và tương quan lẫn nhau. Nguyên tắc này được gọi Lý Nhân duyên, căn bản vận hành là nguyên tắc về nhân quả.

"Khi cái này hiện hữu, cái kia hiện hữu

Cái này đang sanh, cái kia cũng sanh

Khi cái này không có, cái kia không có

Cái này đang ngưng, cái kia cũng ngưng".

- Một cái cây, cây mọc lên tùy thuộc vào giống, đất, nước, độ ẩm, không khí và ánh sáng. Tất cả các hiện tượng ấy phát sinh lại tùy thuộc một số yếu tố nhân quả không tự tác khác, là một ví dụ.

- Ngọn lửa của đèn dầu cháy do tim và dầu mà có được. Khi dầu và tim đèn hiện hữu thì đèn cháy. Nếu một trong hai thứ đó không có thì đèn tắt, cũng là ví dụ.

Quy luật trên đây nhấn mạnh rằng tất cả các hiện tượng trong vũ trụ đều ở trạng thái liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau, không sinh khởi độc lập. Chính vì điều này nên không có một cái gì trong thế giới này được xem là một thực thể trường cửu. Nhưng bị thúc đẩy bởi động cơ tham ái nên con người thường tạo những giả tưởng về sự thường - còn trong tâm nên khó có thể hiểu được rằng thế giới này là ảo ảnh, là huyễn, là không thật. Nó tương tự như một quả cầu lửa khi được xoay tít chung quanh, trong một thời gian, nó có thể tạo ra ảo ảnh của một vòng lửa.

Đối với con người, sự sống phát sinh, hiện hữu và tiếp nối ra sao, khổ đau sinh khởi thế nào thì Lý Nhân duyên mô tả qua sự vận hành của 12 chi phần.

1. Vô minh

2. Do vô minh duyên sinh hành (những hành động thuộc ý chí hay nghiệp)

3. Hành duyên sinh thức

4. Thức duyên sinh danh sắc (hiện tượng tinh thần và vật chất)

5. Danh sắc duyên sinh lục nhập (năm giác quan và ý thức)

6. Lục nhập duyên sinh xúc

7. Xúc duyên sinh thọ

8. Thọ duyên sinh ái

9. Ái duyên sinh thủ

10. Thủ duyên sinh hữu

11. Do tiến trình của hữu duyên sinh sanh

12. Do sanh có lão, tử, bi, khổ...

Hai chi phần trong nhóm nghiệp là hành và hữu. Hành bao hàm những thói quen, những ấn tượng mà chúng ta tạo thành trong dòng chảy của tâm thức, qua những hành động lặp đi lặp lại. Những ấn tượng này khởi lên và đi qua, chìm vào quá khứ; ẩn tượng đã xuất hiện nhưng chưa đi qua thuộc hiện tại và ấn tượng sẽ xuất hiện ở vị lai. Tiến trình nối tiếp là một thiết chế khái niệm nhân quả, đặc tính vận hành của ý thức, khi dòng vận hành này được nhận thấy rõ thì mối quan hệ nhân và quả được xác minh. Tác dụng của ý thức là tri nhận những ấn tượng quá khứ, hiện tại và vị lai. Ấn tượng tri giác đi qua, rơi vào tiềm thức, tích hợp hình thành kinh nghiệm.

Kinh nghiệm đến lượt nó tạo cho ý thức một thái độ nhận thức đối với tri giác mới. Nhưng do sự tương tức của kinh nghiệm nên không tồn tại một tri giác nào hoàn toàn mới mẻ đối với ý thức. Như vậy, đặc tính của khái niệm nhân quả hoàn toàn là khái niệm thời gian vì đó chính là tính cách vận chuyển của ý thức, mà bản chất của nó là kinh nghiệm, là sự tích hợp của thói quen, của ấn tượng tri giác.

Ấn tượng tri giác hiện tại được tiếp qua ý thức, thực ra nó đã qua hình ảnh ấn tượng quá khứ. Hiện tại như thế được chồng chất bởi kinh nghiệm của quá khứ, vì vậy hiện thực hiện hữu ngay bây giờ và tại đây là hiện thực đã nhìn nó qua lăng kính nhân quả, có nghĩa là hiện hữu đó đã đặt vào một khuôn mẫu cố định tại một điểm nào đó trong không - thời gian.

Có thể tóm lại, khi chúng ta có những ô trược, được mô tả là các bất tịnh của tâm, tức vô minh, ái và thủ. Tâm bất tịnh này tạo hành động, và cả những hành động tạo tác từ tiền kiếp, đưa đến sự hình thành nguồn thói quen hay còn gọi là hành trong kiếp này, ứng với chi phần gọi là hữu. Tất nhiên hữu có liên đới phù hợp với những ấn tượng đã có từ tiền kiếp.

Theo cách diễn tả này thì 5 chi phần của lý Nhân duyên trong 2 nhóm ô trược và hành động: vô minh, ái, thủ, hành và hữu là nguyên nhân của tái sinh và đau khổ.

"Cũng có lúc hai chân dừng một lượt

Ngó ngu ngơ xưa chính ở chỗ này". (Bùi Giáng)

Trong ý nghĩa này, Thập nhị nhân duyên (tên gọi của 12 chi phần) trình bày một bức tranh luân hồi có đủ nhân và quả, có nghĩa là giải thích tiến trình của sanh và tử. Nó không nhằm trình bày nguồn gốc tuyệt đối của đời sống, và cũng không phải là một lý thuyết tiến hóa của thế giới vạn hữu. Các tư duy thể loại này không phù hợp với giáo lý Duyên khởi và rơi vào lý luận vô bổ. Đức Phật và hàng đại đệ tử của Ngài không hề bàn đến các câu hỏi về nguồn gốc của các hiện hữu bao giờ cả.

Theo quan điểm của Phật giáo thì vũ trụ đang là này, là hiện thực đối với con người nên có mối liên hệ hữu cơ không thể tách rời được. Về mặt chân tướng thì thế giới hiện tượng cũng là duyên sinh và vô ngã nên gọi là không tính, đương nhiên con người cũng là không tính.

Với kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày, con người sinh ra để sống với khát vọng được hạnh phúc, hưởng được lạc thú qua 6 giác quan. Vì vậy, cái thế giới mà chúng ta đón nhận xuất hiện qua tham ái, chấp thủ và vô minh. Đó là thế giới ảnh tượng, không chân thật, đã bị biến dạng bởi sự can thiệp của tình cảm, của tri thức thiên lệch và cái nhìn chao đảo.

Nhà thơ thế hệ tiền chiến, Vũ Hoàng Chương đã nhìn đời qua đôi mắt thật buồn, ông viết:

"Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Một đời người u uất nỗi chơ vơ

Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị

Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ".

Cùng một hướng nhìn như thế, nhà thơ Hoài Khanh trong tập thơ "Lục bát":

"Tương lai vào một buổi chiều

Đời người rồi cũng xế chiều, chao ôi!"

Qua giáo lý Duyên khởi, Đức Phật dạy rằng con người và thế giới là duyên sinh. Thế giới đó là chân thật, nằm ngay trong chúng ta, trong hiện tại và ngay tại đây khi chúng ta buông xả mọi tham ái, mọi chấp thủ và tịnh hóa nội tâm để không còn cuốn theo những cuộc chơi nương dâu bãi bể, nay rày mai khác. Kinh dạy: Tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh. Để xây dựng trạng thái nội tâm đó, con người cần phải thực hành một đời sống giải thoát theo con đường Bát Chánh đạo:

1. Chánh kiến: gìn giữ một quan niệm xác đáng về giáo lý và về Tứ diệu đế.

2. Chánh tư duy: suy nghĩ đúng đắn và có mục đích đúng đắn.

3. Chánh ngữ: không nói dối hay phù phiếm.

4. Chánh nghiệp: tránh phạm giới luật.

5. Chánh mệnh: tránh các nghề nghiệp mang lại giết hại như đồ tể, buôn bán vũ khí, thuốc phiện...

6. Chánh tinh tấn: phát triển nghiệp tốt, trừ nghiệp xấu.

7. Chánh niệm: tỉnh giác trên thân, khẩu, ý.

8. Chánh định: tập trung tâm ý đạt bến định xuất thế gian.

Trong Bát Chánh đạo, chánh kiến là bước khởi đầu có tính nền tảng, nhờ đó mới có khả năng thẩm thấu được thực tính sự vật, mới tự chuyển hóa được toàn bộ cách suy nghĩ và cách hành động của mình. Vậy ai đã phát triển chánh kiến thì người đó có khả năng nhìn mọi hiện tượng như nó "thực là".

Ngày nay, sống trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển rực rỡ cao độ nên hầu hết mọi khía cạnh của cuộc đời con người đều bị ảnh hưởng bởi khoa học từ những suy nghĩ đến việc làm. Các ứng dụng thực tiễn của khoa học đã giúp cho nhân loại hưởng một cuộc sống tiện nghi tuyệt vời mà trước đó không ai dám mơ ước. Có lẽ vì thế nên ta thường nghe nói rất nhiều về khoa học với những điều khoa học có thể làm, nhưng lại rất ít về cái khoa học không thể làm.

Khoa học nỗ lực tìm hiểu thế giới bên ngoài, và chỉ quan tâm sơ sài đến thế giới bên trong. Khoa học về tâm lý còn mức độ non trẻ trong việc tạm hiểu nguyên nhân cơ bản của tâm trạng bất an con người và không làm chuyển hóa được thế giới nội tâm. Khoa học không đưa ra mục đích có ý nghĩa cho cuộc sống, không cung cấp những lý do rõ ràng cho kiếp sống nhân sinh, bất lực trong việc cung ứng một cương lĩnh đạo đức cho nhân loại mà trái lại còn đốt nóng thêm ngọn lửa ái dục của con người.

Sự bất lực này không phải là một thất bại của khoa học, mà chính là vì khả năng và ranh giới nghiên cứu của mình. Khoa học gồm ngành cơ bản và ứng dụng, là hiện thân của trí thức lý thuyết và tri thức ứng dụng, nó không đặt cho mình mục đích là trí thức chiêm nghiệm và giải thoát.

Phật giáo, theo các triết gia lỗi lạc hiện đại, và các nhà khoa học lớn, là một tôn giáo thích hợp nhất của xã hội khoa học hiện đại, dù rằng khoa học không phải nội dung chính trong các lời giáo huấn của Đức Phật. Điều nhận xét này đã nói lên rằng, ngoài những giáo lý có tính chất của một nền đạo đức, vẫn còn có cả một thế giới bàng bạc cái tính cách của "kính vạn hoa" phản chiếu ảnh tượng như thực như hư, như có như không mà còn người với đầu óc thường nghiệm khó lòng mà kiến giải, nếu không viện dẫn đến lòng xác tín.

Hoài vọng của các thế hệ học Phật ngày nay, sinh ra và lớn lên, thừa hưởng được nhiều thành tựu của nền văn minh khoa học và công nghệ, nhưng đồng thời chịu đựng không ít những đổ vỡ trầm trọng của tâm thức. Hoài vọng như vậy sẽ thành tựu hoặc không, và sự thành tựu sẽ như thế nào là một chuyện khác, tùy thuộc vào cách quan niệm.

Vì vậy, dù cho khoa học vẫn còn những sắc màu cám dỗ đối với trí năng con người về những chân lý khách quan mà trí năng của con người có thể vươn tới được. Tuy nhiên nó cũng đã gieo những ảo tưởng vào khả năng tính của trí năng, và dần dần theo thời gian, nó không còn giữ được thể giá như ngày xưa, do những giới hạn từ bản chất bên trong của nó. Với những dụng cụ tinh vi có độ chính xác cao, nhà khoa học có thể nhìn thấy từ các thiên hà xa xôi cho đến thế giới hạ nguyên tử. Nhưng với trạng thái tinh thần, giấc mơ, ý tưởng, hy vọng, lo âu của ông ta thì thế nào?

Rất nhiều câu hỏi đại loại như thế. Xã hội con người đang phải đương đầu với hàng loạt các vấn đề nan giải không thể giải quyết được chỉ bằng các phương pháp của khoa học, và cũng có những vấn đề về con người mãi mãi vượt ra ngoài khả năng tìm kiếm của khoa học.

Bất luận từ vị thế nào, hoàn cảnh nào, con người hiện thân như một gã cùng tử trong kinh Pháp hoa, luôn luôn trôi nổi trong biển khổ nghiệp thức. Gia bảo đang có đó, nhưng vẫn chưa tìm thấy dù tháng ngày rông ruỗi miệt mài mà sở nguyện vẫn còn xa vời vợi. Vì sao thế? Bởi vì nói theo ngôn ngữ Phật giáo, con người hiện hữu đang bị ràng buộc trong sự chiêu cảm của nghiệp lực, của những chiều kích thông tục về vật chất, thời gian, không gian và tương quan nhân quả một chiều. Bởi thế cho nên:

"Thế kỷ chúng ta trót buồn trong mắt

Năm bảy nụ cười không xóa nỗi ưu tư". (Nguyên Sa)

Dù cho một số khái niệm mới mẽ nhất của nền vật lý hiện đại, vật lý vi mô hiển hiện trong các trang kinh xưa, cho phép ta nghĩ rằng các tương đồng này mở đường cho khoa học tìm đến đạo Phật. Đây quả thật là một trợ duyên đối với những ai thường hay đọc kinh và thường hay mơ màng hàng giờ trên những trang kinh. "Thế gian pháp, tức Phật pháp" là một xác tín. Niềm xác tín của các thế hệ tu học Phật qua những gì mà Đức Phật giảng dạy, giáo hóa đã đem đến một thành tựu quá lớn lao, hơn những gì ta gọi là xác thực mang lại. Bởi vì, cái mà gọi là xác thực chỉ là xác thực trong sự tương ưng của nghiệp cảm, nghĩa là còn chịu tác động của vô minh trên tâm thức. Cái khát vọng và đòi hỏi sự xác thực chính là sự thôi thúc của mong manh về những gì được gọi là xác thực.

Đã trải qua một thời gian khá dài, vật lộn với đời sống, đem tâm trí mình chao đảo trong những suy niệm triết học, nghiền ngẫm những thành tựu của khoa học để rồi sau cùng, mò mẫm tìm đến mạch pháp ẩn tàng, trải nghiệm lý tính tự thân, mở lối cho tâm trí đã từng bị chi phối bởi những kiến giải khoa học.

Đạo Phật hiện thân như một con đường sau cùng thênh thang huyền nhiệm, trong khi các ngã đường khác dường như rơi vào bế tắc. Và cũng như tự bao giờ, những trang kinh mời gọi con người đi tới thâm nhập, để tỉnh thức, bằng con mắt Huệ trước màn vô minh dày đặc, giữa những quay cuồng điên đảo của cuộc sống. Cánh cửa vào đạo từ đó cũng sẽ mở rộng vững chắc để chúng ta trở về với một tâm thái mùa xuân trong chân lý cõi bình an.

"Sớm nay khoác áo màu vô định

Ra gặp mùa xuân đến giữa đàng

Lá biếc đưa thoi xuyên vĩnh viễn

Gió là sợi thắm của thời gian". (Huy Cận)

Chân lý của cõi bình an nội tại là một đời sống hạnh phúc thực thụ, bắt nguồn tự sự tịnh hóa nội tâm, vượt lên trên thế giới cảm xúc nhị nguyên, không dong ruổi theo những khát vọng bên ngoài. Lúc bấy giờ ta sẽ dễ dàng chấp nhận cuộc đời với bao nhiêu chìm nổi, thiên hình vạn trạng bể dâu của tồn sinh mộng ảo mà không hề thấy cái gì vướng bận trong tâm.

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle