Phật giáo Việt Nam trong cục diện tôn giáo biến chứng từng ngày

phat
If there are images in this attachment, they will not be displayed.   Download the original attachment

 

Minh Thạnh

Quan điểm của chúng tôi về diễn biến thiểu số hóa của Phật giáo Việt Nam, về tình trạng tương tự như đã xảy ra ở Hàn Quốc mấy mươi năm trước, về nhu cầu cấp thiết chấn hưng Phật giáo Việt Nam… được nêu ra trong mấy năm gần đây đã không được một số tu sĩ và tín đồ Phật giáo Việt Nam chia sẻ. Không ít người vẫn coi Phật giáo Việt Nam đang ở tột đỉnh hưng thịnh, nói đến chấn hưng Phật giáo là lạc điệu, không đáng lưu tâm, là kỳ lạ…

Quan niệm như vậy thì đương nhiên cố gắng để thúc đẩy chấn hưng Phật giáo Việt Nam, như quan tâm đến giáo dục hướng ra xã hội, quan tâm đến những Phật sự duy trì vị trí Phật giáo Việt Nam trong xã hội, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục hướng ra xã hội, duy trì những hình thức lễ hội truyền thống như xe thuyền hoa rước Phật… đã bị bỏ qua.

Kết quả đương nhiên sẽ là Phật giáo Việt Nam càng lao nhanh trên con đường suy thoái.

Nói đến suy thoái Phật giáo Việt Nam, điều tất yếu là phải nhìn Phật giáo Việt Nam trong cục diện phát triển chung của các tôn giáo. Chỉ khi nhìn như thế, thì tương quan so sánh mới được bộc lộ, tình trạng Phật giáo Việt Nam suy thoái mới hiện rõ.

Tình trạng suy thoái của Phật giáo Việt Nam là một hiện thực khách quan. Do đó, dù không muốn nói đến, dù lãng tránh, trốn chạy hiện thực, nó vẫn tồn tại, vẫn diễn biến. Chánh kiến không phải là né tránh hiện thực là tự lừa và lừa nhau mà phải nhận chân nó.

Xem xét hiện thực đó trong mối tương quan tôn giáo, thì khi Noel về, cục diện tôn giáo tại Việt Nam càng định hình rõ một xứ sở đang Cơ đốc hóa, tương tự như diễn tiến đã xảy ra ở Hàn Quốc những thập niên trước.

Khoảng cách văn hóa, cái đã làm Việt Nam chưa phải là một xứ sở với Cơ đốc giáo là tôn giáo chủ đạo, đang được san bằng với tốc độ ngày càng nhanh chóng. Ngày lễ tôn giáo phương Tây tràn ngập phố phường bằng đường nét, màu sắc, ánh sáng, âm thanh và cả hương vị. Đó là những điều mà những người phủ nhận hiện thực không thể không thấy, không nghe.

Diện mạo một Việt Nam thay đổi tôn giáo chủ đạo càng về sau càng rõ nét. Trên đường phố, trong các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… chúng ta tiếp nhận sự gia tăng vai trò, vị trí của ngày lễ tôn giáo cuối năm như một chuyện đương nhiên.

Cái đáng nói hơn là diễn tiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thức, vốn là các cơ quan tuyên truyền có tính định hướng rất cao.

Trước đây, nhạc tôn giáo tháng 12 chỉ có trên các đài phát thanh nước ngoài, thì nay đã tràn ngập trên các kênh truyền thông trong nước, ồn ã ngay từ đầu tháng 12, ngày càng phong phú, sinh động và nhất là đậm nét tôn giáo.

Biểu tượng tôn giáo tháng 12 không chỉ tràn ngập trên truyền hình, phát thanh mà nay đã lan đến lãnh vực truyền thông được giữ gìn kỹ hơn cả, là báo giấy.

Các dòng chữ, hình ảnh lễ hội tôn giáo dần dần chiếm lĩnh những trang in. Từ tháng 11, bạn đọc đã gửi cho tôi xem lịch tháng báo “Nhi đồng” có hình thiên thần có cánh, ngôi sao, cây thông…

Sau đó, lại báo sẽ gửi báo in và liên tục có nội dung lễ hội tôn giáo tháng 12 cho tôi xem. Tôi thấy không cần thiết, vì có thể hình dung dễ dàng. “Nhi đồng” là báo giáo dục của Đoàn Thanh niên, nay đã có những nội dung như thế, thì mọi việc đã qua cái giới hạn rất tế nhị. Cục diện một Việt Nam tôn giáo khác đã định hình trên đủ mọi mặt.

“Nhi đồng” chỉ là một tờ báo trong nhiều trăm tờ báo giấy. Nhưng đó là một cột mốc nhạy cảm, đó là lãnh vực giáo dục thiếu nhi, hết sức quan trọng. Cột mốc đã bị vượt qua.

Tôn giáo không chỉ là tôn giáo, không chỉ là hành lễ, không chỉ là nơi thờ tự mà tôn giáo còn là văn hóa, với muôn mặt sinh hoạt.

Cho nên, nếu chỉ nhìn tôn giáo chỉ ở các cơ sở tôn giáo là phiến diện, mà còn phải nhìn ra đường phố, các cửa tiệm, trường học, bệnh viện, hay còn là trên sóng truyền hình, trên chương trình phát thanh, trên ấn phẩm, báo chí in giấy… Trong cái nhìn toàn cục như vậy, thì việc đánh giá sẽ ra sao đối với Phật giáo Việt Nam?

Phật giáo Việt Nam không tranh bục đứng xếp hạng cao thấp, nhưng với cái nhìn hóa đạo, thì nếu né tránh sự thật hiện trạng như đã từng diễn ra ở Hàn Quốc thì đạo Phật ở Việt Nam rồi sẽ như thế nào sau đó?

Trước đường phố sáng choang ánh điện lấp lánh kim tuyến của lễ hội tôn giáo tháng 12, tôi nhớ đến đường phố đêm rằm tháng 4 lặng lẽ, tăm tối, không xe rước Phật hồi giữa năm nay, mà thấy mình bất lực trước cục diện biến chuyển, trong xã hội Phật giáo đang mờ dần ảnh hưởng.

Nhìn vào một ngôi chùa le lói vài ánh đèn vàng vọt, tương phản với đường phố cuối năm, ngậm ngùi không biết liệu có ai trong đó chia sẻ với tâm tư như tôi hay chỉ có mình tôi băn khoăn, còn lại đều thản nhiên vô tư trong bóng tối tương phản đó.

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle