Trong bài viết này, chủ trương khuyến
khích tôn giáo tham gia phát triển trường mầm non sẽ được xem xét từ góc
độ dự báo.
Việc dự báo về cục diện phát triển giáo
dục mầm non tôn giáo trong thời gian sắp tới sẽ có ý nghĩa quan trọng
đối với Phật giáo Việt Nam, vì trong cục diện tôn giáo, đối với một tôn
giáo khác, hoạt động giáo dục hướng ra xã hội cũng chính là hoạt động
tôn giáo. Vì vậy, sự phát triển giáo dục mầm non tôn giáo, nếu có sự
thiên lệch, thì có thể dẫn đến cục diện hoạt động tôn giáo thiên lệch,
mất cân bằng.
Phật giáo Việt Nam cần nhận thức đầy đủ về
việc này, để có những dự báo chính xác, và từ bây giờ, có những quyết
sách phù hợp, như chuẩn bị cả về nhân sự lẫn về cơ sở vật chất trường
lớp cho giáo dục mầm non Phật giáo.
Cư
sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch
Hòa thượng, với chủ trương mới của nhà nước “khuyến khích tôn giáo tham
gia phát triển trường mầm non”, thì dự báo phát triển trường mầm non tôn
giáo sẽ như thế nào?
Hòa
thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT):
Tất nhiên, với sự khuyến khích của nhà nước, thì tốc độ phát triển
trường mầm non tôn giáo sẽ tăng nhanh.
Đạo hữu cần nhắc lại ở đây một con số
thống kê mà báo chí đã đăng tải về giáo dục mầm non tôn giáo trong thời
gian qua.
CS
MT: Kính bạch HT, trong bản tin
“Khuyến khích tôn giáo tham gia phát triển trường mầm non” của phóng
viên Ý Thi, đăng trên báo
Tuổi Trẻ ngày
9/11/2014, có một số thông tin như sau:
“Tính
đến tháng 10-2014, cả nước có 269 trường mầm non, 905 nhóm lớp mầm non
độc lập do các tổ chức và cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm tỉ lệ 1,9%
tổng số trường mầm non trên cả nước, chiếm 15,6% số trường mầm non ngoài
công lập trên cả nước.
Đặc biệt, một số tỉnh thành có tỉ lệ
trường mầm non do tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập khá cao như Bà Rịa
- Vũng Tàu (33/142 trường), Lâm Đồng (26/219 trường), Đồng Nai (25/272
trường), TP.HCM (86/912 trường)”.
“Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện
Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam - cho biết: “Tính đến nay đã có 39 tỉnh thành có cơ sở giáo dục
mầm non tôn giáo, các cơ sở này đã huy động được 125.594 trẻ đến trường,
lớp. Tuy chỉ chiếm tỉ lệ 3,06% so với tổng số trẻ mầm non trên cả nước,
nhưng hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em là trẻ mồ côi,
nên sự giúp đỡ của các cơ sở mầm non tôn giáo càng có ý nghĩa hơn."
"Điều rất đáng trân trọng là các cơ sở
giáo dục mầm non tôn giáo đều hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận”.
“Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các
bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố giúp đỡ, tạo điều kiện
thuận lợi, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho
những cơ sở tôn giáo có điều kiện để huy động nguồn lực xã hội hóa giáo
dục, phát triển giáo dục mầm non”.
HT TTT: Nếu nhìn vấn đề từ góc độ dự báo
đối với những thống kê nêu trên, chúng ta sẽ có nhiều dự báo.
-
Trước hết, tuy nói giáo dục mầm non
các tôn giáo, nhưng giáo dục mầm non Phật giáo chẳng đáng vào đâu so
với giáo dục mầm non một tôn giáo khác. Vì vậy, ở đây, chính là
chúng ta đang nói về giáo dục mầm non của một tôn giáo mà thôi. Giáo
dục mầm non của tôn giáo này thật sự đã chi phối giáo dục mầm non
các tôn giáo và làm hình thành cục diện giáo dục mầm non các tôn
giáo.
-
Con số 125.594 trẻ được huy động đến
trường từ các cơ sở mầm non tôn giáo, nếu so với tổng số trẻ học mầm
non trên cả nước là không lớn (chỉ chiếm tỷ lệ 3,06%), nhưng nếu so
sánh với số trẻ học trường mầm non Phật giáo thì sẽ là một tỷ lệ áp
đảo. Báo chí không đưa ra con số so sánh, có lẽ vì lý do tế nhị.
Nhưng nếu ước tính, thì số trẻ học trường mầm non Phật giáo trên cả
nước chỉ ở mức vài ngàn. Điều này cho thấy trong cục diện giáo dục
mầm non các tôn giáo, nếu Phật giáo Việt Nam không nỗ lực vượt bậc,
thì sự phát triển giáo dục mầm non tôn giáo sẽ chỉ là sự phát triển
giáo dục mầm non của chỉ một tôn giáo Phật giáo sẽ bị loại ra bên lề
sự phát triển đó. Đây là vấn đề người Phật giáo chúng ta cần quan
tâm hơn cả khi nói đến dự báo phát triển giáo dục mầm non tôn giáo.
-
Ngoài môi trường phát triển giáo dục
mầm non tôn giáo thuận lợi hơn do có sự khuyến khích từ nhà nước,
cũng cần phải thấy rằng tự thân giáo dục mầm non tôn giáo còn rất
nhiều tiềm năng.
-
Giáo dục mầm non tôn giáo hiện nay
tập trung vào mục tiêu từ thiện. Ngoài trẻ lứa tuổi mầm non là
đối tượng hoạt động từ thiện thì số trẻ còn lại có nhu cầu học
trường là rất lớn.
-
Giáo dục mầm non tôn giáo được coi
là chất lượng cao và đáng tin cậy đối với phụ huynh, vì cô giáo
là tu sĩ. Người tu sĩ tham gia giáo dục mầm non không phải trước
hết vì tiền lương hay động cơ nào khác ngoài lý tưởng phục vụ
tôn giáo, mà giáo dục là phương tiện hữu hiệu. Họ không chắc là
yêu trẻ hơn những cô giáo ngoài đời, nhưng có lẽ sẽ ít tiêu cực
hơn.
Một tôn giáo đã xây dựng được một nền giáo
dục tư thục tầm cỡ toàn cầu và họ tự coi là giáo dục tư thục tốt nhất
thế giới. Thành tựu như thế ảnh hưởng lớn đối với cấp giáo dục mầm non.
Vấn đề cũng đang được xét ở khía cạnh chất lượng.
-
Vấn đề tiềm năng giáo dục mầm non
của một tôn giáo đã bàn qua ở một bài trước, nên ở đây thầy chỉ
nhắc lại, không đi sâu phân tích. Họ đã sẵn nhận thức, nhân lực,
dường như chỉ khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp.
-
Bây giờ, nhà nước tháo gỡ chính
khó khăn đó, đó chính là quyền sử dụng đất. Giáo dục mầm non sẽ
là động lực để tôn giáo được cấp mở rộng diện tích đất, giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất, tất nhiên đi cùng là quyền sử dụng
nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Điều đó thôi thúc họ đầu
tư phát triển giáo dục mầm non tôn giáo hơn nữa.
CS
MT: Kính bạch HT, như vậy ở đây HT
dự báo thêm một chiều vận hành ngược lại, không chỉ được cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất để làm giáo dục mầm non, mà ngược lại, phát triển
giáo dục mầm non sẽ thúc đẩy việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất. Mà việc mở rộng cơ sở vật chất đất đai, nhà cửa là mục tiêu quan
trọng của một tôn giáo. Họ vấp phải khó khăn đó và giáo dục mầm non là
chìa khóa tháo gỡ với chính sách mới, do đó giáo dục mầm non tôn giáo đó
sẽ rất phát triển.
HT
TTT: Với quan điểm nhân duyên, thì
chúng ta phải thấy vấn đề một cách toàn diện như thế. Nếu giáo dục mầm
non chỉ được xem là một hoạt động tôn giáo, thì động lực phát triển của
nó sẽ rất mạnh mẽ. Hơn nữa, ở đây nó làm một thuận duyên để tôn giáo
giải quyết một vấn đề khác.
Phật giáo Việt Nam chúng ta cần chú ý điểm
này để thấy cục diện phát triển giáo dục mầm non trong cục diện phát
triển giáo dục tôn giáo, mối quan hệ nhân duyên tương tác của nó.
CS
MT: Kính bạch HT, như thế cấu trúc
một cơ sở tôn giáo hoàn chỉnh trước đây gồm 3 phần: cơ sở hành lễ, cơ sở
quản lý hành chính và cơ sở giáo dục sẽ được phục hồi với dạng thức mới.
Cơ sở giáo dục là cái được khôi phục, nhưng không nằm kế cận cơ sở hành
lễ như trước, mà có thể nằm rải rác trong khu dân cư, tùy thuộc vào các
cơ sở được sang nhượng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
HT
TTT: Đó cũng là một dự báo mà chúng
ta có thể ghi nhận, khi bàn về dự báo. Quan điểm nhân duyên, quan điểm
vô thường của nhà Phật yêu cầu chúng ta nhìn mọi sự vật hiện tượng trong
liên hệ nhân duyên tương hỗ với nhau và trong sự vận động thay đổi liên
tục.
CS
MT: Kính bạch HT, trong tương lai
có thể nhà nước cho phép tôn giáo tham gia mở trường ở các cấp học khác.
Điều này có ảnh hưởng đến việc phát triển trường mầm non tôn giáo không?
HT
TTT: Đương nhiên là có ảnh hưởng
nhưng sẽ không lớn. Vì nhân sự giáo dục mầm non là nữ tu sĩ, còn giáo
dục hướng ra xã hội các cấp khác sẽ thu hút số đông nam tu sĩ, hiện họ
đang sẵn sàng cho hoạt động này. Giáo dục mầm non có đặc trưng này mà
chúng ta phải tính đến trong việc dự báo sự phát triển. Khi đã quan niệm
giáo dục là phương tiện hành đạo, thì giáo dục mầm non sẽ là phương tiện
rất đắc lực cho đối tượng nữ tu sĩ. Trong mối tương quan như thế, thì sẽ
không có thay đổi gì lớn nếu giáo dục hướng ra xã hội của các tôn giáo
được mở rộng.
Hơn nữa, như trong một bài trước chúng ta
đã phân tích qua, ngành giáo dục và cả xã hội đã có những nhận thức mới
về giáo dục mầm non, về vai trò của nó trong hệ thống giáo dục, về tầm
quan trọng của nó trong việc hình thành nhân cách.
Vì vậy, thầy nghĩ rằng người ta không xem
giáo dục mầm non chỉ là một bước hoạt động tạm thời trong khi chờ đợi
được hoạt động ở các cấp học khác.
CS
MT: Kính bạch HT, trong bối cảnh
giáo dục mầm non phát triển tôn giáo như thế, nhưng Phật giáo không có
các bước tiến đột phá trong giáo dục mầm non thì dự báo tình hình sẽ như
thế nào?
HT
TTT: Trong một dịp khác, chúng ta
sẽ thảo luận sâu hơn về ảnh hưởng của giáo dục mầm non đối với sự lựa
chọn tôn giáo của trẻ.
Từ đó, chúng ta sẽ thấy rằng Phật giáo có
thể bị thiểu số hóa nhanh hơn nữa khi không bắt kịp được sự phát triển
chung của giáo dục mầm non tôn giáo.
Hiện nay, điều đó đã diễn ra trong hàng
trăm ngàn trẻ học mầm non ở trường mầm non của một tôn giáo hiện nay, có
bao nhiêu trẻ là từ gia đình Phật giáo và ảnh hưởng của việc học đó đối
với tôn giáo của trẻ sau này sẽ như thế nào là một vấn đề cần được
nghiên cứu.
Chúng ta không phân biệt tôn giáo, nhưng
như đã có dịp phân tích, giáo dục hướng ra xã hội đối với một tôn giáo
đã được coi là chính hoạt động tôn giáo và họ đầu tư rất lớn cho việc
chuẩn bị, cũng như triển khai ở cấp học mầm non. Điều này nhất định sẽ
có ảnh hưởng đối với cục diện hoạt động tôn giáo trong giới trẻ.
Phật giáo Việt Nam phải có những bước đột
phá trong nhận thức, trong đào tạo nhận sự và trong chuẩn bị cơ sở vật
chất trường lớp cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, không chỉ là cho
cấp học mầm non, mà ở mọi cấp học.
Nhưng trước hết mầm non là cấp học đã được
nhà nước cho phép tôn giáo tham gia, hơn nữa lại còn khuyến khích, thì
Phật giáo chúng ta phải làm sao để phát triển giáo dục mầm non tương
xứng với vị thế tôn giáo chúng ta.
Nếu không, thì ngay bây giờ, Phật giáo là
một tôn giáo thiểu số ở ngay chính trong hoạt động giáo dục. Mà tỷ lệ
thể hiện mức độ thiểu số là rất lớn, có thể thấp hơn so sánh bên mười,
bên… chỉ một.
CS MT: Kính bạch HT, nhưng diện tích mặt
bằng trong chùa của chúng ta không còn bao nhiêu nữa, thì làm sao thực
hiện được khẩu hiệu như thầy nói “trường học trong chùa”, “chùa là
trường học”?.
HT
TTT: Thầy nghĩ chúng ta vẫn còn cơ
hội, là tận dụng việc xây dựng một số cơ sở Phật giáo như Việt Nam Quốc
Tự để mở rộng tối đa diện tích dành làm trường học để làm sao, tuy không
mở được nhiều “trường học trong chùa” nhỏ, nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn
có một vài “trường học trong chùa” lớn, tập trung được đông đảo học sinh
ở khu trung tâm. Đó cũng là một cách giải quyết tuy không tối ưu, nhưng
Phật giáo Việt Nam vẫn có thể mở được các “đạo tràng” liên tục qua nhiều
năm học cho các em học sinh từ việc có thể tập trung được các em đến
chùa – trường.
Ngoài ra, nếu phải mở trường ngoài chùa,
thì chúng ta có thể có một khẩu hiệu khác “tăng ni là thầy giáo”, “đạo
sư tâm linh trong thầy dạy học”. Có trường trong chùa thì chúng ta có được
không gian, còn không thì với người tu sĩ là thầy giáo, chúng ta có được
quan hệ. Quan hệ đó là thuận duyên cho việc hoằng pháp, hóa độ.
Một lần nữa, hy vọng về “chùa trong trường
học”, “trường học trong chùa” đối với Việt Nám Quốc Tự được nhắc lại.
CS
MT: Đa tạ HT. Kính chúc HT an lạc. Kính chào HT.
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và
các bài tranh luận đặc biệt:
vinasat132@yahoo.com,
vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.