Khua leng keng chức vụ

khua

Minh Thạnh

Đối lại với những bài viết của tôi có nội dung không đồng tình với việc một tu sĩ sửa, đổi, thêm, bớt, viết xen, thay tựa, cắt cụt kinh Phật, người ta lại đi làm cái việc… nêu các chức vụ của vị tu sĩ đó.

Vì vậy bài viết này sẽ nhân đó bình luận cái cách giải quyết những vấn đề bằng cách khoe chức vụ, xu thế trưng bày và tự sướng với nhiều chức vụ. Khi đối mặt với vấn đề thì không cần lập luận, không cần cơ sở học thuật, năng lực giải quyết, mà chỉ kê chức vụ như một kiểu thần chú hộ mệnh.

Trong đạo Phật có một xu thế như vậy. Tuy là thiểu số, nhưng cũng không khỏi ảnh hưởng.

Nhận chức mà không nhận việc đó là vấn đề được một vị tôn đức nêu ra mà chúng tôi đã có dịp đề cập.

Thế nhưng, tệ hơn, nhận không chỉ một chức mà nhiều chức. Rồi khi cần giải quyết vấn đề thì kêu những chức vụ đó ra, để nghĩ là nhờ những chức đó mà người ta “sợ”, không cần tư duy, luận cứ, phân tích, chứng minh gì cả. Kêu đủ các chức vụ là tự an tâm.

Nhiều chức, có chức chỉ nhận chức không nhận việc trong bộ máy Phật giáo là một trong những nguyên nhân làm Phật giáo Việt Nam suy thoái.

Người ta không cần làm việc, không căn cứ vào năng lực, sức khỏe,  tuổi làm việc… để tuyển chọn nhân sự.

Mà căn cứ vào hạ lạp, giáo phẩm, rồi từ đó có nhiều chức.

Năng lực làm việc và hạ lạp là 2 việc rất khác nhau. Hai bên không nhất thiết tỷ lệ thuận. Đi tu, có khi nhiều hạ lạp, thì tuổi của vị tu sĩ đã cao. Hạ lạp cao tỷ lệ thuận tuổi cao. Mà tuổi cao thì sức làm việc đã hết.

Tuyển chọn nhân sự đối với công chức, ngày nay, tuổi cao không còn là một thuận lợi để đề bạt, mà đã ngược lại.

Nhưng có thể sẽ có ý kiến là trong đạo sẽ khác, vì vậy, hội đồng lãnh đạo thành hội đồng bô lão.

Thôi thì chấp nhận như thế. Nhưng một người nhận ba, bốn, năm, sáu chức, đủ mọi lĩnh vực: giáo tế, truyền thông, giáo dục, nghiên cứu…

Để rồi ngay trong học thuật, người ta không dùng tư duy, lý lẽ, luận cứ, mà coi đó là dịp để khoe chức, gọi chức, liệt kê chức, chưng bày chức.

Không cần đi vào vấn đề, chỉ khua leng keng chức vụ là đủ.

Và cho rằng khua chức như vậy là đủ giải quyết.

Ở một số tôn giáo cũng có chuyện này. Chức vụ kêu nghe rền vang như trong truyện Tàu Phong Thần, Tây Du… Mà đâu phải chỉ chức vụ trần thế, hữu hình, mà là chức vụ “thiên cung”, “vô hình”.

Rồi có tôn giáo tới chức nào đó thành “đức”. Có chức là có… “đức”.

Nhưng dường như ở họ rất ít kiêm nhiệm, chức trên thiên đình hay “đức” thì chỉ có một dòng trên danh thiếp.

Đàng này, ở Phật giáo có trường hợp nếu in đủ, thì 2 mặt danh thiếp cũng còn thiếu.

Cầm những tấm danh thiếp như thế, hay nghe kê trên các bài viết, thì những người đi làm việc đương nhiên sẽ thắc mắc, làm sao bảo đảm ngày công, giờ công.

Chỉ là một hiệu trưởng thôi chẳng hạn, lịch làm việc đã kín tuần. Mỗi tháng vắng mặt vài buổi đã có vấn đề về thi đua. Vắng nhiều hơn là không còn có thể có chức.

Có chức nhiều quá thì làm sao để mà làm việc, trừ khi có phép phân thân.

Thành ra có chức thành cái để dùng khi giải quyết những vấn đề. Trong bài viết, người ta kêu chức ra trước hết, y như thần chú trong Phong Thần, Tây du hay những truyện ít tiếng tăm hơn nhưng vẫn giàu tưởng tượng về bùa phép.

Trong tranh luận, xem ra khua leng keng chức tước như vậy mà chẳng biết ngượng. Lại còn có vẻ tự tin hơn vì mình có nhiều chức rồi tự sướng lấy, thỏa mãn khi so với đối phương.

Rồi suy bụng ta ra bụng người, nghĩ là chức tước cũng sẽ có vai trò gì đó đối với người. Rồi tất nhiên so 2 chức tước, để thấy mình hơn để lại tự sướng, tự ngoe ngoắt mừng rỡ, tự run người thỏa mãn.

Hành động đó bộc lộ mặc cảm thua sút về trí tuệ, hạn chế năng lực, yếu kém trong kỹ năng, nên cần dựa vào có chức là cái không phải tự mình có, mà được phong cho, bằng những tờ giấy có đóng dấu đo đỏ.

Và không những là mặc cảm mà là một thực tế. Vì không có gì để biện luận, trống rỗng ngoài việc có chức. Như vậy, nếu không cậy vào có chức thì biết cậy vào đâu?

Vì vậy, không lạ gì khi đọc những bài viết, mà cơ sở lập luận là có chức.

Hiện nay, trên báo chí, việc kê một dãy chức vụ đã rất hiếm, trừ một trường hợp. Đó là cáo phó!

Nó cũng như là một số người làm hình thờ có tự tỏa hào quang vậy.

Mong rằng người ta sẽ tự biết ngượng với kiểu làm khoe chức hay tự làm hình chưa phải hình thờ mà chà chuột tỏa hào quang. Tuy có thể có người nghe những chức không việc đó mà nể, xem hào quang chuột (chà chuột vi tính để tạo ra) là thật, nhưng có một số khác sẽ khinh miệt vì sự trơ trẻn và kệch cỡm.

Nhưng biết làm sao được, khi chỉ có khả năng lén lút sửa, đổi, thêm, bớt, viết xen, xáo trộn lời lẽ của thánh nhân, rồi biện luận bằng cách… khoe chức! Không thể thảo luận một cách minh bạch, sòng phẳng, có lý lẽ với ma được.

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt, xin gởi về: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle