Minh
Đức Triều Tâm Ảnh
Trong
xã hội mà đạo đức băng hoại,
độc ác, bạo tàn, vô cảm và cuồng tín xảy ra
khắp nơi thì một tình thương, một việc
lành, một nghĩa cử cao đẹp đều như
viên ngọc quý, có ai tu hành dầu theo pháp môn nào cũng đều
làm cho con người trở nên tốt hơn. Và quả
thật, từ hơn hai nghìn năm trước cho
đến nay, Phật giáo đi đến đâu thì mang
lại trí tuệ và từ bi đến đấy, chưa
làm tổn thương ai, dù là con sâu, cái kiến. Vậy thì
Phật giáo nói chung, các tông phái Phật giáo nói riêng, ai có
sứ mạng nấy, tuỳ căn cơ trình độ
của chúng sanh, tuỳ lịch sử và thời
đại, tuỳ quyền biến, tuỳ phương
tiện nên chúng có thể sai khác, dị biệt chút ít,
nhưng tựu trung, vẫn có cái chung nhất: “Không làm
điều ác, làm các việc lành và giữ tâm trong sạch”.
Như
vậy thì trong Phật giáo, ai là người tu hành chơn
chánh, dẫu theo pháp môn nào cũng đều
được cả. Người căn cơ trí tuệ
thì tu Thiền tông, Thiền minh sát. Người căn
cơ tinh tấn thì sống với hạnh phục vụ
chúng sanh. Người căn cơ đức tin thì tu
niệm ân đức Phật, đức Pháp, đức
Tăng, niệm Phật A-di-đà, niệm Quán Thế Âm.
Trí tuệ thì “tự lực, tự giác”. Tinh tấn
thì “phục vụ để hoàn toàn, hoàn toàn để
phục vụ”. Đức tin, ban đầu tuy “nương
tựa tha lực” cho đến lúc tự mình lên
đường thì lúc ấy cũng “tự lực,
tự giác” được vậy.
Kinh
A-di-đà hậu tác khoảng 600 sau Phật Niết-bàn,
được lấy cảm hứng từ câu chuyện
vua Ajātasattu (A-xà-thế) do tham vọng vương
quyền, lại còn bị Devadatta
(Đề-bà-đạt-đa) xúi giục nên bắt giam vua
cha Bimbisāra vào ngục. Mẹ của Ajātasattu là hoàng
hậu Videhi (Vi-đề-hi) bí mật mang thức ăn vào
cho chồng, nhưng vài lần bị Ajātasattu phát
hiện, ngăn cấm. Cuối cùng đức vua
Bimbisāra chết đói trong ngục tối. Hoàng hậu
Videhi đau khổ tột cùng, bà chán ngán trần gian, chán
ngán và ghê sợ tâm địa độc ác của con bà.
Vốn là một cận sự nữ thuần thành, bà
hướng tâm đến đức Phật, ngầm
hỏi ngài là trên thế gian này, có cảnh giới nào không
có những con người hung hiểm, độc ác, mà
chỉ thuần là kẻ thiện hiền, sống một
đời an lạc, hạnh phúc chăng? Khởi tâm bi
mẫn, đức Phật xuất hiện, dùng oai lực
thần thông cho bà thái hậu đau khổ thấy sáu
cảnh trời Dục giới, nơi các vị chư
thiên, do phước báu hoá sanh đang thọ hưởng
niềm vui ngũ dục, không có cảnh bạo tàn và ác
độc như nhân gian. Đặc biệt, đức
Phật giới thiệu cung trời Đẩu Suất,
vừa đầy đủ hạnh phúc vật chất
vừa đầy đủ hạnh phúc tinh thần, là
nơi thường có chư đẳng giác bồ-tát
ngụ cư, hằng thuyết pháp cho thiên chúng. Sau đó,
thái hậu Videhi hỏi Phật là muốn sanh về
cảnh giới hạnh phúc ấy thì phải làm thế
nào? Và đức Phật đã cặn kẽ chỉ
dạy cách tu tập, là phải đầy đủ
năm giới, mười lành, phải đầy
đủ tín, giới, văn thí, tuệ như thế nào.
Và cuối đời, thái hậu Videhi cố gắng,
chăm chuyên tu tập như lời Phật dạy
để mong hoá sanh vào cảnh trời Đẩu
Suất.
Theo
tinh thần kinh điển Nikāya là vậy. Nhưng theo
nguồn gốc văn bản Vô Lượng Thọ kinh
(Amitāyurdhyāna Sūtra) thì có sai khác chút
ít:
“-
Đức Phật tiếp tục giảng giải
những công hạnh tu tập cần thiết để
quy hướng về cõi Tịnh độ của
đức Phật A-di-đà. Những công hạnh nầy
là “Ba nghiệp thanh tịnh,” gồm kính trọng cha mẹ
và sư trưởng, giữ giới và tụng
đọc kinh điển Đại thừa. Qua
năng lực thần thông, đức Phật đã cho
Hoàng hậu Vi-đề-hi và những người thân
thấy được cảnh giới Tịnh độ
của đức Phật A-di-đà và nhờ đó mà bà
chứng được vô sanh pháp nhẫn.
Không
lo âu về thọ mạng trong đời sau thì sẽ không
có được sự lợi lạc từ lời “khai
thị” của đức Phật, Hoàng hậu
Vi-đề-hi thưa hỏi về phương pháp tu
tập để được vãng sanh. Để trả
lời, đức Phật đã dạy cho bà 16 pháp quán,
bắt đầu với pháp quán về mặt trời
mọc ở cõi Ta-bà nầy, và chuyển sang kích
thước vật lý của cõi Tịnh độ
(Sukhāvati), như đất đai, cây cối, ao hồ;
rồi nói về đức Phật A-di-đà và các vị
Bồ-tát trợ thủ như Bồ-tát Quán Thế Âm và
Bồ-tát Đại Thế Chí. Ba pháp quán sau cùng đề
cập đến các đối tượng của chín
phẩm vãng sanh và chi tiết từng phẩm hạng mà
mọi người có khả năng đạt
được. Lời chỉ dạy của đức
Phật về 16 pháp quán tạo thành chủ đề chính
trong phần chánh văn của bộ kinh. Kinh Quán Vô
Lượng Thọ kết thúc bằng sự quả
quyết rằng Hoàng hậu Vi-đề-hi chắc
chắn sẽ được vãng sanh, và khuyến tấn
người đọc truyền bá sâu rộng giáo nghĩa
kinh văn”.
Còn
theo Bách khoa mở thì:
“- Quán Vô Lượng Thọ kinh Amitāyurdhyāna Sūtra)
là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh độ tông. Kinh
miêu tả thế giới phương Tây của
Phật A-di-đà và dạy cách hành trì: sống
thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu
Phật A-di-đà, hành giả thoát khỏi các nghiệp
bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh
độ của A-di-đà. Kinh này chỉ rõ quá trình phát sinh
giáo pháp của Tịnh độ tông và thật ra đã
được đức Phật lịch sử Thích-ca
trình bày. Tương truyền rằng, hoàng hậu
Vi-đề-hi, mẹ của vua A-xà-thế,
bị con mình bắt hạ ngục cùng với chồng là
vua Tần-bà-sa-la (sa.,
pi. bimbisāra). Bà nhất tâm cầu nguyện Phật
và khi Phật hiện đến, bà xin tái sinh nơi một
cõi yên lành hạnh phúc. Phật dùng thần lực cho bà
thấy mọi thế giới tịnh độ, cuối
cùng bà chọn cõi Cực
lạc của A-di-đà. Phật dạy cho bà phép
thiền định để được tái sinh
nơi cõi đó. Phép thiền định này gồm 16 phép
quán tưởng, và tuỳ theo nghiệp lực của chúng
sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp
bậc của Tịnh độ.
Mười
sáu phép quán tưởng đó là: quán mặt trời lặn;
quán nước; quán đáy sông; quán cây cối; quán
nước cam lộ; quán thế giới thực vật;
quán nước và đáy nước; quán toà sen; quán ba báo
thân của ba vị thánh A-di-đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí; quán ba
ứng thân của Phật A-di-đà; của Quán Thế Âm;
của Đại Thế Chí; quán A-di-đà trong Tịnh
độ; quán ba vị thánh trong Tịnh độ; quán
cấp thượng căn trong Tịnh độ; quán
cấp trung căn và hạ căn trong Tịnh độ.
Các phép quán này giúp hành giả có thể thấy
được A-di-đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế
Âm và Đại Thế Chí ngay trong đời này và đó là
dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ
được tái sinh về Tịnh độ.
Đọc
mấy đoạn văn trên, độc giả có thể
dễ dàng nhận thấy chỗ nào là cận nguyên
thuỷ, chỗ nào là của tư tưởng phát
triển (Những cụm từ như tụng
đọc kinh điển đại thừa, vô sanh pháp nhẫn
và 16 phép quán tưởng chưa hề thầy trong
hơn 25 bộ phái Tiểu thừa và Đại chúng
bộ sau cuộc kêt tập kinh điển lần thứ
3, thời vua Asoka, 216-218 năm sau Phật Niết-bàn).
Thật
ra, hầu như một số ngôn ngữ, hình ảnh,
biểu tượng của kinh A-di-đà đều
được triển khai từ các Nikāya nguyên
thuỷ. Ta có thể đối chứng một vài.
1-
Cảnh giới Tịnh Độ Di-đà :
“Lại
nữa Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực
Lạc có bảy tầng lan can, bảy tầng mành
lưới, bảy tầng hàng cây, đều do bốn
thứ báu bao bọc chung quanh, cho nên cõi đó gọi là
Cực Lạc.
Lại
nữa Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực
Lạc có ao làm bằng bảy báu, nước có tám thứ
công đức, đầy dẫy trong đó, đáy ao dùng
cát vàng rải làm đất, bốn bên thềm
đường, dùng vàng bạc, lưu ly, pha lê hợp làm
thành, phía trên có lầu các, cũng dùng vàng bạc, lưu ly,
pha lê, xa cừ, châu đỏ, mã não nghiêm sức. Hoa sen
trong ao lớn như bánh xe, hoa màu xanh thì ánh sáng xanh, màu vàng
thì ánh sáng vàng, màu đỏ thì ánh sáng đỏ, màu
trắng thì ánh sáng trắng, tốt đẹp thơm tho
trong sạch. Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực
Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế.
Lại
nữa Xá Lợi Phất ! Cõi Phật đó
thường trổi nhạc trời, đất bằng
vàng ròng, ngày đêm sáu thời, mưa xuống hoa trời
Mạn Đà La. Chúng sinh cõi đó, thường vào buổi
sáng sớm, đều lấy túi y đựng đầy
hoa đẹp, đem đi cúng dường vạn ức
Đức Phật trong mười phương, khi
đến bữa ăn bèn trở về nước
của mình, ăn cơm xong đi kinh hành. Xá Lợi
Phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công
đức trang nghiêm như thế.
Lại
nữa Xá Lợi Phất ! Cõi đó thường có
đủ thứ chim lạ đẹp đủ
màu như : Chim hạt trắng, khổng tước,
anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, cộng mệnh.
Các thứ chim đó, ngày đêm sáu thời, vang ra tiếng
hoà nhã. Tiếng đó diễn nói pháp : năm căn, năm
lực, bảy bồ đề phần, tám thánh
đạo, các pháp như vậy thảy, chúng sinh trong cõi
đó, nghe tiếng đó rồi, đều niệm
Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Xá
Lợi Phất ! Ông chớ cho rằng những thứ
chim đó là do tội báo sinh ra. Vì sao ? Vì cõi Phật
đó chẳng có ba đường ác. Xá Lợi Phất !
Cõi Phật đó tên ba đường ác còn không có, hà
huống là có thật. Những thứ chim đó đều
do Đức Phật A Di Đà, muốn khiến cho pháp âm
tuyên lưu mà biến hoá làm ra. Xá Lợi Phất ! Cõi
Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu,
và các mành lưới báu, vang ra âm thanh vi diệu, ví như
trăm ngàn thứ nhạc, đồng thời hoà tấu,
người nghe tiếng đó rồi, tự nhiên
đều sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm
Tăng. Xá Lợi Phất ! Cõi Phật đó thành
tựu công đức trang nghiêm như thế”.
Và
sau đây là cảnh giới của đức vua Chuyển
Luân thánh vương (Đức vua Thiện Kiến):
“-
A-nan, ở chung quanh bên ngoài Câu-thi vương thành, có
bảy lớp hào. Hào ấy được xây bằng
gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
Đáy hào cũng trải cát bằng bốn loại báu là
vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
“Này
A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp tường
thành bao bọc bên ngoài. Những lớp tường thành
ấy cũng được xây bằng gạch bốn báu
là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
“Này
A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp hàng cây Đa-la
bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh bao
bọc xung quanh. Cây Đa-la bằng vàng thì hoa, lá và trái
bằng bạc. Cây Đa-la bằng bạc thì hoa, lá và trái
bằng vàng. Cây Đa-la bằng lưu ly thì hoa, lá và trái bằng
thủy tinh. Cây Đa-la bằng thủy tinh thì hoa, lá và trái
bằng lưu ly.
“Này
A-nan, ở giữa những cây Đa-la có đào nhiều
hồ sen; hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen
đỏ và hồ hoa sen trắng.
“Này
A-nan, bờ hồ hoa ấy được đắp
bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
Ở đáy hồ thì rải cát bằng bốn báu là vàng,
bạc, lưu ly và thủy tinh. Trong thành hồ ấy có
thềm cấp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly,
thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì bậc chân
bằng bạc, thềm cấp bằng bạc thì có
bậc chân bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì
có bậc chân bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng
thủy tinh thì có bậc chân bằng lưu ly.
“Này
A-nan, xung quanh hồ ấy có câu lan bằng bốn báu,
lưỡi câu là vàng bạc, lưu ly, thủy tinh. Lan can
bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can
bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can
bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan
can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.
“Này
A-nan, hồ ấy được trùm bởi màn
lưới có chuông treo ở giữa. Chuông ấy làm
bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông
bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng
lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông
bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.
“Này
A-nan, trong hồ ấy trồng nhiều loại hoa
dưới nước như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa
sen đỏ, hoa sen trắng; thường có nước,
có hoa, không có người trông giữ ngăn cấm vì
thuộc về tất cả mọi người.
“Này
A-nan, ở bờ hồ ấy có trồng nhiều loại
hoa như hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa
Kiện-đề, hoa Ma-đầu-kiện-đề, hoa
A-đề-mâu-đa, hoa Ba-la đầu.
“Này
A-nan, bên các bờ hồ sen ấy, có nhiều người
nữ thân thể nõn nà, sạch sẽ, trong sáng, sắc
đẹp hơn người, chẳng kém thiên nữ,
tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng thấy vui thích,
được trang sức đầy đủ các
loại ngọc báu; những người nữ ấy
bố thí tùy theo nhu cầu của mọi người
như đồ ăn thức uống, áo, chăn, xe
cộ, nhà cửa, giường nệm, đệm lông
ngũ sắc, tôi tớ, đèn dầu... đem cung cấp
đầy đủ.
“Này
A-nan, lá cây Đa-la ấy lúc gió thổi thì phát ra âm thanh
cực kỳ vi diệu, cũng như năm loại
kỹ nhạc được nhạc sư tài ba tấu
lên thì có âm thanh hết sức hài hòa, tuyệt diệu. Này
A-nan, lá cây ấy lúc gió thổi cũng lại như
vậy”.
2-
Về thời gian tu tập:
-
Kinh A-di-đà:
“Xá
Lợi Phất ! Nếu có người thiện nam
thiện nữ nào, nghe nói về Đức Phật A Di
Đà, mà trì danh hiệu của Ngài: hoặc một ngày,
hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc
năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một
lòng không tán loạn, thì người đó khi lâm chung, sẽ
được Đức Phật A Di Đà và các Thánh chúng,
hiện ra ở trước người đó, lúc người
đó lâm chung, tâm không điên đảo, liền
được vãng sinh về cõi Cực Lạc của
Đức Phật A Di Đà. Xá Lợi Phất ! Ta
thấy lợi ích đó, nên nói lời nầy. Nếu có
chúng sinh nghe nói như thế, phải nên phát nguyện, sinh
về cõi đó”.
-
Kinh Niệm xứ:
“-
Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ
này như vậy trong bảy năm, sáu năm, năm
năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm,
bảy tháng, sáu tháng, năm tháng, bốn tháng, ba tháng, hai
tháng, một tháng, trong nửa tháng; không cần nửa tháng,
chỉ cần trong bảy ngày, vị ấy có thể
chứng một trong hai quả sau đây: Một là
chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn
hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các
Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất
đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt
khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành
tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn
Niệm xứ”.
3-
Niệm Phật của Nguyên thuỷ:
Niệm Phật trong thiền định nguyên thủy dành
cho hành giả có căn cơ đức tin (saddhā),
tất là có tánh tín (saddhācārita) vượt trội
hơn các tánh khác. Có hai cách niệm sau đây:
3.1-
Niệm danh hiệu: Trong 9 hồng ân Phật sau
đây: Arahaṃ (Ứng Cúng), Sammā Sambuddho (Chánh Biến
Tri), Vijjā-carana Sampanno (Minh Hạnh Túc), Sugato (Thiện
Thệ), Lokavidū (Thế Gian Giải), Anuttaro Purisa Damma
Sārathi (Vô Thượng Sĩ Điều Ngự
Trượng Phu), Satthā Deva Manussānam (Thiên Nhân Sư),
Buddho (Phật), Bhagavā (Thế Tôn) – hành giả thấy
danh hiệu nào hợp với căn cơ, tâm tánh của
mình thì lựa chọn để niệm. Phải chú tâm,
tinh cần, miên mật và đặt trọn niềm tin
của mình trong khi niệm. Có thể niệm “Arahaṃ,
Arahaṃ...” hay “Buddho, Buddho...” thành lời sau đó
niệm thầm trong tâm; niệm liên tục, không gián
đoạn, không để cho bất kỳ một tạp
niệm nào xen vào cho đến khi tâm được an trú
trong “nhất niệm”, hay cận hành định
(upacāra).
3.2-
Niệm ân đức:
Ví dụ: Arahaṃ là tự tánh thanh tịnh của chư
Phật ba đời, có ba đức (guṇa): Một, Vô
Lậu, là đoạn tận vô minh, phiền não, thực
chứng Trí Tuệ Vô lậu viên mãn (Anāsava Sabbaññutā
Ñāṇa). Hai, Vô Sanh, là chấm dứt sinh tử luân
hồi, đạt Vô Sanh Bất tử (Ajātāmata). Ba,
Vô Nhiễm, là thoát ly lậu hoặc, cấu uế, hoàn toàn
Thanh Tịnh Vô nhiễm (Amala Visuddhi).
Cách
niệm ân đức này, hành giả nghĩ tưởng
hoặc niệm tưởng trong tâm, từ ân đức
một đến ân đức ba. Khi mà tâm hành giả liên
tục tràn ngập ba ân đức ấy thì mọi tạp
niệm lắng dứt, mọi tham ưu phiền não
tự động xa rời, và lúc ấy hành giả cảm
thấy thân tâm nhẹ nhàng, mát mẻ, có những thiền
chi như phỉ, lạc phát sanh; và cũng đạt
được nhất niệm hoặc cận hành
định giống như niệm hồng danh vậy.
4-
Niệm Phật A-di-đà:
4.1-
Niệm danh hiệu: Nếu niệm lục tự
Di-đà thì tương tự niệm danh hiệu Phật
như bên nguyên thuỷ vậy. Hành giả khi tu tập
cứ niệm mãi, niệm hoài hoặc một ngày, hai
ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày,
một lòng không tán loạn, thì người đó khi lâm
chung, sẽ được Đức Phật A Di Đà và
các Thánh chúng, hiện ra ở trước người
đó, lúc người đó lâm chung, tâm không điên
đảo, liền được vãng sinh về cõi
Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Ở đây, ta lưu ý, bên nguyên thuỷ, khi đạt
nhất niệm, tức cận hành định thì tâm
không còn tán loạn, tâm không còn điên đảo, tâm đã
thanh tịnh (tham ưu, phiền não đã lắng
dịu). Nói cách khác, “nhất cú Di Đà vô biệt
niệm (nhất niệm), bất lao đàn chỉ đáo
Tây phương”. Và khi tâm đã thanh tịnh rồi thì “tuỳ
kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”,
ở đây và bây giờ.
4.2-
Niệm tự tánh:
Nếu
tự tánh của chư Phật có ba đức thì niệm
Phật A-di-đà cũng có ba đức: Một, Vô
Lượng Quang (Amitābhā) là biểu tượng cho
Vô Lậu: Trí tuệ vô lậu viên mãn (Anāsava Sabbaññutā
Ñāṇa). Hai, Vô Lượng Thọ (Amitāyur) là
biểu tượng cho Vô Sanh: Chấm dứt luân hồi
sinh tử, đạt Vô Sanh Bất Tử (Ajātāmata).
Ba, cõi Cực Lạc (Sukhāvatīvyūha) cõi Tịnh
Độ là biểu tượng cho Vô Nhiễm: Thoát ly
lậu hoặc, cấu uế, hoàn toàn Thanh Tịnh Vô
Nhiễm (Amala Visuddhi).
Hoá
ra dù niệm danh tướng, tự tánh thì ý nghĩa hay
chứng nghiệm đều giống nhau dù tên gọi có
khác. Lại nữa, một bên là thực tánh (Arahaṃ),
một bên là biểu tượng quyền biến thiện
xảo (A-di-đà) nhưng gặp gỡ nhau ở tâm thanh
tịnh cả. Do vậy, không ngạc nhiên gì khi hành
giả phái Tịnh độ thường hay nói: “Tự
tánh Di Đà, duy tâm tịnh độ!” Có nghĩa là,
tự tánh mình là Phật Di Đà, và tự tâm mình là cõi
Tịnh Độ” vậy.
5-
Còn tu tập nữa:
5.1-
Theo nguyên thuỷ:
Sau
khi hành giả niệm Phật đến nhất niệm
(còn một niệm, nhất cú Di Đà), tức cận hành
định (upacāra samādhi) là tâm thanh tịnh thuộc
cõi Dục giới. Niệm Phật thuộc tuỳ
niệm (anussati), chỉ có khả năng đạt
cận định chứ không thể đạt sâu
hơn. Nếu muốn đạt nhất tâm (ekaggatā),
đắc an chỉ định (appanā samādhi),
tức là tâm thanh tịnh thuộc cõi Sắc giới thì phải
chuyển đổi đề mục sang niệm (sati)
hơi thở, niệm thân hoặc các đề
mục như đất, nước, lửa, gió... Tuy
nhiên, không cần phải đi sâu vào định, chỉ
cần cận hành định là hành giả có thể
chuyển qua tu tập minh sát tuệ, quán ngũ uẩn,
mười hai duyên khởi để thấy rõ tam
tướng, đi vào dòng thánh.
5.1-
Theo kinh A-di-đà:
Khi
niệm Phật đến chỗ “nhất tâm bất
loạn” , thì tâm đã là cõi Tịnh Độ rồi. Do
kinh Di Đà là kinh phương tiện, kinh biểu
tượng, cho nên ta phải đọc ra đằng sau
ngôn ngữ và đằng sau hình ảnh biểu tượng
đề tìm cho ra cái thực. Vậy, đến cõi
Tịnh Độ rồi, hành giả cũng còn cần
phải tu tập, ta hãy nghe: “Này Xá-lơi-phất! Cõi
đó thường có đủ thứ chim lạ
đẹp đủ màu như: Chim hạt trắng,
khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần
già, cộng mệnh. Các thứ chim đó, ngày đêm sáu
thời, vang ra tiếng hoà nhã. Tiếng đó diễn nói
pháp: năm căn, năm lực, bảy bồ đề
phần, tám thánh đạo, các pháp như vậy thảy,
chúng sinh trong cõi đó, nghe tiếng đó rồi,
đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.
Vậy
là đã rõ, còn phải tu 37 trợ đạo phẩm, trong
đó có Bát Chánh Đạo, tức Đạo Đế,
con đường thành tựu chánh trí, giác ngộ, giải
thoát, Vô Sanh, Niết-bàn!
Cầu
nguyện cho muôn triệu người tu tập pháp môn
niệm Phật Di Đà: “Nguyện sanh Tây phương
Tịnh độ trung, Cửu phẩm liên hoa vi phụ
mẫu (cửu phẩm là 4 đạo, 4 quả và 01
Niết-bàn), Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh (chứ
không phải Hữu Sanh), Bồ Tát bất thối vi
bạn lữ (bất thối vì đã vào dòng giải thoát
rồi).
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM
ẢNH