Tâm lý học tích cực - Hồi ức về cuộc sống ở một tu viện Tây Tạng

hoi uc

 

Margaret Blanch

 

 

  Lần đầu tiên được gặp một vị sư Tây Tạng, tôi không thể tin là ông bình thường như thế nào. Ông tiếp chuyện với tôi bằng tiếng Anh và có vẻ rất tự tại, khiến tôi ngay lập tức cảm thấy rất thoải mái. Trước đó tôi cảm thấy khá lo lắng vì vừa nhận ra mình đang ở một nền văn hóa thật khác biệt. Đó là ở Darjeeling, Ấn Độ, nơi tôi sẽ dạy tiếng Anh trong một tu viện Tây Tạng trong khoảng bốn tháng. Tu viện này, thực ra là một viện cao học về Phật giáo Tây Tạng, ở trong một ngôi làng dưới các rãnh núi Hy Mã Lp sơn, mà tôi phải mất bốn tiếng lái xe Jeep để đến đây. Ở viện Phật học, các vị sư trẻ học lấy bằng Cử nhân về triết lý Phật giáo và tuân giữ thời khóa kỷ luật mỗi ngày. Điều này bao gồm việc trì kinh một mình và chung với chúng, học kinh điển, dự các lớp tiếng Tây Tạng, phụ việc trong bếp, và thư giãn chút ít. Nhiều vị sư chơi đá banh, đá cầu khi Khenpo (thầy hiệu trưởng) không có mặt quanh đó, với những món đồ tự chế từ những thứ vương vãi quanh đó như là các áo cũ.

Trước khi đến Ấn Độ, tôi là một sinh viên ngành tâm lý ở Melbourne, Úc. Tôi xin nghỉ sáu tháng để du lịch đến đây và dự định sẽ trở về học năm cuối là năm học mà giờ tôi đã hoàn tất. Tôi muốn tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng sau những gì tôi đã học được ở hai trung tâm Phật giáo Đại thừa ở Anh quốc năm năm về trước. Ở đó tôi cũng học được các khái niệm về hội họa Tây Tạng, đặc biệt là tranh mandala. Điều này giúp tôi khi sống ở tu viện có thể hiểu được những gì là niềm tin sâu sắc của người tu sĩ cũng như những mục tiêu cá nhân của họ, tuy nhiên nó không thể giúp tôi đoán được phong cách qua đó họ biểu hiện những điều này trong cuộc sống đời thường.

Điều tôi thích nhất trong Phật giáo là nó chú trọng đến sự hiểu biết sâu xa về tâm. Và ai cũng dường như rất hạnh phúc! Vị thầy Tây Tạng giải thích rất rõ ràng cho tôi nhiều khái niệm trong Phật giáo. Ông dạy rằng nếu tôi muốn tìm hiểu về Phật giáo và tâm lý học thời tôi nên đọc về Vi diệu pháp, giáo lý có tính cách tâm lý của Đức Phật, và kinh điển Đại thừa của hệ phái Đại thừa. Các giáo lý này cho tôi thấy sự hiểu biết về tâm có thể sâu sắc đến mức nào dưới cái nhìn của Phật giáo. Tôi cũng nhận ra được sự tương ưng giữa tâm lý học phương Tây và triết lý Phật giáo, thí dụ sự phân tích tâm một cách có hệ thống và sự chú trọng vào việc giảm thiểu căng thẳng để được an lạc.

Các vị sư ở đây sống dường như rất hạnh phúc dù cuộc sống của họ đơn giản. Họ sở hữu rất ít vật chất hay gần như không có gì, thực phẩm dường như không thay đổi ở mỗi bữa ăn (không có nhiều loại rau củ ở các chợ gần đó), và không luyến ái gia đình giống như tôi. Khi tôi đến tu viện, quý sư nói họ không thể tưởng sao tôi mang nhiều thứ đồ đến thế!  Khi tôi hỏi lý do, họ bảo họ không có nhiều thứ thì không phải lo mất chúng.

Quý sư không phàn nàn về thực phẩm, không luôn muốn ăn những món lạ, món mới. Vào những ngày đặc biệt, chúng tôi được dùng momo (bánh bao Tây Tạng) thay vì cơm.  Nhưng các vị trường chay thì vẫn dùng cơm mà vẫn vui vẻ. Tôi thì ngược lại luôn mong ngóng tới những ngày được thưởng thức các món ngon, thức lạ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, các sư huynh sẽ nấu món họ ưa thích, như bánh bao phô mai, trong thất của họ. Dường như họ thích những món đơn giản, mộc mạc, họ hoàn toàn hạnh phúc với điều đó.

Mới đến tu viện hai ngày tôi đã tìm gặp hai vị thầy vì cảm thấy rất phiền não. Tôi cảm thấy mình ở trong một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, khó hòa hợp. Không thể trao đổi, chia sẻ với ai dễ dàng nên tôi càng thấy nhớ nhà. May mắn là các vị sư này nói được tiếng Anh.  Họ khiến tôi cảm thấy được an ủi hơn khi biết rằng họ đã xa cách gia đình hơn mười hay mười lăm năm nay mà không nhớ đến gia đình. Họ đã đi bộ từ Tây Tạng đến Ấn Độ, và đã phải chịu đựng bao nhiêu điều khổ sở mà tôi không thể tưởng được. Tôi đoán là họ không hiểu tại sao tôi khóc khi tôi phải giải thích với họ tôi cảm xúc như thế nào và lý do, trong khi ý nghĩ nhớ nhà dường như rất lạ lẫm đối với họ. Họ có lời khuyên cho tôi – hãy xem Star Movies (phim về các hành tinh) - mỗi đêm khi các sư học hành! Tôi nhẹ cả người khi biết không có việc hành thiền trong đó.

Trải nghiệm này cho thấy rằng các vị sư chỉ sống trong từng phút giây, chú tâm nhất đến giây phút hiện tại, chứ không phải dựa vào quá khứ hay tương lai. 

Điều đó giải thích tại sao họ không bám víu vào những tình cảm trong quá khứ, và có thể làm bạn lành của nhau. Những tình bạn này dầu không nhất thiết hay tiêu cực nhưng chúng luôn có mặt trong hiện tại. Tôi phải làm quen với cách tạo mối tương quan này. Tôi thấy từ goodbye không được sử dụng nhiều và quý sư có khi đi đâu đó một khoảng thời gian mà không hề nói gì, hoặc tự nhiên thông báo sẽ đi đâu đó, nhưng bạn phải làm quen với điều đó thôi!

Điều này tỏ rõ quan điểm của Phật giáo về vô thường trong cuộc sống hằng ngày và sự quan trọng của việc không bám víu vào những luyến ái tiêu cực. Chính cảm nhận rằng chúng ta không thể luôn tính toán, làm chủ hay bám víu vào điều gì, dầu tốt hay xấu, có nhiều khả năng giúp ta được ổn định tâm lý và tu tập.

Điều làm tôi ngạc nhiên khi sống ở tu viện là tôi rất được coi trọng, và quý sư cũng rất tử tế với tôi. Tôi chưa bao giờ ở trong một vị thế được tôn trọng như thế, hình như người thầy ở tu viện này được ngưỡng mộ nhiều hơn so với ở đất nước tôi. Trong lớp dạy đầu tiên của tôi, Khenpo đã nói với các vị sư là tôi sẽ là một cô giáo tuyệt vời vì tôi đã qua trường lớp ở đại học. Còn tôi thì chỉ nghĩ đến việc mình không có chút kinh nghiệm dạy học nào, và thường nghĩ ra các giáo trình trong một phút bất chợt nào đó.

Tuy nhiên, tôi không chỉ được coi trọng trong lớp học, mà dường như trong mọi sinh hoạt khác của tôi. Tôi được mời dùng bữa đã được chuẩn bị cho ngài Rinpoche (vị lãnh tụ tôn giáo ở tu viện, 13 tuổi) để ngài Rinpoche có thể thực tập giao tiếp bằng tiếng Anh. Phụ tá của ngài Rinpoche luôn cố gắng tìm cách giúp đ tôi. Sư dạy tôi nấu các món ăn Tây Tạng, và khi tôi bệnh, Sư còn nấu ăn cho tôi. Tôi không có thói quen luôn nhận được sự phục vụ. Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi hỏi mượn cây chổi để quét phòng, tôi được báo là phụ tá của tôi sẽ làm việc ấy. Cho tới lúc đó tôi không hề biết là vị sư mang bình thủy nước nóng cho tôi mỗi buổi sáng là phụ tá của tôi. Tôi phải tập chấp nhận rằng đó là nghi thức trong tu viện để không cảm thấy áy náy. Thật khác với ở quê hương tôi nơi việc phải dựa dẫm vào người khác và nhờ vào người khác là điều không được tốt. Trong lúc các vị sư cảm thấy cần phải giúp đỡ tôi và điều đó sẽ mang lại nghiệp lành cho họ. Và tôi cũng thấy đó là do lòng tôn trọng sâu sắc đối với mọi chúng sanh. Tất cả các vị sư đều tôn trọng lẫn nhau, không bao giờ đối xử tệ với các huynh đệ, không oán trách các sư trưởng. Vào cuối tuần khi các sư được phép xem truyền hình, ngài Rinpoche luôn được giữ cục điều khiển (remote control) và được ngồi ở ghế nệm. Các vị sư khác rõ ràng là rất thích được ở bên ngài, là bạn tốt của ngài, nhưng luôn biểu lộ lòng tôn kính vào bậc nhất đối với ngài.  Hành vi này có thể là do quan niệm vô ngã trong Phật giáo và sự chú trọng đến các mối liên hệ với người khác. Đó cũng có thể bắt nguồn từ giới luật cơ bản về lòng từ bi đối với người và sự tôn trọng đối với tất cả mọi sinh linh.

Thời gian ở tu viện giúp tôi có sự hiểu biết sâu xa đối với các quan điểm Phật giáo, giúp tôi hiểu chúng có thể hữu ích như thế nào đối với tâm lý học Tây phương. Quá trình hiểu, đoán biết và giải mã tư duy là một mối quan tâm lớn trong tâm lý học và nó có nhiều ứng dụng, kể cả việc giúp những người có vấn đề. Trong các xã hội phương Tây có rất nhiều người bị các bệnh như trầm cảm, tự ti. Tôi quan sát thấy là các Phật tử không quan niệm hay khổ vì các trạng thái này giống như thế. Tôi thấy rằng các quan điểm Phật giáo có thể được gắn với các phương cách chữa trị cho các bệnh này. Cụ thể là tâm lý học phương Tây lâu nay thường chú trọng đến việc chữa trị những vấn đề tâm thần tiêu cực, trong khi Phật giáo dường như nhấn mạnh đến việc làm phát khởi hạnh phúc, là điều có khả năng đem lại lợi ích cho mọi người. Điều này tương quan đến một lãnh vực trong tâm lý học Tây phương, được gọi là tâm lý học tích cực, chú trọng vào việc khuyến khích, tìm tòi những yếu tố đem lại an lạc. Tôi thấy rằng lãnh vực này sẽ còn ích lợi hơn nếu kết hợp với các khái niệm và phương pháp của Phật giáo. Thật vậy, bao gồm Phật giáo vào trong tâm lý học là điều tôi muốn phát triển xa hơn nữa.

Tôi rất hàm ân vì đã có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống trong một tu viện Phật giáo Tây Tạng, thu thập được những hiểu biết đặc biệt mà tôi không thể nào có được ở quê nhà. Tôi cảm thấy tri kiến đó hiển lộ cho tôi một cách cụ thể tới mức độ qua đó một tâm thức tích cực, tĩnh lặng có thể giúp ta đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống hiện đại. 

Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

(Chuyển ngữ từ A Psychology of Joy – Reflections from Living in a Tibetan Monastery, Tạp chí Buddhistdoor International, 2013-04-17. Bài viết này được in lần đầu tiên trên tờ Bodhi Journal, Số 2, Tháng 1, 2007).

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle