Tìm hiểu tín ngưỡng thờ xá-lợi

tim hieu

Ngày nay, nói đến Phật giáo người ta không thể phủ nhận hình thức tín ngưỡng vốn xuất hiện sau khi Đức Phật nhập diệt. Trong các loại tín ngưỡng thuộc Phật giáo thì tín ngưỡng thờ xá-lợi khá phổ biến tại nhiều nước theo truyền thống Phật giáo và có ảnh hưởng khá lớn trong sự tu tập tín mộ của tín đồ Phật giáo. Có thể nói rằng, tín đồ Phật giáo ít nhiều có nghe nói về xá-lợi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu rõ về nguồn gốc thờ xá-lợi, các chủng loại xá-lợi, hay mục đích và ý nghĩa việc thờ cúng xá-lợi. Bài viết này sẽ đề cập sơ lược về nguồn gốc thờ xá-lợi, các loại xá-lợi, mặt tích cực và những hạn chế của tín ngưỡng thờ xá-lợi.

Thờ xá-lợi theo lời Phật dạy

Sự chiêm ngưỡng và lễ bái xá-lợi để tỏ lòng cung kính Đức Thế Tôn đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Theo sử liệu, xá-lợi đầu tiên được biết đến là xá-lợi tóc và móng tay của Đức Phật được Ngài ban cho hai thương gia người Miến Điện tên là Tapassu và Bhallika. Tục truyền, hai bảo vật này hiệnvẫn còn tôn trí trong bảo tháp của chùa Swe Dagon, Miến Điện[1]. Một loại xá-lợi khác cũng được thừa nhận vào thời Đức Phật còn tại thế là cây bồ-đề. Người ta tin rằng chính Đức Phật đã dạy Ngài Ananda nên lễ bái cúng dường cây bồ-đề dù Đức Phật còn tại thế hay đã nhập diệt vì cây bồ-đề đã từng che mưa nắng cho Đức Phật. Ngài Ananda sau đó đã thuật lại lời dạy của Đức Phật cho các đại thí chủ nghe. Hiểu được ý nghĩa cao đẹp này, họ đã phát tâm trồng một cây bồ-đề và lấy tên là cây BồAnanda[2]. Theo thiển ý của người viết, vào thời điểm Phật tặng hai bảo vật này, chúng được xem như là kỷ vật hơn là vật để tôn trí lễ bái như tục truyền vừa nêu. Ý này đúng với lời dạy của Đức Phật cho Tôn giả Ananda.[3] Việc lễ bái cúng dường cây bồ-đề thời ấy ắt hẳn giống như lễ bái cúng dường Đức Phật. Nghĩa là, người ta bày tỏ lòng cung kính cúng dường theo văn hóa Ấn lúc ấy thay vì lễ lạy cầu nguyện hay cầu xin ban phước như đã và đang diễn ra sau này.

Sự thờ và lễ bái xá-lợi, theo cung cách tín ngưỡng, chỉ bắt đầu sau khi Đức Phật nhập diệt. Theo kinh Đại Bát-niết-bàn (Mahaparinibbana sutta) số 16 thuộc kinh Trường bộ, xá-lợi nhục thân của Đức Phật sau khi trà-tỳ được phân làm tám phần và chia cho tám nước để dựng tháp lễ bái cúng dường. Tương truyền, số xá-lợi trong tám tháp này về sau được vua A Dục (304 – 323 TTL) chia thành 84.000 phần và đựng trong 84.000 tháp báu nhỏ để thờ khắp các nước liên bang. Người viết cho rằng đây là con số biểu tượng hơn là con số thật. Con số 84.000 thường được nhắc trong giáo lý Phật giáo để chỉ cho 84.000 pháp môn. Thật ra, chưa ai có thể liệt kê đủ số pháp môn như thế. Có lẽ theo ý nghĩ này mà người ta cũng cho rằng vua A Dục phân chia xá-lợi Đức Phật ra thành 84.000 phần để thờ trong chừng ấy ngôi tháp. Người viết tự hỏi làm sao có thể phân chia chừng ấy xá-lợi ra thành 84.000 phần. Giả sử tất cả xá-lợi được trộn lại rồi cho thêm chất liệu gì khác thì có thể tạo ra 84.000 viên ngọc xá-lợi. Tuy nhiên, những xá-lợi Phật được phát hiện trong quá trình khai quật đã phủ nhận giả thuyết này. Vậy thì, giả thuyết hợp lý hơn là con số 84.000 chỉ là biểu trưng cho số nhiều hơn là con số thật.

Các loại xá-lợi đáng lễ bái

Xá-lợi của Đức Phật được phân ra thành ba loại. Đức Phật dạy có ba loại xá-lợi là vật có liên quan đến thân Đức Phật như răng, tóc (sarikira); các vật dụng riêng của Đức Phật như bình bát (paribhogika); và những vật để tưởng niệm Đức Phật như ảnh, tượng (uddesika)[4]. Theo học giả John S. Strong, xá-lợi được phân thành ba loại gồm xá-lợi thân (body relics), xá-lợi là những vật dụng có liên hệ đến Đức Phật (contact relics) như bình bát, y áo, cây bồ-đề…, và xá-lợi pháp (dharma relics) gồm các bài kinh, các bài kệ, các câu chú[5]. Cách phân chia của học giả Strong giống lời dạy của Đức Phật ở hai loại đầu và ông nhấn mạnh loại thứ ba bằng kinh điển (lời Đức Phật dạy) thay vì ảnh tượng. Ông cũng đã trích dẫn từ các học giả khác để bảo vệ cách phân chia này. Theo chúng tôi, cách phân chia của ông ảnh hưởng tinh thần Đại thừa theo kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thần lực. Ngoài ra, có rất nhiều xá-lợi nhục than, toàn thân hay toái thân (một phần) của Thánh Tăng thời Đức Phật cũng như các Thánh Tăng và chư Tổ từ sau khi Đức Phật nhập diệt đến nay. Tuy nhiên, việc phân biệt xá-lợi nào thật xá-lợi nào thuộc loại tín ngưỡng không phải ai cũng có thể làm được, nhất là trong thời đại xá-lợi bị lạm dụng như hiện nay.

Xá-lợi thật và xá-lợi tín ngưỡng

Xá-lợi Phật thật được xem như là bảo vật đối với quốc gia Phật giáo nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng. Theo lịch sử, Phật giáo tại Ấn Độ trải qua nhiều thăng trầm và tệ hơn là bị biến mất trên quê hương của đạo Phật nhiều thế kỷ. Sự đánh phá và thay thế của Ấn Độ giáo và Hồi giáo đã làm cho nhiều thánh tích của Phật giáo bị tàn phá nghiêm trọng, trong đó có các tháp thờ xá-lợi của Đức Phật như đã nêu trên. Tuy nhiên, Phật giáo cũng được may mắn nên các thánh tích Phật giáo được phục hồi phần nào, đặc biệt là bốn thánh tích quan trọng của Phật giáo[6]. Trong quá trình khai quật các thánh tích và các cơ sở có liên quan đến Phật giáo, một số ít xá-lợi của Đức Phật được phát hiện và được tôn trí để chiêm ngưỡng và lễ bái. Như vậy, xá-lợi thân của Đức Phật Thích Mâu Ni nếu còn tồn tại thì đã trải qua trên dưới 25 thế kỷ. Với thời gian khá dài và do chịu sự tàn phá của thời gian cũng như của ngoại đạo, phần xá-lợi của Đức Phật được phát hiện ắt hẳn không thể nhiều nếu không muốn nói là rất ít so với số lượng xá-lợi sau khi trà-tỳ nhục thân của Đức Phật. Ngày nay, một số xá-lợi của Đức Phật được xác định là thật, theo sự kiểm nghiệm của khoa học cũng như theo tục truyền, có thể kể đến như xá-lợi xương tại bảo tàng quốc gia Delhi Ấn Độ, xá-lợi tóc và móng tay tại chùa Swe dagon Miến Điện, xá-lợi răng tại chùa Sri Dalada Maligawa Sri Lanka.... Thế nhưng, rất nhiều xá-lợi khác được cho là xá-lợi Phật và chúng được trao tặng giữa các nước nước Phật giáo với nhau. Ngoài xá-lợi Phật được trao tặng, các xá-lợi khác được cho là của các Thánh Tăng và các Tổ sư cũng được giới thiệu, tôn trí để lễ bái và trao tặng cúng dường hàng năm. Từ đây, xá-lợi trở thành đề tài thắc mắc và cũng khó có câu trả lời thích đáng cho tín đồ Phật giáo nói chung và những ai quan tâm đến xá-lợi nói riêng.

Các xá-lợi liên quan đến nhục thân, được tin là của Phật và Thánh Tăng và được tôn trí tại nhiều chùa để cho tín đồ lễ bái, nên xem như là xá-lợi tín ngưỡng hơn là xá-lợi thật. Như trên vừa trình bày, số lượng xá-lợi Phật và Thánh Tăng được xác nhận là thật rất hiếm. Do đó, quốc gia Phật giáo nào sở hữu được xá-lợi thật thì khó lòng họ trao tặng cho một nước Phật giáo khác. Lý do là vì xá-lợi là bảo vật không phải của riêng Phật giáo mà còn là của quốc gia. Người dân và tín đồ Phật giáo của nước sở tại không dễ gì đồng ý để chính phủ hay Tăng đoàn Phật giáo nước mình tặng cho nước khác. Hơn nữa, theo tục truyền như ở Sri Lanka, người ta còn tin rằng ai mà giữ được xá-lợi Phật thật thì sẽ cai trị quốc gia[7]. Cho nên, các vị lãnh đạo có lẽ cũng không vô tình hay rộng lượng đến nỗi tặng bảo vật của quốc gia cho nước bạn. Nói cách khác là nếu họ không làm tăng thêm thì ít ra họ cũng giữ gìn bảo vật vốn có chứ không thể để mất đi, trừ trường hợp bất khả kháng hay ngoại đạo muốn phá Phật giáo. Vấn đề nêu ra là tại sao có nhiều xá-lợi Phật và việc trao tặng chúng được diễn ra nhiều nơi. Các nhà tổ chức sự kiện này chỉ có thể giải thích theo niềm tin hơn là chứng minh nguồn gốc cụ thể theo phương pháp khoa học. Do đó, nhiều bậc tôn đức tạm thời gọi các xá-lợi này là xá-lợi tín ngưỡng. Cách gọi như thế, theo người viết, có thể chấp nhận được và nó đáp ứng phần nào thắc mắc của tín đồ quan tâm đến xá-lợi.

Mặt tích cực và hạn chế của sự thờ xá-lợi

Lễ bái xá-lợi Phật là một trong những cách thức bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật. Khi còn tại thế, Đức Phật đã chỉ dạy và cho phép ngài Ananda trồng cây bồ-đề nơi tịnh xá Kỳ Viên để cho dân chúng lễ bái cúng dường những khi Đức Phật đi vắng. Cây bồ-đề tượng trưng cho sự có mặt của Như Lai. Đức Phật cũng dạy tín chúng nên lễ bái cúng dường xá-lợi liên quan đến nhục thân Phật sau khi Ngài nhập diệt. Lời dạy trên nói lên ý nghĩa của việc lễ bái xá-lợi là bày tỏ lòng tôn kính, tri ân và tưởng niệm Đức Phật. Các xá-lợi là vật tượng trưng hay biểu tượng có ý nghĩa thay thế sự hiện diện của Đức Phật. Do đó, lễ bái xá-lợi Phật với lòng thành kính thì công đức cũng như đảnh lễ Đức Phật khi Ngài còn tại thế. Lễ bái xá-lợi như thế là điều tích cực, khuyến khích tín đồ tinh tấn tu tập tăng trưởng phước báu. Tuy nhiên, xá-lợi Phật không phải chỉ duy nhất là vật có liên quan đến nhục thân mà còn hai loại khác như đã nêu trên. Việc nhân bản nhiều xá-lợi và cường điệu sự nhiệm mầu của xá-lợi tuy có sức thu hút quần chúng nhưng đó không phải là cốt yếu của đạo Phật.

Mặt hạn chế của tín ngưỡng thờ xá-lợi là tín ngưỡng này bị thương mại hóa hay bị yếu tố lợi dưỡng xen vào. Nhằm đáp ứng nhu cầu tín mộ của tín đồ đối với xá-lợi nói chung và xá-lợi Phật nói riêng, người ta đã tự tạo ra nhiều loại xá-lợi và đưa ra những yếu tố mu nhiệm từ xá-lợi và từ sự lễ bái xá-lợi. Việc làm này có vẻ tốt đẹp trong sự xiển dương đạo Phật nhưng xét kỹ lại thì có điều chưa ổn. Thứ nhất, việc tạo và lễ bái xá-lợi tín ngưỡng không thuần túy là tôn kính mà còn nhằm mục đích thu hút tín đồ với mục đích khác. Thứ hai, lễ bái xá-lợi tín ngưỡng chỉ mang tính chất phong trào chứ không phải thường xuyên. Trong khi các xá-lợi thật (như đã nêu trên) được tôn trí, cất giữ rất cẩn trọng và tín đồ khắp nơi mong muốn lễ bái thì các xá-lợi tín ngưỡng chỉ để sử dụng trong khi tổ chức sự kiện. Nhiều xá-lợi tín ngưỡng được trao tặng, trưng bày để chiêm bái nhưng rồi chúng sớm rơi vào quên lãng. Thứ ba, người tạo xá-lợi vô tình hay cố ý đang phạm vào giới nói dối. Phương tiện để đưa người vào đạo là cần thiết nhưng phương tiện để vì mục đích khác thì lợi bất cập hại.

Lời kết

Lễ bái xá-lợi đã có từ thời Đức Phật và phổ biết sâu rộng sau khi Ngài nhập diệt. Nếu như vào thời Đức Phật chỉ có lễ bái cúng dường xá-lợi là cây bồ-đề thì ngày nay lễ bái xá-lợi từ nhục thân và ảnh tượng phổ biến hơn cả. Ta biết rằng “xá-lợi biểu trưng cho phẩm hạnh và năng lực của bậc đã vượt thoát vòng sanh tử hay của những ai đã giác ngộ”.[8] Phẩm hạnh và năng lực của bậc giác ngộ thường biểu hiện qua hành vi, cử chỉ và cách ứng xử của các vị ấy khi còn sanh tiền. Xưa nay bậc thánh bao giờ cũng để lại công đức cho con người bằng nhiều cách. Nếu sanh tiền không đóng góp công đức gì cho xã hội thì xá-lợi để lại liệu có quý giá và đáng tôn thờ không?!

Lễ bái cúng dường xá-lợicó công đức nhưng sự lễ bái ấy phải là sự thực hành đúng như lời Đức Phật dạy chứ không phải cầu xin ban công đức. Do vậy, khi đã phát tâm lễ bái xá-lợi thì tốt nhất thành tâm lễ bái. Nếu gặp được xá-lợi Phật thật thì quá tốt còn nếu gặp xá-lợi tín ngưỡng cũng không ảnh hưởng gì đến sự tu tập. Đó là cách khôn ngoan người tu học nên lựa chọn.

Thích Hạnh Chơn

 

 

 


 

[1]Phạm Kim Khánh, dịch, Đức Phật và Phật Pháp, NXB .Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh 2013, tr.79–80.

 

[2] Sđd, tr. 151 – 152.

 

[3]Sđd, tr. 151.

 

[4] Sđd, tr.151.

 

[5] John S. Strong, Relics of the Buddha, Delhi: Motilal Banarsidass, 2007, tr. 8.

 

[6] Lumbini (Lâm-tỳ-ni) nơi Đức Phật đản sinh, Bodhgaya (Bồề Đạo tràng) nơi Đức Phật thành đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) nơi Đức Phật chuyển pháp luân, và Kushinagar (Câu-thi-na) nơi Đức Phật nhập diệt.

 

[7] http://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5A4211

 

[8] John S. Strong, Relics of the Buddha, (Delhi: Motilal Banarsidass, 2007), tr. 50.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle