Trời đất mênh mang sương khói, một thời thơ trẻ dại,
bàng bạc nắng quái u buồn nơi quê nhà giữa hai đầu biển núi lung linh. Sinh năm
1952 ở Quán Rường, Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam, một chốn miền
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” ấy, Nguyễn
Lương Vỵ lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học. Từ thuở nhỏ vốn bẩm
sinh có năng khiếu làm thơ, đặc biệt được ông nội ( nguyên là một nhà Nho, có
thời kỳ làm chánh tổng ) trực tiếp truyền dạy các loại thơ tứ tuyệt, Đường luật,
nên biết mần thơ ngay từ lúc 12, 13 tuổi, thuở còn chạy rông chơi bên mấy cổ
tháp rêu phong Chiên Đàn, cạnh dòng sông Tam Kỳ và bãi biển Tam Thanh xanh biếc
mộng.
Không biết đất trời có muốn đẩy xô chàng vào cái nghiệp
thi sĩ bị đày đọa hay chăng mà bắt chàng phải mồ côi cha hồi mới 13 tuổi, sớm
chịu cảnh bơ vơ ? Sờ sững, kinh hoàng, nhưng chàng không gục ngã mà đứng bật dậy
trên hai chân gầy sậy yếu, mở trừng trừng đôi mắt, giáp mặt với tận cùng điêu
linh của tồn sinh bức bách để băng qua trùng trùng chông gai, chướng ngại, vượt
qua cả ngàn oan khiên, nghiệt ngã và đã tựu thành mảnh bằng Cử nhân Triết
ở Viện đại học Vạn Hạnh, trước năm 1975.
Tâm hồn sớm hun đúc trong nỗi buồn đau thân phận kiếp
người, ngậm ngùi uống cạn chén đắng cay đầy lệ trào máu ứa, không ngừng nhức
nhối trước bao bão lốc khốc liệt, khiến cho hồn thơ chàng chan chứa màu huyết lệ,
trộn lẫn thanh âm trầm túy dị thường. Nước mắt, mồ hôi lặng trào qua những
phương trời gió loạn, phát xuất từ hố thẳm tâm tư dữ dội, kỳ lạ và đã dồn tụ lại
tinh hoa, tinh túy quanh vườn lòng kết trái đơm chồi nẩy lộc thành những thi
phẩm : Âm Vang Và Sắc Màu ( 1991 ) Phương Ý ( 2000 ) Hòa Âm Âm Âm Âm… ( 2007 )
Huyết Âm ( 2008 ) Tinh Âm ( 2010) Bốn Câu Thất Huyền Âm ( 2011 ) Tám Câu Lục
Huyền Âm ( 2013 ) Năm Chữ Năm Câu ( 2014 ) và sắp ấn hành Tổng Tập Thơ 45 Năm ( 1969 – 2014 ) như
để tổng kết bốn bề, dồn lại tinh anh, cốt tủy một đời thiết tha tận hiến tuyệt
cùng cho nghệ thuật thi ca. Trừ hai tập Âm Vang Và Sắc Màu, Phương Ý, sáng tác tại quê nhà thân thiết Việt
Nam, còn sáu tập sau đều được làm trên đất khách tha hương, kể từ năm 2001, ở
tận chân trời xa xăm bên kia đại dương nước Mỹ. Thế là thấm thoát cũng gần 15
năm trời khơi vơi đằng đẵng, chàng thi sĩ phiêu linh, lãng bạt ngàn phương viễn
xứ, rồi định cư lâu dài nơi xứ sở Hoa Kỳ xa nghi ngút khói mây bay.
Mây gió thời gian rộn ràng lượn vờn về quá khứ, từ năm
1969, mới 17 tuổi, thơ Nguyễn Lương Vỵ đã có mặt trên các tạp chí Văn, Khởi Hành
rồi tiếp tục đăng ở các tập san Thời Tập, Văn Chương những năm sau đó. Ngay từ
lúc xuất hiện đầu tiên trên các tạp chí, tập san văn nghệ ở Sài Gòn, thơ Nguyễn
Lương Vỵ liền được anh em văn nghệ bốn phương đánh giá khá cao, vì thơ có chất
giọng riêng biệt, độc đáo, cô đọng với những bài tứ tuyệt hàm súc, lung linh mới
lạ như Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng :
Lung
linh hồn quê cũ
Mây
trắng phủ khắp trời
Nhớ
trăng khô hết máu
Muôn
trùng dặm núi ơi…
Lời thơ ngậm ngùi một nỗi đau thời đại, một niềm u hoài
sầu nhân thế thê lương. Sống bồng bềnh, bấp bênh trong thời buổi chiến tranh
đang diễn ra tàn khốc trên khắp quê hương xứ sở, đêm ngày phải chứng kiến biết
bao cảnh tang thương, chết chóc, khổ lụy đoạn trường, nên nhà thơ nhạy cảm sầu
vô hạn man thiên. Biết làm chi hơn là lắng hồn vào âm nhạc, tìm nguôi ngoai,
khuây khỏa qua từng cung cầm sâu lắng Beethoven, những âm thanh trầm hùng bất
tận. Năm 1973 tập san Văn Chương đăng bài thơ Âm Nhạc của chàng, có dòng ghi tưởng nhớ Beethoven, một nhạc sĩ
người Đức, dạt dào bản giao hưởng số 5 thấm thía sầu câm nhập máu tim hồn :
Âm
nhập cốt
Âm
binh phiêu hốt tiếng tru
Ta
tru một kiếp cho mù mắt
Mù lệ
đề thơ để nhớ đời
À ơi
! Rượu đỏ hoàng hôn tắt
Ta
dắt hồn ta túy lúy chơi !
Âm
nhập cốt
Âm
vàng mấy gót hồ ly
Vạn
kỷ cung thương còn réo rắt
Còn
ru ta mãi quãng đời xanh
À ơi
! Ai hát ngoài phương Bắc
Chờ
nhau, tinh đẩu sáng long lanh
Tiếng
đá ngân nga chìm giếng lạnh
Sói
đầu mây bạc, áng thiên tinh
Ô hô
! Quan tái đà xao xuyến
Giọt
máu năm xưa đã tượng hình
Lâng
lâng tinh khí xuất luân hồi
Nguyệt thở, thơ bay rợp nắng đồi
Khuya
khoắt ta nằm trong lá mới
Dìu
nhau hoan lạc quỷ nương ơi…
Quỷ
nương cốt đá, ta cốt mây
Ôm ấp
ngàn thu sương chớp vây
Trống
mái ướt dầm cung bậc chín
Reo
suối thinh không, đợt sóng gầy
Thạch
cầm vỡ
Ngàn
năm thơ thẩn với âm vang
Ta ôm
trời đất sầu vô hạn
Thương nhớ Thanh Xuân mộng úa tàn
À ơi
! Dâu bể chưa khô cạn
Chưa
dứt tâm tư, vọng ngút ngàn…
Bài thơ ngân dài những âm vang nghẹn ngào cô độc của
chàng thi sĩ cô đơn rờn lạnh, một mình một bóng trong tàn xiêu hiu hắt, lặng hồn
nghiêng xuống hố thẳm uyên nguyên, chạm đến mạch ngầm hư linh cùng tuyệt, vì
được nuôi dưỡng, cưu mang bằng hồn trăng thiên cổ với những chất liệu diệu kỳ
của âm nhạc Beethoven dung nhiếp nhiệm mầu. Niềm đau thân phận lạc loài lắng dịu
đi phần nào là cũng nhờ chàng say mê âm nhạc cổ điển Tây phương, say mê đến lạ
lùng, nhất là bản giao hưởng số 5 của người nhạc sĩ thiên tài này.
Ngày tháng buồn tênh, ngơ ngác vạn cổ sầu. Đau khổ trào
tuôn theo gót lữ lênh đênh lưu lạc, chàng thi sĩ bơ vơ phải sớm rời khỏi gia
đình, tự bươn chải, mưu sinh kiếm sống để tiếp tục việc học hành qua các phố thị
Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn, thành thử chàng hay lặng lẽ, khép kín như muốn che
dấu bi kịch điêu linh của bản thân mình, ngay cả với những người bạn chí thiết,
Nguyễn Lương Vỵ cũng không hề hé răng kể lể. Tuy nhiên qua bài thơ
Nói Với Người Đã Khuất, chàng lại thổ lộ niềm đau thấu ruột bầm gan ngàn
nhói buốt :
Muôn
trước muôn sau là hạt bụi
Đất
trời đa sự vẫn hồn nhiên
Như
nhiên ?! Bụi vẫn bay lầm lũi
Sương
núi mây ngàn một cõi riêng
Bụi
bay có một thằng con nít
Đầu
chít khăn tang ngó sửng đời
Đời
vốn mồ côi từ lịch kiếp
Con
nít mồ côi cũng thế thôi !!!
Ngày
sặc máu nuôi thân thơ dại
Đêm
xanh xương tái mặt nhớ mồ
Mồ
chôn xác tươi màu nắng quái
Nắng
tung ngần một bãi hư vô
Thằng
con nít âm thầm đi biệt
Bay
và bay hạt bụi khốn cùng
Đời
quá chật mà sao thống thiết
Chó
tru lời nhật nguyệt linh lung
Ôi
gió rắn xanh lè chủ nghĩa
Ngày
lang thang đêm hú vía soi
Mồ
ngun ngút ba bề bốn phía
Nghe
trầm luân núi réo sông trôi !!!
Ôi
gió rắn xanh lè khí độc
Thổi
từ lâu kim cổ phơi thây
Lý
với Sự tào lao thiên tặc
Ngọng
hết rồi biết hỏi ai đây ?!
Thằng
con nít ăn mày sông núi
Bạc
đầu lau hạt bụi muôn xưa
Mưa
cố cựu chia nhau hờn tủi
Gió
vô thường sớt giọt trao đưa
Thằng
con nít thò tay ra hái
Đóa
mồ côi vẽ lại thời gian
Oan
khiên đó chim kêu đầu bãi
Vút
duyềnh quyên một tiếng lạnh tràn…
“Người đã khuất” ở đây là cha và hai
người chú ruột của nhà thơ đã bị chết oan khuất, bức tử một cách thảm khốc năm
1965. Chứng kiến cảnh đau đớn tột cùng ấy, thi nhân trực nhận, thấy ra bộ mặt
thật ghê tởm của chiến tranh Việt Nam, bộ mặt thật gớm ghiếc của những thứ gọi
là chủ nghĩa, học thuyết và thấm thía quặn lòng, cảm thương vô hạn núi xương
biển máu của cả dân tộc một thời. Không gì buồn hơn, đến tận ngày hôm nay, trên
đất nước này vẫn chưa thoát khỏi được những mưu đồ chính trị ám muội, núp dưới
nhiều chiêu bài xảo quyệt làm cho đất nước ngày càng tang thương, điêu đứng,
càng đổ nát, tan hoang hơn nữa.
Buốt cóng long đong mấy mùa đông dài lạnh lẽo trong
bóng tối côi cút, buồn bã quá độ thê lương, bước đi giữa chợ đời bão loạn đầy
oan nghiệt, xót xa giã từ lũy tre bờ giậu, ngõ trúc, vườn rau, bụi chuối… Thôi
hết rồi, sông ơi, chảy đi nhé ! Chảy đi những chiếc lá vàng rơi rụng bên cổ tháp
Chiên Đàn hoang vắng tịch liêu, chảy đi máu lệ hận thù u uẩn, chảy đi bao thảm
họa hoành sinh, mịt mù u ám ở cố quận Tam
Kỳ :
Sông
ơi, em chảy bao giờ
Nước
mùa sẫm lục, bến bờ về xa
Ta
cầm viên sỏi phôi pha
Ném
lên ngày rộng, vòng hoa tím chiều
Chiên
Đàn lá rụng hoang liêu
Hồn
thơ dại nhớ cánh diều đứt dây
Ta
mang xương máu lưu đày
Làm
thân đất khách, ăn mày sương thâu
Đêm
cuồng những cánh buồm nâu
Ngày
điên khóc hận bên cầu nước trôi
Dang
tay đón nhịp luân hồi
Thấy
trong ngất tạnh núi ngồi vong thân
Sông
ơi, em chảy trong ngần
Khắc
ghi những dấu mộ phần ban sơ
Người
thân thiết giục sang bờ
Người
xa lạ bỗng không ngờ… mình thôi !
Quán
Rường miếu cũ bình vôi
Hồn
tre trúc dựng trang đời Thu Đông…
Quán Rường nằm giữa hương đồng cỏ nội, nơi một thời đôi
chân trần trụi bé bỏng thơ ngây tha hồ nhảy nhót, chạy tung tăng dọc theo mấy bờ
ruộng lúa thả diều, tắm nắng ven sông, thả gót lan man ngát mộng gió nguyệt rằm.
Tâm hồn thi nhân vẫn ngàn năm còn lưu giữ màu xanh cố quận, rưng rưng trong đôi
mắt buồn xa vắng, lặng vờn theo gió nắng trời trăng sương vời vợi…
Ơi chao ! Chẳng biết nói gì. Cầm cây bút viết dòng thi
ca trào… Ồ, ồ, vừa đi vừa mần thơ trên khắp dặm phù du lữ thứ vui buồn. Cuộc đời
bắt đầu chơi vơi, chìm nổi theo dòng dâu bể vô thường, tuy phải chịu nhiều thử
thách, gian truân, nhưng thi nhân vẫn âm thầm hàm dưỡng một nội lực vững chãi,
một nội công thâm hậu. Thấu thị cái nghe và cái thấy tận căn để của âm thanh,
sắc tướng, hiện tượng giới như huyễn hóa, phù vân. Nhảy tung vào trung tâm cơn
lốc của nhật nguyệt thiên địa, khai phóng Tinh Âm, Huyết Âm, Huyền Âm
vỡ bùng cung bậc ngân rung, vừa lấp lánh trăng sao ảo dị vừa đắm say ngây ngất
tân kỳ, quyện hòa nhập diệu vào nhau một cách thuần nhiên, để Hòa Âm Âm Âm Âm :
A A A
U U U
Vô
tận A
Vô
tận U
Ảo âm
chôn bóng đỏ mù
Tinh
âm sấp ngửa sặc sừ
Hòa
âm ấm lạnh A U
U U U
A A A
Gió
bạt tai
Âm
rền máu
Mẹ đẻ
đỏ hoe tiếng khóc
Càn
khôn tìm về ngay chóc
Vũ
trụ đùn ngay một bọc !
Âm âm
âm
A A A
U U U
Câm
câm câm
Chỉ
biết tri âm là đây
Ngáp
dài một cái tròn đầy
Xương
tàn cốt lụi òa bay
A A A
U U U
Hú mù
A
Hú mù
U
Chỉ
biết tri tình ấm lạnh
Hòa
âm suốt kiếp chưa tạnh
Lù đù
suốt kiếp chơi mạnh…
Bài thơ đúng là một cuộc chơi du hý thập thành công
lực, bừng bừng khí thế mãnh liệt, mạnh mẽ trên cuộc lữ dặm dài. Bài thơ trên
cũng làm gợi nhớ đến bài thơ A, A A, A A A,
A A A A A… ( bất tận, âm thanh A bất tận ) của thi sĩ Phạm Phú Hải và nhớ
chữ Phạn A của họa sĩ thiền sư Nhật Bản Hakuin, họa chữ Phạn A thành một con
rồng bay lồng lộng lướt tung trời. Tiếng hú tuyệt mù U U U… A A A… của Nguyễn
Lương Vỵ nghe ra cũng hòa âm cùng tiếng gầm sấm động của Không Lộ thiền sư giữa
lòng trạm nhiên tịch mịch :
Hữu thời trưc thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
(
Đỉnh non có buổi leo lên thẳng
Gầm
dài một tiếng lạnh hư không )
Tiếng gầm của thiền sư, của núi của biển, hay tiếng gầm
rống của loài rồng tái sinh làm thi sĩ như một người bạn thâm thiết Nguyễn Tôn
Nhan đã từng nói : “Thơ Nguyễn Lương Vỵ là
tiếng gầm của con rồng chứ không phải là tiếng hót của con chim ( dù là con chim
kỳ dị )…” Tiếng hú, tiếng gầm hòa với giọng núi, giọng rừng, giọng biển,
giọng sông hồ khe suối cùng đồng vọng từ đỉnh cao vô thượng tuệ giác xuống ngàn
khơi chập chùng sóng lượn, mịt mù u minh dậy sóng ba đào… Chàng thi sĩ buông bỏ
bớt hành trang, để nhẹ nhàng đi và đi và đi phiêu nhiên, phóng đãng như là cái
nghiệp mệnh bềnh bồng, không thể nào dừng chân lại được. Bước cô lữ từ muôn vạn
kiếp trước đến muôn trùng hun hút ngàn sau như Lý Hạ, Lý Bạch gõ nhịp hòa âm bài
Phương Đông hành lạnh rờn xương xảu máu me, nghe tiếng khóc điệu cười của nhân
loại trong từng trận trận điêu linh, ngập ngụa biển dâu giữa Âm Vang Và Sắc Màu lãng đãng :
Ngàn
năm bước thấp bước cao
Ta
xin bước tiếp, bước nào nữa đây ?!
Bước
xa : Viễn tượng hao gầy
Bước
gần : Hiện tại vẫn đầy bão giông
Vết
thương nhân loại đèo bòng
Vết
bầm thế giới những vòng quay nhanh
Khóc
hờ, chén rượu tàn canh
Cười
khan, cạn hết bài hành phương Đông
Người
em nô rỡn bụi hồng
Hát
rong oan nghiệt, tạ dòng sông xanh
Ngàn
năm sầu dựng trường thành
Ta
xin cúi lạy âm thanh sắc màu
Điệp
trùng thế kỷ trôi mau
Thương câu lục bát mà đau lục bình
Quê
nhà : Hoa Nắng quyên sinh
Xứ
người : Trăng Huyết run mình chết theo
Hàm
ơn ngọn lửa thầm reo
Đêm
thiêng rạch một tiếng kêu sáng lòng
Vẫn
còn những bước thương mong
Còn
vang ngấn tích ở trong tim người…
Trong tim hồn thi nhân vẫn luôn luôn đồng vọng những âm
dư, âm vang, âm thanh, âm hưởng, âm ba, âm động, âm trầm, âm tĩnh, âm diệu, âm
huyền miên man bất tận bản Hòa Âm Câm Nín Máu. Tiếng Âm
hình như vang dội, rền ngân một cõi phiêu bồng trong thơ Nguyễn Lương Vỵ đâu từ
tiền kiếp xa xôi vọng về, để Huyết Âm bật lên một câu hỏi quyết liệt
và đồng thời cũng là lời đáp thâm trầm :
Khởi
kỳ thủy là Âm ?!
Âm
huyết lá
Huyết
thi ươm nắng lạ
Đá
khóc sắc chiều tà viễn xứ
Bướm
rung chuông
Rung
hết vết thương sâu…
…
Khởi kỳ thủy là Âm ?!
Chôn
hoàng hôn trong huyết lá
Chôn
tịch liêu trong huyết thi
Rừng
âm mưa vô sắc
Biển
âm mưa vô sắc
Huyết
âm em trong giọt nước sơ huyền…
Giọt nước sơ huyền là những tiếng rơi từ Thi tưởng xứ
mà nhà thơ thường lắng nghe trong lúc tàn khuya trăng khuyết, hay giữa buổi ngọ
thiên tuyệt tích một mình. Thinh lặng sắt son, hồn thơ chất chứa đầy niềm trắc
ẩn về kiếp nhân sinh qua từng hơi thở lâm ly, bi ai mà dạt dào hào khí, vi vút
ngút ngàn như tiếng hát trữ tình long lanh lấp lánh bản
Thanh Ca :
Cảm
ơn mộng mị cảm ơn đời thường cho ta giàu tưởng tượng cho ta giàu thơ ca từ buổi
đầu xanh chưa ráo máu bây giờ vẫn còn mang theo muôn triệu mặt trời lung linh
giữa trần gian tràn sắc nắng bay qua ngực rộng bay qua mãi mãi bay qua đến bao
giờ chẳng biết nhưng ta biết thơ ca là chiếc lá diệu kỳ là chiếc hôn diệu vợi
của nòi tình muôn triệu năm vậy đó em ơi ta chỉ biết mần thơ để thở phập phồng
hai lá phổi một buồng tim rung động mấp máy hai con mắt xa xăm nhớ trời cha
thương đất mẹ vô cùng vô tận vô biên hai bàn tay bấu chặt tiếng cười tiếng khóc
núi sông bà con làng xóm láng giềng ruột thịt không riêng tây gì nữa ta mở cửa
đón vào trao bài thơ đạm bạc tẩm muối mặn gừng cay ngày hôm xưa mần sao ngày hôm
nay mần vậy ân tình trọn vẹn vậy đó em ơi ta chỉ biết mần thơ như bến bờ tụ lại
như tiếng đờn cò thiệt chẳng biết mần sao nhưng ta biết thơ ca là cái liếc ngấm
ngầm là cái nghe thâm hậu thấu trời thấu đất thấu tử cung cuộc sống cơm áo gạo
tiền điên đảo em ơi đổ mồ hôi sôi nước mắt không phải dễ đâu nha thơ ca sát sạt
đời thường cũng soi gương rửa mặt ì xèo sống hết ga mần hết cỡ mới có thơ để thở
để thấy rõ mặt nhau mai sau vạn đại gì gì cũng phải vậy đó em ơi ta thèm đi suốt
xứ thèm phố phường rừng núi ruộng đồng thèm ao suối sông hồ biển nhỏ biển to
thèm niềm vui thèm nỗi buồn thèm em thèm tất cả xương da mộng mị đời thường cho
thơ ca càng bổ khỏe phương phi vì nhau mà sống vì nhau mà chết nên chẳng dễ gì
ta chép hết khúc Thanh Ca…
Thanh
Ca là bài thơ viết một mạch như nước chảy mây trôi, như
bản hòa âm tâm đắc của thực và mộng, chung và riêng, trời với đất, cất lên thành
nhạc thành thơ, là tiếng hát yêu đời tha thiết, yêu sự sống nhiệm mầu trong từng
hơi thở, yêu nhạc, yêu thơ và mần thơ ráo riết, chuyên cần, siêng năng, tận
tụy….Nhưng thơ là gì mà mê mẩn mần hoài như rứa ? Thưa rằng chẳng biết chi mô.
Chuyện thơ với thẩn trầm trồ lâm ly... Thôi thì, hãy nghe chính Nguyễn Lương Vỵ
phát biểu về thơ : “Thơ ư ? Gắn liền với
mệnh đời, mệnh người và mệnh mình. Tôi tự nhận mình là người Tu Thơ. Cẩn trọng
Nghe, Nhìn, Suy Gẫm và Viết miệt mài cho đến hơi thở cuối cùng.
Tu
Thơ : Tu Chữ, Tu Tâm, Tu Ý. Chữ là sinh linh vũ trụ, chói rạng âm vang sắc màu.
Tâm viên ý mã. Than ôi !!! Tu Thơ là vậy đó, để biết thương mình hơn, thương
người hơn, thương đời hơn, thương vũ trụ hơn.
Tu
Thơ : Không ráng sức, không cưỡng cầu. Tĩnh mà Động. Động mà Tĩnh. Cõi vô ngôn
là cõi huyết lệ trùng trùng duyên khởi. Biết nắm mới biết buông.”
Nguồn suối tâm linh của nhân loại hầu như dần dà khô
khan, cạn kiệt hết rồi. Giữa thời buổi suy đồi, nhiễu nhương này, người ta lo
chạy đi tu Phật, tu Chúa, tu Đạo, tu Thiền, tu Tiên lu bù đủ thứ, chứ tuyệt
nhiên không có bất cứ một kẻ nào biết đến Tu Thơ là gì. Thì ra chàng thi sĩ khác
thường vừa mới phát minh, sáng lập một pháp môn nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ.
Nghe tưởng như đùa nhưng thực ra không phải thế, chàng đã suy gẫm chín chắn hằng
suốt bao đêm trường và rất cẩn trọng trong việc tuyên bố mật pháp Tu Thơ của
mình. Dễ có mấy ai trong thời đại cơ khí này xem Thơ như Đạo để mà tự hành trì,
tự nỗ lực Tu Thơ ? Chữ Tu ở đây, hẳn nhiên không phải là sửa chữa hay chỉnh đốn
gì cả mà chính là công phu hàm dưỡng, là cách dụng công nghiêm cẩn, chú tâm ấp ủ
lâu ngày, lấy Thơ làm đề tài quán chiếu, tư duy, hay nói cách khác, Thơ chính là
công án của chàng thi sĩ vậy. Đối với chàng, công việc viết lách, sáng tác văn
nghệ như một cái nghiệp phải đa mang, như có lần chàng tâm sự với Nguyễn Tôn
Nhan, một người bạn thâm tình chí cốt : “Mần thơ cũng là một nghiệp chướng ! Thơ nó bắt mình mần hoài, nó ở
trong tủy, trong xương, trong thần hồn nó réo. Mần hoài mà nó chẳng chịu thôi (
mình mần nó, nó mần mình ) Mần hoài đâm ra ghiền, đâm ra nghiện. Ớn lạnh nhưng
thống khoái, sướng hơn bất cứ cái sướng nào trên đời.” Ơi chao ! Là sướng
hay sung ? Trùng ngôn điệp ngữ đến cùng tận luôn. Thơ say đắm đuối cội nguồn.
Đời say chuếnh choáng cạn muôn chén sầu. Ừ thì chẳng có chi đâu. Chửi thề một
tiếng cho màu huyết tan. Hỡi cô liêu còn mang mang. Sở dĩ nhiên hiện giữa hoàng
hôn nghiêng. Nghiêng vai trút hết não phiền. Bóng chiều phiêu dật bên hiên trữ
tình. Ùn lên sương khói hư linh. Phiêu phiêu lãng lãng một hình bóng trôi ...
Trôi về đâu mà thơ chảy tuôn buốt lạnh ngàn trăng, hằng cửu thơ nở một nụ đang
là. Thi ca, thi ca, thi ca là gì, thi sĩ là chi mà thi hào Hoelderlin nói :
“Con người ngụ cư trên mặt đất như một thi nhân.” Còn Nguyễn Lương Vỵ thì ỡm
ờ, tinh nghịch nhưng cũng rất thấu đáo, thấu thị, thấu tình đạt lý :
Thơ ?
Giản
dị
Như
tiếng em rên :
Sướng
muốn chết!!!
Đau
muốn chết !!!
Như
vậy
Chết
Chưa
hết chuyện !!!
“Chưa
hết chuyện…” của thi nhân là
chưa hết chuyện gì ? Còn cái chuyện chi khẩn thiết, tuyệt đối quan trọng, trầm
trọng nữa chăng mà chưa hết, chưa xong ? :
Chưa
hết chuyện huyền hồ huyễn mộng
Lời
chưa bưa ngàn hống chưa tan
Con
âm chưa dứt cung đàn
Tìm
nhau con chữ bẽ bàng chưa xong !!!
Chưa
em ạ ! Nỗi lòng chưa hết
Chút
trời xanh soi vết thương tâm
Con
âm kỳ tuyệt huyết âm
Tưới
lên con chữ trầm ngâm kiếp người…
Đến cái chết vẫn chưa chấm dứt chuyện đời. Quả thật như
vậy, theo diệu lý Phật pháp, bản chất của con người vốn là bất sinh bất diệt, vô
thủy vô chung, vốn là Chân Như tự tánh Không thanh tịnh. Chính Đức Phật đã khám
phá ra chân lý vi diệu đó và biết bao bậc cao thủ cự phách trong nhân loại như
Duy Ma Cật, Long Thọ, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, Huyền Giác, Trang Tử, Lão Tử,
Milarepa, Krishnamurti, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ… cũng đã thấy như
thế. Sở dĩ chúng ta còn thấy có sinh có diệt, có sống có chết, bởi do tâm thức
còn bị mây mù vô minh che lấp, phủ kín đó thôi. Chỉ khi nào mình dụng công, quét
sạch hết bụi phiền não, vô minh kia đi thì tự nhiên tuệ giác sáng rực, bừng
chiếu, liền thấy hiển lộ ra cả ba nghìn thế giới, cả mười phương cõi Phật, Bồ
tát, Thanh văn, Duyên giác, Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh.
Đấy là cái thấy Tánh Không, cái thấy Hoa Nghiêm như Bùi Giáng đã thấy :
Cõi bờ con mắt Hoa Nghiêm
Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng
Con mắt Hoa Nghiêm thấy vạn pháp, cả sơn hà đại địa
trùng trùng duyên khởi, duyên sinh từ một bản lai diện mục không sinh, không
diệt, viên dung cùng tận thật tuyệt vời. Nơi đây, ly ngôn, ly tướng, viễn ly cả
sự viễn ly… Thôi thì chẳng biết nói chi. Cười vang một tiếng tức thì thấy ra… Ồ
ồ, thấy ra, nhìn ra, hiểu ra, ngộ ra cái gì không rõ nữa, nhưng khi biết xem
sinh tử như hoa đốm giữa hư không thì cũng rỗng rang, vô ngại mà tự tại nhàn du,
luân vũ khúc thường hằng rồi. Mỉm cười bắt tay với cái chết, ôm ấp vi vu với tử
thần, bắt tay với vô tận, như Nguyễn Lương Vỵ hoan hỷ bắt tay
Bất Tuyệt :
Chìa
ta ra bắt tay cái chết
Cái
tuyệt vời giống hệt cái em
Cái
vạn thuở nở ra vạn kiếp
Cái
hình hài nhiếp dẫn sương bay
Ồ
sương bay Đông Tây Nam Bắc
Ồ mồ
thu réo rắt gì đâu !!!
Gì
đâu chép câu thơ trong vắt
Lệ
trong veo vô tận sơ đầu
Chìa
tay ra bắt tay bất tuyệt
Phía
đầu non xuất huyết biển xanh
Huyết
vũ trụ bụi mù thao thiết
Tủy
càn khôn chôn giọt nắng tan
Ô
nắng tan trong một sát na
Ô sát
na la thảm thiết người
Câu
thơ nóng một búng huyết tươi
Câu
thơ lạnh một trời tủy sống !!!
Chìa
tay ra bắt tay gò đống
Nhân
gian hệ lụy nuốt dài dài
Nuốt
kiếp kiếp lòi ra viễn mộng
Té ra
ta là sương nhớ ai…
Chìa
tay ra bắt tay vô tận
Tuyết
băng kia ôm hận trắng ngời
Trắng
rợn rợn trắng rờn rờn trắng
Nhắn
một lời Vắng Lặng rồi thôi !!!
Vắng Lặng là gì ? Im
lặng có nghĩa là chi ? Vô ngôn bất khả tư nghì ngắm trăng. Rỡn mây đùa gió vĩnh
hằng. Đá cười sỏi hát rợn băng tuyết rờn. Tận miền tuyệt đích hàm ơn. Nghe ra
mưa nắng sương vờn qua sông… Hoan ca hòa trong niềm cô tịch, lặng lẽ trở về cõi
ban sơ Diệu Tâm trầm tịnh, trở về với cái Như Như :
…Ta
thấy ta quá cỡ sặc sừ
Câm
trời nín đất nứ nừ nư
Ngọng
nghịu mà câm như cái đó
Có và
Không rền một tiếng Như…
Tất cả ba tạng kinh điển, tất cả mọi triết lý Đông Tây
kim cổ đều nằm gọn trong một chữ Như này mà thôi. Như Lai, Như Tính, Như Như,
Như Vầy, Như Thế, Như Thị, Như Nhiên tuyệt diệu vô vàn. Bản đại tấu khúc Hòa Âm Câm Nín Máu của Nguyễn Lương Vỵ thấm cảm vô biên, huyền hòa
vô lượng những cái Không và cái Có giữa chập chùng cõi tạm phù vân. Rồi hoát
nhiên linh thức thi nhân trực nhận gốc Đạo và nguồn Thơ vốn là một, viên dung
rốt ráo, cho nên thong dong, thư thả bước ra vào :
Nhìn
trong thơ thấy đạo
Nhìn
trong đạo thấy thơ
Nhìn
trong thơ thấy gạo
Nhìn
trong gạo thấy mình
Có
khộng thiệt rốt ráo…
Đó là cái thấy trùng trùng duyên khởi giữa cuộc lữ quy
hồi vĩnh cửu, là những bước chân bất nhị phiêu nhiên trên cung bậc bất tuyệt của
Nhạc và Thơ. Thơ như nghiệp mệnh lạ lùng. Nghe nhìn suy gẫm riêng chung trong
ngoài. Thơ về nguyên chất trần ai. Viết lên cẩn trọng miệt mài ngân rung… Rung
ngân giữa thiên thanh vĩnh thúy những tiếng lòng sơ thủy ngát xuân phong.
Trong lời bạt tập thơ Huyết Âm, thi sĩ Lý Đợi có trích dẫn lời
Nguyễn Lương Vỵ lý giải, bày tỏ về thơ : “Hành trình của văn học nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng là sự
trở về Tịch Liêu, Tịch Lặng, Tịch Mịch như Nguyên Thủy, Nguyên Sơ của nó, bằng
bàn chân, bàn tay có gắn con mắt, lỗ tai trí tuệ bão giông. Vì vậy cứ tiếp tục
mần thơ. Mần một cái việc Đại Tào Lao, hoan hỷ điên theo kiểu rung động của
mình. Thế mà vui !” Như vậy chuỗi Âm trong suốt đời thơ Nguyễn Lương Vỵ,
phải chăng là nỗ lực chuyển Âm, đẩy
Âm cho đến chỗ tận cùng, chỗ Tịch Liêu
Vắng Lặng, Tịch Mịch như Nguyên Thùy, Nguyên Sơ của tính thể ban đầu ? :
Câu
thơ nay kiên khổ
Lì
đòn chờ âm rung
Chờ
nát tan tri ngộ
Chờ
ngất gió loạn bùng
Một
cú nhảy sau cùng…
“Một
cú nhảy sau cùng” là một cú nhảy
trọng đại, rốt ráo để nhảy tung vào cõi “Hoan Hỷ Địa, Hoan Hỷ Điên” như ước nguyện
thiết tha của người thi sĩ trọn đời miên mật “Tu Thơ” :
Tu
thơ là tu chữ
Là tu
e-mờ-em
Đánh
vần cho thiệt bự
Hiện
cái em cho xem
Nhem
thèm hết vũ trụ…
Tu
thơ là tu hú
Hú
làm sao cho lâu
Cho
huyết tan máu tụ
Nở
một nụ nhiệm mầu
Bồng
em tu cho mau…
Bồng
em tu suốt kiếp
Kiếp
sau thề tu luôn
Tu
một lèo chưa kịp
Thơ
rụng đầy một guồng
Biết
nắm mới biết buông…
Giọng thơ cà rỡn bông đùa nhưng nghiêm túc, nghiêm
chỉnh. Em ở đây là Thơ, là cái Đẹp vĩnh cửu mà thi sĩ hết lòng tín mộ, tôn thờ
trên chốn trần gian vừa điêu linh mà cũng vừa thơ mộng.
“Biết nắm mới biết buông” là câu thơ sấm rền, huyết lệ của một người đã từng
nếm trải biết bao khổ lụy, bi kịch kinh hoàng, khủng khiếp của cuộc đời. Buông
là buông xả, buông bỏ, buông xuống hết sạch sành sanh mọi cái gọi là sự nghiệp,
tài sản, bằng cấp, lợi danh… của suốt một cuộc bình sinh tận tụy, hì hục tạo
dựng trên cõi phù vân nhân thế này. Biết buông bỏ được vì đã biết nắm cầm chắc
nịch trong hai bàn tay rớm máu, thấm đẫm đủ đầy kinh nghiệm lịch lãm giang hồ,
rờn rợn giá băng quằn quại của kiếp con người. Bao nhiêu hương sắc trần gian, âm
vang, hình tướng, bao nhiêu học thuyết, triết lý, chủ nghĩa, dục vọng, sân si,
hỷ, nộ, ái, ố… đều tan biến vào hư không, chỉ còn lại lấp lánh ánh tinh sương,
long lanh rực ngời gió trăng, tặng trao hào phóng, trên đường về tịch mịch vô
ngôn cùng
Hòa Âm Bụi Đỏ :
…Vịn
hạt bụi chùi lau mây chín cõi
Nhạc
mười phương lửa ngún gió hòa âm
Âm
bụi đỏ chiều xa ta đứng ngó
Dáng
em nằm, lông ướt nắng mênh mông
Hú
một tiếng chiều ơi ! Rơi đáy mộ
Bụi
còn đau ? Sau trước tỏ nguồn cơn
Nhạc
vẫn rụng, ngàn sông kia đã ló
Chút
mầm kia, ta cúi lạy hàm ơn
Ơi
bụi đỏ, có ngàn trùng lưu dấu
Có em
đau nhật nguyệt với sơ huyền
Với
tuyệt đích Hòa Âm Câm Nín Máu
Chiều
thì xa, ta vụt mất cơ duyên!!!...
Trong một bức thư, nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan gởi Nguyễn
Lương Vỵ, tháng 6 năm 2007 ( in lại trong tập thơ Hòa Âm Âm Âm Âm… ) có đoạn viết : ““Thi ca sẽ giúp “sau trước tỏ nguồn cơn.” Đến
bây giờ, ở trong nước và ngoài nước ( thực ra tôi đâu có khái niệm gì về trong
hay ngoài ) tôi chỉ nhờ thơ Vỵ giúp tôi tin ở những cuộc “viễn mộng” xa xôi nọ.
Tôi phải cảm ơn Vỵ nhiều lắm. Hãy cho tôi đọc nhiều thơ nữa đi, đọc suốt đời
càng thích. Vì “chữ” của Vỵ đâu phải chỉ có “chữ” không thôi, nó chính là Tính
Linh của chúng ta, dù chỉ là loại tính linh đầy những máu :
Với
tuyệt đích Hòa Âm Câm Nín Máu
Bài
Hòa Âm Câm Nín Máu ấy mới chính là tiếng gầm rung rinh cát bụi trần gian. Phải
không Nguyễn Lương Vỵ ?” Tâm tình của tri kỷ,
tri âm rúng động đất trời, Nguyễn Lương Vỵ đã đáp lại bằng một bài thơ với tất
cả tâm huyết của mình, nhân ngày giỗ giáp năm của Nguyễn Tôn Nhan ( mất ngày
31.01.2011 ) Cuối Năm Nhớ Nguyễn Tôn Nhan
:
Bồng
bềnh bồng bềnh như u mộng ảnh
Đêm
cuối năm sóng sánh một trời thơ
Chữ
biệt tích ý biệt tăm quá lạnh
Nhớ
bạn hiền ngồi độc ẩm bơ vơ
Tay
gõ phím vu vơ tìm tiếng vọng
Tiếng
cười năm xưa giọng nói vang trầm
Hất
mái tóc nhắc Lão Đam lồng lộng
Đạo
khả Đạo… phiêu bồng cao hứng ngâm
Thi
khả Thi… cười khì em quá mượt
Quá
huyền vi say khướt nụ xuân thì
Giọt
khuya thấm rầm rì đầy ơn phước
Thơ
cũng say mèm vì em đã đi
Thánh
Ca rất xanh dưới trời Tượng Số
Lá
tương tư tự vẫn dưới chân đồi
Thi
sĩ để tang cùng mây vạn cổ
Rồi
trầm mình trong huyệt mộ mồ côi
Tay
gõ phím tìm nhau nơi đất lạ
Mà
trời rất quen Lục Bát Ba Câu
Câu
lục cuối nhẹ thênh mà buốt quá
Khều
cái mênh mông sấm động gió đau
Tiếng
chuông trên đồi xưa nở tím ngát
Bóng
mây điên kia trổ nhạc khóc òa
Ta
uống thêm một ly nghe âm ngất
Nghe
đá rền đỏ mắt hát bi ca
Hãy
dựng sẵn ngôi nhà mây Ngu Cốc
Chờ
ta về cùng đọc thơ huyền âm
Lạnh
lạnh lạnh trầm trầm trầm tán dóc
Huyền
chi hựu huyền nhậu với sương câm…
Tình bạn của hai nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan – Nguyễn Lương
Vỵ rất chân tình, trước sau như nhất, thật hy hữu, hiếm hoi trong thời buổi lừa
đảo, xảo quyệt này. Chính niềm tin vào thi ca, vào cái Đẹp vĩnh hằng của thi ca
đã tạo được sự rung động, đồng cảm sâu xa, quá đỗi chí tình, chí cốt, tâm đầu ý
hợp đến như vậy.
Thấy gì chăng, cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ ? Phải chăng Âm và Chữ là những chặng
đường khám phá lâu dài, kiên nhẫn, không mệt mỏi ? Với vốn tri thức Đông phương
thâm trầm, sâu thẳm, thường ẩn mình trong tịch cốc cô liêu, để nghe lại cái
Nghe, thấy lại cái Thấy ban sơ, nên chi mỗi tập thơ ra đời là một dấu ấn độc
đáo, chứa đầy sự khai phá mới lạ của một người có dụng công, nỗ lực Tu Thơ. Thơ
của chàng mang chất cổ điển nhưng cũng rất hiện đại, giàu hình ảnh, gợi hình gợi
cảm, nhiều biểu tượng, siêu thực, tượng trưng và ẩn dụ, hoán dụ tài tình. Hồn
thơ lênh láng, trang trải, bay lên hòa âm thâm thúy cùng với những bậc tiền bối
như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử… Từ thuở nhỏ, thi nhân đã tự
nhận Nguyễn Trãi là bậc thầy trong đời thơ của mình, hết lòng kính ngưỡng bậc
đại thi hào dân tộc này. Đấy là một con người uy đức, từng viết bản hùng ca Bình
Ngô đại cáo và đặc biệt hơn nữa là một tâm hồn trác việt, uyên thâm, nhập diệu
lý Thiền tông. Buông bỏ công hầu khanh tướng, lui về quy ẩn nơi núi rừng Côn
Sơn, Hải Dương, sống mộc mạc, đơn sơ giản dị rất bình thường với đạo và thơ. Thế
rồi nghiệp duyên tiền kiếp đâu ập đến thành vụ án oan trái Lệ Chi Viên đầy ngộ
nhận thảm sầu, để ngàn năm sau vẫn còn vô lường thương tiếc. Nguyễn Trãi tiên
sinh, một bậc thầy đúng nghĩa chân chính mà thi nhân vô ngần kính yêu, cảm mộ
qua bài thơ dài Gởi Quốc Âm :
…V
Trọn
đời thương nhớ Ức Trai
Sáu
trăm ba mươi năm ngoài
Chí
Linh nhương sao nhấp nháy
Côn
Sơn vung bút mãi mai
Oan
nghiệt tuyệt không nhếch mép
Công
danh đếch có rùn vai
Loáng
gươm đưa đầu lìa cổ
Chẳng
cần chi ai khóc ai…
VI
Khóc
ai nào biết khóc ai
Lệ
Chi Viên oán ngút dài
Rưng
rức ngàn sương cay mắt
Sững
sờ trận gió ù tai
Sử
lịch chìm sâu ngất ngất
Thời
gian trôi giạt phai phai
Ém
trong ngực một tiếng thét
Khóc
ai nào biết khóc ai ?!...
Một câu hỏi sinh tử dội ầm sấm sét. Lặng hồn hoài niệm
mang mang, đối với Hàn Mặc Tử, một thi hào vĩ đại của thi ca Việt Nam, Nguyễn
Lương Vỵ dành riêng một niềm quý trọng, ngưỡng mộ vô cùng, chàng viết những dòng
thơ thấm thiết, cảm ứng trào máu lệ, thể hiện qua bài
Thượng Thanh Khí :
Đau
thương trong suốt Thượng Thanh Khí
Ta
chết trong veo giữa huyệt trời
Hồn
thơm, no cứng Xuân Như Ý
Phượng Trì vút lên mùa trăng chơi
Vút
lên câu huyết thi năm ấy
Ta
chết hồ nghi trong giá băng
Trong
sương lang bạt vô tình thấy
Thơ
liếm môi người không nói năng
Vút
lên trí tưởng thơm nhan sắc
Ta
chết hồn nhiên dưới búp non
Nguyệt nõn một chùm lông réo rắt
Bay
theo thương tưởng một linh hồn
“Thơ ta bay suốt một đời chưa thấu”
Ngàn
trước ngàn sau hụt đáy hoài
Tứ
cũng Hư như Huyền ảo não
Thi
huyết khô rồi nhưng chẳng nguôi…
Bài thơ trên đã nói lên niềm thương tưởng, đồng thanh
tương ứng, đồng khí tương cầu với tâm sự của Hàn Mặc Tử :
“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ,
bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn,
giận, hờn đến gần đứt sự sống.” Hàn Mặc Tử dường như là nói giùm cho Nguyễn
Lương Vỵ như vậy đó, cũng như rất sung sướng được nghe Phạm Công Thiện giải
thích tận cùng : “Chúng ta phải nhập tâm,
phải để năm tiếng của Hàn Mặc Tử in dấu sâu thẳm vào tận lòng mình : “Đến Gần
Đứt Sự Sống.” Khi nào “đến gần đứt sự sống” rồi mới biết Thơ là gì, mới biết làm
thơ, mới biết đọc thơ. Khi mình chưa “đến gần đứt sự sống” thì không được quyền
nói bất cứ điều gì về Thơ, về Thi Ca, về Thi Nhân, về Điên Loạn, về Tình Yêu, về
Hồn, về Nguyễn Du, về Hàn Mặc Tử hay về bất cứ một “con sông này đã đi qua”
trong đời mình.”* Thích thú làm sao, hỡi trời thơ bay ngây ngất như chim
phụng hoàng bay vút mộng, phong quang lồng lộng tận trời cao.
Chao ơi ! Tiếng thơ dậy lừng, hưng phấn từ Nguyễn Du
đến Bùi Giáng vang rền rúng động khôn dò,
dập dồn, rộn rã ngàn mây gió rung ngân. Nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ thượng
thừa, một cuồng sĩ kỳ dị mà thi ca và tư tưởng đã thấm sâu vào xương tủy bao
nhiêu tơ tưởng vô vi, ý niệm tiêu dao, hào sảng un đúc thành nghi ngút lửa tim
hồn. Đốt lên ngọn lửa Thơ Vô Tận Vui
huy hoàng bát ngát, mở ra Ngày Tháng Ngao Du phóng khoáng tang bồng, khiến cho Nguyễn Lương Vỵ
luôn luôn gìn giữ ánh lửa thiêng đó, không bao giờ để ngọn lửa thi ca trong lòng
tàn lụn, làm nhụt chí nam nhi. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, dưới
nhãn quan của kẻ đăng trình, thích khám phá phiêu lưu, mạo hiểm vào những phương
trời sáng tạo, ưa nhập cuộc tưng bừng luân vũ rạt
rào, nhào lộn giữa tồn sinh, thử xem chữ tài chữ mệnh có lênh đênh, bềnh bồng
trôi lăn lông lốc đến đâu. Sẵn sàng dang tay chấp nhận tất cả mọi nghịch cảnh
như Thúy Kiều chấp nhận mười lăm năm luân lạc nổi trôi. Trôi và chảy, chảy và
trôi cho đã cái đời lêu lổng lang thang, để rồi cùng rung lên cung bậc Hòa Âm Lục Bát Nguyễn Du - Bùi Giáng :
Một xe trong cõi hồng trần
Như bay ( Hãy một
đôi lần thử xem ! )
Bay
đi bất kể ngày đêm
Vù mu
thiên cổ đã mềm môi chưa ?
Sá gì
Tài Mệnh cù cưa
Trăm
năm trong cõi dây dưa em Kiều
Hỏi
rằng : Em đẹp bao nhiêu ?
Bao
nhiêu thì bấy nhiêu điều Đạm Tiên
Liên
tồn hồn hậu tuy nhiên
Đoạn
trường thế ấy cuồng điên thế nào ?
Một
xe trong cõi tầm phào
Như
lao xuống vực như trào lên không
Hỏi
rằng : Em có mênh mông
Mà
sao bát ngát từ trong ra ngoài ?
Tất
nhiên cái đó u hoài
Thành
ra viễn mộng có đòi được đâu
Miên
trường giấc ngủ dài lâu
( Làm
sao biết được canh thâu em về ! )
Em
Kiều em Thúy em Huê
Em
tồn sinh mở bốn bề dư vang…
Cái giọng thơ nồng nàn pha chút rỡn đùa, tiếu lâm nhưng
nghe đau thấu ruột gan của kẻ hậu sinh đồng cảm với bậc tiền bối Nguyễn Du và
đàn anh Bùi Giáng. Thi hào Nguyễn Du qua Truyện Kiều đã đưa ngôn ngữ Việt Nam
đến chỗ vô cùng diệu dụng của hiển ngữ và mật ngữ, vừa trong veo, thanh khiết
vừa kỳ ảo, siêu việt, xuyên suốt muôn tình qua cung bậc sáu tám tuyệt hảo vô
song, mở ra một con đường mây trắng ngoạn mục, thung dung cho thi nhân cất bước.
Thơ lục bát Bùi Giáng xuất thần nhập thánh trong Mưa Nguồn, Sa Mạc Trường Ca, Lá Hoa Cồn, Rong
Rêu, Màu Hoa Trên Ngàn… đã đưa dòng thơ lục bát lên đến cõi mênh mông, gợi
cảm hứng cho Nguyễn Lương Vỵ cúi hồn Kính
Thưa Sáu Tám :
… 7
Kính
thưa sáu tám âm rung
So
dây nhắc lá chúc mừng xưa sau
Lá
reo xanh ngút sắc màu
Dây
ngân xanh hút ngàn thâu trở mình
Gió
đưa cuống rốn rung rinh
Cuống
nhau chưa nỡ dứt tình hoài thai
Vại
sành chôn dưới gốc mai
Xa
quê nuối mộng sát vai mớ thầm
Rốn
rung rinh nở huyền âm
Ta
nâng ta hứng từ tâm ứa tràn…
8
Kính
thưa sáu tám tro than
Ngún
hồng tâm sự cháy khan ấm lòng
Ầu ơ
mạ trổ đòng đòng
Ví
dầu em đẻ bềnh bồng mây bay
Mây
bay em nào có hay
Tái
sanh ta sẽ là mây nhớ người
Nhớ
em trong vắt đáy trời
Mây
bay đi mây bay rồi mây bay
Đùa
vui cho thỏa tháng ngày
Cho
khuây đời chật cho đầy âm rung…
9
Kính
thưa sáu tám tuyệt cùng
Ru ta
từ thuở mịt mùng đến nay
Cuối
đời bạc tóc trắng tay
Chỉ
còn thơ dại nên hay nói xàm
Dám
đâu hiện đại chẳng ham
Huyết
xanh thiên cổ sương lam quê nhà
Trái
cam trái quít trái cà
Trái
tình trái mộng ruột rà bà con
Và em
múi mít quá ngon
Lủm
vô một phát vẫn còn ngẩn ngơ…
Thơ và nhạc hoài vang ngân trên gót lữ phong trần,
chàng thi sĩ chỉ còn biết tiếp tục sống và sống quyết liệt, sống hết mình hết dạ
với cõi người ta, với anh em bằng hữu và nhất là bạn bè văn nghệ tứ xứ mười
phương. Đối với chàng, sống trên cõi trần gian này, bạn bè là trên hết, ưu tiên
trước hết, dù còn sống hay đã chết, dù thành đạt hay hàn vi, chàng vẫn trân
trọng đối xử với tất cả tấm lòng nhiệt tình, sòng phẳng, hăng say. Về cái khoản
bạn bầu thân sơ này, có lẽ chàng là người có bầu bạn đông đảo nhất. Gần gũi, mật
thiết như ruột rà, có những mối giao tình sâu đậm, sâu xa là nhà thơ Joseph
Huỳnh Văn, một kẻ tài hoa, đức hạnh, thanh lương, được chàng tặng thơ khá nhiều,
như bài Khúc Cầm Dương Trên Đường Về :
… Này
khúc cầm dương trên đường về
Mười
lăm năm ta vẫn lóng nghe
Vẫn
mở ngực chiều ngực khuya ngóng đợi
Câu
thơ tuyệt bi âm đâu hề chi
Đâu
hề chi tiếng vọng lá khô
Bi âm
kia là âm huyền hồ
Cao
hứng thì nhắn trăng xưa hạc cũ
Còn
không thì cụng trán với hư vô
Hề
chi tiếng hú của muôn chiều
Bi âm
kia là âm lá reo
Là
nắng của ngàn thâu là yếm thắm
Là
các em đang hát ngát đang gieo
Muôn
thu ngơ ngác cũng vậy thôi
Ngồi
lau năm tháng nhắn xa xôi
Lời
cổ thạch trăng huyền âm gõ nhịp
Người
cười im ta khóc nín sóng đôi…
Đó là 4 khổ cuối của bài thơ
Khúc Cầm Dương Trên Đường Về, Nguyễn Lương Vỵ viết nhân kỷ niệm 15 năm, ngày
giỗ thi sĩ Joseph Huỳnh Văn. Mối giao tình của nhị vị thi sĩ này cũng khá sâu
nặng, như đôi bạn vong niên. Năm 1973, Nguyễn Lương Vỵ gởi bài thơ
Âm Nhạc đến tập san Văn Chương và đã được Joseph Huỳnh Văn chọn đăng ngay số
báo tiếp sau. Cơ duyên thiện cảm bắt đầu từ đó, càng ngày càng bền bỉ tri âm cho
đến năm 1995, thi sĩ bất ngờ lên đường, qua chơi bên miền không có đâu giữa
thiên thu vời vợi...
Trời thơ Nguyễn Lương Vỵ rung lên bản
Hòa Âm Âm Âm Âm… thâm cảm với những tâm hồn đồng điệu, dù còn sống hay đã
lên xe tang chạy về thiên cổ, thi nhân vẫn một tấm lòng chia sẻ ruột rà, như nhà
thơ Võ Chân Cửu, một bạn hiền cố cựu từ lúc còn trọ học ở phố biển Quy Nhơn thuở
thiếu thời. Cuối năm 2012, Võ Chân Cửu làm một chuyến du lịch đến Hoa Kỳ. Suốt
hai tháng rong chơi đến ngày bạn hiền quy cố hương, Nguyễn Lương Vỵ không quên
gởi gắm niềm thương cảm qua bài thơ Một
Mình :
… Một
chớp nháy một niềm trời
Hạt
bụi bay lang thang chơi
Vết
hằn xoáy theo trốt gió
Miềm
thương tít tắp trùng khơi
Rạch
một âm sâu nhớ bạn
Gõ
vài phách lạnh đau đời
Năm
với tháng chìm trong ngực
Mở
lời thưa một tiếng thôi…
Một lời thôi cũng đủ, một tiếng thôi cũng vừa, phải
không hỡi những văn nghệ sĩ tri tâm, tri tình ? Tình huynh đệ, nghĩa bạn bè sâu
nặng, gắn bó với thi ca qua bao nhiêu cuộc dâu bể vô thường vẫn không hề suy
giảm mà càng thêm thấm thía chứa chan, quả thật là quý giá biết bao nhiêu. Nhiều
khi rảnh rỗi, ngồi thưởng thức những vần thơ Nguyễn Lương Vỵ viết về những thi
nhân đã khuất như Huy Cận, Hồ Dzếnh, Hữu Loan, Quang Dũng, Phạm Hầu, Phạm Phú
Hải, A Khuê, Vũ Hữu Định, Nguyễn Tất Nhiên… thì có lẽ, ai trong chúng ta cũng
không tránh khỏi xúc động bồi hồi. Ngay cả khi làm thơ gởi tặng những thi sĩ còn
hiện tiền tại thế, Nguyễn Lương Vỵ đều dành trọn vẹn sự trân trọng với người
thơ, với Thơ bằng tất cả niềm cảm ứng có được của mình. Đó là điều hy hữu, đáng
trân trọng trong phong cách sống, lối cư xử ở đời như một nhà thơ đích thực Đông
phương.
Về thơ tình, hình như thi nhân viết rất ít, nhưng bài
nào ngôn ngữ cũng lung linh mỹ lệ mị kỳ, phảng phất nét cổ điển nhưng tứ thơ mới
lạ, sâu lắng, lâng lâng thần hồn như bài
Kỷ Niệm, viết năm 1970, ghi lại mối tình đầu của thi sĩ :
Người
con gái mang tên Hoa Vàng
Cho
hồn ta như mây lang thang
Bay
thấp xuống bên ngoài cửa sổ
Mắt
phố nâu dương cầm vang vang
Vang
ý biếc tờ thư sương khói
Gởi
giùm ta vài hạt nắng gầy
Màu
thương cảm trên đường chẳng nói
Đứng
một mình câm lặng khoanh tay
Người
con gái che nghiêng chiếc nón
Cho
hồn ta nghiêng hết biển dâu
Thở
rất gấp giữa chiều thu muộn
Lá
hiên ngoài đang bay đi đâu ?!
Ơi
môi người tươi quá sắc hương
Ơi
Hoàng Hoa lạ lẫm trên đường
Mắt
choáng ngợp nụ cười răng khểnh
Dạ
khúc xanh trong những giọt sương…
Hương sắc Hoàng Hoa tỏa ngát, một lần là vĩnh viễn
thiên thu, dù có ra đi qua tận đất khách trời xa Hoa Kỳ, thi sĩ vẫn còn ám ảnh
mối tình đầu tiên trong sáng ấy, nên đến đâu dưới gầm trời nào cũng mang theo
trong hồn sâu thầm kín. Tuy nhiên vẫn còn lãng mạn, rung động trước những nàng
thơ khác, những hồng nhan thoáng gặp gỡ bên đời, như bài
Đôi Mắt Vĩ Cầm Thu, viết năm 2003 tại Mỹ :
Đất
khách gặp em ngỡ ngàng đôi mắt
Vĩ
Cầm Thu thầm nhắc lá đau Thu
Ta
không lãng mạn vì đôi mắt
Vì
tiếng vang kia ! Lá Vĩ Cầm Thu
Lá
gầy guộc rêm bước chân mùa gọi
Chim
tìm nhau lạc giọng tím đàn
Ta
tím đàn. Đôi mắt em vừa gọi
Em
khóc tím than trên phím tím đàn
Đôi
mắt nhuốm biệt ly. Em rất lạ
Mà ta
rất quen đôi mắt nhuốm biệt ly
Trầm
Khúc Tím. Chiều phai. Ta rất lạ
Khóc
mù sương. Gom hết biệt ly
Em
khóc tím than. Chiều phai không hết
Bầm
tím bóng ta cho em kết tím hoa
Chiều
phai. Chiều vẫn phai không hết
Ta
chết tím đàn. Lá chết tím hoa
Hãy
gom hết biệt ly trong đôi mắt
Hãy
sưởi giùm ta cơn lạnh tím đàn
Và
đừng nhắc biệt ly trong đôi mắt
Vĩ
Cầm Thu xanh máu lá. Tím đàn…
Mang mang khúc tình ca nhã nhạc rung rinh. Nằm trong cô
tịch, nhà thơ lặng yên, nghiền ngẫm bao tuồng đời diễn ra khắp ta bà là bóng
hiện của cảnh giới tự tâm. Tâm mình nghĩ sao thì ứng hiện ra cảnh đời như vậy
đấy thôi. Rồi thôi, thôi vậy một đời. Hay nghìn muôn kiếp cũng trôi bọt bèo. Ấy
tuy nhiên vẫn còn theo. Bóng ai cái nghiệp còn vèo bay qua. Nghiệp thơ nghiệp
mộng đây mà. Rung ngân mần tiếp tuôn ra dòng dòng. Méo tròn ngôn ngữ đục trong.
Đều do mình buộc xỏ tròng hay buông… Vì thế thi sĩ thường hay lui về với chính
mình, lặng lẽ độc thoại nội tâm trong Thi tưởng xứ uyên mặc, uyên tư, thầm Nói Một Mình :
Một
mình chơi. Trong và ngoài vũ trụ
Hú mù
ta ảo hóa đã nư chưa ?!
Thương tiếng khóc bạc đầu đang ứa nụ
Có
cung cầm thùy lệ của muôn xưa
Một
mình đếm. Vàng phai âm nát đá
Tượng
hình âm thảo dã hát theo đêm
Vì
tuyệt cú nhú âm cuồng bến lạ
Ngữ
ngôn thừa mứa giọng buốt lời thêm
Một
mình hỏi. Vì cớ chi diệu tưởng ?!
Ta
bông đùa khua một tiếng chuông ngân
Lời
ngậm đắng nuốt cay quay tám hướng
Bởi
trong ngoài Tượng với Số phân vân
Một
mình nhớ. Thơ chẳng cần chép lại
Chẳng
vì đâu ! Trời đất rất ngu ngơ
Rất
ngây dại chỉ mình ta nghe thấy
Gió
vô cầu câu thệ nguyện vu vơ
Một
mình chết. Mút mùa thơ tảng mộ
Đìu
hiu âm nghe trốt gió thâm tình
Ta
khép mắt nhớ khôn hàn bóng nhỏ
Có
trong ngoài vũ trụ cháy lời kinh…
“Vũ
trụ cháy lời kinh” hay
cháy lời thơ là một cách nói gây ấn tượng. Thơ thì thào cô liêu đến rợn người,
thi sĩ “nói một mình” hay nói với
thiên thu vạn đại đang đi về trong từng sát na gay cấn, mở phơi trường mộng của
vũ trụ cháy lòa những lời kinh đang sáng ngời chói lọi.
“Nói một mình” cũng là cách đùa chơi, niêm hoa vi tiếu phiêu nhiên, phiêu
hốt giữa thiên địa tuần hoàn, bát ngát bao la.
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ vốn có máu cuồng sĩ trong
người, nhưng cuồng sĩ theo nghĩa phá chấp triệt để, phá vỡ sự nô lệ, ràng buộc,
muốn vượt thoát khỏi guồng máy nặng nề của xã hội. Thích tự do thoải mái, mặc
sức tung hoành ngang dọc, ca hát nghêu ngao, nhảy múa đùa chơi như trẻ nhỏ tung
tăng. Hằng ngày tuy rất tỉnh táo, tỉnh thức nhưng trong vô thức lại muốn điên
cuồng, muốn bứt phá những ngục tù cơm áo, những lề thói đối đãi để tiêu dao vào
xứ miền Hoan Hỷ Địa ngao du :
…
Nghĩa lá mục cành khô sông đã giữ
Núi
đã ôm ánh biếc phím xanh ngời
Tay
đã vắng cầm dương trôi biệt xứ
Nhớ
và quên : Hoan Hỷ Địa Điên Chơi…
Điên chơi tới cõi bờ Hoan Hỷ Địa là đã nhập cảnh giới
vô phân biệt trí, diệu quan sát trí phi thường rồi. Đó là những cơn điên tuyệt
hảo náo nhiệt, tưng bừng của vũ trụ càn khôn. Cảnh giới đó chỉ có những bậc cao
thủ, thượng thừa cỡ Tế Điên, Bùi Giáng… mới nhập nổi, còn những kẻ hạ thừa chưa
thoát khỏi vòng lý trí thì thỉnh thoảng cũng điên lai rai, điên hứng khởi theo
kiểu say rượu, múa may quay cuồng điệu tào lao, bá láp bá xàm, khề khà giọng ba
rơi tầm phào cho đỡ buồn thế thôi :
Đất
điên theo kiểu đất
Trời
điên theo kiểu trời
Phật
điên theo kiểu Phật
Mang
cái thân con người
Nên
điên theo kiểu Phật…
Sau biến cố 1975, thi nhân có một người em trai kế, do
số phận trong buổi giao thời đã mắc bệnh tâm thần phân liệt, suốt từ 1978 đến
ngày từ trần vào cuối năm 2013, sau gần một năm nằm liệt nửa người vì cơn đột
quỵ, thi nhân đau buốt tâm can theo những cơn điên loạn của người em bạc mệnh,
rồi suy ngẫm về cái điên :
…
Trời điên theo kiểu của trời
Đất
điên theo kiểu của đời đảo điên
Em
điên theo kiểu người hiền
Ta
điên theo kiểu thằng ghiền chiêm bao
Nghiệp duyên ? Đáp số thế nào ?
Đào
sâu lỗ huyệt – Càng đào càng ngu !
Trời
điên theo kiểu mịt mù
Đất
điên theo kiểu ngục tù trần gian
Em
điên theo kiểu nát tan
Ta
điên theo kiểu bầm gan kiếp người
May
đâu còn chút mồng tươi…
Suy ngẫm về cái điên của người em rồi ngẫm suy phận
mình, phận người, phận đời… Vậy là, điên hay tỉnh, tỉnh hay điên ? Biết sao mà
nói giữa miền hợp tan. Bao nhiêu mộng sự xiêu tàn. Là bấy nhiêu chuyện trần gian
vô thường. Khóc tràn lệ nóng máu xương. Rợn màu dâu bể đoạn trường núi non. Hỡi
ơi ! Lời mất hay còn. Kể chi ý nghĩa từ cơn cuộc này…
Kể làm sao cho hết được những nỗi đời trầm thống phải
không ? Sống lang thang lãng tử, biệt xứ hơn mười năm trời trong sầu nhớ khôn
nguôi về quê nhà, cố xứ mù xa, rồi một hôm bất chợt nghe hung tin mẹ già đã tàn
xiêu yếu ớt, còn gắng gượng chút tàn hơi thở sau cùng, nên thi sĩ liền vội vàng,
tức tốc bay về cố quận. Rưng rưng quỳ xuống giữa vườn xưa, còn thưa thớt màu cỏ
cây héo úa, tàn tạ trong nắng xế chiều tà vàng vọt, sụp cúi lạy mười phương gò
đống, mồ mả, lạy hết cõi ta bà mà tạ ân sâu nghĩa nặng tình thâm :
Con
về bên Mẹ, nghe huyết âm
Nghe
tủy xương réo rắt mưa dầm
Có
lịch kiếp chảy xiết huyễn ảo
Cho
tuyệt cùng âm, âm điếc thâm
Con
về bên Mẹ, thấy tuyết đỏ
Thấy
tủy xương trong veo vút gió
Có
trầm luân chảy theo tiếng chuông
Cho
hồn cháy xanh um cổ độ
Quỳ
xuống lạy mười phương gò đống
Trắng
biệt ly kỳ mộng hư hao
Niềm
thương tưởng tiếng chào bi thống
Thuở
thai sinh bưng mặt khóc òa
Con
về bên Mẹ, nghe tà dương
Nghe
tiếng kêu chiêm chiếp đoạn trường
Đất
trời tuyệt tự, thơ tuyệt mệnh
Ươm
nụ huyết âm dầm buốt hương
Con
về bên Mẹ, thấy lá thắm
Thấy
tinh sương xướng âm thăm thẳm
Lục
phủ ngũ tạng bè mây trôi
Tụng
một thời kinh cho huyết ấm
Quỳ
xuống lạy hết cõi ta bà
Tai
mắt rưng rưng rừng thi ca
Chắp
tay hứng trọn huyết âm Mẹ
Lô
hỏa thuần thanh âm huyết hoa !!!
Mẹ và em là hai hình ảnh đẹp đẽ nhất trên cõi nhân gian
này, đẹp quá đi thôi, khiến chàng thi sĩ ghiền sống đến độ say mê dữ dội, dang
rộng hai tay ra mà ôm trọn lấy toàn thể cuộc đời. Giống như văn hào Dostoievsky
nói : “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”
Nguyễn Lương Vỵ cũng đem hết tâm tình hiến dâng cho cái Đẹp, phụng sự cái Đẹp qua hành động rất trân trọng là
quỳ lạy cái Đẹp, một hành động tôn nghiêm như lạy Phật, lạy Chúa chưa từng thấy
xưa nay :
Lạy
em đẹp mãi cho ta mừng
Mần
thơ ào ạt như chưa từng
Cái
chi cũng đẹp cũng ứng mộng
Cỏ áy
hừng đông mượt quá chừng…
Lạy
em đẹp mãi cho ta vui
Mần
thơ ngùn ngụt ngún một nùi
Chẳng
sợ hồn tan hay vía nát
Rất
vô tư nhậu với ngậm ngùi…
Lạy
em đẹp mãi cho ta sướng
Mần
thơ cộng hưởng với âm u
Chẳng
sợ đầu non hay cuối vực
Rất
hồn nhiên đụng cái mịt mù…
Nhìn thấy tất cả cái gì trước mắt, từ hoa lá cỏ cây đến
tinh tú, càn khôn vũ trụ, bất cứ cái chi chi cũng đều đẹp hết qua hình ảnh người
em thi ca. Em là biểu tượng cho cái đẹp hoàn hảo, trinh nguyên tuyệt diễm nhất
của trần thế. Em là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật thi ca, âm nhạc, hội
họa và tác động mạnh mẽ vào mọi lãnh vực xã hội trong cuộc sống. Người thi sĩ
biết sáng tạo ra cái mới lạ, biết sống triệt để kỳ cùng cho bùng nổ hết tam độc
tham, sân, si cùng vỡ tan hoang hang ổ vô minh, nghiệp chướng. Từ đó mới rực
sáng tinh anh, thanh tịnh tâm hồn mà thưởng thức vẻ đẹp Chân Thiện Mỹ kỳ tuyệt
hiện về trên dòng yêu thương trong trẻo rạt rào, dào dạt từ suối nguồn muôn thuở
thương yêu diệu dụng.
Diệu dụng cũng là biết mình đã đầy đủ rồi, chẳng còn
thiếu thốn điều chi. Biết đủ là một thái độ nhẹ nhàng, thanh thản của kẻ thông
tuệ, lịch duyệt trong cuộc sống đầy dịch chuyển, biến động này. Không tham muốn,
ôm đồm vơ vét, chẳng bươn chải, nhục nhằn chuyện ăn uống se sua. Thua với hơn
làm chi nữa giữa ngày tháng rong rêu nơi xứ lạ quê người, thôi cứ nhẹ mỉm cười
tri túc tự nhiên :
…Biết đủ nên bài
thơ viết chậm
Âm
trùng âm, đầm đậm kiếp người
Gỏn
lỏn một đôi lời lạnh ấm
Gởi
về sau lẩm bẩm tài bồi
Biết
đủ nên bài thơ viết nhanh
Ngôn
trùng ngôn, níu thanh tượng thanh
Ta
biệt xứ ?! Ừ ta biệt xứ
Mưa
nắng bão bùng ngọn lửa xanh…
Ngọn lửa xanh mãi cháy ngời tịch mịch trong lòng dường
như gần đến độ lô hỏa thuần thanh rồi, cho nên thi sĩ tuy ngậm ngùi nơi xứ lạ mà
vẫn miệt mài sáng tạo và sáng tạo, nỗ lực kiên trì khai phá cõi thơ
Hòa Âm Thâm Cảm với một nguồn thơ bát ngát tràn bờ Huyết Âm, Tinh Âm, Huyền Âm,
cảm ứng Hòa Âm Bất Tận Tịch Mịch Sấm Rền
trên cuộc về vô sở trú như nhiên.
Nguyễn Lương Vỵ đi về mặt đất hoang vu này, hú lên một
tiếng hú lanh lảnh lạnh rờn giữa bao la trong bóng chiều thiên thu óng ả và hát
vang bản Hòa Âm Câm Nín Máu vỡ cung
sầu. Hòa Âm Câm Nín Máu là bản hòa âm
tâm nội tối hậu, chan chứa một điều chi bí ẩn vô ngôn. Hòa âm muôn chiều diệu
dụng phiêu bồng, phiêu lãng giang hồ bụi bặm, trầm túy ca qua những sa mạc khô
cằn nóng bỏng, những cánh rừng tuyết băng lạnh buốt, suốt cuộc lữ hoang đàng vừa
chạy vừa chảy và cháy ngời ngọn lửa thi ca bừng bừng rực đỏ.
Đó là bản hòa âm kỳ vĩ của Nguyễn Lương Vỵ, một thi
nhân độc đáo, xuất cốt nhập hồn, qua lại lên xuống miền thực tại, chiêm bao ảo
diệu. Dạo lên tấu khúc cung đàn đầy sáng tạo, vang ngân thần khí hý lộng ngôn
ngữ nơi Thi tưởng xứ, nhảy múa cùng chữ nghĩa chon von, chốn ngọn ngành
Tính Linh cực kỳ mỹ lệ.
Thế là bản Hòa Âm Câm Nín Máu thấu thị tử sinh, thấu triệt cõi nguyên sơ mở
rộng từ trái tim hồng tinh khôi đã ngân rung, rúng động tuyệt cùng với tất cả ba
đời, sáu cõi trần sa. Hòa âm xanh ngát hàng ngàn bài thơ kính tặng mười phương
thục nữ, thấm đượm gió trăng bằng hữu, thơm tho hương vị chí cốt ruột rà. Hòa âm
giọt lệ và nụ cười, khổ đau và hoan lạc, địa ngục và thiên đường, thẩm thấu hai
miền âm dương, vượt qua biên tế nhị nguyên nhằm mục đích hướng tới là nhảy tung
vào cung bậc Nhất Như để rốt ráo tận cùng
Hòa Âm với Tinh Âm, Huyết Âm, Huyền Âm tâm đắc ngay
bây giờ và ở đây, một cách tự tại, thanh thản tự do.
Đó là khúc đại hòa điệu chơi, là bản hòa âm vĩnh viễn
miên trường của Nguyễn Lương Vỵ, tôi đã có cơ duyên nhiều lần nghe ra qua những
lần tao phùng, trùng ngộ với thi sĩ tại nhà riêng ở Gò Vấp hay các quán nhậu lai
rai quanh phường phố Sài Gòn. Dịp gặp gỡ gần đây nhất, nhân chuyến thi sĩ về
thăm quê, là buổi họp mặt đầu năm 2014 ở nhà nữ sĩ Lê Phương Châu, quận 6, Sài
Gòn. Hôm ấy, có nhà thơ Võ Chân Cửu, Mịch La Phong, Triệu Từ Truyền, Nguyễn Hữu
Duyên và nữ sĩ Nguyễn Kim Anh, Hạnh Hiền tham dự. Rồi vài ngày sau, ở quán Đất
Phương Nam, có Trần Xuân Kiêm, Nguyễn Tiến Văn, Phạm Việt Cường, Phù Hư và gần
chục bằng hữu làm một trận lu bù, cụng ly tiễn đưa thi sĩ trở lại Mỹ. Bữa đó,
tôi có mần bài thơ này như thầm gởi theo điều gì vi vu vi vút qua bên kia miền
viễn xứ xa mờ, thở nhẹ tiêu dao du cùng mấy bờ sương khói tương tri :
THƠ TIỄN NGUYỄN LƯƠNG VỴ
Đã đi tận chân trời góc bể
Về nơi đâu cũng vậy tùy duyên
Không cầu chẳng đắc gì thêm nữa
Cứ thênh thang qua lại khắp trăm miền
Tan mù tối rơi trên cái thấy
Ngay bây giờ thở nhẹ tiêu dung
Cùng thơ nhập diệu phiêu bồng mở
Cửa thiên thu ôi tha thiết tuyệt cùng
Âm
Vang Và Sắc Màu hư ảo
Tạo nên đời như huyễn mà thôi
Đôi bờ mộng thực đừng dính mắc
Thì tự nhiên xuống biển lên đồi
Hòa
Âm với Tinh Âm
Huyết Âm nhập
Vào vô thanh tan giữa vô hình
Huyền
Âm thâm thúy trời Phương Ý
Dị thường nghe cơn gió thoảng phù sinh
Tâm
Nhiên
( Vô
Trú Am 03.2014 )
*
Phạm Công Thiện. Một Đêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử. California 2000
Thơ
Nguyễn Lương Vỵ ( chữ nghiêng ) trích trong các tác phẩm :
Âm
Vang Và Sắc Màu. Nhà xuất bản Trẻ, Sài Gòn 1991
Phương Ý. Nhà xuất bản Thanh Niên, Sài Gòn 2000
Hòa
Âm Âm Âm Âm. Nhà xuất bản Thư Ấn Quán, New Jersey 2007
Huyết
Âm. Q&P Production. California 2008
Tinh
Âm. Q&P Production. California 2010
Bốn
Câu Thất Huyền Âm. Q&P Production. California 2011
Tám
Câu Lục Huyền Âm. Q&P Production. California 2013
Năm
Chữ Năm Câu. Q&P Production. California 2014