Bốn sự thật về làm cha mẹ

bon su that

Còn vài hôm nữa thôi là ngày đầu của mùa Xuân, vậy mà sáng nay thức dậy nhìn ra cửa thấy tuyết phủ dày, trắng xóa ngoài sân.  Khu rừng nhỏ cạnh nhà với những thân cây đen in trên nền trời xám, cành khô đan nhau phủ dày một lớp tuyết trắng.  Tôi pha một tách cà phê, ngồi bên chiếc bàn viết nhỏ có vài chậu cây xanh, cạnh cửa sổ, bên ngoài là tuyết trắng.

 

    Dở đọc lại những bài viết cũ.  Tình cờ đọc được một bài, không nhớ mình phỏng dịch từ một tạp chí Phật học nào, đã rất lâu.  Tác giả chia sẻ về Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm (Tứ Diệu Đế), ứng dụng vào sự tu học cho những ai đang làm cha mẹ.  Bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy những điều này vẫn còn rất đúng, cho dù con chúng ta có trưởng thành đến đâu.

    Mà thật ra tôi nghĩ, những bài học này đâu phải chỉ riêng cho vấn đề làm cha mẹ, mà còn có thể ứng dụng cho bất cứ những vấn đề nào trong cuộc sống của chúng ta.  Xin chia sẻ với bạn, một bài học về thái độ trong sáng và bao dung khi tiếp xúc với thực tại.

1.         Làm cha mẹ sẽ bao gồm luôn cả những lo phiền

Sự Thật Mầu Nhiệm Thứ Nhất trong đạo Phật nói rằng cuộc đời này ít khi nào xảy ra đúng theo những mơ ước hay kỳ vọng của mình.  Là người cha hay người mẹ, chúng ta tiếp xúc với sự thật quan trọng này mỗi khi con mình la khóc, đánh mất đồ, bị bạn bè bỏ rơi, hay ngã bệnh…  Và mỗi khi những nỗi đau ấy trong ta khởi lên, ta thấy mình đóng kín lại, ta chối bỏ và chống cự.  Ta muốn xua đuổi chúng đi. 

    Có nhiều người mẹ nghĩ rằng, nếu mình là một người "mẹ tốt" thì con mình sẽ không bao giờ bị khó chịu hay khổ đau, nó sẽ không khóc, không gây gỗ, không bệnh hoạn… nó sẽ không bao giờ phải chịu đựng một vấn đề gì lớn lao hết.  Nhưng sự thật mầu nhiệm thứ nhất nhắc nhở chúng ta rằng, những đau đớn và khó khăn bao giờ cũng sẽ có mặt, chúng là một phần của cuộc sống, dù ta là già hay trẻ, giàu hay nghèo, và cho dù ta có thuộc hạng người có hết tất cả trong cuộc đời, hay là trắng tay.

2.         Khổ đau có mặt là vì chúng ta mong muốn cuộc đời này được khác đi.

Sự Thật Mầu Nhiệm Thứ Hai là về nguyên nhân của khổ đau.  Khổ đau sinh lên khi chúng ta có những mong muốn khác hơn với lại những gì mình đang có.  Và lẽ dĩ nhiên thường thì chúng ta lại ít khi nào bằng lòng với những gì mình đang có.  Con ta đang khóc la, ta muốn nó phải mỉm cười.  Con ta gây gổ, cãi bướng, ta muốn nó phải vui vẻ vâng lời và ngoan ngoãn, làm theo ý muốn của mình…

    Nhiều khi, những phương cách tạo dựng hạnh phúc của ta - bằng cách kiểm soát hay bắt buộc sự việc phải xảy ra đúng theo ý mình - lại chính là con đường đưa ta đến khổ đau.  Lẽ dĩ nhiên, chúng ta muốn có một không gian yên tĩnh, muốn có những người con ngoan, biết vâng lời, một căn nhà gọn ghẽ.  Nhưng giả sử như thực tại không phải là như vậy thì ta phải làm như thế nào đây?  Làm cách nào để chúng ta khôn khéo ứng xử đối với những thử thách ấy, với những bực dọc, lo âu, và đôi khi là đau đớn trong cuộc sống hằng ngày khi đối với con cái của mình?

   Tiếc thay, đôi khi chúng ta lại vô tình tạo thêm những khổ đau không cần thiết, khi bắt con mình phải khác hơn với những gì chúng thật sự là, khi ta muốn giây phút này phải là khác biệt đi!  Chúng ta sẽ tạo thêm khổ đau khi ta muốn né tránh những khổ đau và sự khó chịu của mình, hoặc là khi ta trở nên bực tức đối với chúng.  Nói tóm lại, bất cứ khi nào ta muốn chối bỏ thực tại này, là ta sẽ gặp khổ đau!

3.         Giải thoát khỏi khổ đau là chuyện có thể được

 

Sự Thật Nhiệm Mầu Thứ Ba thì rất là đơn giản.  Một khi chúng ta biết được nguyên nhân của khổ đau - muốn sự việc phải được khác hơn như chúng là - ta có thể tìm ra được cho mình một giải pháp.  Có một con đường giúp đưa ta ra khỏi được tình trạng này.  Nhưng con đường ấy là gì?  Làm sao ta có thể tìm được một hạnh phúc chân thật, thay vì cứ mải đi theo một con đường mòn cũ, dẫn ta từ khổ đau này sang đến một khổ đau khác?

4.         Con đường giải thoát khổ đau là có mặt với sự sống như là chúng xảy ra, và dùng đó như là phương pháp tu tập của mình.

Theo trong kinh thì Sự Thật Mầu Nhiệm Thứ Tư có trình bày một đường lối rất rõ rệt để chuyển hoá khổ đau, đó là con đường Bát chánh đạo.  Nói một cách tổng quát thì Bát chánh đạo gồm có những phương cách thực tập sâu sắc và cụ thể, giúp ta tiếp xúc và sống hoà hợp với cuộc sống hằng ngày, như là chúng thật sự có mặt, chứ không phải là lúc nào cũng cố gắng ép buộc chúng phải xảy ra theo như ý mình muốn.

    Và làm cha mẹ là một cơ hội giúp cho chúng ta thường xuyên thực tập điều ấy - buông bỏ hết những kỳ vọng và thành kiến của mình, và tiếp xúc với sự sống một cách sâu sắc mỗi khi nó xảy ra, ngay trong giờ phút này!  Bước đầu tiên là trở về và có mặt với những gì đang thật sự xảy ra.  Ví dụ như đứa con của tôi còn nhỏ, tôi dẫn nó đi vào siêu thị, và nó đòi quà rồi khóc thét lên.  Tôi cảm thấy xấu hổ.  Tôi cảm thấy nặng nơi ngực, tôi tự thầm nhủ là con mình không nên la khóc giữa nơi công cộng như thế!

 

Kinh nghiệm của tôi trong lúc này là như vậy, ngay giờ phút này tôi có sự khó chịu ấy.  Tôi thực tập trở về, thinh lặng một vài giây để thấy rõ được ý nghĩ của mình, cảm thọ của mình, cũng như những cảm xúc trong thân.  Tôi an tĩnh tiếp nhận hết tất cả.  Chúng đang là thực tại của tôi.

    Có thể bạn tự hỏi rằng làm sao ta có thể làm được việc ấy, trong khi mình đang cảm thấy hổ thẹn và bị căng thẳng!  Nó đòi hỏi thái độ kiên nhẫn và một niềm tin.  Biết trở về có mặt bao nhiêu, ta sẽ càng mở rộng ra và trọn vẹn hơn với giây phút này bấy nhiêu, và ta lại càng có thêm niềm tin sâu sắc rằng đó là điều có thể làm được.

    Khi trong ta có được một sự quân bình và an tĩnh, ta sẽ có thể nhận diện và chấp nhận những gì đang xảy ra, và từ đó một tuệ giác trong ta sẽ phát sinh giúp ta thấy rõ mình cần phải làm gì.  Chúng ta biết được mình cần phải hành xử cứng rắn như thế nào, hoặc là cần nên buông bỏ những kỳ vọng nào.  Hành động của ta sẽ được soi sáng bỡi một tình thương và sự hiểu biết lớn, không kỳ thị.

Hãy ôm trọn hết tất cả.

Thông thường thì khi chúng ta có những vấn đề khó khăn với con cái, ta thường có khuynh hướng trốn tránh thực tại.  Chúng ta không còn có đủ can đảm để sống trong giờ phút hiện tại.  Ta tìm cách tránh né hoặc đổ thừa cho hoàn cảnh hoặc một người nào khác, như là những người thân của mình, vợ hay chồng mình, hoặc con cái mình.  Nghe thì rất là lạ, nhưng nếu như ta dám mở rộng ra với những khó khăn của mình và thật sự kinh nghiệm chúng 100%, thì ta cũng sẽ kinh nghiệm được sự giải thoát, tự do và một tình thương chân thật.

 

Khi ta biết mở ra với giây phút hiện tại, ta sẽ có khả năng chậm lại và quay về tiếp xúc với những gì đang xảy ra, mặc dầu đang ở giữa những khó khăn.  Chúng ta sẽ có thể thật sự có mặt với con của mình, cảm nhận được những khó khăn của chúng một cách trọn vẹn hơn, thấy được niềm vui của chúng trọn vẹn hơn, thấy những đóa hoa nở thật tươi, và thật sự nhìn được những nụ cười trên mặt chúng.  Ta cũng ghi nhận được giấc mơ tôi-muốn-có-một-đứa-con-hoàn-toàn, giấc mơ tôi-muốn-có-căn-nhà-to-hơn, giấc mơ tôi-muốn-người-hôn-phối-thay-đổi… của chính mình.  Khi ta ghi nhận được những giấc mơ ấy, là ta thừa nhận sự có mặt của chúng; và khi ta thừa nhận chúng, nhiều khi ta cũng không cần phải hành xử theo chúng…

    Tóm lại, con đường thoát ra những khó khăn của ta là thực tập chấp nhận những gì thật sự có mặt - chấp nhận hết tất cả, những vấn đề của ta và của chúng – hãy ôm trọn hết tất cả.

nguyễn duy nhiên

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle