Minh Thạnh
Đây là bài tiếp theo của
loạt bài trả lời câu hỏi của một bạn đọc, đề nghị tìm lý do vì sao cảm nhận qua
truyền thông, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo có vẻ như luôn thua kém
các tôn giáo, và giải pháp nào để hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo thu hút
được càng nhiều người hơn tham gia.
Câu trả lời chung:
truyền thông là giải pháp rất hữu hiệu để đẩy mạnh hoạt động từ thiện xã hội
Phật giáo.
Trong bài viết trước,
chúng tôi có nêu lên hình thức dùng truyền thông để thể hiện tính chất công khai,
minh bạch, giám sát kiểm tra chặt chẽ đối với ngân quỹ từ thiện xã hội như một
giải pháp có tác dụng hữu hiệu tạo sự tin tưởng, từ đó, tạo sự hưởng ứng đối với
hoạt động từ thiện xã hội. Đây là phương thức Phật giáo chúng ta có thể áp dụng.
Nhưng trong bài này,
chúng tôi chỉ thông tin chung về vai trò của truyền thông đối với hoạt động từ
thiện xã hội, cách tôn giáo khác sử dụng truyền thông để cổ động cho hoạt động
từ thiện xã hội. Trong khuôn khổ một bài trả lời cho câu hỏi tìm giải pháp cho
việc thúc đẩy hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo, không tiện để nói tất cả
những ứng dụng của truyền thông đối với hoạt động này, mà có thể có những cách
làm không phù hợp với Phật giáo.
Vì vậy, chỉ xin miêu tả
vai trò của truyền thông trong việc cổ động hoạt động từ thiện, kèm với lời đề
nghị chỉ xem xét sử dụng những phương thức nào thích hợp với tinh thần Phật giáo,
một tôn giáo coi sự thật là một nguyên tắc nền tảng, cấm sự dối trá.
1.
Truyền thông cho mọi người biết đến hoạt động từ thiện xã hội là tích cực cổ
động cho hoạt động này
Vẫn có ý kiến cho rằng,
từ thiện xã hội là hoạt động tự nguyện, tự giác, không nên đưa lên báo chí để
khoe khoang.
Có lẽ với cách nghĩ như
vậy, tìm hiểu hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo qua internet nói riêng,
truyền thông nói chung, có vẻ ở một số nơi, Phật giáo có vẻ không bằng các tôn
giáo khác. Có thể vì người theo đạo Phật nghĩ là chuyện tạo phước lập đức là
điều vô hình, tâm linh, không cần nói đến, chỉ chư Phật biết đến là đủ.
Tuy nhiên, cũng cần chú
ý, khi thông tin rộng rãi về hoạt động từ thiện xã hội đến đông đảo công chúng,
chính là chúng ta đã làm cho nhiều người được biết về những hoạt động từ thiện
xã hội cụ thể và như thế là đã gián tiếp tạo thuận lợi để nhiều người hơn tham
gia vào hoạt động từ thiện xã hội, vì có biết thì mới quan tâm, ủng hộ, quyên
góp, tham gia trực tiếp.
Ở các tôn giáo khác,
người tu sĩ luôn được chú trọng đào tạo về truyền thông, các nhà lãnh đạo một số
tôn giáo quan tâm đặc biệc đến truyền thông, luôn chỉ đạo sát sao việc ứng dụng
truyền thông trong truyền đạo.
So với Phật giáo chúng
ta, việc ứng dụng truyền thông của họ là hơn hẳn, với kỹ năng rất chuẩn, cũng
như rất phong phú trong sáng tạo. Cái cách truyền thông mạnh mẽ về hoạt động từ
thiện xã hội đã làm đông đảo công chúng biết đến, từ đó có điều kiện tham gia
với nhiều hình thức.
Nói đến truyền thông tức
là nói đến nhiều cách, dùng web, blog, facebook, sách báo, tờ rơi, tờ gấp, dĩa
hình thậm chí dùng email, fax, thư bưu chính… Mục tiêu là làm sao cho càng nhiều
người biết đến những chương trình từ thiện xã hội cụ thể, có thể tham gia bằng
cách thuận tiện nhất như chuyển khoản, gởi tiền đến điểm nhận ở từng khu vực,
đến tận nơi thăm viếng, mua các sản phẩm ủng hộ…
Thông tin thật nhiều về
hoạt động ủng hộ, quyên góp, thăm viếng trực tiếp là nằm trong hoạt động này.
Ghi nhận dồi dào về sự ủng hộ từ thiện xã hội, về những người ủng hộ, đặc biệt
là những người có vị trí xã hội cao: nghệ sĩ, vận động viên, quan chức… chẳng
những không làm cho mọi người thấy là nên thôi vì đã có sự ủng hộ dồi dào, mà
trái lại, còn thúc đẩy mọi người ủng hộ nhiều hơn. Vì vậy, một số tôn giáo tỏ ra
nhạy bén trong truyền thông về từ thiện xã hội. Họ đưa tin rộng rãi về sự tham
gia của các ca sĩ, diễn viên, cầu thủ… nổi tiếng.
Nếu chỉ giới hạn trong
việc truyền thông trung thực, chính xác, chân thật thì hoàn toàn phù hợp với
Phật giáo. Phía Phật giáo nên tổ chức truyền thông rộng rãi về hoạt động từ
thiện xã hội như các tôn giáo khác đã làm, nếu bảo đảm được yêu cầu này.
2.
Truyền thông có thể làm việc cổ động không trung thực cho hoạt động từ thiện xã
hội
Người ta có thể dàn dựng
thông tin, cường điệu thông tin để quảng cáo cho hoạt động từ thiện xã hội một
cách không trong sáng. Có thể có nhiều cách thức truyền thông: công bố những
thông tin giả về kiểm tra, giám sát minh bạch ngân quỹ từ thiện xã hội, tạo
những ca làm từ thiện xã hội có tính chất “mồi” từ việc tham gia của những ngôi
sao ca nhạc, điện ảnh, thậm chí từ nhiều tôn giáo khác nhau, tạo những ủng hộ
giả từ những cơ quan tổ chức quốc tế rất có uy tín… Tóm lại, là tạo những hình
ảnh có thể giả, có thể cường điệu trong hoạt động từ thiện xã hội trước mắt công
chúng truyền thông rộng rãi, từ đó thu hút sự ủng hộ.
Do có người tổ chức kỹ
năng truyền thông rất tốt, nên nhìn vào bề ngoài những thông tin truyền thông về
hoạt động từ thiện xã hội, rất khó để phân biệt đâu là thông tin giả, thông tin
dàn dựng, thông tin phóng đại… Tất nhiên, truyền thông từ thiện xã hội như thế,
dù là với mục đích nhân đạo từ thiện, cũng không thích hợp với người theo đạo
Phật.
Cái kiểu truyền thông
như thế hiện nay diễn ra rất phức tạp. Một báo cáo khoa học trong chuyên luận “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam và Trung Quốc”, tổ chức biên soạn: Viện
Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Đại học Trung Sơn – Trung
Quốc, nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa, 2011, có thông tin như sau trong bài “Hiện
tượng gia tăng các “Hội thánh tư gia” Tin Lành hoạt động độc lập- Những tiếp cận
và Nghiên cứu ban đầu”, tác giả Nguyễn Xuân Hùng (trang 232)
“Trong một diễn đàn của
giới chức Tin Lành, một diễn giả đã nhận định và đánh giá về vấn đề hệ phái
(giáo phái) và các mối quan hệ trong “gia đình Tin Lành tại Việt Nam” như sau:
“Có bao giờ các bạn giật mình khi nghe thống kê tại đất nước Việt Nam
mình có đến 150-200 hệ phái Tin lành khác nhau không? Tôi thật không hiểu nổi
tại sao có quá nhiều người “đua nhau” thành lập những hệ phái khác đến như vậy
trong khi trên thế giới xu hướng chung là hợp nhất lại với nhau?
Bằng ấy hệ phái có làm cho công việc Chúa phát triển vượt bực không? Một khía
cạnh khác mà nói ra thì sẽ đụng chạm đến nhiều điều tế nhị. Xin thử hỏi tại sao
nhiều người muốn lập hệ phái riêng, phải chăng vì chức tước và các quyền lợi vật
chất khác? Bình thường một mục sư đáng kính phải hầu việc Chúa 30-40 năm mới vào
chức vụ lãnh đạo trong giáo hội, thế mà anh em mới bước vào chức vụ không lâu đã
muốn lập hệ phái này nọ để được làm lãnh đạo, được làm Hội trưởng! Rồi muốn được
lãnh đạo thì phải có thuộc cấp, thế là không ít trường hợp những tín hữu được
điều động theo các lớp “Thần đạo mì ăn liền” sau vài tháng gặp lại đã trở thành
“Mục sư thực thụ được tấn phong hẳn hoi”! Tuyệt chiêu hơn nữa có những hệ phái
mà Hội Trưởng là chồng, vợ là Phó, vài người con làm thành viên, v.v… thật hết
biết! Rồi các “hệ phái” này đua nhau đi “dụ dỗ hoặc ăn cắp chiên”, và nhất là có
tài “cổ động tài chính” từ các nguồn ở hải ngoại bằng nhiều hình thức “quái
chiêu” như: đến Nhà thờ hoặc nhà riêng của tín hữu chụp hình sinh hoạt về nói là
tín đồ của mình, người ta cho tiền xây dựng Nhà thờ, xây giếng nước thì đi chụp
hình Nhà thờ khác, giếng nước nhà nọ về làm sổ sách là do mình xây dựng nên,
v.v… thật không thể nào tả nổi “Thử hỏi có quá nhiều” hệ phái “kiểu như vậy thì
làm sao đòi hỏi người khác chấp thuận mình, dự phần với mình và còn đòi làm
ngang hàng hoặc lãnh đạo lại người khác?””.
Như đã nói, không tiện
đi sâu hơn về truyền thông hoạt động từ thiện xã hội trong một bài viết có liên
hệ đến Phật giáo. Xin dừng lại ở trích dẫn nói trên từ một quyển sách nghiên cứu
do nhà xuất bản Từ điển Bách khoa ấn
hành.
Hiện tượng truyền thông
giả, truyền thông mồi này có khá nhiều dạng. Xin lấy một ví dụ khác nữa. Có lẽ
tờ báo vốn rất ít quảng cáo, nhưng bỗng dưng lại thấy bất ngờ xuất hiện quảng
cáo ồ ạt của những doanh nghiệp đại gia. Coi chừng, có thể những quảng cáo như
thế được in miễn phí, để mồi các doanh nghiệp khác. Nó nhằm tạo suy nghĩ các đại
gia vốn nghiên cứu kỹ hiệu quả của các phương tiện truyền thông, đã chọn sử dụng
quảng cáo, thì các doanh nghiệp cũng nên đóng tiền quảng cáo đi thôi như các
doanh nghiệp đại gia. Mà thực ra doanh nghiệp đại gia đâu có đóng tiền!
Vì vậy, khi thấy trên
truyền thông các tên tuổi ngôi sao ủng hộ cho một hoạt động từ thiện nào đó, thì
chớ tin ngay.
MT