Quan điểm niệm Phật trong sách Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông

quan diem niem phat

Phạm Hoài Phong

 

Khóa hư lục được xem như là một tác phẩm Phật học nổi tiếng do Trần Thái Tông – một vị vua anh minh của triều đại nhà Trần – sáng tác. Nội dung của Khóa hư lục bàn về nhiều vấn đề liên quan tới phương pháp cũng như tư tưởng Phật học như Thiền học. Trong đó, vấn đề niệm Phật được tác giả dành riêng một phần để bàn luận một cách khá chi tiết và sâu sắc. Bài viết dưới đây ghi nhận lại một vài quan điểm quan trọng mà Trần Thái Tông đã nêu lên từ phần “Niệm Phật luận” của tác phẩm Khóa hư lục đó.    

KHÁI NIỆM

Mặc dù trong tác phẩm Khóa hư lục, Trần Thái Tông không đưa ra khái niệm niệm Phật một cách trực tiếp, nhưng căn cứ vào phần “Niệm Phật luận” trong tác phẩm vừa đề cập, có thể thấy Trần Thái Tông đã có một cách hiểu hết sức sâu sắc về khái niệm này. Trước hết, ông cho rằng, niệm Phật thực chất chính là niệm tâm. Ông viết: “Niệm Phật do tâm khởi. Tâm khởi thiện là thiện niệm. Tâm khởi ác là ác niệm. Sinh ác niệm tất ứng ác nghiệp. Như gương hiện ảnh, tựa bóng theo hình[1]. Điều này cho thấy niệm Phật, theo Trần Thái Tông, là một quá trình biện tâm, một hình thức tu học thiên về quán chiếu tự tâm thông qua nỗ lực tự thân hành giả mà Lục tổ Huệ Năng từng nói tới trong kinh Pháp bảo đàn.

Thứ hai, Trần Thái Tông cho rằng, niệm Phật là quá trình hướng tâm tới Phật nhằm chuyển hóa thân tâm hay nói đúng hơn hơn là quá trình chuyển hóa thân, khẩu, ý từ ác tới thiện, từ chưa tốt tới tốt, từ hư vọng tới chân thật. Nói cách khác, niệm Phật là quá trình chuyển hóa thân tâm theo con đường Chân – Thiện – Mỹ. Ông viết: Trong lúc niệm Phật thân thẳng ngồi ngay, không làm việc tà, như vậy là dứt trừ được nghiệp thân. Miệng tụng lời chân chính, không nói điều xằng bậy, thế là dứt trừ được nghiệp miệng. Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh ý nghĩ tà, thế là dứt trừ được nghiệp ý”[2].

Như vậy, niệm Phật theo Trần Thái Tông có thể được hiểu theo hai góc độ hay hai phương diện khác nhau, và cả hai phương diện này đều hướng hành giả tới sự an lạc, giải thoát theo tinh thần giải thoát của Phật giáo. Thứ nhất, niệm Phật được hiểu như là quá trình biện tâm mà ở đó, hành giả tu tập là chủ thể đóng vai trò quyết định đối với hành nghiệp cũng như kết quả của nó theo hai chiều hướng thiện, ác khác nhau. Thứ hai, niệm Phật được xem là quá trình chuyển hóa thân tâm từ ác tới thiện, từ chưa tới tốt, từ hư vọng tới chân thật trên cơ sở hướng tâm về Đức Phật, một biểu tượng viên mãn nhất về từ bi và trí tuệ giải thoát như là phương tiện định tâm để hành giả thành tựu giải thoát giác ngộ trong hiện tại và tương lai.

PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT

Về phương pháp, Trần Thái Tông đề ra ba phương pháp niệm Phật. Có thể tạm gọi ba phương pháp đó là: Bất nhị tướng niệm Phật hay Vô phân biệt niệm Phật, Nhất tâm niệm PhậtTam nghiệp niệm Phật.

Phương pháp thứ nhất là Bất nhị tướng niệm Phật hay Vô phân biệt niệm Phật. Trần Thái Tông cho rằng, theo phương pháp này, hành giả tu tập không còn khởi niệm phân biệt đối tượng năng–sở niệm nữa. Chủ thể và đối tượng niệm Phật lúc bấy giờ hoàn toàn vắng lặng, nhất như. Không có ai là người niệm Phật, mà đối tượng niệm Phật cũng không còn. Sở dĩ như vậy là vì, theo Trần Thái Tông, “tâm tức là Phật”, do đó hành giả chẳng nhờ tu, nhờ niệm Phật mà chứng ngộ. Không tu, không niệm nhưng không phải không tu, không niệm. Đó là cảnh giới sở chứng của hành giả niệm Phật mà Trần Thái Tông cho rằng chỉ có bậc thượng căn thượng trí mới có thể đạt được mà thôi. Phương pháp niệm Phật này thực chất chính là phương diện lý tánh của pháp môn niệm Phật. Đó là mục đích cuối cùng mà hành giả tu học hướng tới thông qua hai phương pháp còn lại như một quá trình thống nhất mà Trần Thái Tông đề cập tới trong phần “Niệm Phật luận” của sách Khóa hư lục. 

Phương pháp thứ hai có thể tạm gọi là Nhất tâm niệm Phật. Theo phương pháp này, hành giả cần phải tập trung tâm ý một cách chuyên nhất vào danh hiệu Phật, không để cho tạp loạn xen vào. Mọi vọng niệm có tính cách điên đảo trong tâm thức được thay thế bằng danh hiệu Đức Phật. Quá trình này được duy trì cho tới khi tâm hành giả chỉ còn duy nhất danh hiệu Đức Phật, không còn một niệm nào khác. Nói như Trần Thái Tông, đó là lúc “thiện niệm phát khởi, ác niệm tiêu tan, duy còn thiện niệm”[3]. Đây là giai đoạn đầu tiên và cần thiết phải duy trì trong quá trình niệm Phật. Tuy nhiên theo Trần Thái Tông đó vẫn chưa phải là chỗ cứu cánh của pháp môn niệm Phật. Bởi vì, theo truyền thống Phật giáo, muốn đạt đến cứu cánh, tâm của hành giả phải thuần tịnh nhất như, tức là phải xả ly tất cả các niệm, dù đó là niệm ác hay niệm thiện. Tâm hành giả lúc bấy giờ trở nên định tĩnh và hoàn toàn trong sáng. Chỉ khi nào thành tựu được như vậy, hành giả mới có thể thể nhập được cảnh giới chân thật Thường-Lạc-Ngã-Tịnh của chư Phật như chính Trần Thái Tông đã nói.

Phương pháp thứ ba tạm gọi là Tam nghiệp niệm Phật. Thực tập phương pháp này hành giả phải vận dụng cả ba phương diện thân, khẩu và ý để niệm Phật. Đây thực chất chính là phương pháp Trì danh hiệu Phật – một phương pháp niệm Phật quan trọng và phổ biến của truyền thống Tịnh độ tông. Theo phương pháp này, khi thực tập niệm Phật, hành giả phải có niềm tin (tín) đối với lời dạy của Đức Phật về phương pháp niệm Phật, vào cảnh giới an lành của Phật A Di Đà và những lời phát nguyện rộng lớn của Ngài. Ngoài ra, hành giả còn phải tin tưởng vào khả năng thực tập chuyển hóa của chính bản thân mình. Có như vậy hành giả mới có động lực để hướng tới việc thực tập (hạnh) hết lòng phương pháp niệm Phật này. Cuối cùng để thành tựu mục đích niệm Phật, hành giả phải thiết tha phát nguyện vãng sinh về cõi Phật (nguyện). Tuy nhiên, ở đây, Trần Thái Tông không chú trọng về tha lực, tức năng lực cứu độ bên ngoài mà lại chú trọng tới tự lực, tức năng lực chuyển hóa bên trong tự thân của hành giả thực tập. Ông viết: “Miệng niệm danh hiệu Phật, tâm nguyện được thấy tướng Phật, thân nguyện sinh nước Phật, ngày đêm tinh tấn không thoái chuyển. Sau khi mạng chung, theo thiện nghiệp đó sinh sang nước Phật, được nghe chính pháp, chứng đạo Bồ-đề”[4]. Như vậy, mục tiêu có thể đạt được từ phương pháp niệm Phật thứ ba này là việc vãng sang sang nước Phật. Từ đó, hành giả mới tiếp tục quá trình tu học để thành tựu giác ngộ, giải thoát viên mãn.

Ở đây, có một điểm đáng chú ý là, mặc dù cũng đề cập tới việc sinh sang nước Phật như các bản kinh truyền thống Tịnh độ tông, nhưng Trần Thái Tông đã bỏ qua hẳn hình ảnh Phật và Thánh chúng xuất hiện, tiếp dẫn hành giả về cõi Phật như các bản kinh này đã đề cập. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một chủ ý thể hiện sự nhận thức sâu sắc của tác giả về phương pháp niệm Phật. Nó cho thấy, trong chiều sâu tâm thức, Trần Thái Tông đã có ý cho rằng, việc sinh sang nước Phật, thành tựu giác ngộ theo phương pháp niệm Phật là một quá trình tiệm tiến đặt trên nền tảng tự lực chứ không phải căn cứ vào tha lực. Đó là kết quả của quá trình chuyển hóa thân tâm của hành giả, mà ở đó định lực và sự quán chiếu nội tâm đóng vai trò quan trọng chứ không phải là kết quả đạt được từ lòng từ bi của chư Phật như là một tín ngưỡng-tôn giáo. Về điểm này, có thể thấy quan điểm của Trần Thái Tông rất gần với quan điểm vãng sanh mà một số bộ kinh căn bản của truyền thống Tịnh độ tông từng đề cập. Có thể lấy một đoạn kinh được xem là con đường thực tiễn nhất của Tịnh độ tông[5], mà nhiều khi trong quá trình truyền bá, không hiểu sao người ta thường ít triển khai hoặc bỏ qua để chứng minh cho sự sâu sắc trong nhận thức của Trần Thái Tông về phương pháp niệm Phật này:

Lại nữa này thầy Xá Lợi Phất, chúng sanh sinh về thế giới Cực lạc đều là những bậc không còn thối chuyển; đa số trong đó sau khi tái sanh một lần nữa, sẽ thành Phật quả, và số này là vô lượng, vô số, không thể tính biết được. Do vậy, này thầy Xá Lợi Phất, chúng sanh trong cõi Ta-bà này nếu nghe được thì nên phát nguyện sinh về cảnh giới của Đức Phật ấy để cùng được sống chung với các bậc thánh giả như vậy. tuy vậy, này thầy Xá Lợi Phật, không phải do có được chút ít công đức, chút ít thiện căn, nhân duyên mà chúng sanh  được sinh về cõi nước Cực lạc.

Này thầy Xá Lợi Phất nếu có thiện nam tín nữ nào nghe được danh hiệu của Đức Phật A Di Đà rồi chuyên tâm trì niệm, hoặc trong một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày tâm không tán loạn, thì vào lúc lâm chung của các vị ấy, Đức Phật A Di Đà và Thánh chúng sẽ hiện ra trước mặt họ, khiến cho tâm của họ không bị điên đảo, và nhờ thế liền sinh về thế giới Cực lạc.

Này thầy Xá-lợi-phất, do vì thấy được những lợi ích như thế nên Ta nói rằng nếu chúng sanh nào nghe được kinh này thì nên phát nguyện sinh về thế giới Cực Lạc”.

Rõ ràng, từ nội dung này cho thấy, định lực mới thực sự là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của phương pháp niệm Phật. Các yếu tố mang tính điều kiện khác chỉ là kết quả hoặc là hệ quả phái sinh của nó mà thôi.

Tóm lại, có thể thấy, ba phương pháp niệm Phật mà Trần Thái Tông đã đề cập trong phần “Niệm Phật luận” thực chất không phải là ba phương pháp riêng biệt mà chúng thực sự thống nhất với nhau. Mỗi phương pháp có thể được xem là một phương tiện thích hợp của mỗi chặng đường, mỗi căn cơ trình độ khác nhau nhằm hướng hành giả đạt tới đích của quá trình giác ngộ, giải thoát.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ỨNG DỤNG

Theo Trần Thái Tông, niệm Phật có thể được thực tập một cách phổ biến trong đời sống cộng đồng và thực tế nó đã được phổ biến trong cộng đồng Phật giáo lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tùy theo căn cơ trình độ mà hành giả chọn lựa phương pháp ứng dụng cho thích hợp. Phương pháp thứ nhất, tức Bất nhị tướng niệm Phật hay Vô phân biệt niệm Phật chỉ thích hợp với bậc thượng căn, thượng trí. Bởi vì phương pháp này đòi hỏi hành giả phải có sự nhận thức và khả năng thể nhập sâu sắc chân lý chân thật của vạn pháp. Hay nói đúng hơn, đây là phương diện lý tánh của phương pháp niệm Phật, người hạ căn hạ trí khó lòng mà thể nhập được.

Phương pháp thứ hai, tức nhất tâm niệm Phật, phù hợp với bậc trung căn, trung trí. Bởi vì, phương pháp này đòi hỏi hành giả phải có một khả năng duy trì chánh niệm, chuyển hóa thân tâm cao độ để thể nhập chân lý, tức thể nhập Niết-bàn ngay trong đời sống hiện tại. Điều này theo Trần Thái Tông cũng không đơn giản. Bởi vì theo ông, hành giả tu theo phương pháp này nếu có túc duyên thiện lành thì sự giác ngộ có thể thành tựu, nhưng nếu không có túc duyên lành thì khi lâm chung, có khả năng hành giả sẽ sanh vào thiện giới, và sau khi hưởng hết phước báo thiện giới mà không tỉnh ngộ thì sẽ rơi vào ác thú, chịu quả báo đau khổ lâu dài.

Trong khi đó, đối với phương pháp thứ ba, tức Tam nghiệp niệm Phật, Trần Thái Tông lại cho rằng, đó là phương pháp dễ thực tập nhất, vì nó đưa hành giả đạt đến mục đích của mình, tức sanh về cõi Phật thông qua ba phương diện mà hành giả nương theo suốt quá trình niệm Phật. Đó là khả năng chuyển hóa tự thân, niềm tin và sự phát nguyện của hành giả trong quá trình niệm Phật. Đây là phương pháp tu học được Trần thái Tông khuyến khích, vì ông cho rằng phương pháp này thích hợp với căn cơ của đại bộ phận các hành giả tu tập lúc bấy giờ. Hơn nữa, ông cũng cho rằng phương pháp này là nền tảng căn bản của quá trình niệm Phật, cũng giống như khi cất nhà, người ta phải xây dựng nền móng trước. Nền móng có vững chắc thì ngôi nhà mới vững chắc, mới có thể vươn cao được.

 KẾT LUẬN

Tóm lại, có thể nói, quan điểm niệm Phật của Trần Thái Tông là một quan điểm hết sức sâu sắc thể hiện sự nhận thức uyên thâm của ông về con đường tu tập giác ngộ của Phật giáo thông qua phương pháp niệm Phật. Đó là con đường tiệm tiến mà bước khởi đầu của nó đi từ niềm tin, năng lực thực tập, sự phát nguyện đến khả năng chuyển hóa thân tâm bằng khả năng tự thân của hành giả. Và, điểm cuối cùng của quá trình đó là sự thể nhập chân lý như là kết quả tự nhiên của một quá trình tu tập, chuyển hóa nội tại. Chính vì vậy, con đường đó không mang màu sắc tín ngưỡng–tôn giáo mà thực chất chính là con đường chuyển hóa tự thân căn cứ vào khả năng nhận thức và thực tập của hành giả trong suốt quá trình tu học mà tại đó, định lực là yếu tố quyết định nhất trong quá trình ấy.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa hư lục. NXB. Tôn giáo, 2003.

2. Viên Trí, Khái niệm về Bồ tát Quán Thế Âm. NXB. Tôn giáo, 2005.

 



[1] Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa hư lục, NXB.Tôn giáo, 2003, tr.50.

[2] Thích Thanh Kiểm (dịch), Sđd, tr.50.

[3] Thích Thanh Kiểm (dịch), Sđd, tr.50.

[4] Thích Thanh Kiểm (dịch), Sđd, tr.51.

[5] Viên Trí, Khái niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm, NXB. Tôn giáo, 2005, tr.247-248.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle