Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM- Bài 14: TRUNG TÂM GIÁO QUYỀN

Minh Thạnh

Vừa qua, chúng tôi có nhận được phản hồi từ bạn đọc, rằng cấu trúc của thành phố Sài Gòn do thực dân Pháp thiết kế vào cuối thế kỷ XIX không phải là lấy sông Sài Gòn làm mặt tiền như chúng tôi trình bày trong những bài đầu tiên của loạt bài này, mà Sài Gòn được cấu trúc theo 2 hướng chính là Đông – Tây và Nam – Bắc. Nguồn tài liệu dẫn chứng cũng được trích dẫn.

Theo chỉ dẫn của bạn đọc, chúng tôi đã tìm đến tài liệu nêu ý kiến nói trên, đó là bài viết “Di sản kiến trúc đô thị Sài Gòn thời cận đại” của tác giả Nguyễn Thị Kim Anh (Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM) in trong sách “Nam bộ Đất và Người”, tập IX, Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM tổ chức biên soạn, PGS TS Vũ Văn Sen chủ biên, nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM xuất bản năm 2013, với thông tin chi tiết như sau (trang 129): “Về quy hoạch, Sài Gòn vẫn được xây dựng dựa trên các trục đường của Gia Định Thành thời Nguyễn, đó là hai trục Cardos (Nam – Bắc, đường Lê Duẩn) và Decumanus  (Đông – Tây, đường Đồng Khởi), lấy dinh Thống Nhất và nhà thờ Đức Bà là điểm kết. Hai trục phụ là Nguyễn Huệ và Lê Lợi, với Ủy ban Nhân dân Thành phố và Nhà hát Lớn là điểm kết. Các đường còn lại chạy song song theo ô vuông bàn cờ, lề đường trồng cây, có các ngã tư, ngã năm, ngã bảy, quảng trường, bùng binh, công viên, chỗ đậu xe…”.

Theo nội dung tài liệu vừa dẫn ở trên, thì lập luận của chúng tôi nêu ra trước đây vẫn không sai. Đó là nhà thờ Đức Bà vẫn giữ vai trò trung tâm trong thiết kế đô thị Sài Gòn. Đó là điểm kết của 1 trong 2 trục chính, mà ở đây là trục Đông Tây. Hai điểm kết trong 2 trục có giá trị như 2 điểm nhấn trung tâm. Trung tâm quyền lực tôn giáo của Sài Gòn là Nhà thờ Đức Bà, bên cạnh trung tâm hành chính (thế quyền) là Dinh Thống Nhất.

Hai đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi được coi là 2 trục phụ. Vì vậy, trung tâm chính quyền thành phố, tòa đô chính (nay là Ủy ban Nhân dân TPHCM) chỉ là trung tâm phụ, trung tâm loại 2.

Đối chiếu kết luận này với kết luận của chúng tôi trong bài viết trước, rằng quy hoạch đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp có quan điểm đặt giáo quyền của đạo Ca tô La Mã lên trên chính quyền thành phố, thì 2 bên vẫn không có gì khác. Bài viết mà bạn đọc chỉ dẫn tôi tham khảo rốt cuộc đi đến cùng một kết luận với ý kiến của tôi, dù rằng quá trình chứng minh có hơi khác. Nhưng theo cách nhìn nào, thì rõ ràng, thiết kế đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp thể hiện quan điểm tôn cao giáo quyền đạo Ca tô La Mã, ở mức tương đương với chính quyền trung ương qua quy hoạch điểm kết thứ hai của 2 trục chính và ở trên chính quyền địa phương (quy hoạch điểm kết của 2 trục phụ).

Trong quy hoạch mới của TPHCM, trung tâm của thành phố vẫn được xác định là khu trung tâm hiện hữu. Các tuyến đường cơ bản vẫn như cũ, chỉ có trụ sở các cơ quan hành chính sẽ được xây dựng mới. Như thế, quan điểm thiết kế đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp sẽ được duy trì có thể là hàng trăm năm nữa.

Quan điểm như thế của thực dân Pháp trong thiết kế đô thị Sài Gòn không phản ánh bước phát triển mới trong sinh hoạt tôn giáo của TPHCM, không phản ánh sự tương quan của thế quyền và giáo quyền đạo Ca tô La Mã hiện nay, đề cao giáo quyền đạo Ca tô La Mã một cách không phù hợp, mang biểu hiện lệch lạc của thời thực dân, tiếp tục thể hiện những vấn đề trong diện mạo kiến trúc thành phố.

Cũng đáng lưu ý là những nhận định tiếp theo trong bài viết của tác giả Nguyễn Thị Kim Anh: “Thành phố chủ yếu vẫn chia làm hai khu thời Gia Định thành, phần đất cao là trung tâm xây cất kiểu trình diễn phô trương thanh thế của chính quyền thuộc địa với dinh thự, công sở, nhà Tây; phần đất thấp hơn chạy dọc theo kinh rạch kéo dài đến Chợ Lớn là không gian làm ăn sinh sống của người bản địa. Sài Gòn thời Pháp cùng lúc tồn tại song song các lối sống và văn hóa khác nhau: Thành phố vườn của người châu Âu (quận 1, quận 3), phố ngõ nhỏ hẹp theo bang hội của người Hoa (dọc theo rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến Chợ Lớn), nhà phố liên kế của người Ấn Chetty (quanh chợ Cũ, chợ Bến Thành) và mạng lưới hẻm nhỏ, chật chội, nhà lá của người Việt (phía Tân Định, Phú Nhuận, Hòa Hưng, Khánh Hội…)”

Theo nhận định trên, thì trong khu công thự của Sài Gòn (tức khu “thành phố vườn của người châu Âu”), chỉ có ngôi chùa là chùa Xá Lợi và Vĩnh Nghiêm, cùng Thiền viện Quảng Đức. Điều này, cũng phù hợp cơ bản với ý kiến của chúng tôi trong loạt bài này.

Như thế, đối với Phật giáo thì chỉ có trụ sở hành chính trung ương của Giáo hội là tọa lạc ở khu công thự của thành phố (trước tiên ở chùa Xá Lợi, sau đó là Thiền viện Quảng Đức). Trong khi đó, trụ sở của Ban Trị sự GHPGVN TPHCM vẫn tọa lạc ở khu lao động (đó là khu Vườn Lài, nơi tọa lạc chùa Ấn Quang, đườgn Sư Vạn Hạnh). Thực tế do lịch sử để lại này có các vấn đề của nó, trong đó có vấn đề thể diện của GHPGVN TPHCM.

Đường Sư Vạn Hạnh hiện nay vẫn là khu lao động, sản xuất thủ công đồ nhôm gia dụng, buôn bán các mặt hàng kim khí như dao, búa, đinh, dây xích, soong nồi…, lụp xụp, chật chội chen chúc. Phía sau còn là một khu trung cư cũ, điều kiện vệ sinh kém, mật độ cư trú đông đúc. Khung cảnh chung quanh hoàn toàn tương phản với một trung tâm hành chính của Phật giáo. Điều mà mỗi lần chư tôn đức tăng ni Phật tử tề tựu về chùa Ấn Quang đều cảm nhận được hiện tượng xô bồ, phơi phóng diễn ra phía trước, phía sau, hai bên chùa tạo áp lực rất nặng nề về tình trạng thiếu tôn nghiêm, kém vệ sinh. Dù là một ngôi chùa lớn, kiến trúc đẹp, nhưng do vị trí như thế trong thành phố, Ấn Quang chưa thể trở thành một trung tâm du lịch văn hóa thành phố. Điều này dẫn đến vấn đề trong diện mạo kiến trúc tôn giáo thành phố hiện nay, thể hiện sự khiếm khuyết trong kiến trúc Phật giáo ở khu trung tâm. Tất nhiên, không thể làm gì hơn, vì Sư Vạn Hạnh là một khu phố lao động.

Trở lại vấn đề kiến trúc tôn giáo ở khu trung tâm TPHCM, thì chúng ta lại vướng vào ngay sự bất hợp lý của kiến trúc Phật giáo. GHPGVN TPHCM là một thiết chế trong các tổ chức của TPHCM, cần sự hiện diện tương xứng và còn có ý nghĩa thể hiện sự tôn nghiêm trong sự hiện diện ở khu trung tâm, thay vì khu lao động của thành phố.

Hiện nay, rõ ràng là không tìm được nơi xây chùa ở các vị trí dù là kém hơn không so sánh được với nhà thờ Đức Bà, nhưng vẫn còn trong khu công thự của thành phố như đối với trung tâm Mục vụ, Tòa Tổng Giám mục, trụ sở các dòng tu ở khu Tú Xương, Nguyễn Thông, Lý Chính Thắng…

Phật giáo TPHCM chỉ còn cơ hội ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, được xác định là khu tung tâm mở rộng của thành phố và ở nơi có thể nhìn thấy từ khu trung tâm thành phố hiện hữu, chưa xây dựng, còn trong tình trạng đất trống, có thể nghĩ đến việc điều chỉnh quy hoạch.

Trong bước đi lên chung của TPHCM, trước những tiến bộ trong hoạt động chỉnh trang đô thị, thiết tưởng, đã đến lúc GHPGVN TPHCM đặt vấn đề sĩ diện, tương xứng, trong kiến trúc Phật giáo ở thành phố. Phật giáo TPHCM cần có sự hiện diện kiến trúc xứng tầm ở khu trung tâm, vượt khỏi giới hạn khu xóm lao động hiện tại.

Thiết tưởng, đây là cơ hội thuận lợi, vì hiện nay dường như, trước mặt Phật giáo TPHCM không có một áp lực tài chính từ một công trình xây dựng nào lớn. Ngược lại, kiến trúc một ngôi chùa phù hợp ở khu trung tâm mở rộng của của TPHCM sẽ là một đề án kiến tạo thích hợp cho sự phát triển của Phật giáo TPHCM trong những năm sắp tới.

Nếu bỏ qua cơ hội này, có lẽ, trong nhiều trăm năm sau, diện mạo kiến trúc tôn giáo TPHCM vẫn là diện mạo của một tôn giáo khác. Và tiếc rằng, đó lại là di sản của một chế độ thực dân.

MT

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle