Minh Thạnh
Lại có một vụ việc mới
trên truyền thông liên hệ với Phật giáo, nhiều trang mạng đăng lại bài “Sư trụ trì ở… biệt thự!” của báo
Người Lao Động
với nhiều dạng. Đây là dịp để chúng ta bàn luận về truyền thông có liên hệ
với Phật giáo, về cách nhìn nhận, phản ứng cần có từ phía Phật giáo đối với
những vụ việc tương tự. Từ đó, hướng đến mục tiêu hạn chế những bất lợi truyền
thông gây ra với Phật giáo, phản ứng có hiệu quả khi lại có xảy ra những sự việc
tương tự.
Có lẽ sự kiện truyền
thông gần đây nhất mà tôi lên tiếng là bài đăng trên báo
Phụ nữ
TPHCM về việc nuôi con nuôi của chùa Bồ Đề, Hà Nội.
So sánh với sự việc “Sư
trụ trì ở… biệt thự!” mới đây, chúng ta có thể rút ra một điểm chung. Đó là
việc truyền thông về những sự kiện trong Phật giáo như thế xuất phát trước hết
từ những tin đồn, đều là những việc có liên hệ đến tiền bạc, và cùng có chung
đối tượng là người tu sĩ Phật giáo.
Như vậy, có thể bước đầu
nhận xét, tu sĩ Phật giáo và những liên hệ đến tiền bạc, vật chất là mảng đề tài
từ Phật giáo có mức nhạy cảm cao đối với truyền thông hiện nay. Sư giả cũng là
chuyện liên quan đến tiền bạc, thu nhập.
Tiền bạc, thu nhập của
người tu sĩ trở thành mảng đề tài được chú ý khai thác trên truyền thông cũng
còn là vì đó là một đề tài tuy nhạy cảm, nhưng dễ tranh thủ được sự đồng tình
của dư luận công chúng, ít đưa nhà báo rơi vào thế khó
xử, ít gây va chạm làm thương tổn đến những tình cảm tôn giáo. Tiền bạc, thu
nhập cũng tạo dáng vẻ bề ngoài một đề tài kinh tế, vốn ít gây phiền phức cho
người làm truyền thông.
Vì vậy, tăng ni của Phật
giáo chúng ta nên lưu ý rằng thu nhập, tiền bạc là khía cạnh đang chịu áp lực
theo dõi rất lớn của truyền thông.
Một số không ít nhà báo
cũng như số đông công chúng vẫn quan niệm đã tu theo đạo Phật thì phải khổ hạnh.
Điều đó, lại nâng vấn đề tiền bạc thu nhập của người tu sĩ Phật giáo lên một mức
nhạy cảm cao hơn. Nhà báo dễ cảm thấy họ đúng khi đặt ra vấn đề này. Từ đó, họ
dễ “bập” vào những chuyện liên hệ. Với sự phấn khích, đôi khi thiếu tỉnh táo,
thận trọng cần thiết.
Điều này giải thích vì
sao những nhà báo lại liên hệ đến Phật giáo bắt đầu từ những tin đồn.
Tin đồn đôi khi là đầu
mối tốt, là gợi ý truyền thông có giá trị. Nhưng khi làm truyền thông với những
thành kiến, thiên lệch, ẩn ức, mặc cảm hay quá mẫn cảm, thì người làm truyền
thông dễ làm cái việc trình bày lại tin đồn trên mặt báo, diễn đạt lại tin đồn
với bút pháp báo chí, thay chỉ vì lời ra tiếng vào bằng khẩu ngữ như trước kia.
Ở những trường hợp mà chúng ta đang liên hệ, tin đồn đã không được kiểm chứng,
mà đi thẳng lên mặt báo một cách sống sít. Điều này cho thấy người làm truyền
thông về Phật giáo vì áp lực của thành kiến, thiên lệch trong quan niệm, đã bỏ
qua những kỹ năng cần thiết.
Nghe đồn chuyện con nuôi
ở chùa Bồ đề, nhà báo không kiểm tra thông tin một cách trách nhiệm, mà đến chùa
chỉ nghe lời ô sin với bảo vệ, rồi tương ngay lên mặt báo. Còn trong bài “Sư
trụ trì ở… biệt thự!” của tác giả Nhật Thanh, thì mở đầu cũng là tin đồn “Gần đây, người dân tỉnh Vĩnh Long bàn tán xôn
xao”, kết thúc cũng là tin đồn: “Họ
cho rằng…”. Như vậy, là khi đề cập đến Phật giáo, các nhà báo đã quá chủ
quan, xem thường các thao tác cơ bản của truyền thông. Có thể mở đầu, gợi ý, dẫn
nhập bằng tin đồn, nhưng kết thúc phải bằng thẩm tra, xác minh, kết luận từ phía
có thẩm quyền. Nếu không thì tự bài báo sẽ trở thành chính là một tìn đồn được
xào nấu lại, chông chênh, thiếu giá trị, mang tính chất “đạo
thính đồ thuyết” (nghe cắp ở ngoài đường rồi lại ra đường nói lại, “đạo”
và “đồ” trong tứ tự thành ngữ nói trên
đều có nghĩa ngoài đường, nghĩa bóng đều là tin đồn).
Người tu hành chân chính
theo đạo Phật không sợ truyền thông chân chính, truyền thông đúng bài bản, sách
vở, truyền thông đúng kỹ năng, thao tác, mà lại sợ cái kiểu truyền thông “đạo
thính đồ thuyết” đó, bất chấp những nguyên tắc cơ bản của đưa tin, viết tin.
Ngay khi có quan chức
thẩm quyền đóng dấu ký tên vào một văn bản, nhà báo cũng cần phải kiểm tra trước
khi trích dẫn, sử dụng nguồn tin, huống chi là mở đầu bằng “bàn
tán xôn xao”, kết thúc bằng “họ cho
rằng…” như thế.
Vậy thì nhà báo ở đâu?
Nhà báo đâu chỉ làm cái việc ghi rồi đưa lại tin đồn, hay trích dẫn ô sin, bảo
vệ?
Nhận thấy được điều này
Phật giáo chúng ta mới đánh giá được vấn đề truyền thông về Phật giáo hiện nay:
nhạy cảm chỉ ở một số lãnh vực với áp lực cao thành kiến, do đó, hấp tấp, vội
vàng, không đảm bảo kỹ năng, dĩ nhiên là sự sai lệch rất cao dễ xảy ra.
Ngoài ra, còn có một số
vấn đề khác liên hệ đến truyền thông về Phật giáo không thể bỏ qua:
-
Phản hồi của bạn đọc theo chiều hướng
đồng tình với bài viết, kiểu như bạn đọc một số trang web đăng bài “Sư
trụ trì ở… biệt thự!” đã làm phóng viến hăng hơn, bạo hơn khi tác nghiệp về
những đề tài liên hệ đến tiền bạc, thu nhập, phương tiện vật chất của tu sĩ Phật
giáo. Không mấy khó khăn để thấy ra rằng nội dung phản hồi thuận chiều và số
đông người tham gia ý kiến sẽ có tác dụng thúc đẩy nhà báo lưu tâm đến một mảng
đề tài nào đó.
-
Cái cách phản ứng với những nội dung
truyền thông về Phật giáo từ phía cấp có thẩm quyền Phật giáo cũng như từ đông
đảo tu sĩ tín đồ Phật giáo dường như đã khiến cho sẽ có nhà báo nghĩ rằng, đối
với Phật giáo thì không có vấn đề gì khi xảy ra sai sót, Phật giáo rất thụ động
và không có phản ứng đáng ngại, dễ xí xóa theo kiểu “Gần
chùa gọi Bụt bằng anh/ Thấy bụt hiền lành cõng bụt đi chơi”.
Hệ quả của điều này là
họ xem nhẹ trách nhiệm và thiếu thận trọng cần thiết khi viết về Phật giáo. Đánh
giá thấp tình huống phía Phật giáo phản ứng sẽ là một trong những nguyên nhân
truyền thông sai lạc, phiến diện, thiếu thận trọng đối với Phật giáo Việt Nam
trong thời gian. Thiết tưởng, khi đã có Ban Thông tin Truyền thông, Phật giáo
nên có một số trường hợp phản ứng “điểm” có tính chất cảnh báo, để ngăn chận
tình trạng chủ quan, cẩu thả, không sợ hậu quả khi truyền thông về Phật giáo
Việt Nam. Thậm chí, có thể nghĩ đến việc khởi kiện hoặc hỗ trợ người chịu thiệt
hại khởi kiện ra tòa một số trường hợp điển hình.
Không phản ứng, phản ứng
chậm, phản ứng không đủ mạnh, không quan tâm đến kết quả phản ứng như đã diễn ra
sẽ là môi trường phát triển những vấn đề truyền thông đối với Phật giáo.
MT