Khi Phật giáo bị lợi dụng...
Minh Thạnh
Trước đây, sau khi chúng
tôi gởi đăng tải một bài viết về sự ủng hộ của chính quyền Ấn Độ đối với Phật
giáo, thì có bài viết phản bác, dường như tác giả là một vị tăng đang tu học ở
Ấn Độ, nói rằng không có chuyện đó, mà lại là ngược lại. Tôi chưa hề đến Ấn Độ,
chỉ tổng hợp những thông tin đã đọc được, nên cũng bán tín bán nghi, không rõ
tài liệu mình dùng có đúng không!
Nhưng mới đây, trên mạng
lưu hành rộng rãi bản dịch một bài báo có nhan đề “Trung
Quốc và Ấn Độ tranh giành nhau một biểu tượng Phật giáo”, từ bản gốc của nhà
báo Frédéric Robin, đặc phái viên của báo
Le Monde, Pháp tại New Delhi, dịch giả Hoang Phong. Bái báo ghi nhận sự hậu
thuẫn của Ấn Độ và Trung Quốc đối với Phật giáo. Nhưng sự hậu thuẫn đó được lý
giải là một cuộc đấu “quyền lực mềm”.
Theo bài báo Ấn Độ đã đi
trước (điều này không khác những gì mà tôi ghi nhận trong bài viết nói trên).
Nhà báo Frédéric Robin đã dùng hình ảnh “con
đê khổng lồ của Ấn Độ” để nói về những gì mà Ấn Độ đã có được đối với “quyền
lực mềm” Phật giáo. Còn Trung Quốc thì đối phó bằng cách “bọc hậu và tràn ngập sau các thánh địa”. Sau
Hội nghị Liên đoàn Phật giáo thế giới (IBC) được tổ chức ở Ấn Độ, đối lại
với Diễn đàn Phật giáo thế giới WBF được
Trung Quốc tổ chức, là đến các dự án nhằm giành nhau thánh địa Lâm Tỳ Ni ở
Nepal. Tác giả bài viết nhận định “Chủ
đích Địa lý Chính trị (Geopolitique/Geo-policy) hiện ra thật rõ rệt”. Đó là
một ghi nhận sự kiện. Thế thì người Phật tử chúng ta bình luận thế nào và nên
làm gì?
Điều đáng tiếc là việc
ghi nhận hiện tượng Phật giáo bị lợi dụng cho những mục tiêu địa chính trị như
thế đã không phải từ giới nghiên cứu là Phật tử, mà từ một nhà báo châu Âu! Phải
chăng Phật giáo đã thiếu chạy bén và tỏ ra thụ động với các vấn đề của chính
mình, không tự phát hiện được vấn đề của mình, mà việc phát hiện phải nhờ người
ngoài? Cuộc tranh tranh quyền lực mềm đang đẩy những nhà lãnh đạo Phật giáo vào
trong vòng xoáy của những màn đấu lớn, thế nhưng chỉ ra vấn đề lại là một nhà
báo Pháp!
Frédéric Robin cũng chỉ
thấy 2 sự kiện chính, là các hội nghị Phật giáo thế giới và chuyện xoay quanh
thánh địa Lâm Tỳ Ni. Tôi không thể biết hơn Frédéric Robin, nhưng đã nói đến đấu
quyền lực mềm, thì chắc chắn không thể ít ỏi, đơn giản đến như thế. Nói đến
quyền lực mềm thì thiên hình vạn trạng. Chỉ trừ việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử
dụng vũ lực, mua chuộc bằng tiền bạc, còn tất cả những tác động đều là quyền lực
mềm. Tranh giành nhau các dự án như đối với Lâm Tỳ Ni là biểu hiện quyền lực mềm
khá đơn giản.
Chắc chắn còn nhiều hình
thức khác tinh vi hơn, mà phía Phật giáo phải đi đầu trong việc nghiên cứu, tìm
hiểu, chỉ ra.
Thí dụ, một tăng sinh ở
Sài Gòn phân vân khi lựa chọn nơi du học, Ấn Độ hay Trung Quốc, cân nhắc sự ưu
đãi từ 2 quốc gia, là đã có biểu hiện của vấn đề quyền lực mềm.
Để đối phó trước việc bị
lợi dụng, thì người Phật tử phải nhận thức được chính xác, đầy đủ, trọn vẹn vấn
đề. Tiếc là phần “Vài lời ghi chú của
người viết” có nội dung thiên về những sự kiện lịch sử, dành quá ít cho
những nhận định hiện tại và dự báo tương lai. Như thế, người Phật giáo tuy biết
là có cuộc đấu quyền lực mềm đó, nhưng không biết phải làm gì, ứng phó ra sao,
hành động thế nào
Tuy vậy, đoạn cuối bài dịch (phần ghi chú của
dịch giả) cũng đã phần nào nhận ra vấn đề: “Bước vào con đường tức là đã một sự dấn thân
rồi, thế nhưng, sự dấn thân ấy không hề bắt buộc chúng ta phải mù quáng, trái
lại chúng ta phải nhìn thấy những gì xảy ra ở hai bên vệ đường hầu giúp chúng ta
ý thức được là mình phải nhanh chân và bước những bước vững chắc hơn”.
Bài viết này đặt tiếp
vấn đề “nhìn thấy” và “ý thức”,
vấn đề cốt lõi cần nắm khi Phật giáo bị lợi dụng. Nhìn thấy sự yếu kém trong
“nhìn thấy” và “ý thức” từ người Phật giáo là điều trước tiên.
Cũng cần nhận rõ những
giá trị của Phật giáo trong hoàn cảnh bị lợi dụng. Người ta chỉ cần những thứ có
giá trị và tất nhiên không thèm đếm xỉa những thứ vô giá trị. Đạo Phật là một
giá trị vĩ đại. Bốn trăm triệu tín đồ Phật giáo thế giới là một giá trị.
Sự phát triển đi lên của
Phật giáo ở Âu Mỹ là một giá trị. Thánh địa Lâm Tỳ Ni là một giá trị… Vì thế cả
Ấn Độ và Trung Quốc đều cần. Xuất phát điểm của việc lợi dụng, cần thấy rằng,
không phải là điều bất hạnh cho Phật giáo. Những giá trị của Phật giáo đã hình
thành nên quyền lực mềm. Điều này có 2 mặt lợi và hại cho Phật giáo,
không phải chỉ có hại. Hình như Frédéric Robin không lạc quan khi hơi chua
chát khi nhìn nhận vấn đề. Người chuyển ngữ với lời chú cũng thế.
Lợi và hại, đó là cơ hội
mà cũng là thách thức.
Theo chúng tôi, cần thấy
nhiều hơn ở mặt cơ hội, cũng như không nên bi quan quá trước những thách thức.
Đối phó với những thách thức không tách rời cơ hội. Điều quan trọng là biết rõ
những gì đang xảy ra, lý giải được bản chất của nó, xây dựng được kế hoạch tác
động, điều chỉnh theo hướng có lợi cho Phật giáo triển khai được những tác động
điều chỉnh có hiệu quả, tạo dục diện tích cực, hạn chế những hệ quả tiêu cực của
Phật giáo.
Hai cường quốc đang lên
Trung Quốc và Ấn Độ tranh nhau tổ chức các cuộc gặp gỡ Phật giáo thế giới, tranh
nhau xây dựng ở thánh địa Lâm Tỳ Ni có là điều tốt, hơn là không ai quan tâm gì
đến Phật giáo cả, hay Lâm Tỳ Ni bị bỏ quên trong hoang lạnh? Thiết tưởng các nhà
chính trị không hề quan tâm, không thể đầu tư vào những gì không sinh lợi cho
họ. Điều này là hiển nhiên.
Phật giáo, trong tinh
thần truyền thống, không từ khước những vật phẩm cúng dường từ quốc vương, đại
thần, tể quan. Dĩ nhiên, trong vận hành quyền lực mềm người ta không nói ra điều
trao đổi (vì như thế không còn là quyền lực mềm nữa, mà đã là quyền lực cứng).
Dưới mắt người theo đạo
Phật, sự ủng hộ, cung tiến cho Phật giáo không kèm điều kiện (ít ra là ở chỗ
công khai) là điều không thể từ khước. Nhưng cũng không thể ngô nghê mà thụ nhận
không tính đến những tác động, những hậu quả có thể có. Vấn đề cũng là ở chỗ
“nhìn thấy” và “ý thức”. Đây là trách nhiệm của giới trí thức Phật tử, những nhà
lãnh đạo Phật giáo.
Đã “nhìn thấy”, “ý
thức”, thì phải khách quan, thì cái “nhìn thấy”, “ý thức” mới có giá trị, mới là
cơ sở của những giải pháp hữu hiệu, hóa giải được vấn đề. Frédéric Robin có vẻ
không ưa Trung Quốc. Tôi nghĩ không nên ưa bên nào, ghét bên nào một cách chủ
quan, mà phải khách quan, công tâm. Ở đây, không là chuyện yêu ghét. Chỉ nên có
thái độ khi xác định rõ là có bên nào đó gây tổn hại cho Phật giáo. Còn nếu bên
nào đó mưu cầu một điều gì như mua chuộc tình cảm, tạo vùng ảnh hưởng, tức là
vẫn trong phạm vi quyền lực mềm, thì cũng là điều tất nhiên, cũng là bình thường
đối với người đầu tư cho quyền lực mềm. Ở đây chỉ cần sự tỉnh táo, “nhận thấy”
và “ý thức”, chưa cần đến sự đối kháng.
Nói cách khác, trước sự
vận hành của quyền lực mềm, Phật giáo cần có một sự “đối phó mềm”.
Sự khách quan cần ý thức
đối với những tác động có tính chất kích thích tinh thần quốc gia, dân tộc, tôn
giáo. Nếu có thì nên tìm cách hóa giải nó. Ví dụ, như lời hô hào xác định đức
Phật là người Ấn Độ mà Frédéric Robin đã dẫn lại trong bài viết. Tô đậm khía
cạnh dân tộc, chủng tộc của Đức Phật là tìm đến một khía cạnh tiêu cực của quyền
lực mềm. Phật tử chúng ta nên “nhận
thấy”, “ý thức” được điều này và không sa vào những cái “bẫy” ý thức như vậy.
Đức Phật chỉ thị hiện ở Ấn Độ ở kiếp sau cùng và không phải ngài chỉ có một kiếp
trong giới hạn một đất nước, một dân tộc.
Bài viết về quyền lực
mềm của Phật giáo trong sự tranh đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc của Frédéric Robin
có thể coi là một bài viết đề dẫn, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu Phật
giáo, các Phật tử, để từ đó có những nghiên cứu sâu sắc hơn, những phát hiện
toàn diện hơn, nhất là những biện pháp đối phó thiết thực, hữu hiệu, khai thác
mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của vấn đề.
MT