Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM?( Bài 12: Đẳng cấp của không gian Phật giáo)

dien mao

Minh Thạnh

Bài này sẽ đề cập một số ý kiến về kiến trúc tôn giáo ở khu trung tâm và cận trung tâm TPHCM, trong đó, có các kiến trúc Phật giáo.

Phần lớn các ý kiến này là từ các cán bộ nghiên cứu của một viện đặt tại TPHCM. Tuy nhiên, đây là những ý kiến phát biểu miệng nêu ra khi bàn luận riêng tư, nên chỉ xin ghi lại nội dung mà không nêu rõ tên người nói. Hơn nữa, đây là những ý kiến được nói đến cách nay đã hơn 20 năm, việc ghi lại theo trí nhớ tất nhiên không tránh khỏi sai sót, lầm lẫn. Vì vậy, thiết tưởng chỉ có thể nêu đại ý nội dung, lấy gợi ý suy nghĩ cho công việc hôm nay.

Có thể một số ý kiến lý giải nêu ra dưới đây không hẳn là được công chúng hôm nay đồng tình, cũng như cũng cần thảo luận một số từ ngữ từ những người không phải theo đạo Phật. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng ghi lại các ý kiến bàn luận vấn đề một cách trung thực có thể, nhằm giữ sự khách quan từ những người ngoài cuộc, điều mà những người người liên hệ hôm nay, thiết tưởng, sẽ coi là cần thiết.

1)     Bối cảnh hình thành cuộc “bàn luận”

Cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, tôi vừa tốt nghiệp thì được nhận vào thử việc ở một trung tâm nghiên cứu trực thuộc một viện trung ương, có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Tiếng là nhận về thử việc trong công tác nghiên cứu, nhưng vì tuổi đời còn trẻ so với những cán bộ nghiên cứu cũng như mới được nhận vào, công việc của tôi chủ yếu là văn thư kiêm tạp vụ, mà một trong những việc thường làm là đi gửi thư ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn.

Một số cán bộ của các ban, các trung tâm khác của viện, thường là lớn tuổi, cũng thường tự đi gửi thư. Thầy trò thường gặp nhau, còn việc đi gửi thư được gọi vui là “đi nhà thờ”, vì bưu điện nằm bên hông nhà thờ.

Lâu ngày, những người đi nhà thờ mỗi khi không hẹn mà gặp, vẫn hay bàn tới chuyện nhà thờ ở trung tâm thành phố, trong sự so sánh với những ngôi chùa Phật giáo. Câu chuyện diễn ra ở nhiều nơi: quán cóc, phòng bảo vệ, tiền sảnh viện… những khi có dịp gặp nhau. Đề tài cũng rất “khoa học”, là lý giải nguyên nhân đưa đến diện mạo kiến trúc tôn giáo ở trung tâm thành phố Sài Gòn như bây giờ.

Những người tham gia bàn luận vốn là cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội nên tương đối am hiểu về lịch sử thiên chúa giáo cũng như Phật giáo ở Sài Gòn - TPHCM.

Các ý kiến có thể tạm phân chia như sau:

-         Nhóm ý kiến I: Nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc hình thành diện mạo kiến trúc ở tôn giáo ở trung tâm Sài Gòn-TPHCM. Theo đó, sự ủng hộ của từng chính quyền tại Sài Gòn đã đưa đến hệ quả kiến trúc tôn giáo như đã có lúc đó. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là kết quả của sự ủng hộ đạo Thiên Chúa từ chính quyền thực dân Pháp từ khi bắt đầu cuộc xâm lược. Trong khi đó, chùa Xá Lợi là kết quả ủng hộ của chính quyền Bảo Đại (nửa đầu thập niên 1950) đối với một nhóm Phật giáo. Chùa Vĩnh Nghiêm là kết quả ủng hộ của chính quyền Sài Gòn “đệ nhị Cộng HoahHòa” đối với một nhóm Phật giáo khác. Các mức ủng hộ khác nhau từ chính quyền đã đưa tới những kết quả là những kiến trúc tôn giáo khác nhau ở khu trung tâm Sài Gòn. Chính quyền thực dân Pháp có mức ủng hộ cao nhất đối với đạo Thiên Chúa La Mã, vì vậy kết quả là nhà thờ Đức Bà quy mô lớn nhất và ở tại tâm điểm thành phố.

-         Nhóm ý kiến II không đồng ý với cách giải thích việc xây dựng các kiến trúc tôn giáo ở trung tâm thành phố Sài Gòn bằng nguyên nhân chính quyền, mà cho rằng cần phải giải thích từ nguyên nhân ở chính các tôn giáo. Tuy vậy, nhóm ý kiến II chia làm 2 loại. Loại tạm gọi II a, cũng giải thích từ nguyên nhân tôn giáo, nhưng là từ tín đồ. Loại tạm gọi II b, thì giải thích vấn đề từ yếu tố giáo hội tăng lữ. Cả 2 ý kiến đều dùng 4 tiêu chí: quyền lực tự thân tôn giáo, quyền lực từ mối liên hệ với chính quyền, sự khôn ngoan của nhân sự lãnh đạo tôn giáo (được hiểu gồm cả thủ đoạn) và khả năng tài chính.

Nhóm người theo loại ý kiến II a cho rằng các kiến trúc tôn giáo như đã có ở trung tâm Sài Gòn phản ánh đẳng cấp tín đồ. Tín đồ đạo Thiên Chúa La Mã ở Sài Gòn nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tuy ít, nhưng là tín đồ thuộc giới thượng lưu trí thức quyền thế, quan chức Pháp và quan chức bậc cao người Việt. Nhà thờ Đức Bà là cơ sở phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cho tầng lớp này, đương nhiên phải ở khu trung tâm. Họ đi lễ nhà thờ Đức Bà cũng như làm việc ở những công thự gần đó trên đường nay là Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch; giải trí ở Nhà hát Tây hay Cinema Rex, Eden…; mua sách tiếng Anh, tiếng Pháp ở nhà sách Xuân Thu, uống cà phê ở Continental, ăn cơm ở nhà hàng Thanh Thế…, con em học ở trường Taberd, chữa bệnh ở bệnh viện Grall, Saint Paul. Nhà thờ Đức Bà nằm trong hệ thống cơ sở dành cho giới thượng lưu ở khu tâm điểm như thế.

Còn tín đồ Phật giáo phần lớn thuộc giới trung lưu trở xuống, nên chùa Phật giáo sau năm 1975 có hướng tiến vào khu trung tâm nhưng chỉ đến khu cận trung tâm có người nói đùa là khu “vila” đối với chùa Xá Lợi, khu phố lầu đối với chùa Vĩnh Nghiêm, so với nhà thờ Đức Bà ở khu “dinh thự”, là khu có đẳng cấp cao nhất.

Theo nhóm ý kiến này, địa điểm, quy mô của cơ sở tôn giáo là do đẳng cấp tín đồ những người góp tiền xây dựng cơ sở đó quyết định. Nó cũng tương tự như đẳng cấp nhà ở, đẳng cấp dịch vụ được cung ứng, đẳng cấp giáo dục được thừa hưởng. Theo cách lý giải này, tín đồ Phật giáo ở Sài Gòn không có khả năng xây dựng cũng như duy trì cơ sở chùa chiền ở khu tâm điểm Sài Gòn, vì họ luôn ở tầng lớp dưới so với tín đồ đạo Thiên Chúa La Mã (!?)

Nhóm ý kiến II b cũng tìm kiếm sự giải thích diện mạo kiến trúc tôn giáo ở Sài Gòn từ chính khía cạnh tôn giáo. Nhưng ở đây có sự khác biệt, là thay vì căn cứ vào đặc điểm tín đồ, những căn cứ lý giải lại được dựa vào đặc điểm giáo hội, cũng với 4 tiêu chí đã ghi nhận ở trên.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được coi là kết quả thực thể từ hoạt động của giáo hội Thiên Chúa La Mã trong bối cảnh người Pháp mới chiếm đóng Việt Nam. Với ưu thế giáo quyền, quan hệ chính quyền, năng lực tài chính và sự khôn ngoan, Giáo hội Thiên Chúa khởi động việc xây dựng nhà thờ chính tòa ngay sau chiến thắng quân sự của Pháp.

Trong khi đó, chùa Xá Lợi, được coi là kết quả vận động của Hội Phật học Nam Việt, với đặc điểm Hội trưởng là công chức cấp Đốc phủ sứ, Quốc vụ khanh. Chùa Xá Lợi là kết quả của một quá trình đưa trụ sở hội vào khu trung tâm Sài Gòn.

Còn chùa Vĩnh Nghiêm là kết quả hoạt động của khối Việt Nam Quốc Tự, một nhóm Phật giáo thân thiết với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ.

Chùa Vĩnh Nghiêm cũng là kết quả của quá trình đưa tổ đình khối Việt Nam Quốc Tự vào khu trung tâm Sài Gòn.

Quá trình các tổ chức nói trên đưa trụ sở tổ chức Phật giáo mình vào khu trung tâm đã đạt kết quả giới hạn (chỉ vào được khu cận tâm điểm TP Sài Gòn), phản ánh thực lực của các tổ chức Phật giáo vừa kể theo 4 tiêu chí đã nói, cũng như thể hiện sự tương quan với thực lực cũng theo 4 tiêu chí khi so sánh với Giáo hội Thiên Chúa La Mã. Có thể nói, xét về tổ chức, với 4 tiêu chí đã đề cập, thì các tổ chức Phật giáo đều không thể so sánh với giáo hội Thiên Chúa La Mã. Tương quan đó thể hiện ở chính vị trí các trung tâm tôn giáo trong thành phố (riêng khối Ấn Quang, được lý giải với sự  giới hạn trong quan hệ với chính quyền, thực lực tài chính từ sự đóng góp tín đồ chỉ phần lớn là người lao động, nên trụ sở ở ngoài khu trung tâm, trong khu vực được gọi là khu “lao động” của Sài Gòn).

Xét vấn đề theo nhóm ý kiến giải thích nào, thì Phật giáo miền Nam trước đây cũng đều nhận thức được vai trò, ý nghĩa tác dụng của kiến trúc tôn giáo ở tâm điểm Sài Gòn thủ phủ miền Nam trước năm 1975, các tổ chức có khả năng cũng đều đã cố gắng đưa đưa chùa chiền vào khu trung tâm thành phố, nhưng kết quả đạt được đều không thể so sánh với nhà thờ Đức Bà Sài Gòn của đạo Thiên Chúa La Mã.

Điểm lại những lý giải như trên về tương quan kiến trúc tôn giáo ở trung tâm Sài Gòn, mà hiện vẫn tồn tại cho đến ngày nay, chúng ta hẳn sẽ không đồng tình ở một điểm chung, là xếp loại đẳng cấp hàng dưới Phật giáo trong tương quan với những chính quyền nối nhau ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ câu nói của một nhà nghiên cứu cao niên: “Vì Phật không vào được Dinh Độc Lập, nên Sài Gòn đã không thể có một ngôi chùa lớn tương đương với nhà thờ lớn!”.

Hay lẽ nào vì đẳng cấp của đa số tín đồ Phật giáo chỉ là người lao động bình dân và thành phần trung lưu nên chùa Phật giáo cũng từ xóm lao động chỉ tiến đến xóm “vila”, xóm “phố lầu”, chứ không vào được xóm “dinh thự” ở tâm điểm?

Nhưng điều quan trọng là vì sao hiện nay Phật giáo TPHCM không thể tiếp tục quá trình đưa kiến trúc Phật giáo vào khu trung tâm Sài Gòn, đều mà các tổ chức Phật giáo trước đây (Hội Phật học Nam Việt, khối Việt Nam Quốc Tự đã cố gắng, từ năm 1950 đến 1970).

Nếu xét vấn đề từ góc độ quan hệ với chính quyền, từ sức mạnh tổ chức, từ khả năng tài chính, từ trình độ tu sĩ…, thì chính lúc này, giai đoạn nhà nước độc lập thống nhất, giai đoạn đổi mới thành công, kinh tế phát triển, Phật giáo đoàn kết trong một giáo hội, nhiều tăng ni đạt học vị cao, có nhiều Phật tử là đại thí chủ, chính là lúc thuận lợi nhất để đưa chùa chiền vào khu tâm điểm, khu lõi của thành phố.

Trong những cuộc nói chuyện cách đây hơn 20 năm mà nội dung đã tường thuật ở trên, tôi chỉ là người yên lặng lắng nghe, buồn bã, tủi thân và bi quan, không dám nhận mình là Phật tử, nghĩ rằng vị thế đạo Phật của mình chỉ tới đó, thì phải chịu vậy, để mỗi ngày tôi ra Bưu điện Trung tâm thành phố là mỗi lần “đi nhà thờ”. Lúc đó, mơ ước một ngôi chùa ở khu trung tâm thành phố như thế là vô vọng.

Hơn 20 năm đã qua, hoàn cảnh đã khác trước. Một vận hội mới đã đến với Phật giáo. Nhưng lẽ nào trước vận hội đó Phật giáo TPHCM cũng chỉ có được những ngôi chùa lớn ở khu vực ngoại vi, bước ra khỏi chùa là ruộng!

Phật tử chúng ta có thể trách quý thầy, nhưng thực ra, trước hết lại do Phật tử, vì Phật tử có đóng góp tài chính, thì chư tăng mới có thể xúc tiến công việc.

Chúng ta lưu ý đến nhóm ý kiến II a ở trên. Phải chăng tín đồ như thế nào, cơ sở phục vụ tôn giáo tín ngưỡng như thế ấy? Nếu thế, thì ngày nay, cơ sở Phật giáo ắt phải khác, vì tầng lớp tinh hoa ở Sài Gòn đã thay đổi nhiều với không ít tín đồ Phật giáo là doanh nhân, trí thức. Trách nhiệm trước hết là từ những tín đồ Phật giáo doanh nhân, vốn là những đại thí chủ.

Vì vậy, với nội dung như trên, bài viết này hướng về các Phật tử, nhất là các vị doanh nhân.

Phật giáo không cạnh tranh cơ sở kiến trúc với các tôn giáo khác, nhưng một tôn giáo cũng cần diện mạo tương xứng. Hơn ba mươi năm GHPGVN xây dựng, phát triển lẽ nào không có một biểu tượng xứng tầm ở trung tâm TPHCM?

MT

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle