Có thầy trò một nhà kia làm
nghề hát xiệc. Người thầy là một người đàn ông góa vợ và
người học trò là một cô gái nhỏ tên là Kathullika. Hai thầy trò đi đây đó trình diễn để kiếm ăn. Màn trình diễn
của họ là người thầy đặt một thanh tre cao trên đỉnh đầu mình, trong khi bé gái leo dần lên đầu cây rồi dừng lại trên đó, để người thầy tiếp
tục đi trên đất. Cả hai thầy trò đều phải vận dụng sự tập trung tâm ý đến một
mức độ khá cao, để giữ thăng bằng và để ngăn chặn tai nạn
có thể xảy ra.
Một hôm vị thầy nói với
người học trò: "Này Kathulika, con hãy giữ gìn cho ta và ta sẽ giữ gìn cho con,
chúng ta hãy giữ gìn cho nhau, để tránh khỏi tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn." Đứa bé
gái trả lời: "Thưa thầy, có lẽ ta nên làm thế này thì đúng hơn: Trong hai thầy
trò ta mỗi người nên tự gìn giữ lấy mình, giữ gìn lấy mình tức là gìn giữ
cho nhau tránh được tai nạn, và để thầy trò mình kiếm
được ít tiền ăn cơm”.
Quay về nương tựa trong
ta
Đức Phật kể câu chuyện
này trong Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya 47.19), để ví dụ về
sự tu học của chúng ta. Hình ảnh về một trò trình diễn đầy nguy hiểm này, nói lên được những
đặc điểm trong sự giữ gìn chánh niệm. Ý thức về giữ thăng bằng cơ thể là
một kinh nghiệm trực tiếp, và rất gần gũi, lúc nào cũng có mặt với ta trong mỗi phút giây của sự
sống.
Mỗi khi ngồi xuống toạ cụ thì sự thăng bằng cơ thể là yếu tố đầu
tiên mà ta tiếp xúc. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta quen phóng tâm
ý của mình ra thế giới chung quanh, bây giờ chuyển sự chú ý vào bên trong, cảm
giác được sức nặng của bộ đầu trên đôi vai, cùng với những cử động tinh tế của
các bắp thịt trong cơ thể, lúc nào cũng có mặt để giữ cho thân ta được thăng
bằng, là một biến đổi lớn. Người hát xiệc ấy, cũng giống như
một thiền giả, đem ý thức trở về với một tiến trình lúc nào cũng đang xảy ra
trong ta, nhưng thông thường lại bị lãng quên. Quay trở về để thấy được mình là một bước rất quan trọng, nếu ta
thật sự muốn tìm hiểu và học hỏi về chính mình.
Và câu chuyện đức Phật kể cũng cho ta thấy tại sao chúng ta nên quan
tâm về hạnh phúc của mình, trước khi phê bình hay trách móc về những việc làm
của người khác. Hình ảnh đức Phật đưa ra trình bày rõ sự thật ấy: chúng
ta không bao giờ có thể nào kiểm soát sự quân bình của người khác được. Và hơn thế nữa, cô gái chỉ có thể giữ được sự quân bình của mình,
nếu người thầy, mà cô đứng trên vai, cũng vững vàng và tin cậy được. Nói một các khác, phương cách hay nhất để vị thầy giữ cho người học
trò mình khỏi bị tainạn là quay nhìn lại bên trong, và chú ý đến sự thăng bằng
của chính ông. Và điều ấy cũng rất đúng với nhiều vấn đề khác trong cuộc đời của ta
nữa.
Sự sống là một hành
động giữ thăng bằng
Ví dụ mà đức Phật kể cũng
có thể áp dụng đến những vấn đề khác như là ảnh hưởng của cha mẹ đối với con
cái. Như chúng ta biết, những bậc cha mẹ có thể giảng thuyết cho con mình nghe
về thế nào là đúng hay sai, cái gì là nên làm và không nên làm, nên nói và không
nên nói. Nhưng không có gì ảnh hưởng đến sự phát triển tâm
tánh của những đứa trẻ cho bằng sự sống và tấm gương của chính những bậc cha mẹ. Chỉ
khi nào người cha hay mẹ biết giữ cho cảm xúc của mình được quân bình, có một
đời sống đạo đức thăng bằng, thì người con mới có thể tập đứng vững vàng trên
đôi vai của họ, và hiểu được những sự nhắc nhở ấy.
Và việc ấy cũng có
thể được áp dụng cho những mối quan hệ như là bác sĩ và bệnh nhân, thầy và trò,
chánh trị gia và người dân, tác giả và người đọc... mà thật ra nó đúng cho hết
tất cả bất cứ một mối tương quan nào trên cuộc đời này. Phẩm chất của một sự
tương quan được sâu sắc và vững vàng hơn, khi mỗi bên biết tự săn sóc cho chính
mình, và điều này lại rất quan trọng khi bên này cần nương tựa và tin cậy vào sự
vững vàng của bên kia.
Sự sống tự chính nó là một hành động giữ thăng bằng. Mỗi
chúng ta đang đi trên một thanh tre cao, cố gắng giữ thăng bằng giữa những cơn
gió lay động, đong đưa của cuộc đời. Giữ cho mình được an toàn đã là một chuyện khó, đừng nói chi đến việc còn phải
lo cho những ai đang đứng trên vai của mình.
Chánh niệm là một
phương tiện giúp ta thực hiện được việc ấy: quay lại nhìn vào bên trong, giữ
thăng bằng, và lấy tâm tĩnh lặng, trong sáng làm gốc rễ quân bình cho tất cả.
Phẩm chất của năng lượng chánh niệm trong giờ phút hiện tại - thanh tre mà
chúng ta đang đứng - có thể là yên tĩnh, vững vàng, và bất động, lúc ấy, sự an toàn
của ta và của những người nương tựa vào ta sẽ được vô cùng bảo đảm. Và ngược
lại, thì cho dù ta có trách móc, phê bình hay chỉ trích kẻ khác bao nhiêu, nó
cũng sẽ không khôi phục lại cho ta một sự quân bình nào hết.
Tuệ giác soi sáng tình
thương
Cũng có thể có người hiểu
lầm và cho rằng sự thực tập này là ích kỷ. Nhưng nói như vậy là ta quên rằng đức Phật cũng
nhấn mạnh về sự liên hệ mật thiết giữa ta và người khác. Người
thầy cố gắng giữ sự thăng bằng của mình là vì muốn bảo vệ cho người học
trò của chính mình. Lúc đầu, ông ta đề nghị rằng mình sẽ lo cho sự thăng
bằng của người học trò, đó là một biểu hiện của tình thương, nhưng tình
thương ấy phải được soi sáng bằng tuệ giác.
Cũng như một người
đang bị lún sâu trong sa lầy thì làm sao có thể giúp được ai khác nữa. Anh
ta phải tự mình thoát ra và đứng trên mặt đất vững chắc trước cái đã (đây cũng
là một ví dụ khác trong tạng kinh Pali.) Khả năng giúp đỡ người khác của ta hoàn toàn tùy thuộc vào sự vững
vàng và quân bình của chính mình. Cũng như khi ta đi phi cơ, người tiếp
viên hàng không lúc nào cũng nhắc nhở ta rằng, trong trường hợp khẩn cấp, ta
phải mang mặt nạ dưỡng khí vào cho mình trước rồi mới bắt đầu giúp cho kẻ
khác.
Khi ta hộ trì cho
chính ta là ta đang hộ trì cho người khác
Khi ta đang hộ trì cho người khác là ta đang hộ trì cho chính
ta
Này các thầy, thế nào là trong khi hộ trì
cho mình ta hộ trì người khác?
Bằng cách thực tập chánh niệm và làm cho nó được tăng trưởng
Và thế nào là trong khi hộ trì cho người
khác là ta hộ trì cho mình?
Bằng cách nhẫn nhịn,bất hại và tình thương.
(Kinh Tương Ưng
Bộ 47.19),
Bạn có nhận thấy cái ranh giới giữa mình và người khác biến mất
không? Khi ta nhẫn nhịn và có tình thương đối với kẻ khác là ta đang ban
rãi tâm từ đến chính mình. Thật vậy, giúp đở kẻ khác
là một phương pháp nhiệm mầu nhất để săn sóc cho hạnh phúc của chính ta, cũng
như khi ta gây hại cho kẻ khác là một cách gián tiếp gây hại cho chính mình.
Sự thăng bằng bắt đầu ở
nơi ta
Theo giáo lý của đức
Phật, thì mọi hành động của ta, mọi karma, đều dựa trên tác ý của mình,
nó không chỉ ảnh hưởng đến thế giới "bên ngoài" mà còn tác động đến chính con
người và tâm tánh của ta. Những gì ta nghĩ, ta nói, ta làm sẽ định hướng và làm
thành con người của mình, và rồi ta lại tạo dựng và ảnh hưởng đến thế giới chung quanh,
qua những phẩm chất ý thức và sự hiểu biết sâu sắc của chính ta. Thật ra, theo tôi hiểu bài kinh này, thì ta không cần thiết và cũng
không thể nào nói được rằng, cái ranh giới giữa trong và ngoài nó bắt đầu ở nơi
nào và chấm dứt ở nơi đâu.
Như vậy thì đâu là
một phương cách hay nhất để ta bảo vệ con em mình, chăm sóc cho vợ hay chồng
mình, đóng góp cho cộng đồng chung quanh, và ban rãi tâm từ đến cuộc đời này? Quay
lại nhìn vào bên trong, một cách cẩn trọng và thường xuyên, và giữ một thăng
bằng. Tất cả đều tùy thuộc vào ý thức trong sáng ấy của ta.
Trích từ “Đức Phật bên trong – nguyễn duy nhiên”