Nguyễn Đăng
Sanchi (Sāñcī), những tên cũ từng được gọi là Kakanaya,
Kakanava, Kakanadabota và Bota-Sriparvata, là một trong những kỳ quan Phật giáo
nỗi tiếng ở Ấn Độ. Dù đây là một địa danh không gắn liền với những sự kiện quan
trọng trong cuộc đời Đức Phật như những thánh tích Phật giáo khác, cũng như được
xác định là Đức Phật chưa bao giờ đến đây, Sanchi lại là một điểm hành hương của
nhiều Phật tử và không phải Phật tử trong nhiều thế kỷ, và là một trong những di
tích cổ nhất của Phật giáo còn lại với cấu trúc khá nguyên vẹn. Kiến trúc tháp
độc đáo cùng những di tích chùa viện, trụ đá, cổng đá… được khai quật ở nơi đây,
thật sự là những tài sản vô giá của giới Phật giáo nói riêng và của Ấn Độ nói
chung.
Sanchi tọa lạc trên một ngọn đồi ở một ngôi làng nhỏ nhìn
về phía đồng bằng, cách Bhopal, thủ phủ của bang Madhya Pradesh khoảng 45 km,
cách thành phố Vidisha (Vidiśā) trụ sở của quận Vidisha vào khoảng 10 km.
Vidisha được cho là một trung tâm thương mại thịnh vượng vào triều đại Sunga
(thế kỷ thứ III tr.TL), và việc xây dựng quần thể chùa viện Phật giáo ở Sanchi,
nơi không quá xa cũng như không quá gần Vidisha, là một trong những chọn lựa địa
điểm xây dựng được coi là thích hợp. Tức là, vị trí của Sanchi vừa thuận tiện
cho việc khất thực của chư Tăng và việc viếng thăm của hàng cư sĩ, nhưng cũng
không quá gần thành thị khiến đời sống của hàng xuất gia bị ảnh hưởng.
Sanchi là một quần thể những di tích Phật giáo, bao gồm
chùa tháp, trụ đá… được xây dựng vào những thời điểm khác nhau, từ thế kỷ thứ
III trước Tây lịch cho đến thế kỷ XII sau Tây lịch, tuy nhiên hầu hết những di
tích ở đây có niên đại từ thế kỷ III đến thế kỷ I trước Tây lịch. Sanchi là một
trong những địa điểm hành hương thiêng liêng của Phật giáo Ấn từ khi nó được
hình thành cho đến thế kỷ XII. Từ thế kỷ XIII, khi Phật giáo đi đến điểm cuối
của thời kỳ suy tàn ở Ấn Độ, cùng chung số phận với những thánh tích Phật giáo
khác, Sanchi không còn người viếng thăm và rơi vào lãng quên. Mãi cho đến thể kỷ
XIX (1818), nó được một sĩ quan người Anh phát hiện, khi vị này đang đóng quân ở
gần địa điểm này. Nhưng thật đáng tiếc là ngay sau khi được phát hiện, di tích
này đã bị những thợ săn và những người săn tìm kho báu làm hư hại nghiêm trọng.
Sau đó Alexander Cunningham và F.C. Maisey tiến hành khai
quật địa danh này vào năm 1851, nhưng công việc vẫn chưa được thực hiện một cách
đầy đủ mãi cho đến khi Hội Khảo cổ Ấn Độ can thiệp và kiểm soát di tích này.
Ngọn đồi dần được khai quang và có đến 50 di tịch đã được phát hiện, bao gồm ba
ngôi tháp và nhiều chùa viện cùng những di tích khác. Sanchi được UNESCO công
nhận là di sản thế giới vào năm 1989.
Đại tháp số 1 là di tích quan trọng nhất ở Sanchi. Ngôi
tháp này có đường kính 36.6 mét và cao 16.46 , được xem là một trong những cấu
trúc bằng đá cổ nhất Ấn Độ. Với một mái vòm bán cầu lớn, tượng trưng cho vòm
trời, với một trụ lớn ở giữa, tượng trưng cho cột chống trời. Các ngôi tháp theo
dạng này nói chung là các mandala. Con đường kinh hành vòng quanh tháp được lát
đá đã trở nên nhẵn láng do những bước chân của những người hành hương bào mòn
qua hàng thế kỷ. Nguyên thuỷ, nó là một ngôi tháp bằng gạch do vua Ashoka xây
dựng để tôn trí xá-lợi của Đức Phật. Ngôi đại tháp này được xây dựng dưới sự
giám sát của Hoàng hậu Devi, vợ vua Ashoka. Bà là con của một vị thương nhân
sống ở Vidisha. Về sau nó được xây dựng lại cho lớn thêm vào thế kỷ III và thế
kỷ II trước Tây lịch, tức là dưới hai triều đại Sunga và Andhra, và ngôi tháp
nguyên thuỷ của nó được cho là đã bị bao phủ bởi cấu trúc của ngôi tháp được xây
dựng lại. Và cũng có ý kiến cho rằng, Hoàng đế Pushyamitra của triều đại Sunga
đã cho phá huỷ ngôi tháp cũ do vua Ashoka dựng và xây lại ngôi tháp mới với kích
thước gấp đôi ngôi tháp ban đầu.
Ngoài ra, góp phần làm cho ngôi tháp này thêm uy nghiêm là
hàng rào đá xung quanh với bốn cổng vào ở bốn hướng. Bốn cổng này cũng được làm
bằng đá. Trên các trụ và xà ngang (mỗi cổng có ba xà ngang) được chạm khắc hình
ảnh cây cối, thú vật và những biểu tượng liên quan đến Phật giáo như hoa sen,
bánh xe Pháp luân. Ở Sanchi, Đức Phật không được khắc chạm bằng hình ảnh trực
tiếp mà chỉ thông qua những vật tượng trưng liên quan đến những sự kiện quan
trọng trong cuộc đời của Ngài, chẳng hạn như hoa sen, tòa Bồ-đề (nơi ngài ngồi
thiền định và chứng đạo), bánh xe Pháp luân, và con ngựa (mà ngài đã cưỡi trong
đêm vượt thành xuất gia). Một số câu chuyện Tiền thân Đức Phật (Jataka) cũng
được miêu tả bằng hình ảnh ở trên những cổng vào này. Cổng vào và hàng rào bằng
đá bao quanh là một công trình được xây dựng vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch.
Công trình này đã góp phần tôn thêm vẻ uy nghi của ngôi Đại tháp.
Ngôi tháp được đánh ký hiệu số 3, nằm về phía Đông bắc của
ngôi đại tháp số 1, được xác định xây dựng dưới triều đại Sunga. Có hai bình
chứa xá-lợi được tìm thấy ở ngôi tháp này, mà một trong số đó được cho là xá-lợi
của Tôn giả Xá Lợi Phất. Ngôi tháp được đánh ký hiệu số 2, cũng được xây dựng
dưới triều đại Sunga, nằm phía dưới ngọn đồi nơi ngôi đại tháp tọa lạc khoảng
100 mét, có lưu giữ bốn bình đựng xá-lợi mà chữ viết trên đó xác định là xá-lợi
của mười vị Tăng sĩ đạt đạo vào thời vua Ashoka.
Gần ngôi tháp này là trụ đá do vua Ashoka dựng vào thế kỷ
thứ III trước Tây lịch, với chiều cao vốn có là 12 mét và có khắc chữ trên đó.
Tuy nhiên hiện trú đá này đã bị gãy. Phần góc của trụ đá nằm gần cổng phía nam
của Đại tháp số 1. Phần trên của trụ đá, với bốn con sư tử xoay lưng vào nhau
(hình tượng này được chọn làm biểu tượng quốc gia của Ấn Độ), hiện đang được
trưng bày tại Viện Bảo tàng Khảo cổ (Archaeological Museum) ở Sanchi. Viện bảo
tàng này do John Marshall, cựu Giám đốc Hội Khảo cổ học Ấn Độ thành lập vào năm
1919 (Viện bảo tàng này mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, và đóng cửa vào
ngày thứ 6).
Di tích được đánh số 45 là ngôi chùa được cho là xây dựng
sau cùng ở Sanchi. Niên đại của nó được xác định là từ thế kỷ X-XI Tây lịch.
Điều này cho thấy rằng Phật giáo hiện diện liên tục ở địa danh này trên 15 thế
kỷ. Và chùa tháp vẫn được xây dựng vào thời điểm đánh dấu sự suy tàn Phật giáo ở
Ấn Độ.
Cách đến Sanchi
Sanchi cách Delhi khoảng 678 km, và cách Bhopal khoảng 45
km. Sân bay gần Sanchi nhất là ở Bhopal (Raja Bhoj Airport). Sân bay này nối
đường bày với các thành phố lớn của Ấn như Delhi, Mumbai, Indore… Như vậy để đến
Sanchi bằng đường không, trước hết ta phải đi đến Bhobal và sau đó thuê xe hoặc
đi taxi đến Sanchi. Ga tau gần Sanchi nhất cũng nằm tại Bhopal, cách địa danh
này khoảng 50 km. Ga này cũng nối tuyến đường trực tiếp với các ga ở Delhi,
Agra, và Mumbai. Cũng như đi bằng đường không, là sau khi đến ga Bhopal, ta phải
thuê xe hoặc đi taxi đến Sanchi. Cũng giống như các Phật tích khác ở Ấn, thời
điểm thích hợp để chiêm bái Sanchi là từ tháng 10 đến tháng 3 Tây lịch.