Phật giáo: Phân biệt giữa xu nịnh và quan hệ tốt đẹp với chính quyền

Minh Thạnh

Tôi thấy cần phải có bài viết này, vì khi tôi trình bày ý tưởng về việc thúc đẩy mối quan hệ tốt giữa Phật giáo với chính quyền, thì một số bạn đọc đã phản ứng lầm sang việc xu nịnh.

Như vậy, bạn đọc đã mang đến cho tôi cơ hội viết về một mảng đề tài, mà nếu không có sự phản hồi từ bạn đọc, có lẽ không bao giờ tôi suy nghĩ về vấn đề đó, huống nữa là viết về nó.

Xu nịnh và quan hệ tốt là 2 việc hoàn toàn khác xa nhau. Có quan hệ tốt với ai đó, không cần chúng ta phải xu nịnh họ. Ngược lại, xu nịnh không đưa lại mối quan hệ tốt, vì mối quan hệ có được từ xu nịnh là mối quan hệ có vấn đề, không phải là mối quan hệ tốt đẹp.

Vì bản chất của xu nịnh là sự lừa dối. Người xu nịnh đang làm việc giả dối, còn phía được xu nịnh là phía bị dối gạt. Có cần lấy từ ai một cái gì đó, người ta mới xu nịnh. Nếu rơi vào cái bẫy xu nịnh, người được xu nịnh phải bị lấy lại một cái gì.

Vì bản chất của xu nịnh là lừa dối, là gạt gẫm bằng lời nói nịnh hót, bằng sự đóng giả bề ngoài tôn trọng, nên đó là một tội lỗi trong đạo Phật: tội vọng ngữ.

Nhà Phật không chấp nhận nói dối, đương nhiên không chấp nhận xu nịnh. Đã xu nịnh là phá giới, là phạm giới.

Đã dối gạt nhau thì làm sao có quan hệ tốt? Nếu việc xu nịnh đạt được một kết quả nào đó, thì tất là đã có sự dối gạt. Sớm hay muộn gì bên bị dối gạt cũng sẽ nhận ra là mình bị thuốc bởi lớp áo đường bọc độc dược của hành động, lời nói xu nịnh.

Động cơ của xu nịnh là lòng tham, là sự chiếm đoạt. Không ai mà chẳng muốn cái gì nhưng lại phải xu nịnh cả. Mà xuất phát từ tham, một trong tam độc của Phật giáo, thì Phật giáo không thể dung chứa.

Xu nịnh là kế sở đoản, vì là sự dối trá rất dễ nhận biết. Xu nịnh chỉ là kỹ xảo nhất thời. Không thể có quan hệ lâu dài thiết lập từ sự xu nịnh, nói chi đến quan hệ tốt đẹp.

Không thể có chuyện Phật giáo chân chính xu nịnh chính quyền, mà chỉ có thể có những cá nhân vọng ngữ trong Phật giáo, từ động cơ tham lam một cái gì đó mới đi xu nịnh với quan chức, hòng trục lợi riêng tư.

Quan hệ tốt là quan hệ không phải từ dối gạt, lừa phỉnh, xu nịnh mà có. Quan hệ tốt là quan hệ có tính chất tích cực, trong sáng, mang lại lợi ích cho tất cả các bên từ sự chân thật.

Trong quan hệ tốt, mỗi bên ở đúng vị trí của mình không phải hạ thấp bên nào xuống hay tôn cao bên nào lên một cách giả dối. Quan hệ tốt tôn trọng giá trị của các bên tham gia quan hệ, mang lại lợi ích cho nhau từ động cơ tốt đẹp.

Hình mẫu quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo và chính quyền có ngay từ trong kinh Phật, đặc biệt là trong Ngũ bộ Nam truyền, mà phần tương ứng chữ Hán gọi là A Hàm hay Tiểu tạng Thanh Văn.

Đạo Phật trước hết thể hiện tính chất xuất thế, không hướng đến một thứ giáo quyền cạnh tranh với thế quyền. Vì vậy, nhà cầm quyền thường an tâm trong mối quan hệ với Phật giáo. Đó là cơ sở của mối quan hệ tốt.

Trong thời Đức Phật, quốc vương, hoàng hậu, vương tôn, đại thần, tể quan rất tích cực trong việc hậu thuẫn Phật pháp vì những lợi ích xuất thế. Đức Phật luôn thúc đẩy, tạo cơ hội cho quốc vương, hoàng hậu, vương tôn, đại thần tể quan tiếp xúc Phật giáo, hoạt động hộ pháp, tạo phước báu nhân thiên cho chính họ.

Trong khi đó, Đức Phật là vì thánh đã giúp những người trong giới cầm quyền thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mang đến cho họ một chỗ dựa về tinh thần. Ngược lại, đạo Phật cần ở giai tầng cầm quyền trong xã hội năng lực hộ pháp hiệu quả. Với quyền lực và của cải, hoạt động hộ pháp từ vua quan đương nhiên đem lại kết quả tốt.

Ngày nay, khi nói đến quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo với chính quyền, chúng tôi luôn hướng tới hình mẫu quan hệ thời Đức Phật, trong đó, việc Phật giáo đóng góp các giá trị của mình cho chính quyền, như tính chất nhân văn, hướng thượng trong đường lối cai trị. Đức Phật có những bài pháp riêng về vấn đề chính sự cho đối tượng là quốc vương, đại thần, giúp họ có những định hướng tốt trong việc trị nước.

Nói quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo và chính quyền là nói đến quan hệ như vừa nói. Trong quan hệ tốt như thế, không chấp nhận xu nịnh, càng không có chỗ cho xu nịnh. Xu nịnh là lừa dối. Còn quan hệ tốt là chân thật, đáp ứng nhu cầu và lợi ích cho tất cả các bên tham gia quan hệ.

Nhìn lầm mục tiêu quan hệ tốt giữa Phật giáo với chính quyền thành sự xu nịnh, chúng tôi e rằng ở đây có mặc cảm tự ti tôn giáo. Mặc cảm đó luôn luôn nhìn thấy tôn giáo ở vị trí tách rời khỏi chính quyền và nhất là không nắm vững giáo lý Phật giáo từ kinh điển, không thấy không biết hình mẫu quan hệ Phật giáo với chính quyền thời Đức Phật.

Đức Phật không lợi dụng các vương triều, các vương triều không lợi dụng Phật giáo, mà 2 phía đóng góp lẫn nhau, mang lại lợi ích cho nhau để hướng thượng xã hội, làm cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp hơn. Quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo với chính quyền là sự đóng góp tích cực cho xã hội, trong đó, chính quyền coi sự hưng thịnh của Phật giáo là lợi ích của chính vương triều, còn phía Phật giáo luôn ý thức về trách nhiệm giáo hóa đạo đức đối với xã hội.

Phật giáo quan hệ tốt với chính quyền nhưng quan hệ đó không phải là quan hệ cấu kết như ở các tôn giáo khác, nhất là trong thời phong kiến trung đại.

Mục tiêu của Phật giáo không phải là quyền lực xã hội như ở các tôn giáo khác. Một đất nước Phật giáo hưng thịnh không phải là nơi Phật giáo chia sẻ với chính quyền quyền lực thế gian, như kiểu nhà thờ trung cổ. Phật giáo luôn đề cao giá trị tâm linh đặc thù, tự thân Phật giáo luôn luôn có xu hướng tách rời với những biểu hiện tiêu cực.

Người ta không thể tìm sự cấu kết vì lợi ích thấp kém ở một tôn giáo luôn coi tham, sân, si là kẻ thù, không coi lợi ích thế gian là cứu cánh.

Phật giáo có quan hệ tốt với chính quyền không phải chỉ để phục vụ riêng lợi ích của chính quyền hay riêng Phật giáo, mà vì đó là lợi ích chung cho nhân sinh, cho xã hội. Thời đức Phật, quan hệ đó không phải là chia một cái bánh nào cả, mà là vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Vì vậy, chỉ có quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo và chính quyền trong lịch sử, hầu như không có sự cấu kết vì những mục đích tiêu cực.

Trong nhiều thời kỳ, Phật giáo hưng thịnh là nhờ chính quyền tốt, thực hiện đúng chức năng hộ pháp vương, nghĩa là trong mối quan hệ tốt với Phật giáo.

Như vậy, là Phật tử, chúng ta luôn ý thức thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền và Phật giáo. Đó là việc tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển hưng thịnh của đạo pháp. Điều đó hoàn toàn khác với xu nịnh.

Xu nịnh là vọng ngữ, là phạm giới, là phá hoại các giá trị Phật giáo.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle