Sid Kemp
Sid Kemp bắt
đầu hành thiền từ những năm 1980. Đến năm 1985, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã yêu
cầu ông chia sẻ những kinh nghiệm tu tập của ông với người khác. Sid đã
học và hành nhiều giáo thuyết, nghiên cứu về các truyền thống Thiền Việt Nam, Đại Hàn và
Nhật, cũng như về Phật giáo Nguyên thủy và Tây Tạng. Kể từ khi hành
hương về đất Phật năm 2001, ông đã phối hợp các giáo thuyết này với
nhau, đồng thời phát triển sâu hơn công phu hành thiền của mình.
Phương cách
chính của Sid trong việc truyền đạt Phật giáo là áp dụng những giáo lý
cốt lõi của Phật giáo vào các môi trường làm việc ở Mỹ. Từ năm 2001,
Sid đã viết tám quyển sách về kinh doanh dựa trên quan điểm của một người
Phật tử và chia sẻ các tư tưởng Phật giáo mà không cần phải nhắc đến
Phật giáo, về các đề tài như phối hợp lãnh đạo và cách giải quyết các
vấn đề.
***
Trong chương này, về công việc làm của tôi, tôi hy vọng là có thể thảo
luận về những vấn đề như:
-
Kinh doanh/ thương mại có những vấn đề và thách thức gì?
-
Giáo lý và phương cách thực hành nào của Phật giáo có thể hỗ trợ cho
doanh nghiệp – và doanh nhân trong đời sống kinh doanh – giải quyết các vấn
đề và đối phó với các thách thức?
-
Các giải pháp của Phật giáo tương ưng thế nào với các quan điểm kinh
doanh hiện hành?
-
Phật giáo có thể mang các phẩm chất độc đáo nào đến cho những thách
thức trong một đời sống kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, có ích lợi cho
xã hội?
Đây là những vấn đề mà tôi quan tâm với tư cách là một Phật tử,
đồng thời cũng là một doanh nhân trong suốt mười lăm năm qua.
Phật giáo,
đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc và một cuộc sống hòa thuận trong chính
kiếp sống này, có rất nhiều điều có thể cống hiến cho thế giới doanh
nghiệp ngày nay, một thế giới đầy khó khăn và rối rắm. Định nghĩa hiện
đại của cá nhân tôi về phương cách thực hành Phật giáo, dựa trên sự nghiên
cứu để tìm những nối kết chung trong 2.600 năm của Phật giáo toàn cầu,
là sống trong tỉnh thức và tự tại, là cho phép tình thương yêu và trí
tuệ chảy tràn trong tôi, vươn đến những nỗi đau và niềm vui của cả thế
giới, đưa đến sự hàn gắn và phát triển đầy sáng tạo. Khi tư vấn hay khi
dạy về doanh thương, tôi không sử dụng các ngôn ngữ của Phật giáo như thế
này. Nhưng tôi nhận thấy là có nhiều doanh nhân rất muốn và có thể huân
tập sự tỉnh thức và tự tại. Doanh nhân cũng muốn giải quyết các vấn đề,
giống như ta muốn diệt bỏ khổ đau. Khi cùng nhau thực hành như thế, chúng ta sẽ thay đổi được cách
ta sống trong đời sống kinh doanh, tạo được một không gian sống bớt những khổ
đau, và thêm niềm vui.
Khổ diệt là cốt lõi của những lời dạy đầu tiên của Đức
Phật trong Tứ diệu đế.
Những lời dạy này hay kinh này được sắp xếp như một toa thuốc. Đầu tiên
giáo lý đó nêu lên tất cả các bệnh trạng, các rối loạn - tất cả những khổ
đau – chứ không chỉ một loại bệnh nào. Tứ diệu đế nói rằng khổ có
mặt ở khắp mọi nơi, rằng nó có căn do, rằng nó có thể được chữa trị,
và rằng có phương thuốc chữa trị nằm trong sự thực hành tỉnh thức và
tự tại.
Khổ trong doanh nghiệp là như thế nào?
Xin thưa người làm kinh doanh cũng khổ đau giống như mọi người khác. Sau đây
là một vài thí dụ:
- Kinh doanh thất bại; người ta phải chết.
- Một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, làm
tổn hao thời giờ và tiền bạc; một số người phải mắc bệnh.
- Một số môi trường kinh doanh đầy mâu thuẫn; một số người và gia đình
cũng thế.
- Doanh nghiệp thường có những sản phẩm hay dịch vụ tuyệt vời, nhưng
không sản xuất ra được trên thị trường; người ta cũng thường có những giấc
mơ tuyệt vời, nhưng không thể biến chúng thành hiện thực.
Danh sách này có thể dài bất tận. Vài năm gần đây, nền kinh
tế Mỹ đã nhìn thấy cái giá của lòng tham trong các hoạt động của
những công ty như Enron, Comcast và Adelphia. Tôi đã chứng kiến hệ quả khủng khiếp của lòng sợ hãi đối
với các doanh nghiệp – nhất là ở thành phố New York - sau trận khủng
bố ngày 11 tháng 9, 2001. Để đối phó với những
vấn đề rất nghiêm trọng này, các doanh nghiệp cần có định hướng rõ
ràng, cũng như uyển chuyển, thích ứng với hoàn cảnh.
Sự tự tại, trầm tĩnh giúp doanh nhân có định hướng và uyển chuyển,
giống như khi nó giúp vận động viên.
Giáo lý và phương cách tu tập trong Phật giáo đều có ích trong
kinh doanh.
Điểm mấu chốt là tất cả chúng ta – doanh nhân hay không – đều ôm ấp các
vấn đề của mình, không biết giải quyết chúng. Phương cách của Phật
giáo là chánh niệm về các vấn đề này và nói “đây là khổ, và có
phương cách chữa trị khổ”.
Sau đó chúng ta bắt tay
vào việc – với phương cách rõ ràng, có phương hướng và vô hại – để thỏa
hiệp các bất đồng, giải quyết các vấn đề và đạt đến mục tiêu.
Đó là ngôn ngữ trong kinh doanh. Ngôn từ trong Phật giáo để diễn tả cùng một khái niệm là
thực hành chánh niệm và tự tại, thăng bằng (trung đạo) để diệt khổ.
Có
một số tư tưởng căn bản trong Phật giáo rất giá trị đối với doanh nghiệp.
Chuyển đổi các từ ngữ Phật học này sang ngôn từ dùng trong kinh doanh,
thương mại rất ích lợi:
1.
Các trạng thái khổ (các vấn đề, các tranh
cãi, và các bất đồng kéo dài). Trong Phật giáo, các vấn đề này được bao
gồm trong Thánh đế đầu tiên.
2.
Chúng ta có thể
giải quyết các vấn đề, chấm dứt các khổ. Trong Phật giáo, đó là Thánh
đế thứ ba.
3.
Có sự liên hệ
giữa hành động của chúng ta và hậu quả mà chúng ta phải hứng chịu, khi
nói chung về khổ, cũng như trong kinh doanh. Trong Phật giáo, đó gọi là
nghiệp. Trong kinh doanh, đó gọi là nguyên nhân và hậu quả, và đó cũng
là chìa khóa giúp ta khám phá ra nguyên do để giải quyết vấn đề. Nếu
chúng ta thay đổi nguyên nhân, thì vấn đề (khổ) sẽ được giải quyết.
4.
Tỉnh thức trong
hành động, ý nghĩ và cảm nhận của mình, sẽ giúp ta thay đổi được
chúng. Nhờ đó ta sẽ bớt khổ và đạt được kết quả tốt hơn. Trong Phật
giáo, đó là mục tiêu của công phu hành thiền và quán chiếu bản thân.
Việc tôi áp dụng Phật
giáo vào doanh nghiệp đã giúp tôi tìm ra được phương cách để chia sẻ các
tư tưởng này với doanh nhân. Thí dụ, đây là một
số khái niệm phổ biến trong kinh doanh có thể giúp mở ra cánh cửa đưa
đến những môi trường làm việc lành mạnh và hiệu quả hơn.
1.
Làm việc theo nhóm (team
work). Chúng ta có thể
tập làm việc với nhau, điều đó sẽ mang đến kết quả tốt. Phật giáo đã có
2.600 năm kinh nghiệm hình thành các hình thức nhóm có tổ chức, phù
hợp với văn hóa địa phương. Từ ngữ để chỉ các nhóm, cộng đồng này
trong Phật giáo là Tăng đoàn (Sangha).
2.
Giảm căng thẳng. Căng thẳng quá gắt gao và xung đột trong những nơi làm việc tạo ra nhiều vấn
đề cho cá nhân và cho cả công ty, trong khi có những việc chúng ta có thể
tìm ra tiếng nói chung. Lợi ích đầu tiên mà thiền có thể mang đến cho ta
là sự thư
giãn; kế đến là ý thức về các nguyên do đưa đến căng thẳng, giúp ta
phân tích vấn đề, đưa đến một giải pháp hiệu quả.
3.
Hiệu quả của cá nhân và nhóm. Những ai có ý hướng muốn
thay đổi để đạt được kết quả sẽ cởi mở hơn trong việc quan sát chính các
hành động của mình. Phật giáo, nhất là trong truyền thống thiền, đã có một
lịch sử lâu dài trong việc cùng nhau phân tích vấn đề, cùng nhau giải quyết
vấn đề, để đạt được các mục đích qua sự lãnh đạo và làm việc trong nhóm
một cách hiệu quả.
4.
Tránh một môi trường làm việc có quá nhiều xung
đột. Luật pháp cũng như các điều lệ trong các công
ty hiện nay nghiêm cấm sự đối xử phân biệt đối với phụ nữ, người thiểu
số và các nhóm thuộc những nguồn gốc văn hóa khác biệt. Sự có mặt
của một môi trường làm việc có nhiều xung đột hay phân biệt đối xử có thể
gây nhiều mất mát, tổn hại cho các doanh nghiệp. Do đó, đã có nhiều
công ty bỏ ra kinh phí cho những lớp huấn luyện để thay đổi hành
vi của các công nhân. Phật giáo đã có các phương tiện giúp phát
triển nhân cách từ 2600 năm trước. Trọng điểm của các lớp huấn luyện
đó là sự ý thức về hậu quả của các hành vi của mình đối với tha nhân.
Trong ngôn ngữ Phật giáo, đây là hai phương cách tu tập cốt lõi: ý thức
về thân, về vị thế và nghiệp.
5.
Đạo đức trong kinh doanh. Tất cả mọi người đều đã chịu ảnh hưởng vì những
xì-căng-đan của các doanh nghiệp lớn được phát hiện vào năm 2001. Luật
pháp đã phải được chỉnh sửa, và câu hỏi là làm thế nào để thay đổi văn
hóa trong doanh thương là một đề tài nóng bỏng hiện nay.
Thực hành theo
Phật giáo là phương tiện giúp cá nhân cũng như đoàn thể hành động một
cách có đạo đức trong cuộc sống cũng như ở các môi trường kinh doanh.
Thương trường tạo ra đau khổ, đồng thời cũng chịu khổ. Thí dụ: Khi một
công ty dịch vụ không thành công, khách hàng, công nhân, chủ nhân hay
những người mua chứng khoán của công ty cũng bị thua lỗ. Khi một doanh
nghiệp không được điều hành tốt, người làm việc ở đó không thể thấy
thoải mái. Và khi một doanh nghiệp đi sai đường, nó góp phần vào việc
làm tăng thêm khổ đau trên thế giới. Ứng dụng Phật giáo vào trong doanh
thương,
theo tôi, là huân tập vun trồng chánh niệm về khổ
và vui về nguyên do của khổ, vui trong thương trường. Khi những người làm
kinh doanh trở nên ý thức về các hành động của mình, cũng như hậu quả
của các hành động đó, thì những điều sau đây sẽ trở nên hiển nhiên:
- Doanh nghiệp sẽ thành công.
- Doanh nghiệp đem lại lợi ích cho khách hàng.
- Môi trường làm việc ở các doanh nghiệp này lành
mạnh, thoải mái, tốt đẹp.
- Nhận ra được những tiêu cực mà doanh nghiệp có
thể mang đến cho mọi người chung quanh, để bắt đầu
thay đổi.
(…)
Chăm Sóc Bản Thân
Chăm sóc bản thân là điều quan trọng bậc nhất mà tôi thực hiện
để chia sẻ phương cách tu tập và các giáo lý rút tỉa từ Phật giáo để áp
dụng trong thương trường.
Tôi thực hành chánh niệm – đặc biệt là chánh niệm và quán sát - để tôi có
thể duy trì chánh niệm cả ngày. Tôi thực hành tự tại, định tĩnh, để tôi
không bị xao động, không sa vào các thói quen của tâm trong việc phát khởi
bực tức, sân hận, nói lời hằn học, thô lỗ. Tôi cũng không để tâm trạng
của người khác ảnh hưởng đến mình, rồi lại truyền sự bực bội đó lên
người khác nữa. Nếu tôi duy trì được chánh niệm và định tĩnh, thì trí
tuệ và tâm từ bi rộng lớn sẽ tự nhiên tràn chảy trong tôi. Dòng chảy
đó sẽ hóa giải mọi chướng ngại – đầu tiên là trong bản thân tôi, rồi
lan
sang người khác. Và như thế là mỗi ngày giáo lý Phật giáo đều được ứng
dụng vào thương trường qua thân và tâm của tôi.
Suốt 20 năm qua, tôi đã phát triển sự thực hành nghiêm mật bao
gồm hành thiền, quán tứ niệm xứ và thể dục nhịp điệu, tất cả đều được
thực hành trong chánh niệm. Chúng ta có thể học tập nghệ thuật tĩnh
tọa theo
truyền thống Phật giáo. Các thể loại khác như yoga, t’ai
chi, và qi gong (khí công), tất cả đều có thể tập tốt hơn với chánh niệm
về thân. Những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy rằng cơ bắp sẽ
phát triển nhanh nhất khi ta chú tâm đến chúng trong khi luyện tập. Tất cả
các thể loại tập luyện này giúp đem tâm đến thân, tập trung tỉnh thức
vào ngay đây và ngay giây phút này. Từ đó việc luôn có mặt trong hiện tại
sẽ trở thành một thói quen, không chỉ trong khi thực hành, mà suốt ngày,
và không chỉ riêng cho bản thân tôi, mà cho tất cả những ai tôi tiếp xúc,
phục vụ.
Theo tôi, chỉ có các buổi thực tập nghiêm chỉnh không thì chưa
đủ.
Để có thể có mặt một cách hiệu quả, có nghĩa là tỉnh thức (là Phật)
trong từng giây phút suốt cả ngày. Để vun trồng sự thực hành liên tục tâm
Phật, tôi gom cả ba yếu tố:
- Thực hành bài bản, như đã trình bày ở trên.
- Những sự gián đoạn, như dừng lại và thở mỗi khi tôi thay đổi việc
đang làm, mỗi khi tôi nhìn thấy người mới đến, hay mỗi khi tôi dùng
điện thoại.
- Sự thực hành ‘ngẫu hứng’, không chính thức, như là thực tập chánh niệm
khi viết, khi soạn thư hay suy tư về một vấn đề.
Cần phải nói thêm về những sự
gián đoạn, vì chúng mang đến lợi ích lớn lao mà không cần nhiều công
sức. Tôi thích sử dụng mọi gián đoạn hay sự thay đổi môi trường như là
một cách để dừng lại, quán thân, rồi thở vào, thở ra.
Thí dụ, nếu
tôi sắp mở một cánh cửa, tôi sẽ dừng lại và thở.
(Thử nghĩ xem bạn sẽ có bao nhiêu cơ hội để thư
giãn khi đi từ chỗ gửi xe đến văn phòng làm việc). Nếu
điện thoại reo, tôi sẽ dừng lại và thở. Nếu có
ai bước vào văn phòng, tôi sẽ dừng lại và thở.
Dĩ nhiên tôi làm việc này một cách kín đáo, khó ai nhận biết.
Điều mà người ta có thể nhận thấy là, khi tôi trả lời điện thoại hay
chào hỏi ai, tôi thực sự có mặt với họ.
Sử
dụng các phương cách của sự tự quán chiếu, sự chăm sóc bản thân, và sự
tỉnh giác, để đối phó với các trạng thái tâm, lắng đọng hay lao xao
và thân, tôi đặt tất cả thân tâm mình vào chánh niệm, để những vấn đề và
quan điểm chưa được thông suốt của tôi không trở ngại đến việc trí tuệ
và tình thương trong sáng, rõ ràng, có thể có mặt trong môi trường làm
việc.
Phối hợp sự thực hành nghiêm túc, với những gián đoạn và sự thực hành
không chính thức, tôi hướng đến việc được tỉnh thức và tự tại trong
từng giây phút, để tôi có thể thực sự có mặt trong từng hoàn cảnh.
(…)
Lắng Nghe
Trên phương diện
tâm linh, tôi nghĩ lắng nghe là biểu hiện quan trọng nhất của sự tu tập
của chúng ta. Con người rất
thông minh. Khi chúng ta lằng nghe chăm chú, người nói cũng sẽ chú tâm
đến điều họ nói. Dầu chúng ta chỉ gợi ý nhẹ nhàng cho họ, người được
ta lắng nghe cũng sẽ tự tìm được giải pháp cho bản thân, và đó thường là
một giải pháp thực dụng và khôn ngoan. Vì đó là giải pháp họ tự nghĩ
ra, họ sẽ tin tưởng vào đó. Và vì tin tưởng vào giải pháp, người đó sẽ khiến nó thành
sự thật.
Trên phương diện
kinh doanh, tôi nghĩ đó là một kỹ năng quan trọng nhất nhưng lại ít được
rèn luyện nhất ở những nơi làm việc. Bạn có tìm được khóa học
nào ở trung học hay đại học dạy về nghệ thuật lắng nghe không? Có
nhiều lớp giúp người ta đọc, viết, hay nói, nhưng chẳng bao giờ có lắng
nghe. Nhưng tôi nhận thấy rằng, trong một phòng họp mà có nhiều
người biết lắng nghe, thì ta dễ khám phá ra nhiều sáng kiến để chia sẻ.
Người biết lẳng
nghe sẽ nghe với lòng kiên nhẫn, và không có thành kiến. Là người biết
lắng nghe, ta sẽ bắt đầu bằng tâm trống rỗng, không biết.
Chúng ta gạt qua một bên mọi nhu cầu muốn bày tỏ ý kiến của mình (ít
nhất là chờ một lát sau), và cố gắng giúp người nói cảm thấy tự tin
để khai triển ý tưởng và bộc bạch chúng. Chúng ta cũng
có thể lặp lại ý kiến của người nói, để xác nhận là chúng ta đã hiểu
đúng. Tôi nhận thấy rằng kỹ năng biết lắng nghe
là phương cách ngăn ngừa sự xung đột rất hiệu nghiệm. Hầu hết các xung
đột bắt nguồn từ hiểu lầm, và lắng nghe tạo nền tảng cho thông cảm,
hiểu biết.
Khi dạy các kỹ
thuật để động não (brainstorming), tôi đặt trọng tâm vào việc tạo ra một
không gian cho việc biết lắng nghe. Tôi dùng ẩn dụ này: Chỉ hỗn
hợp nước và bột, không ai ăn nổi. Nhưng nước, bột, bột nổi, muối và
đường sẽ làm ra những chiếc bánh thơm ngon. Cũng thế, chỉ có con người
và vấn đề sẽ đưa đến tranh cãi. Nhưng nếu ta thêm vào thời gian, không
gian và sự tập trung, chúng ta sẽ có những buổi động não rất hữu
hiệu. Thời gian và không gian được tạo ra bằng cách tổ chức những buổi
họp không gián đoạn. Sự tập trung được tạo ra bằng cách mổ xẻ vấn đề
thấu đáo và lắng nghe nhau. Lúc đó con người, cũng giống như bột
bánh, nở ra theo hoàn cảnh. Lúc đó chúng ta không
chỉ giải quyết các vấn đề, mà còn tạo dựng một môi trường bền bĩ cho
lòng tin và hợp tác.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trích dịch
theo Buddhism for Business, 2009)