Từ thế kỷ VII (tr.TL), nhiều khu vực ở Bắc Ấn
bắt đầu trải qua một thời kỳ đô thị hóa, và đây là thời kỳ đô thị hóa lần
thứ hai ở lục địa Ấn. Thời kỳ đô thị hóa lần hai này gắn liền với việc ra
đời các đô thị ở trung và hạ lưu đồng bằng Hằng hà. Trong khi lần thứ nhất
xảy ra vào thiên niên kỷ thứ III và thứ II (tr.TL), với việc phát triển các
thành phố dọc theo sông Indus, gắn liền với văn minh Harappan.
|
Với việc phát triển công
nghệ sắt, đồng đã đưa đến việc phát triển những dụng cụ sản xuất nông nghiệp
bằng kim loại tiến bộ hơn, và với việc phát triển nông nghiệp đã đưa nhiều bộ
tộc đi đến đời sống định cư thành những cộng đồng hay làng mạc (gāma) thay vì
đời sống du mục như trước đó. Việc phát triển nông nghiệp và những sản phẩm nông
nghiệp cũng đã hình thành nên việc trao đổi sản phẩm bằng tiền tệ, và từ đó hình
thành nên các thành phố (nagara), những khu mua bán (nigara) với việc xuất hiện
các thương gia và chủ ngân hàng giàu có. Văn học Pāli thường
xuyên đề cập đến chủ những đoàn thương buôn, thương nhân và chủ ngân hàng.
Xã hội được đề cập ở trong văn học Pāli khác với trong Veda và những Upanishad
tiền Phật giáo.
Hình ảnh xã hội như được phản chiếu trong một số Upanishad tiền Phật giáo là xã
hội nông thôn(1), trong khi Phật giáo thời kỳ đầu (và Kỳ-na giáo) thì
gắn liền với môi trường thành thị.
Đã có quan điểm cho rằng sự hành hoạt của Phật giáo vào thời Đức
Phật chính yếu tập trung ở những khu vực thành thị mới. Những khảo sát từ văn bản thuộc văn học Pāli đã chỉ ra rằng con số
về địa danh được nhắc đến trong kinh-luận là 1.009 lần, mà trong số này, có đến
842 (83.43%) lần liên quan đến 5 thành phố chính là Sāvatthī (Xá-vệ), Rājagaha
(Ma-kiệt-đà), Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), Vaishali (Vệ-xá-ly) và Kosambi (Kausambi/
Kiều-thương-di) - những thành phố được cho là phồn thịnh vào thời Đức Phật. Phần
còn lại (chiếm 16.57%) là những địa danh thuộc những thành phố khác, các thị tứ,
làng mạc và những vùng ngoại vi thành phố(2). Và có người đã dựa vào
những khảo sát dạng này để khẳng định rằng Phật giáo thời kỳ đầu phần lớn tập
trung ở đô thị và ảnh hưởng mạnh vào tầng lớp lãnh đạo, thị dân và những thương
nhân hơn là ảnh hưởng vào tầng lớp nông dân; và cũng có người phê bình rằng một
trong những điểm yếu lớn nhất của Phật giáo ở Ấn Độ là nó chưa bao giờ trở thành
một trào lưu tôn giáo phổ biến sâu rộng trong cộng đồng dân cư nông thôn(3),
nơi được xác nhận là hình thành nên những giá trị chính của xã hội Ấn Độ.
Tuy nhiên, dù tên địa danh của năm thành phố được nhắc đến nhiều,
số lượng các ngôi làng vẫn vượt qua thành phố và thị tứ, dù tên các ngôi làng ít
được đề cập một cách cụ thể. Và những khảo sát về văn
bản cũng như những khai quật khảo cổ cho thấy rằng các tịnh xá (vihāra) thường
tọa lạc tại những khu vực nông thôn, hơn là thành thị. Có
điều, vị trí những ngôi làng này thường không quá xa thị thành.
Địa điểm tọa lạc này của các tịnh xá được xem là thích hợp với các Tỳ-kheo, vì
những trú xứ như vậy sẽ không bị đời sống thành thị chi phối nhưng lại thuận
tiện trong việc khất thực vì không quá xa các khu dân cư cả thị dân và dân làng.
Bên cạnh văn học Pāli cũng cho thấy rằng, đời sống của các Tỳ-kheo hiện diện ở
khắp nơi, từ làng mạc đến thị thành và cả ở trong rừng vắng.
Và mối liên hệ giữa hàng Tăng sĩ và người dân sống ở trong làng cũng tạo nên
duyên khởi cho một số luật định dành cho hàng Tỳ-kheo.
Nhưng có một điều dễ nhận thấy rằng, trong các Nikāya, những cư sĩ
tiêu biểu được nhắc đến nhiều thường tập trung vào hai thành phần chính đó là
giới vua chúa (bao gồm cả một số thành viên của hoàng gia) và thương nhân. Và hai thành phần này
luôn là hai giới hỗ trợ cho Phật giáo đắc lực nhất, vì Phật giáo được cho là đã
đáp ứng được những mong đợi của hai thành phần này(4).
Nhưng không riêng gì Phật giáo, hai thành phần này cũng là
những người hỗ trợ nhiệt thành của một số bộ phái tôn giáo khác, chẳng hạn như
Kỳ-na giáo.
Chúng ta biết rằng hai
ngôi tịnh xá đầu tiên của Tăng đoàn Phật giáo là do hai người, một thuộc vua
chúa và một thuộc thương nhân, hiến cúng. Đức Phật sau khi thành đạo và hóa độ
những vị đệ tử đầu tiên, đã quay trở lại thành Vương-xá hóa độ vua Bình Sa Vương, người trước đó là bạn hữu của Ngài.
Vị vua này sau đó trở thành vị đệ tử tại gia nhiệt tâm và hết lòng ủng hộ Đức
Phật và Tăng đoàn. Ngôi tịnh xá Trúc Lâm, được xây dựng không lâu sau khi
Đức Phật thành đạo, chính do vị vua này hiến cúng. Kinh tạng Nikāya cũng lặp lại tên nhiều vị vua như là những người
thân cận và ủng hộ Tăng đoàn nhiệt thành.
Về sau, các kỳ kiết tập kinh điển cũng đặt dưới sự bảo trợ của các vua chúa, và
thậm chí đôi khi do sự thúc đẩy của vua chúa, chẳng hạn như kỳ kiết tập kinh
điển dưới triều Vua Ashoka. Và không chỉ dừng lại đó, có những vị vua còn có vai
trò và công lao lớn trong việc truyền bá Phật giáo ra
ngoài Ấn Độ.
Vào thế kỷ VI (tr.TL), vị trí và ảnh hưởng của giới thương nhân
trong xã hội Ấn Độ được coi là rất sâu sắc. Sự
giàu có của giới này được cho là đã khuynh loát cả hàng vua chúa và đã khiến cho
giai cấp Sát-đế-lợi đôi khi phải tìm cách hạn chế họ.
Và sự bảo hộ của giới thương nhân cho một số tôn giáo và bộ phái cũng không hề
nhỏ so với các vua chúa.
Một số câu chuyện liên quan đến giới cư sĩ thương nhân được đề
cập trong kinh tạng, cho thấy sự giàu có, vị thế, và ảnh hưởng của họ. Một vài trong số những trường hợp này là câu chuyện về trưởng giả
Cấp Cô Độc và Bà-la-môn Dona.
Trưởng giả Cấp Cô Độc là một thương gia, một chủ ngân hàng. Câu chuyện kể về ông đã
bỏ vàng lát đất để mua lấy khu vườn của Thái tử Kỳ Đà để xây tịnh xá Kỳ Hoàn
cúng dường cho Đức Phật cho thấy rằng sự giàu có và ảnh hưởng của ông ở trong
đời sống xã hội là thật sự lớn, khiến ông có thể chi phối và thay đổi được một
vị thái tử hoàng gia. Trong khi đó, như được thấy ở trong kinh Đại bát
Niết-bàn (Trường bộ), một trong những lý do để Đức Phật nhập diệt ở Kusinaga
là vì nơi đây có Bà-la-môn Dona, người sẽ nhận trách nhiệm phân chia xá-lợi của
Đức Phật. Rõ ràng vị trí của vị thương nhân này là rất quan trọng. Quan trọng không phải ở nhiệm vụ phân chia xá-lợi, mà có thể sắp xếp
để xá-lợi của Đức Phật không trở thành đầu mối của sự tranh chấp, khi có nhiều
vua chúa đang manh nha tư tưởng tranh đoạt.
Như đã nói, việc trở nên
giàu có của tầng lớp thương nhân cũng khiến họ muốn tái xác định lại vị trí của
họ trong sự phân tầng xã hội theo Bà-la-môn giáo. Theo trật tự của hệ thống đẳng cấp, tầng lớp thương nhân (Vaishya)
được xếp thứ ba, sau Bà-la-môn và Sát-đế-lợi. Tuy nhiên
về tài sản thì họ có thể vượt qua hai đẳng cấp trước.
Và chính sự giàu có về tài sản đã tạo nên trong họ nỗi khát vọng nắm giữ một địa
vị xã hội cao hơn. Ở một góc độ, sự ra đời của Phật giáo và Kỳ-na giáo đã
đáp ứng được nỗi khát vọng của họ, khi họ đã không còn hài lòng với giáo thuyết
của Bà-la-môn giáo(5), và do đó
tầng lớp thương nhân này nhiệt thành ủng hộ những tôn giáo không chấp nhận hệ
thống đẳng cấp và ủng hộ thương mại(6). Như chúng ta đã biết, trong
số 60 người gia nhập Tăng đoàn đầu tiên thì hết 55 người xuất thân từ tầng lớp
thương nhân (Vaishya). Về hàng Phật tử tại gia, nhiều trong số những người quy y
theo Ngài ở thành Ma-kiệt-đà và Vương-xá, cũng như một số thành phố khác, cũng
thuộc tầng lớp này(7).
Việc xây dựng chùa tháp, đặc biệt là những chùa tháp lớn, thường
cũng do hai giới vua chúa và thương nhân thực hiện. Các chùa tháp vào thời
Đức Phật và sau đó đều do những đại thí chủ của hai thành phần xã hội này phát
tâm hiến cúng. Vua Ashoka được cho là đã xây đến 84.000 ngôi
tháp.
Con số này tuy khó xác định, nhưng thông qua việc khảo cổ đã cho thấy rằng những
chùa tháp do vị vua này xây dựng là rất nhiều. Về sau, những quần thể chùa viện
lớn cũng do nhiều vị vua quan và thương nhân thực hiện. Những quần thể chùa đá
như Ajanta và Ellora, và quần thể chùa tháp ở Sanchi, mà những chữ viết khắc
trên các bảng đá ở đây đã ghi lại, phần lớn do các vua chúa (hoặc thành viên của
hoàng gia) cùng với các thương nhân hiến cúng. Nhiều những chữ viết trên nhưng di vật có từ thời Kushan chứng nhận
rằng nhiều thương nhân, thợ thủ công và thị dân đã dâng cúng tài vật dồi dào cho
các chùa viện Phật giáo.
Tuy nhiên, nói như vậy
không có nghĩa là sự “góp của” xây dựng chùa tháp trong quá khứ chỉ do hai giới
này thực hiện. Nhưng rõ ràng, sự thịnh vượng về kinh tế của họ đã ghi được tên
tuổi của họ lên sách sử và lên những bảng đá. Điều này không chỉ có ở trong quá khứ mà cũng xảy ra ngay ở hiện
tại. Niềm tin vào việc tạo phước qua bố thí (dāna) hẳn nhiên là ảnh hưởng đến nhiều giới tín đồ tại gia,
nhưng đặc trưng của công việc và việc thịnh vượng về kinh tế khiến giới thương
nhân dễ dàng hơn người nông dân trong việc cúng dường. Thêm
nữa, việc xây dựng chùa tháp đối với các thương nhân không chỉ để tạo phước mà
song song đó, các cơ sở này cũng là những nơi chốn cầu nguyện và nơi trú ngụ của
họ trong quá trình di chuyển cho việc giao thương. Nhưng hẳn nhiên không
phải các tịnh xá và bảo tháp do các thương nhân xây dựng đều nằm dọc ở những
trục đường nơi mà họ có thể trú ngụ hay dừng chân trong những chuyến buôn bán
dài ngày của mình.
Nhưng sự phụ thuộc vào giới thương nhân để phát triển và duy trì
tôn giáo cũng đã tạo nên những hệ luỵ. Ở đây không phải là sự
chi phối của tầng lớp này trong việc làm biến đổi giáo thuyết hay biến những cơ
sở tôn giáo thành tài sản riêng của họ, nhưng việc đặt sự sinh hoạt của mình
dưới sự bảo trợ của tầng lớp này (hay bất kỳ một nhóm riêng biệt nào) thì khi
tầng lớp này bị suy thoái sẽ khiến cho tôn giáo phụ thuộc vào nó chao đảo, nếu
nó không có những thay đổi để thích ứng kịp thời. Trong một bài viết về sự phát
triển Phật giáo ở Andhra (một tiểu bang của Ấn Độ), nơi Phật giáo từng rất hưng
thịnh và là cứ điểm để Phật giáo truyền đến Sri Lanka và một số nước châu Á
khác, Sree Padma cho rằng, sự phát triển Phật giáo thịnh vượng ở nơi này là nhờ
vào sự phát triển đô thị và thương mại, nhưng sau sáu thế kỷ phát triển, Phật
giáo đã suy yếu nghiêm trọng khi nền kinh tế ở nơi này suy thoái đi cùng với sự
ngưng hỗ trợ của tầng lớp thương nhân. Về sau khi kinh tế ở nơi này phục hồi,
Phật giáo không còn đủ sức mạnh để cạnh tranh và không còn là tôn giáo hấp dẫn
giới thương nhân như một số giáo phái khác, chẳng hạn như
Śaivism(8).
Quan điểm này có thể chấp
nhận được khi vấn đề này cũng có thể nhìn thấy ở những thành phố khác ở Ấn, nơi
Phật giáo đã từng hưng thịnh, chẳng hạn như Sāvatthī, Vaishali và Kosambi… Ở
Vaishali, mặc dù đây là địa bàn hành hoạt “truyền thống” của Kỳ-na giáo, Phật
giáo cũng từng được tầng lớp quý tộc và các thương nhân đón nhận nhiệt tình,
nhưng khi tầng lớp quý tộc thất thủ và tầng lớp thương nhân suy thoái ở thành
phố này, đã kéo theo sự suy yếu của Phật giáo, khi nó không bám rễ được vào
trong đời sống nông dân. Điều này cũng tương tự như ở Kosambi. Nhưng từ sự chấm dứt
thời kỳ thành thị hóa và kéo theo
sự suy yếu của Phật giáo vì mất đi sự ủng hộ của hai tầng lớp Sát-đế-lợi và
Vệ-xá, Phật giáo Ấn Độ về sau dường như đã có khuynh hướng chuyển sang “nông
thôn hóa”. Và từ sau thời Vua Ashoka, những thí chủ của Tăng
đoàn không chỉ là những vua quan và các thương nhân mà cũng bao gồm những thí
chủ ở các ngôi làng và ngoài thành thị. Tuy nhiên, Phật
giáo ở Ấn, chưa bao giờ phổ biến và hành hoạt sâu rộng trong các cộng đồng nông
thôn.
Khác với việc truyền bá
tôn giáo ra nước ngoài gắn liền với bạo lực của một số tôn giáo, Phật giáo nói
chung được truyền bá một cách hòa bình; và cũng khác với một số tôn giáo thường
theo chân những người xâm lược để truyền bá tôn giáo của mình đến xứ sở khác,
con đường truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ ra nước ngoài hầu như đều do các Tăng sĩ
thực hiện và một hình thức khác (có thể chỉ là ngẫu nhiên) là qua những thương
nhân Phật tử, hoặc có niềm tin vào Phật giáo. Và việc truyền
bá Phật giáo ra ngoài Ấn Độ bằng con đường này, dù ít nhiều thiên về tín ngưỡng,
đã có sự ảnh hưởng lớn. Nó đã giới thiệu hình ảnh Phật giáo vào trong đời
sống trước hết ở những nơi buôn bán, và từ đây lan
truyền đến những nơi khác. Kể từ khi tín ngưỡng phụng thờ tượng Phật và Bồ-tát
thịnh hành, đặc biệt là niềm tin vào Bồ-tát Quan Thế Âm, các thương nhân đã mang
những tôn tượng này theo những chuyến hành trình giao thương dài ngày của họ với
niềm tin có được sự may mắn và an ổn. Những chuyến đi xa buôn bán của các thương
nhân đôi khi cũng có những vị tu sĩ Phật giáo đi cùng trong việc thực hiện mục
đích truyền đạo, nhưng cũng có những người đi với mục đích tụng kinh cầu nguyện
và làm nơi nương tựa tâm linh cho đoàn thương nhân, và theo đó cũng giới thiệu
hình ảnh tu sĩ Phật giáo đến những nơi khác.
Nhưng việc phát triển
Phật giáo theo cách này của những thương nhân, đặc biệt
dưới thời Kushan, cũng có mặt trái của nó. Như những bích họa ở các động đá dọc
theo Con đường Tơ lụa (và một số nơi khác như ở Ajanta) thể hiện, việc ủng hộ
Phật giáo trong việc xây dựng chùa tháp và khắc chạm bích họa cho thấy sự ảnh
hưởng của văn hóa vật chất và thế tục vào trong đời sống tu viện. Một số bích
họa được phát hiện tại những chùa đá dọc theo Con đường Tơ lụa xưa, miêu tả về
những sinh hoạt của đời sống thế tục chẳng hạn như cảnh soi gương trang điểm,
nhảy múa và uống rượu, và nếp sinh hoạt được thể hiện trong những bức bích họa
ít nhiều gắn với đời sống thị thành. Chúng ta không biết những ngôi chùa và bích
họa được các thương nhân và thợ thủ công thiết lập khi nơi đây chưa có Tăng nhân
cư trú, hay là các Tăng nhân cho tạc những bức bích họa này theo ý của các
thương nhân. Thêm nữa, khi triều đại nhà Đường sụp đổ ở Trung Quốc và sự xâm
chiếm của người Hồi vào thế kỷ thứ VIII (TL), đã đưa đến việc Con đường Tơ lụa
không còn được sử dụng và việc vắng mặt các thương nhân, Phật giáo mà nó chủ yếu
phát triển dọc theo con đường gắn liền với việc buôn bán và các thương nhân này
cũng theo đó nhanh chóng suy tàn.
Theo cách nhìn của một số
tôn giáo, chẳng hạn như Phật giáo và Kỳ-na, đối với đời sống tu sĩ, sự giàu có
về tài sản vật chất có thể gây nên những nguy hại cho đời sống tâm linh. Và đây
là lý do tại sao giới tu sĩ không được phép cất giữ tiền bạc và giảm thiểu đến
mức tối đa việc sử dụng những nguồn vật chất. Nhưng trong khi việc sung túc vật
chất có thể không tốt cho giới tu sĩ, việc phát triển một phong trào tôn giáo
(cũng như bất kỳ phong trào nào) phải nhờ vào yếu tố kinh tế, để xây dựng cơ sở,
đạo tạo và hỗ trợ đời sống tu sĩ cũng như việc phái những phái đoàn truyền đạo
đến những nơi khác… Chính điều này, có người cho rằng Phật giáo thành công trong
việc truyền bá vào những thế kỷ đầu ở Ấn Độ là nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của
tầng lớp quý tộc và giới thương nhân, trong khi năm bộ phái tôn giáo khác (không
thuộc dòng Bà-la-môn) đã không phát triển được bởi vì thiếu đi sự ủng hộ của hai
tầng lớp này(9).
Sự ủng hộ của giới thương nhân trong việc phát triển Phật giáo tại
Ấn Độ cũng như tạo nên những điều kiện để Phật giáo truyền bá đến những nơi khác
là thật sự lớn. Và không riêng gì ở Ấn
Độ, việc ủng hộ tài vật trong việc duy trì Tăng đoàn và xiển dương Phật pháp của
giới thương nhân thể hiện rất rõ trong lịch sử phát triển Phật giáo ở những xứ
sở khác nhau, và càng dễ nhận thấy hơn trong xã hội hiện nay.
Với người cư sĩ tại gia, sự phát triển tài sản vật chất song song với việc phát
triển đạo đức và tâm linh (hay hỗ trợ tài vật giúp phát triển đời sống đạo đức
và tâm linh trong đời sống xã hội) là điều được khuyến khích trong kinh điển.
Do đó đối với người thương nhân nói riêng và những người cúng dường tài vật nói chung khi thực hành bố thí cần xem xét việc làm của mình có
giúp phát triển đời sống đạo đức và tâm linh cho bản thân và cho người nhận vật
thí (hay cúng dường) hay không. Và đối với bản thân Tăng-già
Phật giáo, có những điều xảy ra trong quá khứ vẫn còn là những bài học bổ ích
trong đời sống hiện tại. Việc phát triển một tôn giáo nếu chỉ dựa vào (và
quan tâm đến) tầng lớp lãnh đạo và thương nhân, trong khi bỏ qua những thành
phần dân chúng khác (luôn chiếm đại đa số), rõ ràng không phải là một sự phát
triển cân bằng và bền vững.
Chú thích
(1) Bà-la-môn giáo trong
thời kỳ đầu của đô thị hóa, bị cho là không có thiện cảm với đời sống thành thị.
Xem G. Bailey & I. Mabbett, The Sociology of Early Buddhism,
Cambridge: Cambridge University Press, 2003, tr.19.
(2) Balkrishna Govind
Gokhale, “Early Buddhism and the Urban Revolution”, The Journal of the
International Association of Buddhist Studies, A. K. Narain Ed, Vol. 5, No.
2, 1982, tr.10
(3) Vishwanath Prasad Varma,
Early Buddhism and its origins, New Delhi: Munshiram Manoharlal 2003 (Third
edition), tr.343.
(4) Xem thêm G. Bailey & I.
Mabbett, The Sociology of Early Buddhism, Cambridge:
Cambridge University Press, 2003, tr.14.
(5) Xem thêm A. L. Basham,
“The background to the rise of Buddhism”, in A. K. Narain (ed.), Studies in
History, Delhi: B.R. Publishing, 1980. K. T. Sarao, Urban Centres and
Urbanisation as Reflected in the Pali Vinaya and Sutta Pitakas, Delhi:
Vidyanidhi, 1990, tr.175. Thực ra thông điệp của Đức Phật là phổ quát, mà nói
theo
ngôn ngữ kinh Pháp hoa là như một trận mưa lớn mà mọi cây cỏ đều có thể
thấm nhuần, chứ không dành riêng cho đẳng cấp nào. Tuy nhiên, hai đẳng cấp Sát-đế-lợi và Vệ-xá với thuận tiện địa bàn
cư trú và khả năng tiếp nhận giáo pháp đã dễ dàng đón nhận giáo pháp của Ngài
hơn.
(6) Xem thêm R. S. Sharma,
Material Culture and Social Formations in Ancient India, Delhi: Macmillan
India, 1983, tr.123-126.
(7) Xem thêm N. Datta, The Spread of Buddhism.
(8) Xem thêm Sree Padma,
“Material Culture and the Emergence of Urban Buddhism in Andhra”, Buddhism in
the Krishna River Valley of Andhra, State Univ New York, 2008, tr.11-31.
(9) Vishwanath Prasad Varma,
sđd, tr.337.
Thích Nguyên Hiệp