Trong lá thư tháng 9 năm 2013 (http://www.bouddhismes.net/node/1659) của Viện Nghiên Cứu Phật Học Pháp gửi cho các thành
viên có giới thiệu một bài báo nói về Phật Giáo Trung Quốc đã đăng trên trang
web Fait-religieux.com
(http://www.fait-religieux.com/monde/asie_pacifique/2013/06/16). Xin chuyển ngữ dưới đây.
Một sự đổi mới thật ngoạn mục thế nhưng cần phải hiểu
với sự thận trọng
Năm
1980 số nhà sư sót lại trên lãnh thổ
Trung Quốc vào khoảng vài nghìn người. Năm 1994 tông phái Đại Thừa của Phật Giáo Hán gồm có
khoảng 40 000 sư sãi và những người mới tu; năm 1997 con số này là 70 000 người,
và vào giữa các năm 2006-2007 là 100 000 người. Nói chung tỷ số gia tăng là 8%
mỗi năm trong khoảng thời gian từ 1994 đến 2006.
Sự
đổi mới đó có vẻ thật ngoạn mục, thế nhưng phải cần thận trọng: trước năm 1949
và trước khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) nắm chính quyền, Phật Giáo Hán gồm
ít nhất là 500 000 nhà sư. Nói cách
khác là trong sáu mươi năm con số các nhà sư tụt xuống còn 1/5, trong khi đó thì
dân số tăng lên gần gấp đôi.
Năm
1980 còn lại khoảng một trăm ngôi chùa Phật Giáo trên lãnh thổ Trung Quốc, con
số này tăng lên 5 000 vào năm 1994; 8 000 vào năm 1997, 15 000 vào năm 2006, và
ngày nay vẫn tiếp tục gia tăng. Có nhiều Ngôi nhà Phật (nguyên văn là Maisons de Bouddha, đại khái có
nghĩa là chùa chiền không chính thức) và các
Ngôi Nhà dùng làm nơi tụng niệm
(nguyên văn là Maisons pour la citation des soutra, có thể đây là các Tịnh xá?)
mang ít nhiều tính cách tư nhân và không được đưa vào con số thống kê chính thức
về chùa chiền.
Trước năm 1949 có 40 000 ngôi chùa.
Phật Giáo Hán là tôn giáo được nhà nước ưu đãi
Ký giả
phỏng vấn: Patricia Zhou (Patricia Châu)
Zhe Ji là một vị giảng sư
(maître de conférence / lecturer) của Viện Quốc Gia về Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông
Phương INALCO (Institut nationnal
des langues et civilisations orientales / một cơ quan nghiên cứu và giảng dạy về
các ngôn ngữ và văn minh Đông Phương, được thành lập từ thế kỷ XVII dưới triều
đại của vua Louis XIV, cơ quan này trực thuộc Bộ Giáo Dục Đại Học và Khảo Cứu,
trụ sở đặt tại Paris, quận XIII) chuyên ngành về xã hội học và lịch
sử tôn giáo Trung Quốc. Từ năm 2010 Zhe Ji được giao trọng trách hướng dẫn một
chương trình mang tầm vóc quốc tế nhằm nghiên cứu về "Phật Giáo sau thời kỳ
Mao", với sự tài trợ của thành phố Paris trong khuôn khổ một chương trình lớn
hơn mang tên là "Sự Bùng Lên"
(Emergence / có
thể dịch là sự Xuất Hiện).
Người ta nhận thấy rằng từ thập niên 1980 đã có một sự
đổi mới về tôn giáo trên lãnh thổ nước Công Hòa Nhân Dân Trung Quốc (People's
Republic of China, PRC). Vậy đối với Phật Giáo thì như thế nào?
Vào thập niên 1980, Phật Giáo
vẫn còn trong tình trạng phải gặp nhiều khó khăn, mặc dù nhà nước ban hành một
chính sách mới về tự do tôn giáo. Các cơ quan chính phủ vẫn tạo nhiều khó khăn
trong việc trùng tu chùa chiền. Hơn nữa các nhà sư lại không có một nguồn tài
trợ nào cả. Những người Phật Giáo Trung Quốc phải nhờ vào sự giúp đỡ tài chính
từ nước ngoài như Hồng Kông, Đài Loan, các nước Đông Nam Á cũng như các nước Á
Châu khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, trong việc trùng tu chùa chiền và
tu viện.
Vào giữa thập niên 1990 người
thế tục mới bắt đầu hoặc trở lại quan tâm đến Phật Giáo . Nhờ kinh tế phát triển
nên sự thu nhập của họ cũng có phần khả quan hơn. Người Trung Quốc trên lục địa
từ đó mới bắt đầu dần dần tham gia vào việc tài trợ các công trình tùng tu chùa
chiền.
Có đúng là chùa chiền và tu viện đã bị tàn phá trong
thời kỳ Cách mạng văn hóa hay không?
Không đúng như thế. Không
nhất thiết là chùa chiền bị tàn phá, mà chỉ bị trưng dụng để làm nơi sinh hoạt
mang tính cách dân sự. Chùa chiền trở thành trường học, cơ xưởng hay trụ sở
chính quyền... Ngay cả ngày nay nhiều cảnh chùa vẫn chưa được trả lại cho Phật
Giáo.
Có bao nhiêu người theo Phật Giáo ở Trung Quốc?
Theo kết quả các thống kê gần
đây nhất có khoảng từ 10% đến 20% dân chúng Trung Quốc ở tuổi trường thành tự
nhận mình là người Phật Giáo. Thật ra không thể nào biết chính xác được số người
theo Phật Giáo, bởi vì theo Phật Giáo không cần phải qua một nghi lễ chính thức
nào cả chẳng hạn như trường hợp của Thiên Chúa Giáo, hơn nữa bản tính của người
Trung Quốc không cố chấp về các vấn đề này. Vì thế các con số thống kể chỉ có
tính cách phỏng đoán. Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu gần đây thì vào năm
2003 có 100 triệu người Phật Giáo, và trong số này có 90.5 triệu người theo Phật
Giáo Hán thuộc tông phái Đại Thừa (người Hán là một sắc dân đa số ở Trung Quốc và gồm 92% dân số - ghi chú
trong bản gốc)
và 7.6 triệu người theo Phật Giáo Tây Tạng. Ngoài ra cũng có 1.5 triệu người
theo Phật Giáo Theravada, hầu hết thuộc sắc tộc Dai (sắc tộc Thái?)
sinh sống ở tỉnh Vân Nam thuộc nam Trung Quốc.
Hiện nay, trong số năm tôn
giáo chính thức được công nhận - là Phật Giáo, Lão Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin
Lành và Hồi Giáo (xin lưu ý là trong
số này không có Khổng Giáo) - Phật Giáo có số tín đồ và những người
xuất gia đông đảo hơn cả. Người ta ước tính số người Phật Giáo Hán thuộc tông
phái Đại Thừa là hơn 100 triệu người, tôi nghĩ rằng con số này không quá đáng.
Chính quyền có chấp nhận sự bành trướng của Phật Giáo
hay chăng?
Có. Phật Giáo Hán thuộc tông
phái Đại Thừa hiện nay là tôn giáo mà chính quyền Trung Quốc ưu đãi nhất. Sự
kiện này xảy ra là vì nhiều lý do. Trước hết, Phật Giáo là một tôn giáo toàn cầu
và đã tạo được một hình ảnh đẹp ở Á Châu cũng như trong thế giới Tây Phương,
trong khi đó Lão Giáo chỉ giới hạn trong các xã hội Trung Quốc. Chính quyền dựa
vào các khía cạnh sinh động của Phật Giáo để phô trương cho mọi người biết là có
tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Phật Giáo còn là một mối dây liên kết buộc chặt các
xã hội và các dân tộc Á Châu; Bắc Kinh lợi dụng mối dây liên hệ đó trong chính
sách đối ngoại của mình từ những năm 1950. Một thí dụ điển hình là "Diễn đàn
Phật Giáo thế giới" (Forum Mondial du Bouddhisme) do chính quyền Trung Quốc dàn
cảnh từ năm 2006. Diễn đàn này được tổ chức ba năm một lần và đã lôi kéo được
hàng trăm các đại biểu Phật Giáo trên thế giới, tất nhiên là ngoại trừ những
người Phật Giáo trung thành với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma.
Hơn nữa, các biến cố xảy ra
năm 1999 liên quan đến phong trào Pháp Luân Công cũng đã khiến cho chính quyền ý
thức được là phải chú ý đến nhu cầu tôn giáo trong dân chúng. Ngày 25 tháng 4
năm 1999 Pháp Luân Công đã huy động được hàng ngàn người kéo nhau đến trước trụ
sở trung ương của chính phủ ở Bắc Kinh để hô hào phản đối. Sau biến cố đó
phong trào này, dù đã quy tụ được ngay từ lúc đầu hàng triệu tín đồ, được xếp
vào các giáo phái cần phải đàn áp. Sau vố đó của Pháp Luân Công (trong nguyên bản là chữ échauder / scald / bị
bỏng) chính quyền Trung Quốc bắt đầu quay sang ủng hộ Phật Giáo Hán
nhằm đặt tôn giáo này dưới sự canh chừng chặt chẽ và sử dụng tín ngưỡng này để
tràn ngập thị trường tôn giáo.
Pháp Luân Công tất nhiên
không phải là đối thủ duy nhất của chính quyền trên mặt tôn giáo. Thật không có
một chút nghi ngờ nào cả, tôn giáo đang phát triển nhanh nhất hiện nay ở Trung
Quốc là Tin Lành - nhất là nhóm Phúc Âm (Evangile / Gospels). Tin Lành tỏ ra rất
tích cực và yêu sách rất mạnh. Những người theo Tin Lành có nhiều mối dây liên
lạc với nước ngoài, họ không ngần ngại nêu lên vấn đề tự do tôn giáo và nhân
quyền. Những người theo Tin Lành tổ chức cả một hệ thống riêng cho họ, bắt đầu
từ trong gia đình cho đến làng mạc, thật hết sức khó để kiểm soát. Thiên Chúa
Giáo và Hồi Giáo cũng gây cho nhà nước Trung Quốc nhiều khó khăn trên mặt ngoại
giao và chính sách sắc tộc. Do đó chính quyền bèn quay sang dùng Phật Giáo như
một phương tiện nhằm ngăn chận sự bành trướng của các tôn giáo ấy.
Sau hết là trên phương diện đối nội, chính phủ
ủng hộ Phật Giáo cũng là nhắm vào mục đích kinh tế. Kể từ năm 1990 các cơ quan
chính quyền địa phương rất hăng say trong việc xây dựng và trùng tu chùa chiền
nhằm gia tăng thêm việc buôn bán và thu hút khách du lịch. Chính quyền đang mong
ngôi chùa Xingjiao ở Tây An (Xi'An) thuộc tỉnh Sơn Tây (Shanxi) sẽ được đưa vào
danh sách di sản thế giới của tổ chức Liên Hiệp Quốc UNESCO (xem hình của hãng
thông tấn AFP).
Các cơ quan chính quyền quản lý Phật Giáo bằng cách
nào?
Việc kiểm soát trực thuộc Văn
Phòng Cục Tôn Giáo (Bureau des Affaires Religieux, BAR)
qua trung gian của tổ chức chính thức là Tổng Hội Phật Giáo. Tuy nhiên Văn Phòng
Tôn Giáo này đôi khi cũng can thiệp trực tiếp: chẳng hạn như trực tiếp kiểm soát
người giữ chức vụ quan trọng nhất là vị Tổng Thư Ký của Tổng Hội, bởi vì vị này
nằm giữ tất cả quyền hành, trong khi vị chủ tịch của Tổng Hội thì chỉ giữ trọng
trách hành lễ. Vị Tổng Thư Ký hiện nay của Tổng Hội là một cựu nhân viên của Văn
Phòng Cục Tôn Giáo và đã được chính cơ quan này cử sang làm Tổng Thư Ký cho Tổng
Hội Phật Giáo.
Văn Phòng Cục Tôn Giáo giám
sát việc lập danh sách và quản lý các người tu hành cũng như các nơi thờ phụng.
Các tu viện lớn nếu muốn tổ chức các buổi lễ thụ phong thì phải có sự chấp thuận
của Văn Phòng Cục Tôn Giáo và Hội Đồng Nhân Dân (Association Nationale).
Chính quyền cũng đứng ra kết
hợp các chức sắc lãnh đạo Phật Giáo nhằm đưa họ vào hệ thống chính trị của nhà
nước, chẳng hạn như cách đặt họ vào các chức vụ trong Hội Đồng Nhân Dân Quốc Gia
(Assemblée Populaire Nationale, APN / National People's Congress, NPC) hoặc là
Hội Nghị Cố Vấn Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc (Conférence Consultative Politique
du Peuple Chinois, CCPPC / Chine People's Political Consultative Conference,
CPPCC). Các biện pháp này là do Mặt Trận Thống Nhất chủ xướng, một cơ quan trực
thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Parti Communiste Chinois, PCC / Chinese
Communist Party, CCP) giữ trọng trách điều hành các "tập thể xã hội", trong đó
gồm có cả các "tập thể tôn giáo".
Tinh trạng tài chính của chùa chiền như thế nào?
Tình trạng tài chính của 15
000 chùa chiền nằm trong danh sách chính thức rất khác biệt nhau. Các ngôi chùa
ở những nơi du lịch hoặc trung tâm các thành phố lớn thường có những nguồn tài
chính quan trọng hơn so với những ngôi chùa nhỏ ở các vùng hẻo lánh.
Tình trạng tài chính của các
ngôi chùa nổi tiếng, chẳng hạn như ngôi chùa Lingyin ở Hàng Châu (Hangzhou), hay
các ngôi chùa trong vùng núi Wutai ở Sơn Tây (Shanxi) rất khả quan, nhờ vào sự
cúng dường của Phật tử. Trường hợp của một ngôi chùa lớn ở Thượng Hải là một thí
dụ cho thấy một ý niệm nào đó về sự kiện trên đây: trong hai tuần lễ liền vào
dịp Tết Nguyên Đán, ngôi chùa này thu được 10 triệu nhân dân tệ tiền cúng dường
(hơn một triệu euros).
Hầu hết các chùa lớn đều có
một vị thầy nổi tiếng, và các chùa này sống nhờ vào tiền cúng dường của các đệ
tử các vị ấy. Ngoài ra một số chùa còn có thêm một nguồn lợi tức khác nữa mang
lại bằng cách tổ chức các nghi lễ (cầu siêu, cầu
an...), đảm trách việc cúng dường, nhất là nhờ các dịp ma chay.
Du lịch có phải là một nguồn thu nhập tài chính của các
chùa lớn hay không?
Không đúng như thế. Du lịch
và vé vào cửa có thể là một nguồn thu nhập đối với các chùa không được nhiều
người biết đến, hoặc không có các vị thầy nổi tiếng trụ trì. Đối với các chùa
lớn và nổi tiếng thì tiền cúng dường là nguồn tài chính quan trọng nhất.
Tuy nhiên cũng có một trường
hợp ngoại lệ là ngôi chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam (Henan), nổi tiếng nhờ vào truyền
thống lâu đời về võ thuật. Ngôi chùa này sống nhờ vào du lịch, các Phật tử không
cúng dường nhiều vì họ cho rằng chùa tận dụng quá đáng các hình thức buôn bán và
các phương tiện truyền thông. Mỗi năm nhờ vào tiền bán vé chùa thu vào hàng
nhiều triệu euros. Thế nhưng 70% thì lại lọt vào ngân quỹ chính quyền địa
phương, phần của chùa chỉ còn 30%, hơn nữa việc chi tiêu 30% ấy còn phải đặt
dưới sự kiểm soát của một kế toán viên do chính quyền địa phương cử đến.
Hơn thế nữa trước đây vị trụ
trì chùa Thiếu Lâm là Shi Yongxin đã nhiều lần xin phép chính quyền địa phương
cho tín đồ và các người du lịch đến viếng chùa miễn phí nhưng không được chấp
thuận, lý do là có sự tranh dành quyền lợi về tài chính giữa chính quyền địa
phương và chùa, và hơn nữa chính quyền địa phương cũng không muốn sự kiện ấy có
thể làm lu mờ uy thế của mình nơi địa phương. Các nhà sư Thiếu Lâm nổi tiếng là
giỏi võ nghệ (xem hình D.R.).
Ngoài ra chùa chiền còn có các nguồn lợi nào khác nữa hay
chăng?
Có. Các xí nghiệp hợp doanh với chính
quyền địa phương trong các dự án xây cất chùa chiền ở các nơi du lịch thì thường
sau đó phải thuê các nhà sư đảm trách cho việc lễ lạc. Các xí nghiệp kinh doanh
trong ngành du lịch hễ thấy nơi nào có di tích văn hóa - chẳng hạn như có chùa
chiền - thì xem đấy là một nơi có nhiều lợi điểm và sẵn sàng đầu tư vào các nơi
này. Nhiều trường hợp xảy ra thật hết sức ngoạn mục, chẳng hạn như ngôi chùa
Nanshan (Nam Sơn) ở Hải Nam (Hainan). Ngược lại các công trình xây dựng các pho
tượng Phật khổng lồ thường thấy tổ chức khắp nơi chỉ nhờ vào các đóng góp tư
nhân. Các công trình này không cần đến ngay cả sự kêu gọi cúng dường của các vị
tu hành.
Ngoài ra cũng có những người Phật Giáo
tự thành lập các khu du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trong
trường hợp này có thể nêu lên một thí dụ điển hình là ngôi chùa Li Li Gucheng ở
tỉnh Cam Túc (Gansu). Một Phật tử nhờ tiền cúng dường đã xây dựng được một khu
du lịch thật đồ sộ theo kiến trúc La Mã, và trong khu du lịch này nhiều toà nhà
được dành riêng cho việc thiền định.
Các tín đồ Phật Giáo nói chung không
thích trông thấy các hình thức sinh hoạt du lịch như thế, bởi vì theo họ chùa
chiền phải được dành cho việc tu hành và một cuộc sống khắc khổ. Du lịch chỉ là
một hình thức mua bán và trao đổi dịch vụ, khác hẳn với việc hành hương mang
tính cách thiêng liêng, tự nguyện và bất vụ lợi: người hành hương không bắt buộc
phải cúng dường.
Tôn giáo đảm trách vai trò nào trong nền kinh tế Trung
Quốc?
Các sinh hoạt trong lãnh vực tôn giáo
đã trở thành một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Ngành du lịch
tôn giáo, đối với tất cả các tôn giáo nói chung, giữ một vai trò quan trọng đối
với các sinh hoạt du lịch địa phương, cũng như trong việc phát triển kinh tế ở
các nơi này. Một số chùa chiền được xem là các xí nghiệp và được điều hành đúng
theo cách quản lý của các xí nghiệp.
Khuynh hướng đó được chính thức xem
như thuộc vào bối cảnh sinh hoạt chung của Trung Quốc, thật hết sức rõ ràng đấy
là một cách thương mại hóa xã hội (marchandisation de la société / commercialitisation of the
society). Ngày nay chính các tổ chức chính quyền địa phương cũng được
xem như là các xí nghiệp và phải được quản lý đúng theo nguyên tắc kinh tế thị
trường; các trường học, các đại học cũng như bệnh viện cũng không tránh khỏi
nguyên tắc đó...
Trung Quốc ngày nay được quản lý bởi
hai nguyên tắc lô-gic chủ yếu nhất là: quyền lực (pouvoir / power) và thị trường
(marché / market).
Tín ngưỡng có phải là một sức mạnh ngăn chận quyền lực hay
không?
Không, hiện nay các chùa chiền quan
trọng cũng như các vị lãnh đạo Phật Giáo Hán nổi tiếng đều cảm thấy thoải mái
được nhà nước tin dùng và đều chấp nhận quy luật thị trường. Họ không hề nghĩ
đến việc đi ngược lại hai nguyên tắc trên đây, cũng không hề đề nghị một giá trị
nào đi ngược lại, và cũng không đủ can đảm tạo áp lực buộc những người nắm giữ
quyền hành chính trị phải tự vấn lương tâm mình trên phương diện đạo đức, hay
nghĩ đến là tự mình phải dấn thân vào các phong trào xã hội. Dầu sao cũng có vài
người Phật Giáo dám làm chuyện ấy với tính cách cá nhân, và không được một sự
hậu thuẫn chính thức nào.
Chùa chiền tổ chức các sinh hoạt từ
thiện (philantropy), nhưng lại không trực tiếp tổ chức các chương trình nhân đạo
hay tạo ra bất cứ một phong trào nào, lý do là bất cứ một sự huy động nào không
do chính quyền giật dây đều bị cấm đoán trên lãnh thổ Trung Quốc. Có một sự cách
biệt hết sức lớn lao giữa giữa Phật Giáo Hán và Phật Giáo dấn thân, tương tự như
ở Đài Loan và Việt Nam, chẳng hạn như do thiền sư Thích Nhất Hạnh chủ trương. Ở
Trung Quốc nếu nói lên lòng từ bi thì được cho phép, thế nhưng nếu nói đến khổ
đau thì lại là một việc cấm kỵ. Nếu nêu lên vấn đề khổ đau trong xã hội thì sự
chỉ đạo đúng đắn của Đảng sẽ còn ra gì nữa. Người ta có thể nói đến karma (nghiệp),
nhưng không được nói đến công lý! Thật hết sức đáng tiếc, nếu Phật Giáo Hán từng
mang nhiều giá trị tinh thần thật phong phú và đáng kính thì ngày nay ở nước
Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc không còn ai nghe thấy một lời phát biểu đạo đức
nào nhằm cải thiện một xã hội đang biến thành con mồi của những sự khủng hoảng
giá trị sâu xa. Phật Giáo Hán đã trở thành một tôn giáo câm nín trước những vấn
đề công lý và xã hội.
Vài lời ghi chú của người dịch
Phật Giáo Hán vào thời kỳ hưng thịnh và siêu việt nhất dưới thời nhà Đường, với
các vị đại sư như Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, Huệ Năng..., ngày nay đã trở thành
một phương tiện kinh tế và một công cụ chính trị với các nhà sư "hiền lành" hơn
nhiều. Người ta cũng hiểu rằng nền văn minh Trung Quốc từng đạt được mức phát
triển cao độ nhất ở thời nhà Đường vào các thế kỷ thứ VII và VIII, và sau đó đã
suy tàn dần cho đến ngày nay. Chúng ta cũng chỉ biết hy vọng rằng công cụ Phật
Giáo Hán và nền kinh tế thị trường ngày nay rồi cũng sẽ phục hồi được thời vàng
son đó trong quá khứ của nền văn minh Trung Quốc?
Dầu sao đối với một người Phật Giáo chân chính thì phải hiểu rằng không sao
tránh khỏi nghiệp do mình tự tạo ra cho mình. Trong lịch sử lâu dài của Trung
Quốc, không biết bao nhiêu cuộc cách mạng đã xảy ra, và mỗi lần đều mang lại
thật nhiều đau thương. Nếu lịch sử không bao giờ dừng lại ở một điểm duy nhất,
thì nghiệp cũng không bao giờ ngủ yên một cách vĩnh viễn, dù ở cấp bậc một quốc
gia, một dân tộc, một xã hội hay một cá thể con người.
Vì thế thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta, nếu đã tự nhận mình là một người tu
tập, và dù đã xuất gia nơi chùa chiền hay vẫn còn vướng bận trong thế tục, thì
đôi khi cũng nên nhìn lại lương tâm mình, hành động của mình xem có phù hợp
với Đạo Pháp hay không. Đối với những người không tự nhận mình là người Phật
Giáo và xem giáo lý của tôn giáo ấy như một công cụ cho mình tha hồ sử dụng, thì
chúng ta cũng nên chấp tay cầu xin cho họ đôi khi cũng biết nhìn lại lương tâm
và hành động của mình, hầu mở rộng con tim mình để nhìn thấy khổ đau đang bàng
bạc trong gia đình, xã hội và quê hương mình.
Bures-Sur-Yvette, 17.09.13
Hoang Phong chuyển ngữ