Thư gửi mẹ

thu gui me

Vĩnh Thi

Mẹ nhớ!

Con đang ở rất xa. Hôm nay Vu lan, trời khuya trăng rất đẹp, thanh thoát, yên tĩnh. Về khuya, hình như mọi vật đã đi ngũ, đã yên nghỉ sau những vận động của một ngày. Sự yên nghỉ tuy chưa hẳn là hoàn toàn, nhưng âu đó là những khoảnh khắc cần thiết giữa thế giới động.

Mẹ!

Con không biết bắt đầu từ đâu, từ nổi khổ của kiếp người hay từ những hoàn cảnh mà con người thường gánh chịu. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm sự, không ai giống ai. Và chính những cái không giống đó đã vá víu với nhau tạo thành một xã hội loài người. Quan hệ của người với người lại càng khó hiểu, vì mỗi người mỗi tính cách nên ngoài thế giới chung đó ai cũng mang trong mình một cái tôi riêng. Làm sao cho khỏi va chạm, làm sao cho khỏi tổn thương nhau? Đó là câu hỏi lớn mà bao nhiêu kiếp người vẫn còn tồn tại. Không ai trả lời dứt điểm. Không vội vã đưa ra lời giải đáp mà chỉ chiêm nghiệm, chỉ nhìn nhận, im lặng và cam tâm. Thực tế, thế giới loài người đã gắn kết từ lâu lắm, như lời nói của Đức Phật: “Ta xem trong chúng sanh không ai không từng đã là cha mẹ của nhau”. Và chính yếu tố đó tạo nên sự gần gủi, nhưng vì mỗi người có một cái “tôi” riêng nên đem niềm vui cho nhau thì ít ỏi mà buồn đau thường quá lớn.

Mẹ! Sự hy sinh cho nhau trong một kiếp người, đó không phải do ngẫu nhiên mà do nhân duyên từ quá khứ. Mối liên hệ thân hay sơ, xa hay gần, chỉ có con người trong cuộc mới cảm nhận. Huyết thống, sự truyền lưu mật thiết, nhưng không tạo nên tính cách giống nhau và chưa chắc đã hiểu hết nhau. Đâu đó, trong tâm con người còn những nhân tố của quá khứ. Có những buộc ràng làm thắt chặt sợi dây tình cảm. Và những va chạm chính là cái oán nghiệp trong quá khứ gặp nhau.

Quá khứ, không hiện hình, nhưng đó là năng lực thúc đẩy, làm cho mối quan hệ trở thành gắn kết hay đổ vỡ. Nó có thể hiện thân như một ngọn lửa thiêu cháy hết những cái vị tha, cái cảm thông, và dẫn đến... chia lìa. Và đó là cái khổ của con người khi thấy không bằng lòng về nhau từ lời nói đến cử chỉ. Ngẫu nhiên hay cố ý, cùng một hành động, có khi mang lại nụ cười, nhưng cũng có khi là hiện thân của những mỉa mai chua xót. Bắt đầu từ đâu? Từ cái tâm của mỗi người đang có những va chạm với nhau. Và đó, cũng chính là chuỗi dài của nhân quả, của thù đối, thương ghét. Người ta gom hết những điều đó viết thành hai từ “nghiệp báo”.

Cũng chính từ nghiệp báo này, nên mỗi con người ai đã tạo thì chính người ấy phải trả, đó là cái công bằng nhất.

Nhưng cũng chính từ sự gắn kết tưởng chừng như đau khổ đó lại lóe lên những giọt nắng của hạnh phúc, những đốm lửa ấm nhỏ nhoi giữa mùa đông băng giá. Đó chính là tình thương, tình thương thật sự. Tình thương là giọt lệ ghen hờn, là đòn roi, là nghiêm khắc, là quở trách, nói thẳng, nói không kiêng nể, bởi người ta nghĩ rằng, thương nhau. Và chính tình thương mới tạo ra những gia đình nhiều thế hệ, chông chênh trên những cái tôi riêng lẻ mà vẫn gắn kết được keo sơn... Nhưng để làm được điều đó, người ta phải hy sinh cho nhau lớn lắm, nuôi dưỡng bằng chính cái khổ của bản thân mình!

Mẹ! Con có thể nói rằng, một trái tim người mẹ là một Đức Phật, bởi vì chỉ có Phật mới dám chịu khổ độ chúng sanh. Người mẹ cũng vậy, chịu hết những cái khó khăn nhất của trần ai, kham nhẫn những điều khó nhẫn. Và vì vậy, Phật dùng những ngôn từ đẹp nhất cho những người mẹ kính yêu. Một tình thương cho đi không nhận lại. Dù máu thịt đã chia, sức sống đã cạn, nhưng trái tim vẫn cháy bỗng những yêu thương mãnh liệt nhất. Người mẹ có trái tim Phật, có hạnh của Phật, có từ bi, có trí tuệ và có cả phương tiện của Phật. Muốn dắt con vào đương chánh, mẹ phải tự đi, mẹ phải dẫn đường. Người dẫn đường đã chịu muôn vàn gian khổ để tìm hiểu hoàn cảnh, vị trí, tập quán phong tục của từng vị trí để đưa mọi người đến nơi an toàn nhất. Nhưng có người đi lại hoài nghi về khả năng của người dẫn đường, hoài  nghi về cái đích đến, nên người dẫn đường phải kiên nhẫn lắm mới thuyết phục được họ. Ngày xưa, Đức Phật cũng đã từng làm những việc như vậy. Khi chúng sanh làm biếng tu, Ngài làm đủ cách để khuyên người ta tu. Người mẹ cũng vậy, sinh con, hiểu con, tạo cho con đường đi đúng đắn, nhưng trong số người con của mẹ cũng có người làm trái ý, làm mẹ khóc. Điều đó, làm cho mẹ tổn thương ghê lắm. Mẹ giận, mẹ lo, mẹ sợ con mình sẽ khổ, mẹ sợ con mẹ lạc đường. Phật khuyến chúng sanh tu mà hiện thân làm người. Mẹ hiện thân với khả năng hạn hữu nhưng trái tim bao la.

Mẹ  à, viết những dòng này con cũng thấy hổ thẹn lắm, vì con cũng đã từng cãi lời mẹ, đã từng làm mẹ buồn nhiều, nhưng mẹ vẫn thương con. Giờ đây con đã ở rất xa. Một năm chưa chắc đã về thăm mẹ được một lần, nhiều khi không một lá thư, không một cuộc điện thoại. Con cũng chưa đủ can đảm nói lên lời xin lỗi khi hiểu ơn mẹ quá lớn, tội mình quá nặng, khi sự nghiệp chưa thành để làm mẹ vui. Nhưng con tin trái tim người mẹ như Phật, mẹ sẽ bỏ qua tất cả vì con là con của mẹ. Và, mẹ dẫu giận vẫn thương.

Mối lo trong lòng của một người lớn với thế hệ kế tiếp đang làm cho trái tim một người mẹ nhiều lần quặn thắt, nhưng muốn đánh sợ con đau, muốn la sợ con buồn, phải không mẹ? Có thể con quá khách quan khi nói đến điều này. Con không thể hiểu hết những gì mẹ đang nghĩ, nhưng con tin chắc rằng, người con thường vô tình với mẹ, vì đã quen nhận chứ không quen báo đáp. Về đến nhà, những  đứa con thường quen với việc dọn cơm để sẵn, để ngồi vào bàn nói chuyện đông tây, và thường quên đi nơi góc bếp, có người mẹ lặng yên nhìn họ nói chuyện. Và cứ vậy, cứ vậy, trái tim người mẹ lỗi nhịp quặn đau….. Rồi khi mẹ vắng nhà, họ mới nhận ra vị trí rất lớn đang dần đi xa họ. Và chắc họ cũng như con, không dám nói lên lời xin lỗi?...

Trên con đường tu tập, người mẹ mang trái tim Bồ-tát, luôn muốn năng lực đạo bao trùm hết đàn con để họ được ở trong yên ổn của ơn trên Tam bảo. Người mẹ luôn dốc hết lòng và sám hối những lỗi lầm của người con. Nhưng đôi khi những người con chưa thấu hiểu, cho đó là việc làm không thiết thực, không mang lại lợi ích thực tại. Họ đã quá quen được bảo bọc. Nhưng một mai khi chơi vơi họ mới biết đâu là bến bờ bình yên nhất. Nhưng mẹ mãi là Bồ-tát, không bỏ những đàn con. Mẹ quên bản thân mình mòn mõi vẫn kiên trì chịu đựng, và một khi mẹ thành Phật, những người con của mẹ mới giật mình thức tỉnh tu theo. Khi đó, mẹ  mới dạy dỗ, bảo ban, rồi tất cả trở về hạnh phúc.

Mẹ à, khi Phật còn tại thế, có lần, quý thầy cãi nhau, Phật giang hòa không được nên vô rừng ẩn tu, nhưng chỉ một thời gian ngắn, quý thầy thấy được cái khó khăn khi không có Phật, rất lo âu, thì Phật lại trở về dạy dỗ hướng dẫn tu tập. Phật sẵn sàng hỷ xả để dạy chúng sanh, người mẹ chắc cũng kiên nhẫn trở về với một tâm hồn rộng mở để lo cho đàn con của mình. Người con không bao giờ lớn trong mắt mẹ, cho dù người con tuổi đã 80.

Bồ-tát dùng cả cuộc đời làm nhưng việc khó làm để khuyên chúng sanh tu tập, mẹ dùng cả cuộc đời để xây dựng niềm tin Chánh pháp cho con. Niềm tin càng mãnh liệt, sẽ làm cho mình thành tựu giải thoát nhanh nhất, nhưng không có gì hơn, bằng cách không nghĩ đến bản thân mình mà cởi bỏ tất cả để đạt được tâm từ lớn nhất. Như vậy, Bồ-tát đã xây dựng được cho mình quốc độ ngay chính trên người thân của mình... Hoàn cảnh càng khó khăn càng dễ thành tựu hạnh từ-bi-hỷ-xã.

Mẹ ạ, đã khuya lắm, và giờ này, chắc mẹ đang niệm Phật. Con cầu nguyện ánh quang vô lượng thọ của Đức Di Đà chiếu đến mẹ để mẹ nhận được năng lượng từ bi của Phật. Mẹ chưa là Phật, Bồ-tát, nhưng con tin, mẹ đã xây dựng được đức tin kiên cố cho cả nhà. Và có tâm hồn trẻ thơ đang nương tựa mong thấm nhuần những lời kinh tiếng kệ làm hạt giống bồ-đề cho mai sau.

Con của mẹ

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle