Tác giả: Hàn Sĩ Kì
Thanh Như dịch
Phật giáo chú trọng nhất là việc tu tập thiền định, tức là cần
tu thiện pháp, diệt các ác hạnh, dứt trừ vọng tưởng, tịnh tâm tọa thiền, "không
động không chuyển, không lệch không nghiêng", tập trung tư duy, kiến tính ngộ
đạo.
Tọa thiền thường kéo dài khoảng vài ba ngày, ngồi lâu mệt mỏi
sanh ra hôn trầm, nhân đây trà mới có thể giúp cho tâm tỉnh thức, hưng phấn trở
lại, và do đó trà đã trở thành một thứ thượng phẩm của chư Tăng, của các tín đồ
nhà Phật. Đồng thời, Phật giáo duy trì cuộc sống đạm bạc, ức chế dục vọng, tránh
mùi tanh hôi, đề xướng ăn chay, nước trà thanh đạm chắc chắn là thức uống tốt
nhất; vả lại tính của trà là thuần khiết, uống lâu dài sẽ giúp cho con người yên
tỉnh văn nhã, tăng thêm sắc thái thần bí tự nhiên như nhiên của Phật giáo, trà
càng là cái duyên kết hợp với hàng tu sĩ mà không thể lý giải.
Theo "Phong thị văn kiến ký" (封氏闻见记) của Phong Diễn (封演) đời nhà Đường: "Niên hiệu Khai
Nguyên (Đường), chùa Linh Nhạc, Thái Sơn có đại hưng thiền giáo hàng ma thiền,
người học thiền không được ngủ, lại không được ăn cơm, nhưng cho phép uống trà,
nhiều người trong lòng như bị đè nén, đâu đâu cũng nấu trà uống. Từ đó bắt chước
nhau, về sau trở thành phong tục". Rất nhiều vị Tăng thưởng thức trà ngon, không
ngờ đến mức "Chỉ có trà là nhu cầu". Thị hiếu uống trà dần phổ biến trong giới
tu sĩ.
Lục Dung - thi nhân thời cổ đại có vịnh bài thơ:
江南风致说僧家
石上清泉竹里茶
法藏名僧知更好
香烟茶晕满袈裟
(Giang Nam phong trí thuyết Tăng gia
Thạch thượng thanh tuyền trúc lý trà
Pháp Tạng danh tăng tri cạnh hảo
Hương yên trà vựng mãn ca-sa)
Tạm dịch:
Ai nói Giang Nam có Tăng Già
Uy nghi đường bệ đượm Thiền gia
Chân bước thênh thang bên triền núi
Tay thỏng an nhiên cạnh đồi trà
Suối reo trong đá tùng vẩy khói
Chim hót rừng thông trúc lay trà
Danh tăng Pháp Tạng càng nên biết
Hương trà lan tỏa quyện ca sa.
(Pháp Tạng (法藏) là bậc cao tăng
đời Đường - người khai sáng tông Hoa Nghiêm).
Phật giáo rất chú ý đối với việc uống trà. Trong tự viện có
thiết kế "Trà Đường" (茶堂). Trà đường là nơi dùng để thảo luận
giáo nghĩa thiền học của các Thiền tăng, cũng là nơi tiếp nhận vật phẩm cúng
dường của các nhà thí chủ. "Trà Cổ" (茶鼓) trong Pháp đường là nơi gióng trống
triệu tập chư tăng đến uống trà. "Trà đầu" (茶头) là chuyên về phụ trách nấu trà, hiến trà. Trước tự viện còn
có một vài vị tăng bố thí nước trà gọi là "Thí Trà Tăng" (施茶僧).
Trà trong nhà Phật được gọi là "Tự viện trà" (寺院茶). Tự viện trà ngoài việc theo Quy chế
Phật giáo, còn có rất nhiều danh mục: "Điện trà" (奠茶): mỗi ngày dâng cúng trà trước Phật
và trước giác linh chư Tổ; "Phổ trà" (普茶): theo thứ tự niên hạn thọ giới để
uống trà; "Hóa trà" (化茶) trà hóa duyên khất thực.
Đầu tiên, chư tăng áp dụng theo phương pháp của dân gian là
đem trà và hương liệu, cùng các loại trái cây phối hợp như long nhãn, gừng...
đun sôi uống, gọi là "Trà Tô" (茶苏). Đến đời Tống, Dư Hàng Kính Sơn -
Chiết Giang cũng đã tổ chức hoạt động "Trà Yến" (茶宴) và "Bán Trà" (半茶), đồng thời, họ còn phát minh bằng cách nghiền nụ trà thành
bột mịn, dùng nước sôi pha theo phương pháp "Điểm trà" (点茶: là phương pháp pha trà thời cổ đại),
điều này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc uống trà phổ
cập theo phong tục tập quán dân gian.
Được biết, Phật giáo trong thời cổ đại, hàng tín đồ kiền thành
luôn luôn dùng một bó hoa tươi, một tách trà nóng dâng cúng trước Phật, do đó,
câu nói "Trà Thiền Nhất Thể" (茶禅一体), "Trà Phật Nhất Vị" (茶佛一味) dần dần được lưu truyền trong dân
gian, dung họp văn hóa Trà và Phật làm nhất thể.
Theo sự hưng khởi của phong cách uống trà, có rất nhiều đại sư
uống trà xuất thân từ tự viện. Như Lục Vũ (陆羽) đời Đường từng làm Tăng trong chùa
Cánh Lăng (竟陵寺), ông rất nghiện trà và là người tinh thâm trong trà đạo, sau
này được tôn xưng là "Trà Thánh" (茶圣), "Trà Thần" (茶神)”. Bộ "Trà Kinh" (茶经) do Lục Vũ soạn, chính là một chuyên
tác nói về trà có sớm nhất trên thế giới. Thích Giảo Nhiên (释皎然) - thi tăng nổi tiếng đời Đường cũng
rất khéo về cách pha trà, lại rất giỏi thơ văn, ông đã làm rất nhiều bài thi trà
nổi tiếng.
Trà với Phật là hai hiện tượng văn hoá khác nhau, và lý do tại
sao lại tương sinh với nhau, điều này tất nhiên có liên quan với nguồn gốc lịch
sử của nó. Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào triều đại nhà Hán, thời điểm này
xảy ra cùng lúc tại Trung Quốc đang quảng bá việc trồng trà; Phật giáo thịnh vào
đời Đường, với tập tục uống trà trên khắp Trung Quốc cũng gần như đồng bộ, giữa
chúng có một liên hệ nội tại. Quan sát từ các ngọn núi cao thăm thẳm quanh năm
bị bao phủ bởi sương mù, không khí lại ẩm ướt, nhiệt độ cao, nhưng lại rất thích
nghi cho việc tăng trưởng của cây trà; đồng thời, núi cao rừng rậm xa ngoài hồng
trần, đó là nơi lý tưởng nhất để kiến lập tự viện Phật giáo, để theo đuổi việc "lánh
xa hồng trần, yên tĩnh tụng kinh niệm Phật".
Giữa Trà và Phật mỗi thứ đều có lý do, cùng bắt rễ ở vùng núi
cao. Trong suốt lịch sử của trà, trà đã trải qua quá trình năm tháng thu thập từ
thiên nhiên cho đến sự chuyển biến lâu dài của nhân công trồng trọt, cây trà đầu
tiên phần lớn do chư tăng các tự viện trồng. Hiện nay trà Long Tỉnh Tây Hồ vẫn
còn nổi tiếng, là khi Tạ Công Nghĩa (谢公义) tự Linh Vận (385-433) - Thi nhân
thời Nam Bắc Triều phiên dịch kinh Phật tại chùa Thiên Trúc, đã mang nó tới từ
núi Thiên Thai - cái nôi của Phật giáo tông Thiên Thai. Trà Mông Sơn của Nhã An
- Tứ Xuyên, tương truyền do Ngô Lý Chân (吴理真) hiệu Đạo Nhân Cam Lộ - thuỷ tổ trà
Mông Sơn, đời Tây Hán, trồng tại Cam Lộ Mông Sơn, được xưng tụng là "Trà Tiên".
Trà Vân Vụ (云雾茶) tại Lô Sơn là do Đại sư Tuệ Viễn (慧远大师 334-416) - Danh tăng đời Đông Tấn
trồng tại chùa Đông Lâm; Trà Bích Loa Xuân (碧螺春茶) núi Động Đình, Giang Tô do sơn tăng
Thiền viện Thủy Nguyệt, núi Động Đình Bắc Tống trồng và chế thành "Trà Thủy
Nguyệt".
Chùa Vân Cốc, am Điếu Kiều, am Tùng Cốc ở Hoàng Sơn đã sản
xuất trà Mao Phong Hoàng Sơn; Thiên Tâm Thiền trà, núi Vũ Di cũng sản xuất Đại
Hồng Bào (大红袍); trà Tùng La (松椤茶) của am Tùng La (松萝庵) tại Huy Châu; trà Cảm Thông của Đại
Lý Vân Nam; Trà Phật của Phổ Đà Sơn Triết Giang; La Hán Cung Trà của núi Thiên
Thai; trà Mao Phong của núi Nhạn Đãng... tất cả nơi đây đều có những loại trà
nổi tiếng được sản xuất từ các tự viện.
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo