Minh Thạnh
Cũng
có thể coi bài viết này là sự tiếp tục loạt bài về việc dựng tượng Phật lộ thiên,
bắt đầu từ bài có liên hệ đến tượng Phật lộ thiên trên núi đang được tôn tạo ở
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Mục tiêu của loạt bài viết là nhằm đến hệ quả
thiết thực hơn, hiệu quả hơn, mang đến lợi ích cho đạo pháp nhiều hơn trong việc
dựng tượng Phật, tượng Bồ tát lộ thiên và các dạng tượng Phật ngoài chánh điện
khác.
Bài viết này ghi nhận quá
trình dựng các tượng Phật và tượng Chúa lộ thiên ở thành phố Vũng Tàu, diễn ra
trong khoảng 40 năm, cùng với những bình luận cần thiết, để từ đó rút ra những
kết luận hữu ích cho việc xây dựng tượng Phật lộ thiên với quy mô lớn, tạo diện
mạo kiến trúc Phật giáo đối với nơi dựng tượng Phật.
THÀNH PHỐ VŨNG TÀU VỚI QUY HOẠCH DIỆN MẠO MỘT THÀNH PHỐ THEO ĐẠO CA TÔ
LA MÃ VÀO ĐẦU THẾ KỶ XX
Khi đánh chiếm Nam Bộ vào năm 1859, quân viễn chinh thực
dân Pháp đã nhanh chóng phát hiện tiềm năng du lịch của Vũng Tàu. Ngay sau đó, một
thành phố du lịch đã được quy hoạch ở nơi chỉ có các làng chài và pháo đài của
chính quyền nhà Nguyễn.
Về tôn giáo, Vũng Tàu được
thiết kế với quy hoạch một thành phố theo
đạo Ca tô La Mã, nhà thờ nằm ở trung tâm thành phố, 4 mặt tiền đường. Công sở,
trường học, dinh thự, khu dân cư… vây quanh theo hình thái xóm đạo. Du khách đến thăm trung tâm thành phố
Vũng Tàu là đến khu vực nhà thờ, tương tự như thành phố Sài Gòn, thành phố Nha
Trang, thành phố Đà Lạt, thị xã Thủ Dầu Một…
Như vậy, khởi nguyên, đúng
theo quy hoạch của thực dân Pháp, Vũng Tàu trở thành một thành phố tôn giáo Ca
tô La Mã, với tên thành phố là tên thánh Cap Saint Jacques (người Việt gọi tắt
là Cấp, hay Ô Cấp).
THÍCH CA PHẬT ĐÀI VÀ SỰ CHUYỂN ĐỔI THÀNH MỘT THÀNH PHỐ PHẬT GIÁO VỚI
TÊN GỌI VŨNG TÀU
Vũng Tàu có 2 ngọn núi, đều
tiếp giáp với biển, cây cối xanh tươi, cảnh quan thanh tịnh, hùng vĩ, không khí trong lành, đã được các nhà tu hành Phật giáo
ưu thích.
Trong khi nhà thờ các giáo xứ
chiếm vị trí trung tâm các khu dân cư, thì am, cốc của các vị tăng ni Phật giáo được xây dựng ngày càng nhiều trên cả hai triền
núi Lớn và núi Nhỏ.
Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy
Việt Nam (Phật giáo Nam Tông) từ việc sở hữu một khoảnh đất trên triền núi Lớn,
khu Bến Đình, đã đi đến quyết định xây dựng một bảo tháp xá lợi tại đây (cao 17
mét), rồi từ đó đã đi tới việc xây dựng kim thân Phật tổ với chiều cao 11,6
mét. Tại đây, đã hình thành phiên bản tứ động tâm tại Việt Nam (bốn nơi động tâm,
điểm hành hương của người Phật tử, là nơi Phật đản sinh, Phật thành đạo, Phật
chuyển pháp luân và Phật nhập Niết Bàn).
Người khánh thành Thích Ca
Phật Đài, tháng 3 năm 1963, là ngày hội lớn của các tông phái Phật giáo Việt
Nam. Việc xây dựng Thích Ca Phật đài có tiếng vang lớn không chỉ đối với tăng
ni
Phật tử, mà còn là đối với toàn thể dân chúng miền Nam Việt Nam lúc đó. Cảnh
quan, đặc biệt là vẻ đẹp của kim thân Phật tổ lộ thiên, đã khiến Thích Ca Phật đài trở
thành nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, không phân biệt tôn giáo.
Công trình Thích Ca Phật đài
đã thay đổi diện mạo tôn giáo của thành phố Vũng Tàu, từ một thành phố có kiến
trúc biểu tượng theo đạo Ca tô La Mã thành một thành phố Phật giáo.
Thích Ca Phật đài trở thành một biểu tượng du lịch của Vũng Tàu, khách đến đây
ai cũng phải ghé qua thăm viếng. Riêng đối với khách
Phật tử còn có việc chiêm bái, lễ lạy.
Điều này diễn ra từ giữa thập niên 1960 đến khoảng cuối thập
niên 1990.
Dưới thời chế độ Sài Gòn, thành phố này được đặt tên mới là
Vũng Tàu.
Trong thời gian như trên,
hình ảnh đặc trưng quảng bá cho Vũng Tàu, ngoài các bãi biển, ngọn núi, hải
đăng…, còn là kim thân Phật tổ và bảo tháp xá lợi Thích Ca Phật đài.
TƯỢNG CHÚA KI TÔ VUA CHUYỂN VŨNG TÀU TRỞ LẠI DIỆN MẠO MỘT THÀNH PHỐ ĐẠO
CA TÔ LA MÃ
Thành công của công trình
Thích Ca Phật đài, hệ quả tạo diện mạo Phật giáo cho thành phố du lịch Vũng Tàu
tất yếu buộc các tôn giáo khác phải lưu tâm đến.
Theo Wikipedia tiếng Việt,
mục từ “Tượng Chúa Ki tô vua (Vũng Tàu)” thì đến đầu những năm 1970, linh mục
chánh xứ giáo xứ Vũng Tàu nêu kế hoạch xây một tượng đài Chúa Giê su cao 10 mét
trên bệ tượng 5 mét ở mũi Nghinh Phong, bãi Ô Quắn. Đây là vị
trí dưới chân tượng Chúa Ki tô Vua hiện nay.
Thông tin từ mục từ Wikipedia
tiếng Việt nói trên cho biết, tượng chúa ở mũi Nghinh Phong bắt đầu thi công từ
năm 1972, đến ngày 17/1/1973 thì bị thị trưởng Vũng Tàu chế độ Sài Gòn, đại tá
Vũ Huy Tạo, tạm ngưng thi công, vì lý do có đơn khiếu nại của bên Giáo hội Phật
giáo nói rằng đây là vùng đất của họ. Nhiều cuộc họp thương
lượng giữa hai bên tôn giáo diễn ra với sự chủ trì của chính quyền, kết quả dẫn
đến thỏa hiệp kết ngày 16 tháng 2 năm 1974. Theo đó, Giáo hội Phật giáo
toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, còn Giáo hội Công giáo thì xây dựng công
trình trên núi Nhỏ với diện tích 10 hecta.
Ngày 16 tháng 2 năm 1974,
Giáo hội Công giáo đã dỡ bỏ bức tượng ở Nghinh Phong theo
thỏa hiệp. Ngày 18 tháng 3 năm 1974, chính quyền địa phương cấp văn thư số
140/VT/HC/LA cho phép Giáo hội Công giáo xây dựng tượng đài Chúa Giê su tên núi
Nhỏ (Tao Phùng) và họ bắt đầu xây dựng”.
Có ý kiến bình luận rằng,
việc xây dựng tượng chúa cao 10 mét ở mũi Nghinh Phong để tạo tranh chấp chỉ là
cái cớ giả tạo để phía Ca tô La Mã xin phép sử dụng 10 hecta đất trên đỉnh núi
Nhỏ, một vị trí rất tốt để xây tượng chúa. Diện tích trên đỉnh núi này, nếu
không tạo cớ giả có tranh chấp để đi đến việc giải quyết như vậy, thì không dễ
cấp cho phía Ca tô La Mã sử dụng vì đó là một căn cứ quân sự do thực dân Pháp
xây dựng, nay vẫn còn công sự bê tông và súng đại bác cổ.
Lợi thế của đỉnh núi nơi đặt
tượng chúa Ki tô Vua hiện nay là do người Pháp phát hiện. Ở vị trí này, có thể
bao quát mặt biển, thủy lộ dẫn vào cảng Sài Gòn, bao quát phần lớn thành phố
Vũng Tàu gồm bãi tắm lớn nhất, bao quát vùng xa hơn như Bà Rịa, Long Hải…
Vị trí này gần vị trí đặt hải đăng với lợi thế cũng như trên.
Phía Ca tô thực ra là nhắm tới cao điểm này, chứ không phải mũi Nghinh Phong
thấp lè tè bên dưới.
Thực chất của việc chính
quyền địa phương Vũng Tàu trước năm 1975 cấp đất cho phía đạo Ca tô La Mã trên
núi Nhỏ là việc chuyển cứ điểm quân sự để xây dựng thành một cứ điểm văn hóa,
tâm linh Ca tô La Mã có tầm cỡ thế giới. Vì vậy, phải tạo ra
một cuộc tranh chấp giả và phân xử. Phía Phật giáo tưởng chừng như là bên
được kiện trong tranh chấp, phía Ca tô La Mã phải tháo dỡ tượng đã xây dựng,
nhưng thực ra, đã hết sức thiệt thòi, vì với tượng Chúa bề thế bên trên, thì
phía Phật giáo khó có thể xây dựng công trình biểu tượng tôn giáo mà dưới mũi
Nghinh Phong. Vì vậy, thế là xây dựng dưới bệ tượng thiên nhiên khổng lồ của tượng
chúa là núi Nhỏ. Khả năng xây dựng tượng Phật ở mũi Nghinh Phong đã bị vô hiệu
hóa.
Trong khi đó, công trình
Thích Ca Phật đài đã bộc lộ một số nhược điểm:
- Công
trình nhìn xuống một làng cá, một cảng cá, không bao quát TP Vũng Tàu và các khu
vực du lịch.
- Không thể
nhìn thấy tượng Phật từ dưới đất, từ đường giao thông và từ các khu vực du
lịch.
- Vì ở gần
cảng cá, nên khu vực công trình Thích Ca Phật Đài thường có mùi cá chết, cá phơi
khô, làm mắm do gió đưa tới, làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh.
- Địa điểm xây dựng Thích ca Phật đài
tách biệt khỏi các khu vực du lịch chính, chỉ gần một bãi tắm nhỏ ít người, là
bãi Dâu, giao thông không thuận lợi.
Những nhược điểm này đã không
có ở tượng Chúa Ki tô Vua, với vị thế xây dựng đắc địa:
- Tượng
Chúa Ki tô Vua tọa lạc trên con đường đẹp nhất Vũng Tàu, đường Hạ Long, mà nghe
nói có năm, được bình chọn là đường đẹp nhất Việt Nam (lề đường ốp đá hoa
cương). Đây là tuyến giao thông quan trọng của TP Vũng Tàu, nối trung tâm thành
phố ở Bãi Trước với khu du lịch là bãi tắm lớn nhất, Bãi Sau.
- Tượng
chúa Ki tô La Mã có thể nhìn thấy từ nhiều phía: đường Hạ Long, Bãi Sau với các
resort, một phần thành phố Vũng Tàu. Số người nhìn thấy tượng
chúa Ki tô Vua hàng ngày có thể gấp hàng nghìn lần số người nhìn thấy Kim thân
Phật tổ Thích Ca Phật Đài. Đây còn là vấn đề truyền thông, ngoài vấn đề tôn giáo.
- Tượng
chúa được chiếu sáng mỹ thuật về đêm, càng khiến cho số lượng người nhìn thấy
tăng lên.
- Việc thu
hút khách tham quan bằng cách đưa khách vào bên trong tượng, lên bên trong đầu
và 2 cánh tay tượng để quan sát cảnh trí Vũng Tàu từ trên cao, gồm một phần bờ
biển và thành phố rất có hiệu quả.
- Không
gian quanh chân tượng và đường lên tượng được tạo hương thơm cùng với tác dụng trang trí của những hàng cây hoa đại,
tạo vẻ thanh tịnh, thoát tục.
Theo mục từ nói trên, từ
Wikipedia tiếng Việt, thì Núi Nhỏ (núi Tao Phùng) cao 176 mét, tượng chúa Ki tô
Vua có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay 18,4
mét, lòng tượng có thể chứa 100 khách tham quan cùng lúc, là tượng chúa Gie6su
lớn nhất châu Á năm 2012, là tượng chúa cao nhất thế giới trước khi tượng chúa ở
Pê ru khánh thành.
Tượng Chúa Ki tô Vua Vũng Tàu
khánh thành năm 1994, là di sản lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Tượng chúa Ki tô Vua đã thay
đổi diện mạo tôn giáo TP Vũng Tàu, chuyển hình ảnh tôn giáo thành phố từ việc
gắn với hình ảnh kim thân Phật tổ Thích Ca Phật đài
sang hình ảnh Chúa Ki tô. Các poster quảng bá du lịch hiện nay đều đưa hình ảnh
tượng chúa Ki tô vào danh mục những hình ảnh chính, tiêu biểu cho TP Vũng Tàu,
còn hình ảnh Thích Ca Phật Đài trở nên mờ nhạt.
Các tour du lịch đến Vũng Tàu hầu hết đều thay địa điểm
Thích ca Phật đài bằng tượng Chúa Ki tô Vua, vì sự thuận lợi giao thông (ngay
cạnh Bãi Sau), tiết kiệm chi phí tổ chức tour, dẫn đến việc hạ giá thành, cạnh
tranh khách du lịch.
Hơn nữa, khách du lịch không thể leo
núi 2 lần trong một chuyến du lịch vì sức khỏe không cho phép.
Trong khi cảnh quan của tượng Chúa Ki tô Vua hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, tại Thích ca Phật Đài có bán vé vào cửa
cho khách du lịch, còn tượng Chúa Ki tô Vua thì không!
Cao điểm tốt nhất về mặt quan
sát, cũng như nhìn thấy từ mặt đất đã dựng vào việc dựng tượng chúa cao nhất nhì
thế giới, thì có lẽ diện mạo đạo Ca tô La Mã cho kiến trúc thành phố Vũng Tàu sẽ
là cố định vĩnh viễn, dù hàng trăm tượng Phật lớn nhỏ, hàng trăm chùa, am, cốc,
thất Phật giáo dựng lên khắp các sườn núi Lớn, Nhỏ.
CỤM TƯỢNG - NHÀ THỜ ĐỨC MẸ BÃI DÂU GÓP PHẦN CHUYỂN ĐỔI DIỆN MẠO TÔN
GIÁO THÀNH PHỐ VŨNG TÀU
Góp phần vào việc thay đổi diện mạo kiến trúc tôn giáo TP
Vũng Tàu còn có cụm tượng nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu.
Cụm tượng này tuy gần vị trí Thích Ca Phật Đài, nhưng xa cảng
cá, xa làng cá, tọa lạc phía trên một bãi tắm du lịch. Tượng Đức Mẹ được dựng trên sườn núi, thánh giá được dựng trên đỉnh
núi, thánh đường dựng dưới chân núi, có thể nhìn thấy từ mặt đất.
Công trình nói trên khánh
thành năm 1994, với một quảng trường có sức chứa 10.000 người cấu trúc thành một
vườn hoa, cũng tạo thành một điểm du lịch, thích ứng với chức năng thành phố du
lịch của Vũng Tàu. Tượng Đức Mẹ Bãi Dâu cao đến 25m, trong khi tượng Phật tổ tại
Thích Ca Phật đài cao chỉ 11,6 mét.
Như vậy, thay đổi diện mạo
kiến trúc tôn giáo ở Vũng Tàu, không chỉ do vị trí các kiến trúc, tượng đài số
lượng kiến trúc tượng đài, mà còn ở quy mô kiến trúc tượng đài.
Điều trớ trêu, Phật giáo là
tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất tại Việt Nam, và cũng thế tại Vũng Tàu,
nhưng thành phố Vũng Tàu chỉ có diện mạo tôn giáo Phật giáo một thời gian khoảng
từ 1963 đến 1995. Hiện nay, và về sau, diện mạo kiến trúc tôn giáo của Vũng Tàu
là diện mạo một thành phố đạo Ca tô La Mã và gần như không còn cơ hội để thay
đổi điều này. Các cơ sở thờ tự, tượng Chúa đạo Ca tô La Mã trở
thành điểm tham quan du lịch số một ở thành phố du lịch này.
Đây là một bài học đắt giá cho Phật giáo thành phố Vũng
Tàu, nhất là màn kịch tranh chấp đất xây tượng ở mũi Nghinh Phong. Và cũng là một trường hợp đáng
tham khảo cho Phật giáo các tỉnh thành, nhất là Phật giáo TPHCM, trong bối cảnh
diện mạo kiến trúc tôn giáo khu trung tâm TPHCM hoàn toàn mang màu sắc Ca tô La
Mã và cơ hội để đưa kiến trúc Phật giáo vào trung tâm thành phố ngày càng thu
hẹp.
Chớ nên để đến mức gần như không thể thay đổi gì hết đối
với diện mạo kiến trúc tôn giáo như ở thành phố Vũng Tàu. Chúng tôi tiếp tục hướng về các
vị tu sĩ yêu nước, yêu thành phố quê hương trong Ban Trị sự GHPGVN TPHCM.
MT