Đuốc thiêng vẫn sáng: Kỷ niệm 50 năm (1963-2013) ngày Thầy Thanh Tuệ-Vị pháp thiêu thân

duoc thieng

 

LGT:  Đạo Phật là đạo Từ Bi, Trí Tuệ, đem lại sự thanh thoát cho tâm hồn, khai phóng tư tưởng tiến bộ, mở ra hướng đi hòa bình, khoan dung cho nhân loại.

Dẫu vậy, Phật giáo không sao tránh khỏi quy luật thăng trầm, biến động chung của thế giới. Tại Việt Nam, cuộc vận động lịch sử của Phật giáo 1963, tuy đã gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng cuối cùng chân lý lẽ phải đã thắng, đã đánh thức được lương tâm và lương tri của cộng đồng thế giới.

Dòng thời gian lịch sử 50 năm (1963-2013) đang đi qua, với nhiều biến thiên của chính thể, của dân tộc, nhưng “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức, tinh thần xả thân bảo vệ chánh pháp của các vị Thánh tử đạo “Vàng-Lam” vẫn còn sáng mãi trong lòng Tăng Ni, Phật tử, nhân dân Việt Nam.

Bằng sự tôn kính của người con Phật, cũng như thể hiện tấm lòng “tri ân tiền nhân”, HP xin thiệu đến quý độc giả vài nét về cuộc đời và hạnh nguyện của Đại đức Thích Thanh Tuệ-Vị pháp thiêu thân, nhân ngày Tưởng niệm lần thứ 50 tại chùa Phước Duyên-Huế, của tác giả Tâm Quang, qua tựa bài: Đuốc Thiêng Vẫn Sáng.

 

chùa phước duyên, Huế-nơi thầy Thanh Tuệ tự thiêu 1963

 

 

ĐUỐC THIÊNG VẪN SÁNG

 

TÂM QUANG                                                                                              

 

 

       Ngày 24 tháng 6 năm Quý Mão (ngày 13.8.1963) là ngày Đại đức Thích Thanh Tuệ, vị pháp thiêu thân cúng dường Phật pháp, tại chùa Phước Duyên, Huế. Từ ấy đến nay, thời gian trôi qua đã tròn Năm Mươi Năm, nhưng ngọn Đuốc Thiêng mà Người thắp lên vẫn rực sáng giữa lòng Đạo pháp, dân tộc và nhân loại.

        Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đang đắm chìm trong vòng nô lệ của ngoại bang, sống trong một xã hội đầy dẫy sự bất công áp bức, niềm tín ngưỡng tâm linh cao đẹp của dân tộc bị chà đạp, sự sinh hoạt tôn giáo bị đối xử bất bình đẳng, thiếu tự do. Từ đó, đã tạo nên cho Phật giáo Việt Nam một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, quyết tâm đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo dù phải hy sinh xương máu.

        Nhìn thấy các bậc chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, chư Thượng tọa Đại đức Tăng Ni, cùng các thế hệ Phật tử cha anh, đang ngày đêm quật cường đấu tranh cho sự tồn vong của Đạo pháp, nhiệt huyết của tuổi trẻ như trào dâng, đã thôi thúc Người đi đến một quyết định làm rung động trái tim của mọi người con Phật và lay động cả lương tâm nhân loại trên toàn thế giới.

       Hạnh nguyện “vị pháp thiêu thân” cao cả của Người không chỉ tiếp nối ngọn đuốc Thiêng sáng ngời của Bồ tát Quảng Đức, của Đại đức Nguyên Hương, mà Người đã tiếp tục dấn thân cho một quá trình đấu tranh trong tinh thần “bất bạo động” trước một chính quyền vô nhân, hung hãn. 

        Người không chỉ góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam nhanh chóng đến ngày thắng lợi, mà Người còn đại diện xứng đáng cho cả một thế hệ Tăng sinh trẻ của Phật giáo Việt Nam nói riêng và cho cả một thế hệ Thanh, Thiếu niên Việt Nam nói chung bằng tất cả chí khí kiêu hùng, tinh thần bất khuất và ý thức trách nhiệm cao cả của một người con dân nước Việt, của một vị “Sứ giả Như Lai”.

        Hạnh nguyện “vị pháp thiêu thân” cao cả của Người, là một chứng minh cụ thể tấm lòng son sắt của người con Phật yêu chuộng tự do, bình đẳng, nhưng cũng vô cùng kiên cường, bất khuất trước nạn cường quyền, áp bức. 

       Câu nói của Người, trong bức thư gởi cho thân phụ, trước lúc tự thiêu đã đánh thức lương tâm và trách nhiệm của mọi người con Phật lúc bấy giờ, cũng như hôm nay và cho đến các thế hệ con cháu mai sau: “Con đã ý thức được sự tồn vong của Đạo pháp, con hy sinh bản thân con để làm tròn bổn phận của người xuất gia, cái chết là một lẽ dĩ nhiên mà tất cả mọi người và sinh vật, cậu không nên buồn”.

        Hôm nay, nhân lễ kỷ niệm 50 năm (1963-2013) ngày Người hiến thân cho Đạo pháp, thế hệ Thanh, Thiếu niên Phật tử chúng con hôm nay, xin thành kính đốt nén tâm hương vọng bái giác linh Người, xin chiêm ngưỡng di hình tỉnh mặc để ôn lại phần nào Thân thế và hạnh nguyện lớn lao của Người, để làm hành trang trên bước đường tu tập, hoằng dương và hộ trì Chánh pháp.

        Người sinh ra trong một gia đình Phật giáo trung nông, trên miền đất “Hải Lăng” của tỉnh Quảng Trị, miền đất mà lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trân trọng ghi nhận là nơi xuất hiện nhiều bậc Cao tăng thạc đức, nhiều đấng long tượng ra đời mà sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp lừng lẫy của quý ngài đã làm rạng rỡ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam suốt bao nhiêu thế kỷ.

        Người họ Bùi, húy Huy Chương, sinh năm Bính Tuất, 1946, tại thôn Ba Khê, xã Hải Thượng, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Bùi Dư, thân mẫu là cụ bà Hoàng thị Phục. Ông bà sinh hạ được 5 người con (3 trai, 2 gái), Người là con thứ tư, sau hai anh và một chị.

 

       Thác sinh trong một gia đình mà song thân đều là người hiền lành, chất phát và rất sùng phụng Tam bảo. Năm anh chị em đều là những người con hiếu thảo với cha mẹ và sống rất hòa thuận với nhau. Khung cảnh gia đình sum vầy, êm ấm ấy đã un đúc cho Người những đức tính cần cù, nhẫn nại, siêng năng, chăm chỉ trong học tập.

        Năm lên 7 tuổi (Quý Tỵ,1953) được thân phụ cho theo học chữ Quốc ngữ với một thầy giáo mở trường dạy học trong làng. Năm lên 8 tuổi (Giáp Ngọ, 1954), Người theo học trường Tiểu học trong quận, đến năm 12 tuổi (Mậu Tuất, 1958), Người thi đậu văn bằng Tiểu học.

 

       Trong suốt quãng đời niên thiếu ấy, Người lại thường được theo thân phụ lên chùa lễ Phật, nghe chư Tăng giảng pháp. Cuộc sống trang nghiêm, thanh tịnh chốn Thiền môn đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trí của Người. Từ đó, Người luôn nung nấu chí nguyện xuất gia cầu đạo giải thoát.

 

        Năm 14 tuổi (Canh Tý 1960), Người được thân phụ cho phép vào chùa Phước Duyên, Huế, cầu xin xuất gia thọ giáo với Hòa thượng khai sơn Tâm Ưng Đảnh Lễ (1918-1968). Với nguyện lực kiên cường và quyết tâm cầu pháp. Lần đầu tiên được diện kiến trước một bậc Cao tăng uy nghiêm, đức độ, nhưng qua những lời vấn nạn, Người đã ứng đáp thông suốt, lanh lẹ, thể hiện tư chất thông minh, giàu nghị lực, nên liền được Hòa thượng khai sơn từ bi hứa khả.

        Suốt thời gian “hành điệu”, Người đã tỏ rõ là một chú Điệu siêng năng, cần mẫn, chấp tác mọi công việc không lúc nào nề hà khó nhọc, nên rất được Hòa thượng khai sơn hết mực thương yêu và tận tình giáo dưỡng.

       Trong thời gian này, Người được Hòa thượng khai sơn cho theo học lớp Sơ đẳng rồi lên lớp Trung đẳng tại Phật học đường Báo Quốc. Ngoài chương trình Nội điển, Người còn được tiếp tục theo học chương trình Phổ thông tại trường Trung học Bồ Đề Thành Nội, Huế (Nay là trường Trung học cơ sở Thống Nhất, ở đường Đặng Dung, phường Thuận Thành, thành phố Huế).

        Năm 16 tuổi (Nhâm Dần, 1962), Người được Hòa thượng khai sơn y chứng cho làm đệ tử với Hòa thượng Nguyên Ngọc Tánh Hải (Hòa thượng Tánh Hải là trưởng tử của Tổ khai sơn Tâm Ưng Đảnh Lễ. Ngài hiện trú trì chùa Linh Sơn, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Sau khi lãnh thọ giới Sa-di, được Bổn sư đặt pháp danh là QUẢNG TRÍ, pháp hiệu là THANH TUỆ. Thể nhập đời thứ 45 dòng Thiền Lâm tế Chánh tông, đời thứ 11 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán.

        Năm 17 tuổi (Quý Mão,1963), Người tốt nghiệp văn bằng Đệ nhất cấp niên khóa 1962-1963.

        Lúc Người dự thi tốt nghiệp, cũng là lúc khí thế đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo của chư tôn đức Tăng Ni và Phật giáo đồ Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm đang diễn ra vô cùng quyết liệt. Nhìn cảnh tượng đấu tranh hào hùng, bất khuất của chư Tăng Ni và Phật giáo đồ dưới sự đàn áp vô cùng dã man của bạo quyền Ngô Đình Diệm, thực trạng ấy đã gây cho người Tăng sinh tuổi đời còn vị thành niên vô cùng bức xúc.

        Suốt mấy ngày liền, Người đã âm thầm suy tư, để rồi tự thân dứt khoát bằng một quyết định là “tự nguyện thiêu thân” để cúng dường Phật pháp và thức tỉnh nhân tâm. Người nghĩ và Người đã quyết tâm thực hiện. Vào nửa khuya ngày 24 tháng 6 năm Quý Mão (ngày 13.8.1963), Người lặng lẽ một mình ra trước cổng tam quan chùa Phước Duyên, Huế, sau khi tĩnh tọa, Người tự tẩm xăng vào lớp áo “Nhật bình” và châm lửa để “tự thiêu”.

        Ngọn lửa đại hùng từ thân xác Người đã bùng lên, tỏa sáng cả một bầu trời đêm đen thẳm trước cổng tam quan chùa. Tăng Ni, Phật tử khắp các nơi nghe tin đã nhanh chóng tấp nập kéo về nơi Người tự thiêu đông vô số kể. Vừa để chiêm bái, cầu nguyện, vừa để cùng chư Tăng, Phật tử, di chuyển nhục thân của Người lên chùa Từ Đàm để tổ chức tang lễ theo yêu cầu của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Năm cấp Trị sự Tổng Hội Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

        Nhưng khi đoàn di chuyển nhục thân của Người vừa mới qua đến khu vực chùa Thiên Mụ, thì bất ngờ lực lượng công an, cảnh sát của bạo quyền Ngô Đình Diệm đã bao vây từ mọi phía, lưỡi lê, súng đạn ào ạt tấn công vào đoàn người di chuyển nhục thân của Người, rồi cướp mất nhục thân đem về chôn giấu nơi quê hương của Người, không cho Giáo hội tổ chức tang lễ của Người theo nghi thức Phật giáo.

        Mãi cho đến năm Canh Ngọ, 1990, chư tôn đức chùa Phước Duyên, Huế mới đưa di hài của Người về cung táng và xây dựng bảo tháp phía trước cổng tam quan chùa Phước Duyên.                Qua những bức thư Người viết để lại trước lúc tự thiêu, với lời lẽ chân thành, tha thiết nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, đã thể hiện rất rõ quyết tâm và ý thức cao độ của Người đối với sự an nguy của Đạo pháp và dân tộc.

       Trong bức thư Người gởi cho chư tôn đức Tăng Ni và Phật giáo đồ Việt Nam, có đoạn Người viết: “Trước khi về cõi Phật, tôi trân trọng gởi đến quý ngài lời chào tối hậu và tôi xin thành kính cầu nguyện Hồng ân Tam bảo, Bồ tát Quảng Đức, liệt vị Thánh tử đạo gia hộ quý ngài pháp thể khinh an, để đoàn kết sau lưng Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết và Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, tranh đấu cho nền tín ngưỡng của dân tộc và yêu cầu chính phủ thực thi những nguyện vọng tối thiểu mà quý ngài đã ghi trong các biểu ngữ và trong các báo chí Phật giáo”.

        Trong bức thư gởi cho thân phụ và gia đình, Người đã dự tri được những điều nguy khó mà thân phụ và gia đình phải gánh chịu sau khi Người tự thiêu. Trong thư có đoạn Người khuyên thân phụ: “Con chết đi, cậu phải đương đầu với mọi đe dọa, nhưng cậu đừng sợ, đừng xiêu lòng, khi họ dùng những mánh lới khác, mà cậu phải hy sinh hoàn toàn cho Phật giáo, dù cho bản thân tứ đại của cậu phải bị diệt vong. Lần cuối cùng, con kính lời đến gia đình con, quý bác, chú thím, cô dì, cậu mợ và quý anh chị em thúc bá nội ngoại gần xa, lời chúc vĩnh biệt trước khi con về cõi Phật”.

        Trong bức thư gởi “Hai thầy và đạo hữu chùa Phước Duyên” Người chỉ viết ngắn gọn có mấy dòng, mà chan chứa tình cảm và thể hiện ý thức thức trách nhiệm sâu sắc sứ mệnh của người xuất gia: “Trước khi về cõi Phật, tôi kính cẩn chào quý thầy và đạo hữu ở lại được mạnh giỏi để phụng sự đạo pháp, noi gương vô úy của cố Hòa thượng Quảng Đức”.

        Cuối cùng là bức thư Người gởi cho Tổng Tống Ngô Đình Diệm, nhà lãnh đạo nước Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Qua giọng nói và những đòi hỏi đanh thép trong bức thư này, lịch sử đã khẳng định: Người không còn là một vị Tăng sinh 17 tuổi, Người không còn là một chú Sa-si vừa mới được lãnh thọ giới pháp, mà Người đã trưởng thành như một bậc xuất gia trưởng thành, pháp vị và pháp tự của Người xứng đáng dự vào hàng ngũ của các bậc “Trưởng tử Như Lai”. Khi Người mạnh mẽ đòi hỏi: “Hãy chấm dứt mọi tình trạng khủng bố và áp bức Phật giáo đồ và thả gấp tất cả những Phật tử bị bắt giam kể từ ngày mồng 8 tháng 5 năm 1963 đến nay. Hãy giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng của Phật giáo đồ đã nêu trong các biểu ngữ…”

        Năm mươi năm - Người đã an nhiên đi vào cõi Niết bàn tịch tịnh, nấm tro yêu quý của Người đã vĩnh viễn nằm yên dưới lòng tháp mộ. Nhưng pháp thân vòi vọi của Người vẫn tỏa rạng giữa lòng Đạo pháp, dân tộc và với cả hồn thiêng sông núi.

        Pháp danh và pháp hiệu cao quý của Người vẫn mãi là dấu ấn sâu đậm trong lòng chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hôm nay và mai sau… Hạnh nguyện cao cả của Người cũng sẽ mãi mãi là tấm gương sáng chói, soi đường cho hàng Phật tử hậu thế chúng con trên lộ trình tu tập, hoằng dương và hộ trì Chánh pháp.

        Năm Mươi Năm - Người đã đi - nhưng bóng hình của Người vẫn hiển hiện dưới mái chùa thân yêu, ngày đêm trầm hương vẫn xông ngát bên di ảnh và long vị của Người. Mảnh đất nơi Người tự thiêu, Hòa thượng trú trì và chư tôn đức chùa Phước Duyên đã quyết định xây dựng bảo tháp để làm nơi Người yên nghỉ. Đây cũng là nơi để hàng Phật tử hậu thế chúng con được chiêm bái một chứng tích lịch sử hào hùng của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ Pháp nạn đầy nước mắt và máu xương của biết bao thế hệ Tăng Ni và Phật tử.

        Trên bức bình phong hậu bảo tháp, Thiền sư Tâm Quán, bậc Cao tăng thế hệ tiền bối, đã không ngớt lời xưng tán hạnh nguyện cao cả của Người.

                    Đau thế gian ngã gục người học Tăng bé nhỏ

                    Em đốt tuổi xuân thành lửa đỏ,

                    Cháy ngất trời cao,

                     Ngọn đuốc rực về sông núi âm u.

                    Ôi ! thịt xương em,

                    Cho tôi quỳ ngàn năm trên đống tro yêu quý.

                     Luyện phép linh thiêng,

                     Biến em thành hoa hồng trở lại

                     Những đóa sen búp đầu mùa

                    Chưa kịp hái, chưa từng nở thấy ánh hào quang.

                    Tôi nghe rồi, em mưa gió phũ phàng

                    Tôi nghe rồi, em từng tế bào rưng rưng trong cơ thể.

                    Tôi nghe rồi, tiếng gọi em vang.

                    Không ai quên đâu, địa ngục hay thiên đàng,

                    Đều ngó em, tim thế gian đập mạnh,

                    Trời đất nhìn nhau, trời cao bay thấp.

                    Tên em viết bằng chữ trăng sao.

 

 

                     Lửa cháy em tôi,

                     Ôi ! xương là thịt

                     Em có đau không ?

                     Nước mắt tôi không đủ để tưới lên mát dịu

                     hồn em bé nhỏ thương đau.

bảo tháp Thầy Thanh Tuệ

 

         Cao quý thay!

         Năm Mươi Năm - Ánh Đuốc Thiêng Người thắp lên vẫn rực sáng trong sứ mệnh hoằng dương và hộ trì Chánh pháp của mọi người con Phật, trong đó có hàng Thanh, thiếu niên Phật tử hậu thế chúng con.

        Nhất tâm đảnh lễ:

        NAM MÔ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ VIỆT NAM PHẬT GIÁO VỊ PHÁP THIÊU THÂNTHƯỢNG QUẢNG HẠ TRÍ HIỆU THANH TUỆ ĐẠI ĐỨC.

             Tác đại chứng minh.

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle