Chìa khóa mở cánh cửa “gia đình hạnh phúc”

Gia đình là một “cõi riêng” rất đặc biệt với mỗi người, nên có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Một nghiên cứu của nhà tâm lý Salvador Minuchin về Cấu trúc gia đình (Structural Family Therapy-SFT) đã cho biết, có tới năm mô hình gia đình: Gia đình không gắn bó, gia đình dính chặt nhau, gia đình vắng bóng người cha, gia đình mẹ không quan tâm con cái, gia đình cả cha mẹ không chăm sóc con.

Tuy có cấu trúc khác nhau, nhưng vai trò và chức năng của gia đình vẫn có những quy luật tâm lý chung của nó.

Gia đình in dấu ấn lên nhân cách, lối sống của cá nhân

Dù bạn là ai, đang giữ cương vị nào, dù đang sống trong hào quang, hay lặng lẽ, im lìm kiểu “nobody, no name” thì với bạn, hai từ “gia đình” sẽ vẫn có một ý nghĩa rất thiêng liêng, nó thiêng liêng vì chứa đựng mọi riêng tư trong đời bạn.

Dù bạn là ai, đang giữ cương vị nào, dù đang sống trong hào quang, hay lặng lẽ, hai từ “gia đình” sẽ vẫn có một ý nghĩa rất thiêng liêng

Gia đình - nơi chấp chứa yêu thương và đón nhận bạn vô điều kiện, những vui buồn, sướng khổ, mọi biến cố cá nhân... - là nơi chốn bình yên, an toàn, ấm áp cho bạn trở về sau bao gió bụi cuộc đời, xoa dịu những mệt mỏi.

Cùng cách ấy, “nếp nhà” sẽ in hằn dấu ấn lên cuộc đời bạn. Dostoevski đã nói: “Nửa đầu của cuộc đời con người để tạo dựng thói quen, và nửa phần đời còn lại là để sống với những thói quen đó”. Các bậc cha mẹ, hãy luôn nhớ điều này mà xây dựng những thói quen tốt cho con: sự tự tin, sống sâu sắc, lòng biết ơn, khả năng tự lập…

Trong chúng ta, ai lớn lên cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ gia đình của mình. Nhiều cặp vợ chồng gặp rắc rối trong quan hệ hôn nhân, bắt nguồn từ ảnh hưởng của thói quen, quan điểm, nếp sống từ gia đình gốc (Original Family).

Khi tư vấn hôn nhân, việc đầu tiên chúng tôi làm là tìm hiểu về gia đình gốc của mỗi người, luôn có nhiều thông tin quan trọng giúp vợ chồng thấu hiểu nhau, cảm thông cho nhau để chấp nhận nhau.

Tôi nhớ mãi lời phàn nàn đầy lo lắng của một người vợ: “Chồng tôi gọi cô bạn đồng nghiệp bằng “em” xưng “anh” ngọt lịm, trong khi theo “nếp nhà” của tôi thì “anh” và “em” là hai từ rất riêng tư, chỉ dành cho vị trí đặc biệt trong mối quan hệ vợ chồng”.

Tôi hỏi chị có nói lên ưu tư đó với chồng không, chị cho biết, chồng chị nghĩ rằng anh ta có chút thay đổi trong cách xưng hô, do thói quen “mới nhập” từ bạn bè nơi công sở, nhưng anh thấy bình thường, trong khi vợ anh rất sốc khi biết chuyện. Việc này có là vấn đề hay không thành vấn đề, đều do cách nghĩ và thói quen, văn hóa ứng xử khác nhau trong từng gia đình.

Giá trị gia đình Á Đông

Âu - Mỹ vượt xa chúng ta về kỹ thuật và sự văn minh, nhưng vẫn thèm khát những giá trị gia đình mà người Á Đông đang có - sống tình nghĩa. Cái tình ở đây được hiểu và hành xử trong mối tương quan với người thân, không chỉ trong những hoàn cảnh sống thuận lợi, vui vẻ, thành tựu, mà còn là cách cưu mang nhau qua những biến cố, khó khăn, sai lầm, chịu đựng. Nó bao hàm “cái nghĩa” rất sâu sắc, lớn lao…

Chữ tình của phương Tây nghiêng về ý nghĩa sex nhiều hơn, khi nhu cầu và sự thỏa mãn không đi cùng nhau, thì đổ vỡ, chia lìa sẽ xảy ra.

Giềng mối gia đình Á Đông rất chặt chẽ, các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ nhau từ phương diện tinh thần lẫn tài chính, định hướng tương lai, giải quyết các vấn đề cá nhân (dù đôi khi hơi bất cập vì can thiệp quá sâu).

Ngày nay, khi giao tiếp xã hội càng “mở” thì ý nghĩa của gia đình càng trở nên quan trọng. Vì sao? Sự đổ bộ của các nền kinh tế, văn hóa vào Việt Nam kéo theo sự giao thoa các giá trị sống, đã ảnh hưởng không ít lên lối sống và cách tổ chức cuộc sống gia đình trẻ hiện nay.

Nhiều người trong chúng ta hoan hô kiểu sống phương Tây, với “chủ nghĩa cái tôi” được đẩy cao hết mức. Sống trong “khuôn phép” lâu ngày, ta ao ước và ca ngợi cái tự do và tự lập của họ, có biết đâu tỷ lệ ly hôn ở Mỹ hơn 50%. Đó là con số thống kê được từ những gia đình có hôn thú, con số thực còn cao hơn vì họ sống không kết hôn rất nhiều.

Sự đổ vỡ gia đình ở Mỹ nhiều đến mức cả thế giới đều biết. Hiện tại họ phải làm những chiến dịch xã hội, chỉ để tuyên truyền ý nghĩa, kêu gọi bữa cơm gia đình, để thắt chặt giềng mối các thành viên trong gia đình.

Trong khi đó, chúng ta đang coi bữa cơm gia đình trở nên quá bình thường đến mức nhàm chán, phải dắt nhau đi ăn tiệm cho cảm xúc mới mẻ. Nếu không tỉnh táo, chúng ta dễ bê nguyên những điều “đã sụp đổ” của người ta vào nhà mình.

Làm gì để giữ giá trị gia đình?

Một gia đình cân bằng là gia đình trong đó mỗi thành viên đóng trọn vai trò và làm đúng chức năng của mình. Nghĩa là, nếu cha đóng vai trò trụ cột của gia đình thì cha phải đảm bảo được cuộc sống vật chất cho gia đình, ngoài ra cha là người hoạch định kế hoạch phát triển cho gia đình, cho tương lai con cái, có đủ bản lĩnh để chèo chống qua những sóng gió cuộc đời. Cha đủ nội lực để chống lại những cám dỗ, khả năng miễn nhiễm với cạm bẫy, sa ngã đến từ mọi phía của đời sống.

Mẹ là người trợ lý đắc lực của cha, cùng cha thực hiện những kế hoạch đó bằng sự dịu dàng, tình thương yêu và sự chu toàn. Với sự khéo léo tinh tế, nhưng không ngừng bám sát mục tiêu của gia đình, mẹ chính là người chèo lái con thuyền gia đình, nhất là qua những khúc quanh của dòng sông.

Con cũng phải ra con. Nghĩa là con cũng phối hợp với cha mẹ để “hoàn thành kế hoạch” phát triển gia đình, trong sự hiểu biết và chia sẻ với cha mẹ. Con phải làm tròn trách nhiệm phần con là lo học hành, xây tương lai, và đóng góp sức con cho gia đình theo khả năng con, biết vâng lời và kính trọng mẹ cha, sống yêu thương hòa ái với mọi người.

Làm điều đó như thế nào?

Một gia đình bình thường là gia đình biết cách vượt qua những biến cố và tình huống bất ngờ, chứ không phải là một gia đình không có vấn đề.

Cuộc sống luôn biến động, và bị tác động bởi ngoại cảnh, mỗi gia đình đều sẽ đối mặt với những vấn đề riêng, tuy nhiên sẽ không quá khó khăn nếu gia đình đã xây nên một hệ thống giá trị.

Sống yêu thương, sẻ chia và quan tâm nhau, trong mọi tình huống đều lấy tình thương làm công cụ cũng như cách giải quyết vấn đề, thì gia đình nào cũng có chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc.


Ths. Tâm lý NGUYỄN THỊ TÂM – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Hồn Việt

Nguon: DNSG

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle