Thích Thái Hòa
Như
vậy, giáo nghĩa Tịnh Độ Phật A Di Đà có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ thứ sáu đã
được duy trì và phát triển liên tục cho đến ngày nay. Hiện nay, Pháp môn Tịnh Độ
Phật A Di Đà tiếp tục phát triển mạnh mẽ đến mọi thành phần xã hội của Việt Nam
qua các đạo tràng niệm Phật, ở các tự viện và tư gia không những ở trong nước mà
còn ở Hải ngoại.
Nhiều
bậc cao đức Tăng Ni Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như hàng Cư sĩ phần nhiều
là tu tập theo Pháp môn Tịnh Độ đơn thuần, hoặc có những vị vừa tu tập Thiền
trong Tịnh Độ, Tịnh Độ trong Thiền, nhưng cũng có những vị tu tập kết hợp đầy đủ
cả Luật, Giáo, Thiền, Tịnh và Mật. Và đã dịch cũng như viết nhiều tác phẩm liên
hệ đến Tịnh Độ, nhưng ở trong bài này, tôi chỉ nêu lên một số vị và một số tác
phẩm tiêu biểu.
Tín
ngưỡng Phật A Di Đà tại Việt Nam đã đóng góp tích cực cho đất nước Việt Nam
nhiều mặt cụ thể như đời sống tâm linh, văn hóa, nghệ thuật và cách hành xử giữa
con người với nhau.
Về
niềm tin, đã là con người, không ai không mơ ước cho mình một thọ mạng vô hạn,
một ánh sáng vô cùng, một niềm vui cao khiết, thanh tịnh và vô tận để sống, thì
tín ngưỡng Phật A Di Đà có mặt tại hành tinh này nói chung và có mặt tại Việt
Nam nói riêng, có thể để đáp ứng được những ước mơ cao khiết và thanh tịnh ấy
cho mọi con người, cho mọi lứa tuổi của xã hội con người chúng ta.
Về mặt đạo đức, tư tưởng và văn hóa, thì tín ngưỡng Phật A
Di Đà đã tạo ra cho thế giới con người chúng ta, một niềm tin cao khiết và rộng
lớn, để chúng ta có đủ khả năng định hướng cho cuộc sống chúng ta, dù là Tịnh Độ
ở đây hay tha phương, và con người muốn thụ hưởng các loại Tịnh Độ ấy, thì trước
hết, họ phải biết tự tịnh tâm ý, nghĩ đến điều lành, ba nghiệp lắng trong, khiến
cho những điều xấu ác nơi tự thân giảm thiểu và sự xấu ác của gia đình và xã hội
cũng duyên theo đó mà giảm thiểu theo. Đạo đức tự thân từ đó được hoàn thiện và thăng hoa; đạo đức gia đình
và xã hội cũng từ đó mà được duy trì, ổn định và phát triển.
Về mặt
tư tưởng, thì Tịnh Độ Phật A Di Đà là một tư tưởng đẹp; một tư tưởng vì người
quên mình với con đường thực hành Bồ tát hạnh, trải qua vô lượng kiếp của Tỷ
kheo Pháp Tạng, để từ đó phát khởi và hình thành bốn mươi tám đại nguyện, chủ
đạo cho tư tưởng bản nguyện Tịnh Độ, xây dựng một xã hội Liên Hoa bằng ý thức tự
giác và tự nguyện. Xã hội Tịnh Độ Phật A Di Đà được gọi
là xã hội an lạc và cực lạc, vì nó xuất hiện đúng theo ý nghĩa bản nguyện ấy.
Thiếu ý thức tự giác và tự nguyện, xã hội con người không bao giờ vươn tới được
với cái chân, cái thiện và cái mỹ trong cuộc sống. Thiếu ý thức tự giác và tự nguyện, thì mỗi hành động và cử chỉ của
con người sẽ tạo ra sự rối rắm và bất hạnh cho chính họ và đen tối cho cuộc đời.
Sống
lâu, sáng sủa, ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi, sạch đẹp, từ trong nhà ra ngoài ngõ,
từ đối nội đến đối ngoại và tất cả bà con xóm làng biết đối xử với nhau, bằng
tất cả tấm lòng tương thân tương ái chân thật, với đời sống ấy có ai mà không ưa
thích và không có ai là không mơ ước. Mơ ước về cái đẹp và ước
mơ được sống với cái đẹp đó, và cái đẹp đó là mình và hoàn cảnh của chính mình,
và là hoàn cảnh của những người mà mình thương yêu. Ước
mơ như vậy là ước mơ đẹp, một ước mơ đúng đắn và đáng yêu.
Những ước mơ ấy, ta không tìm đâu ra ngoài tư tưởng Tịnh Độ, và quê hương đẹp ấy
ta không tìm đâu ra ngoài quê hương Tịnh Độ. Tư tưởng đẹp, tạo nên tâm hồn đẹp,
phong cách sống đẹp và một đời sống đẹp cho chính chúng ta. Nên, tư tưởng
đẹp là tư tưởng Tịnh Độ. Nhờ tư tưởng ấy mà con người vươn lên từ niềm tin và hy
vọng của chính họ, khiến cho bộ mặt xấu ác của con người được dần dần chuyển
hóa.
Về mặt
văn hóa, nghệ thuật, thì Tịnh Độ Phật A Di Đà đã đóng góp cho nhân loại một gia
tài đồ sộ về các bản kinh luận, chú giải trước tác, thi ca, âm nhạc, hội họa và
nghệ thuật kiến trúc chùa tháp, hình tượng trên thế giới không thể nào kể xiết.
Về mặt
hành xử, Tịnh độ Phật A
Di Đà đã trở thành thân quen với mọi người từ người sống đến người chết. Tại
Việt Nam, những người sắp lâm chung có tín ngưỡng Phật A Di Đà được những người đồng nguyện
hộ niệm và chăm sóc chu đáo từ giây phút lâm chung, cho đến khi an táng và thờ
phụng. Họ chăm sóc để hộ niệm và yểm trợ cho tâm thức người quá vãng buông bỏ
những sợ hãi và tạp niệm để thành tựu được nhất niệm và nhất tâm, khiến được
diện kiến Tịnh Độ Phật A Di Đà hiện tiền nơi tự tâm hay
tha phương Tịnh Độ.
Đối
với người sống, phần nhiều Phật tử Việt Nam đều biết đến danh hiệu Phật
A Di Đà và họ thường chắp tay hoa sen chào nhau bằng
cách xưng trì danh hiệu ấy.
Người Phật tử Việt Nam, họ xưng trì danh hiệu
ấy để chào nhau có ý nghĩa gì?
Để chúc nhau và cầu nguyện cho nhau có đời sống dài lâu vô hạn; có ánh sáng của
trí tuệ soi chiếu vô hạn; có khả năng thực hành các ba la mật để tạo thành công
đức vô hạn; và họ chắp tay chào nhau với sự chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà như
vậy, để nhắc nhở cho nhau rằng, trong mỗi tự thân chúng ta đều có Phật A Di Đà,
chúng ta hãy cùng nhau làm cho Phật A Di Đà trong đời sống của ta sáng ra để làm
đẹp cuộc đời, làm nên thế giới, báo đáp bốn ân, cứu giúp chúng sanh ba cõi thoát
nẻo luân hồi đi về Tịnh Độ.
Vì vậy,
đối với tâm thức Phật tử Việt Nam trong quá khứ và hiện nay, Phật
A Di Đà không còn là tín ngưỡng hay văn hóa mà là đạo lý của cuộc sống.